Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Pussy Riot món "kê cân" cho Putin

- Quốc tế phê phán bản án cho Pussy Riot 

7 nhận xét:

  1. Trong tuần vừa qua đã kết thúc phiên tòa xét xử ba cô gái Pussy Riot, ban nhạc đã thực hiện cái gọi là cuộc cầu nguyện nghệ thuật hiện đại trong Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Matxcơva. Tòa phán quyết các bị cáo có tội về hành vi côn đồ gây mất trật tự, do động cơ đả kích tôn giáo và hận thù. Nadezhda Tolokonnikova, Maria Alekhina và Katerina Samutsevich sẽ thụ án tù 2 năm, tính từ khi các cô gái này bị bắt giữ hồi tháng Ba năm nay. Các luật sư bào chữa dự định kháng cáo chống án.

    Quá trình xét xử nhóm nữ bị cáo ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý chưa từng thấy của công chúng. Và điều này là hoàn toàn dễ hiểu: tiết mục quậy phá kỳ dị diễn ra ngay trong nhà thờ chính của đất nước. Đó có thể là hành động có tổ chức, và đằng sau ban nhạc này còn những nhân vật "đứng ở hậu trường", - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Sergei Mikheev nêu nhận xét.

    “Những cô gái này biết trước là sẽ đi đến đâu, họ đã suy tính lên kế hoạch hành động. Họ hiểu “cuộc biểu diễn” đó sẽ gây ra sự cộng hưởng như thế nào. Ở đây không phải đơn giản chỉ là sự đùa nghịch của những người trẻ quen được nuông chiều. Họ đặc biệt chú tâm chọn địa điểm diễn trò, để gây ra sự tức giận lớn nhất, để làm sao xúc phạm thật nhiều người. Còn mọi thứ khác xảy ra xung quanh vụ này, theo cái nhìn của tôi, phần lớn là tác động xúi giục. Thực tế rằng hành động của Pussy Riot khơi lên phản ứng từ nước ngoài đang xác nhận điều đó. Tôi có cảm tưởng rằng có ai đó đã đẩy những nữ nhân vật này đến hành động như vậy, để rồi sau đó trên cơ sở cuộc quậy phá sẽ thổi phồng thành vụ xì-căng-đan lớn với những phản hồi vượt ra ngoài biên giới nước Nga”.

    Phe đối lập tự do trong nước và những người cùng ý tưởng ở phương Tây ngay từ đầu đã chính trị hóa sự việc. Họ lập luận rằng phiên tòa xử Pussy Riot rồi sẽ gần như việc “băng qua sông Rubicon” không thể quay trở lại, và sau đó Nga không thể phát triển như một nhà nước dân chủ. Đồng thời, họ cố tình im lặng trước thực tế là điệu múa láo xược trong nhà thờ chính của đất nước đã sỉ nhục tình cảm của hàng triệu tín hữu.

    Cây bút chính luận Israel nổi tiếng Avigdor Eskin cho rằng nếu loại côn đồ như thế trong khuôn viên đền thờ sẽ là điểm khởi đầu của phong trào chống đối, thì có thể mạnh dạn đặt câu hỏi nghi ngờ về nền tảng đạo đức của nó.

    Trong khi đó, nhà văn kiêm nhà báo Dmitry Bykov nhìn phán quyết của tòa án theo cách khác như sau: “Tôi cho rằng ở đây không có động cơ bôi nhọ tôn giáo và hận thù. Mức tối đa có thể buộc tội mấy cô gái đó là vi phạm hành chính. Và bản án mà tòa đã tuyên, về thực chất không phải chỉ với Pussy Riot, mà còn là bản án với toàn bộ nước Nga, với các cư dân và thể diện quốc tế của đất nước. Và ở mức độ to lớn – là bản án với chính quyền của đất nước”.

    Trả lờiXóa
  2. Phương Tây chăm chú theo dõi diễn biến vụ Pussy Riot. Điều đó không có gì là lạ, khi người ta cố nắm lấy bất kỳ cớ gì để phê phán Nga, để dạy Nga cách sống “đúng đắn”. Chính đó là lý do có vô số phát ngôn của các chính trị gia và các ngôi sao của làng giải trí showbiz bày tỏ sự ủng hộ mấy cô gái côn đồ. Có vẻ như các nghệ sĩ và nhạc sĩ thực tâm tin rằng hành động của Pussy Riot không có gì quá đáng mà chỉ là vụ trình diễn có chút lố lăng theo lối nghệ thuật hiệu suất. Còn thực tế là hành động như vậy diễn ra trong nhà thờ Chính thống giáo, thì người ta chỉ coi là "tiểu tiết". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cho thấy sự “mẫn cán” truyền thống khi kêu gọi xét lại bản án. Thực chất, đó đã là cử chỉ chính trị, hay nói chính xác hơn, là toan tính can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.

    Hành động của Pussy Riot xúc phạm phần lớn cộng đồng xã hội Nga, - đó là nhận định của ông Maksim Grigoriev Chủ tịch Quĩ nghiên cứu các vấn đề dân chủ.

    “Bộ phận đông đảo trong cộng đồng cho rằng các cô gái đã chà đạp lên cơ sở đạo đức của xã hội Nga là tín ngưỡng Chính thống giáo. Đơn giản là các cô đã hành xử theo kiểu côn đồ. Các thành viên của nhóm này đã tổ chức họat động mà đánh giá tối thiểu cũng là kỳ quái và láo xược”.

    Trong ngày tòa tuyên án, những người ủng hộ Pussy Riot cũng đã tổ chức hàng loạt hành động, đáng lên án không chỉ về đạo đức, mà còn sai trái dưới góc độ pháp lý. Chẳng hạn, ở Matxcơva những người ủng hộ các bị cáo đã choàng mặt nạ lên tượng đài các danh nhân văn hóa Aleksandr Pushkin và Mikhail Lomonosov, cũng như lên tác phẩm điêu khắc Đội viên Du kích của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ở Sofia, tượng đài chiến sĩ Xô-viết bị bôi bẩn. Tại Kiev, những thành viên phong trào nữ quyền Femina ngực trần lõa lồ vác cưa ra cưa cây thánh giá tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị dựng ở trung tâm thành phố. Ở Pskov, những kẻ phá hoại giấu mặt vẽ nguệch ngoạc bậy bạ lên bức tường của nhà thờ Chính thống giáo.

    Những người cùng tư tưởng với ban nhạc Pussy Riot đã làm ngơ trước thực tế là sau vụ ở giáo đường Chúa Cứu thế, trong nước đã lan ra làn sóng lăng nhục các nhà thờ, xảy ra những cuộc tấn công của đám thanh niên cấp tiến hung hăng nhắm vào các vị linh mục. Khó có thể gọi đó là biểu hiện của bất đồng chính kiến và cuộc trình diễn nghệ thuật hiệu suất, như khẳng định của những đối tượng ủng hộ ban nhạc nữ Pussy Riot.

    Dù sao chăng nữa, án đã được tuyên. Tòa án đã tính đến những tình tiết giảm nhẹ, trong đó có việc hai nữ bị cáo đang nuôi con nhỏ, thêm nữa các nạn nhân từ hành động côn đồ của các cô gái này không nhấn mạnh đòi hỏi xử lý nghiêm khắc. Kết quả là bản án 2 năm tù về tội côn đồ, trong khi khung hình phạt tối đa cho tội danh này là 7 năm tù giam.

    Trả lờiXóa
  3. Sau khi kết án đưa vào trại cải tạo ba nữ ca sĩ của Pussy Riot hồi tuần qua, chính quyền Nga tiếp tục truy tìm những thành viên khác của ban nhạc, vì đã tham gia vào buổi « cầu nguyện punk » chống Putin tại một nhà thờ ở Matxcơva.

    Một đại diện của cảnh sát Matxcơva, hôm nay, cho AFP biết họ vẫn đang tiến hành một chiến dịch truy tìm các thành viên khác của ban nhạc Pussy Riot đã tham gia vào buổi trình diễn chống Putin.

    Hôm 21 tháng Hai, 5 phụ nữ đội mũ bịt mặt đã vào bên trong nhà thờ Chúa cứu thế tại Matxcơva, cầu nguyện xin Đức Mẹ đồng trinh « xua đuổi Putin ». Nhân viên an ninh sau đó đã tới giải tán. Ngoài 5 phụ nữ nói trên còn một số người khác cũng tham gia như để ghi hình lại sự kiện diễn ra tại nhà thờ.

    Ít ngày sau, cảnh sát đã bắt giữ ba thành viên của nhóm nhạc punk gồm Nadeja Tolokonnikova, 22 tuổi, Ekaterina Samoutsevitch, 30 tuổi và Maria Alekhina, 24 tuổi. Những ca sĩ này hôm 17/8 đã bị kết án mỗi người 2 năm cải tạo vì hành vi « côn đồ » và « kích động thù hận tôn giáo ».

    Bản án dành cho các thành viên ban nhạc Pussy Riot đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Nga cũng như nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới ca nhạc của thế giới như ca sĩ Madona hay thành viên của ban nhạc Beatle, Paul MacCartney, đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với ba ca sĩ của Pussy Riot bị kết án, đồng thời lên án chính quyền Nga.

    Hôm nay, luật sư của ba nữ ca sĩ nói trên cho biết thân chủ của họ sẽ không xin tổng thống ân xá mà sẽ kháng án.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VOA 26/8:
      Ban Pussy Riot chuyên chơi nhạc punk của Nga cho biết hai thành viên của họ đang bị nhà chức trách lùng bắt đã trốn ra nước ngoài.

      Ban gồm toàn phái nữ này đã gửi tweet hôm Chủ nhật cho biết hai người của họ “đang tuyển mộ những người nước ngoài tranh đấu cho nữ quyền để chuẩn bị cho các hành động mới.”

      Ba thành viên còn lại của ban đã bị kêu án 2 năm tù về tội “côn đồ.”
      Nguồn VOA

      Xóa
  4. Vladimir Putin, tổng thống lần thứ 3 của liên bang Nga từng tự nhận mình là một hiệp sĩ, có tinh thần hiệp sĩ, dấn thân cho sự nghiệp cao quý là cứu nhân độ thế, hy sinh cho nước mình và cho cộng đồng nhân loại.

    Vào năm 2000, sau khi được bầu là Tổng thống Liên bang Nga ở tuổi 48, ông Putin sang thăm chính thức nước Pháp, được giới thiệu là một con người Hùng của nước Nga, còn được giới truyền thông Pháp nhận định là mang tinh thần thượng võ của một hiệp sĩ đa năng – multi chevaleresque - cực kỳ quý hiếm.

    Trong tiểu sử của ông Putin, có ghi rõ ông từng là sỹ quan, đại tá ở trong quân đội Xô viết và ngành An Ninh KGB, lập nhiều thành tích trong các ngành thể thao mũi nhọn, mang đai 6 trong các môn võ Sambo, Judo và Karate, đánh box, đua ngựa, trượt tuyết, đua xe đạp đều cừ, còn tham gia đua xe gắn máy phân khối lớn tốc độ cao, có chân trong đội hockey trứ danh của Leningrad.

    Vẫn chưa hết, nhà hiệp sĩ Putin còn lặn xuống dưới đáy đại dương, còn trưng ra bức ảnh ngồi trong buồng lái của chiếc máy bay ném bom chiến lược Tupolev TU-160, chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo văn võ toàn tài, xứng đáng làm tổng thống lần thứ 3 và còn có thể là tổng thống lần thứ tư nữa, khi hiện ông chưa đến 60 tuổi.

    Vậy mà đã có 3 cô gái Nga cả gan chống lại tham vọng của ông. Đó là các cô sinh viên Nadejda Tolokonnikova 22 tuổi, Ekaterina Samoutsevitch 30 tuổi, và Maria Alekhina 24 tuổi, họ tự đặt ra một bài hát rất ngắn chỉ có một câu là «cầu nguyện Thượng đế không để Putin làm tổng thống nữa», và rủ nhau vào Nhà thờ Chúa Cứu thế giữa thủ đô Moscow để hát và cầu nguyện theo bài hát ấy.

    Thế là 3 cô bị bắt tại chỗ, bị xích tay, bị truy tố và đưa ra xét sử trước tòa án Moscow ngày 17/8/2012 vừa qua, và trước tòa, bà chánh án Marina Syrova tuyên án 2 năm tù ở trại cải tạo cho 3 cô gái Nga nói trên, với tội trạng vu vơ: «xúc phạm tình cảm của những người tín ngưỡng có mặt trong nhà thờ».

    Trả lờiXóa
  5. Lập tức cả một phong trào phản đổi nổ ra khắp thế giới, từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền tự do phát ngôn, quyền tự do báo chí truyền thông,từ các nguyên thủ quốc gia, các bộ ngoại giao, các đoàn thể phụ nữ, tôn giáo, sinh viên, giáo dục… lên tiếng cho rằng nước Nga đã trở lại thời cộng sản kiểu Stalin, với các trại cải tạo Kulag rùng rợn, rằng bản án là vô cùng nặng nề, quá đáng, không cân đối với sự vi phạm. Huống gì bài hát ngắn không hề nói xấu, kể tội gì đương sự là ông Putin, chỉ nói lên một ước vọng là ông ta thôi chức tổng thống đã vào khóa thứ ba.

    Luật sư Nga bảo vệ 3 cô sinh viên cho rằng tòa án đã tuyên án không phải theo luật hiện hành và tập quán tố tụng quốc tế, mà là theo lệnh trên, ông cho là do đích thân tổng thống Putin ra lệnh, nhằm ra oai, trả thù 3 cô gái yếu ớt tay không, không có quyền hành gì, đã dám dùng quyền công dân nói lên một cách độc đáo và thông minh ước vọng yêu nước của mình.

    Dư luận nước Nga và gia đình 3 cô gái đang nỗ lực vận động công luận toàn liên bang Nga yêu cầu tổng thống Putin xử dụng quyền ân xá đặc biệt của tổng thống để hủy bỏ bản án không công bằng, càng không sạch sẽ này. Để xem ông Putin cuối cùng nghĩ lại và sẽ động tĩnh ra sao. Nếu không đây sẽ là một vết nhơ bám chặt suốt nhiệm kỳ này của ông Putin.

    Dư luận báo chí Pháp bàn tán rất sôi nổi về bản án không cân đối, mang tính phục thù thấp kém này.

    Ông Putin từng hãnh diện mình là một nhà hiệp sĩ, ắt phải là một «hiệp sĩ không sợ ai, cũng không bao giờ phạm sai lầm» – un Chevalier sans peur et sans reproche.

    Một hiệp sĩ chân chính dấn thân cho nghĩa lớn trên đời không bao giờ chơi đòn trả thù hiểm ác và thấp hèn đối với bất cứ ai. Huống chi đây lại là 3 cô gái chỉ có sáng tác một câu hát, còn ít tuổi hơn 2 cô con gái Aline và Anna của nhà hiệp sĩ đa năng Putin.
    Bùi Tín

    Trả lờiXóa
  6. Chỉ vài ngày sau lệnh ân xá bất ngờ cho cựu tài phiệt dầu mỏ Nga Mikhail Khodorkovski, giờ đến lượt hai thành viên của ban nhạc Pussy Riot được ra tù trước thời hạn bởi sắc lệnh ân xá của Tổng thống Nga. Maria Alekhina và Nadejda Tolokonnikova đã được trả tự do ngày hôm nay 23/12/2013 và ngay khi vừa ra khỏi trại gia, hai nữ ca sĩ đã không ngần ngại chỉ trích chế độ của Putin.

    Maria Alekhina, 25 tuổi đã ra khỏi trại giam Nijni-Novogrod khoảng 9 giờ sáng hôm nay, giờ địa phương, bằng xe của nhà tù. Phát ngôn viên của cơ quan thi hành án địa phương đã khẳng định thông tin trên với báo chí. Sau đó vài giờ, thành viên còn lại của Pussy Riot là Nadejda Tolokonnikova cũng đã ra được rời trại giam ở thành phố Krasnoiarsk, thuộc vùng Siberi.

    Xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn đầu tiên khi vừa được tự do, với dáng vẻ vẫn khỏe Maria cho biết cô không hề bị mất tinh thần đấu tranh. Về luật ấn xá mới thông qua, thành viên của Pussy Riot nói : « Tôi không cho đây là một cử chỉ nhân đạo mà là một chiến dịch tuyên truyền thì đúng hơn ». Cô nhận định luật mới chỉ là một sự bôi bác vì đối tượng được ân xá của luật chỉ chiếm không đến 10% tù nhân hiện nay. Trong khi đó Nadejda vẫn kêu gọi « nước Nga không Putin ».

    Maria Alekhina một trong ba nữ ca sĩ của ban nhạc Pussy Riot bị kết án tù vì đã hát những bài hát chế nhạo Tổng thống Vladimir Putin trong một nhà thờ ở Matxcơva từ đầu năm 2012. Một thành viên của ban nhạc đã được thả hồi cuối năm ngoái.

    Việc trả tự do cho hai thành viên của ban nhạc là hệ quả của luật ân xá mới được Quốc hội Nga thông qua tuần trước. Tuy nhiên chỉ còn vài tháng nữa các cô gái của Pussy Riot cũng sẽ mãn hạn tù.

    Việc Tổng thống Putin khẩn trương ra sắc lệnh ân xá cho các tù nhân được quốc tế chú ý nhiều, như cách đây vài hôm là trường hợp của cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovski, nay là hai cô ca sĩ của ban nhạc Pussy Riot, đã được giới quan sát đánh giá là nhằm mục đích cải thiện hình ảnh của nước Nga khi Thế Vận Hội mùa đông Sotchi sắp diễn ra vào tháng 2 năm tới.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips