Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

"Văn hóa" vỗ tay

Niềm hy vọng lớn nhất của thể thao VN tại Olympic Luân Đôn 2012 lực sỹ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn (hạng cân 56kg) đã thi đấu thất bại và đứng hạng 4 chung cuộc.
Một trong những nguyên nhân có thể vì... những tiếng hô hào lạc lõng?
Một quan chức trong đoàn Olympics từ Hà Nội sang London cho hay ông không hài lòng với tiếng hô “Việt Nam cố lên!” trong ngày thi đấu thiếu may mắn của Trần Lê Quốc Toàn.
Theo lời kể thì khi Quốc Toàn bắt đầu nhấc tạ thì có mấy bạn trẻ Việt Nam, chắc là sinh viên, đã gào to khiến lực sỹ của Việt Nam mất đi một vài tích tắc tập trung tâm trí rất cần thiết.
Tiếng hô tiếp theo “Toàn ơi cố lên!” lạc lõng giữa không khí lặng thinh ở cả arena trước khi các vận động viên vào cuộc đã phá mất cân bằng tâm lý của người thi đấu, theo đánh giá của quan chức thể thao có mặt.
Tất nhiên, khó có thể nói đó là lý do duy nhất khiến Trần Lê Quốc Toàn trượt mất huy chương đồng trong ngày 29/7.
Nhưng có lẽ điều chắc chắn là các bạn Việt Nam kia nghĩ rằng đi xem là dịp để thể hiện cảm xúc riêng, gào cho sướng nơi công cộng, bất chấp tác động xấu với người thi đấu.
Họ quên rằng tại các nhà thi đấu cũng cần có văn hóa, cần ứng xử đó là ‘Đúng lúc, đúng chỗ’, nhất là ở một xã hội tôn trọng sự ý nhị như Anh.
Quốc Toàn trông rất sung mãn trong phòng tập ở Luân Đôn
Vô địch SEA Games 2011 - hạng cân 56kg
Không chỉ trong thể thao ở những nơi cần sự yên tĩnh nhất như khi nghe hòa nhạc, cái "văn hóa vỗ tay" cũng gây nhiều khó chịu cho cộng đồng.
Xem thêm: Thót tim vì tiếng vỗ tay

1 nhận xét:

  1. Lễ khai mạc của Olympic London 2012 đã diễn ra hoành tráng hơn cả mong đợi. Trong lúc đạo diễn người Anh Christopher Nolan đang làm dân ghiền phim phát sốt vời siêu phẩm The Dark Knight Rises thì ông đạo diễn người Anh khác là Danny Boyle khiến cư dân há hốc mồm ra vì sự kỳ vĩ của lễ khai mạc.

    Riêng dân ta, lễ khai mạc cũng là cơ hội hiếm hoi được nhìn thấy những VĐV thể thao yêu thương tại London. Tại sao nói vậy? Vì được dự Olympic đã khó rồi, mơ đến việc họ vào chung kết và đứng trên bục huy chương lại càng khó. Thế vận hội chứ có phải SEA Games đâu mà huy chương rơi ầm ầm xuống chụp không kịp.

    Vì các đoàn diễu hành xuất hiện theo thứ tự ABC nên đoàn Việt Nam đứng gần cuối cùng. Nhưng không phải vì buồn ngủ mà vị BLV đang nói huyên thuyên trên đài truyền hình Anh bỗng dưng im re khi thấy đoàn thể thao Việt Nam. Im re vì họ có biết nói gì đâu. Không lẽ tối ngày nhai đi nhai lại “và đây là quốc gia của nước mắm, áo dài và phở” hay sao?

    Đừng nói người Anh không biết VĐV Việt Nam. Đến cả xứ mình nhìn vào còn không biết nữa. Ngoài tuyển thủ Nguyễn Tiến Nhật cầm cờ, khó mà nhận ra thêm một VĐV nào khác của Việt Nam. Tuyệt đại đa số các thành viên đi sau lưng anh Nhật là… sếp ảnh, tức các quan chức. Năm nay số VĐV tham gia Olympic của Việt Nam là cao nhất từ trước đến nay: 18 người. Vậy mà tổng số thành viên đến London lại lên đến con số 56 người. Nhưng BTC Olympic chỉ cho chúng ta 44 suất nên phải có một số người không được vào làng Olympic. Mà khỏi nói mấy bạn cũng biết là ai được vào làng, ai phải ở ngoài chờ mấy người ngồi trong đi về rồi mới vào rồi đó.

    Làng Olympic là chỗ ở, sinh hoạt và tập luyện của các VĐV. Những Michael Phelps, Usain Bolt, Novak Djokovic, Ryan Giggs chắc là sẽ ngạc nhiên khi thấy mấy thành viên của làng Việt Nam lắm. Bởi làm sao đòi hỏi các quan chức của đoàn Việt Nam có cơ bắp cuồn cuộn, thể hình lý tưởng như các VĐV được. Nghĩa là dù không đạt được thành tích cao tại London, Việt Nam ta cũng có cái nhất: số quan chức đông nhất. Chỉ có 18 VĐV đi thi 11 môn mà có hàng chục quan chức theo ân cần, chăm lo. Sướng thế còn gì.

    Cái sự chăm lo ấy còn đến từ số tiền thưởng dành cho các VĐV Olympic. Nghe đâu HCV được thưởng đến 5.000 USD. Cái đó là thưởng cứng, còn mấy nhà tài trợ sẵn sàng thưởng thêm hàng tỷ đồng cho chiếc HCV, tức mức thưởng cho người giành HCV có thể lên đến 50.000 USD. Nếu vậy thì Việt Nam treo thưởng hơn xa Mỹ và… Trung Quốc, 2 quốc gia mạnh nhất Olympic.
    Mỹ thưởng cho VĐV giành HCV có 25.000 USD, con số này không đổi trong suốt 1 thập kỷ qua. Trong

    khi đó Trung Quốc cũng chỉ thưởng dưới 34.000 USD. Vậy mới thấy Việt Nam ta chơi sang hơn cả những quốc gia lắm tiền nhiều của nhất thế giới. Nhưng treo thưởng… cho vui vậy chứ các VĐV có được đâu. Trình độ của ta chưa so được với bạn bè thế giới, nghe nói VĐV Việt Nam qua London cũng chỉ được xếp 1 tuần tập 2 lần. Rồi muốn tập thì phải di chuyển 70 km đi về mỗi ngày. Ông HLV Oscar Tabarez của Uruguay lỡ bị kẹt xe có mấy tiếng đã hét ầm lên, đội ổng mà một ngày phải chạy 70 km mới được tập chắc ổng tẩy chay Olympic luôn.

    Khó khăn muôn vàn vậy, không lạ khi nhiều VĐV của ta đã sớm rơi rụng. Món tiền thưởng trên trời kia sẽ tiếp tục nằm yên trong két. Treo thưởng kiểu đó tui treo cũng được. Chẳng khác gì kêu nhóc 3 tuổi đi đánh 1 thằng bự chà bá rồi cho cục kẹo, khác nào thách con chó leo cây, còn mèo bơi lội, con cá nằm phơi nắng hay con chuột đeo nhạc cho mèo. Nhưng ít ra mình cũng có quyền tự hào là treo thưởng không thua gì hàng xóm láng giềng.

    Ừ, ít ra cũng phải có cái không thua chứ!
    BLV Đình 8

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips