Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Sâu đục toác đường Lê Văn Lương - Hà Nội

Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 7h30 phút sáng ngày 19/8 khiến đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài, đoạn qua khu đô thị Dương Nội bị xẻ đôi, xuất hiện hố tử thần giữa đường...
Con đường khánh thành ngày 10 tháng 8 năm 2010 với số vốn đầu tư ban đầu gần 700 tỷ đồng. Đường có tổng chiều dài hơn 2,6km, mặt cắt ngang 40m, với 6 làn xe.  Đường đi qua khu đô thị Phùng Khoang, Vạn Phúc, Dương Nội, cắt đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông)

6 nhận xét:

  1. Thay vì ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp, thay vì cùng phối hợp với các chuyên gia thì cả Nam Cường lẫn Sông Đà Thăng Long lại lấy cuộc họp này làm nơi quy trách nhiệm cho nhau, biến phòng họp của Sở GTVT thành nơi đôi co, cãi vã.

    Sau khi ý kiến của đại diện Sở Xây Dựng Hà Nội đưa ra yêu cầu hai bên thống nhất việc mời đơn vị tư vấn, thiết kế độc lập có đủ tư cách pháp nhân đánh giá, thẩm định chất lượng công trình thi công của cả Nam Cường lẫn Sông Đà Thăng Long. Từ đó có đánh giá và kết luận một cách khách quan về sự việc. Hai bên lại lao vào đổ trách nhiệm cho nhau.

    Đại diện Nam Cường, ông Trần Oanh - Tổng Giám đốc đã thẳng thừng nói ngoài nguyên nhân do tác động ngoại cảnh là mưa gió mấy ngày qua, nguyên nhân góp phần làm hư hại công trình tuyến đường phát triển phía Bắc quận Hà Đông là do Sông Đà Thăng Long thi công xây dựng các tòa nhà sát mép đường không đảm bảo an toàn đã gây ra sự việc nghiêm trọng này.

    Phản bác lại ý kiến của phía Nam Cường, ông Khuất Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long cho rằng ông Oanh không được phát biểu áp đặt như vậy gây ảnh hưởng tới thương hiệu của Sông Đà Thăng Long. Việc phát biểu như vậy là thiếu căn cứ.

    Cũng tại đây, ông Khuất Việt Hùng dù không nói nguyên nhân do chất lượng thi công của Nam Cường không đảm bảo nhưng ông cũng đưa ra “hiện tượng” của sự việc và công bố rằng: trước khi xảy ra việc sụt lún đã phát hiện hiện tượng phun nước từ mặt đường lên gây ngập đường, nước tràn vào mép đường và gây hậu quả nghiêm trọng.

    Sự đôi co chỉ chấm dứt khi ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vào phòng yêu cầu các bên thực hiện công việc đã được giao chứ không phải lấy trụ sở của Sở làm nơi đôi co, cãi nhau.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Hố tử thần Lê Văn Lương qua lời nhân chứng
    “Đuôi chiếc xe buýt 37 vừa đi qua thì cổng chào đổ và đường bắt đầu sạt lở. Khu vực sạt lở càng ngày càng to….”, một nhân chứng chưa hết bàng hoàng kể lại.

    Hà Nội: Lấp xong “hố tử thần” phải mất 15 ngày
    Chiếc xe buýt mạng lớn

    Lúc 16h ngày 19/8, tại khu vực xảy ra sự cố sạt lở ở đường Lê Văn Lương kéo dài, rất nhiều người dân ở khu vực lân cận và những người thường đi qua đoạn đường này tới xem.

    Mọi người đều hoảng hốt khi nhìn thấy cái hố sâu, rộng cắt ngang đoạn đường. Nhiều người cám ơn trời vì hôm nay vào thời điểm đó mình không đi qua chỗ đường này.

    “Nếu hôm nay là ngày thứ chắc tôi và nhiều người khác rơi xuống kia rồi vì tôi thường đi làm qua đoạn đường này lúc 7h20 – 7h30”, chị Đỗ Thị Lam, một người dân đến xem chia sẻ.
    Trao đổi với chúng tôi, người đàn ông trung tuổi, làm việc trong bãi ô tô (đề nghị giấu tên) gần hiện trường vu sạt lở sáng ngày 19/8 tại đường Lê Văn Lương cho biết, thời điểm bặt đầu xảy ra sạt lở đất khoảng 7h15.

    Lúc đó, anh đang trong phía bãi xe thì nghe thấy tiếng nhân viên bảo vệ công trình xây dựng gần đó quát to, anh chạy ra thì thấy chiếc cổng chào bị đổ gẫy, phía trước là chiếc xe buýt số 37. Cái đuôi xe buýt vừa qua khỏi (vị trí sạt lở - PV) thì mặt đường bắt đầu sụt lún.

    “Chứng kiến cảnh đó tôi bủn rủn hết cả chân tay, tim đập mạnh. Chiếc xe buýt kia đúng là mạng lớn”, người này nói.

    Cũng theo nhân chứng, mọi ngày lúc 7-8h, các phương tiện đi qua đoạn đường này rất đông nhưng hôm nay, vào thời điểm trước và sau khi xảy ra sự cố đều ít người đi lại. Lúc xảy ra sự cố chỉ có chiếc xe buýt số 37 vừa đi qua.

    “Có lẽ hôm nay là chủ nhât, trời lại mưa nên đường mới vắng vậy. Đó cũng là một cái may trong cái rủi”, người đàn ông thở phào.

    Người này còn cho hay, khi xảy ra sự cố, một số người chứng kiến thắc mắc về sự cố, nhân viên bảo vệ công trình nói “đã thông báo sự viêc cho cơ quan chức năng”.

    Không chứng kiến từ đầu cảnh “hố tử thần” cắt đứt đường Lê Văn Lương nhưng anh Nguyễn Tiến Đông, ở Dương Nội cũng cho hay, lúc 10h anh nghe tin có sụt lún ở địa điểm này nên đã phóng xe ra xem.

    “Khi tôi đến, nước ở các cống xối xả rất mạnh, khu vực nứt mới chỉ 1/2 nửa đường bên phía gần khu công trình đang xây dựng. Đến 12h thì khu vực sạt lở ăn đến dải phân cách và đến 16h thì đã lẹm sang gần nửa làn đường bên kia”, anh Đông kể.

    Còn chị Tử Thị Tuyết, ở Yên Nghĩa, Hà Đông thì cho biết, sáng nay khoảng 7h kém, chị đi qua đoạn đường này để đến chỗ làm ở 70 Nguyễn Chí Thanh và đã cảm thấy có điều bất thường khi nhìn thấy tấm hàng rào chắn phía công trường đang thi công với đường bị đổ.

    Do đó, khi tan giờ làm buổi chiều về đến đây, chị hoảng hốt khi thấy đoạn đường bị nứt làm đôi. Chị chạy khắp đám đông hiếu kỳ, hỏi hết người này, người kia xem có ai đi đường bị làm sao không.

    “Ngày nào, tôi cũng đi làm qua đoạn đường này. Tối hôm qua tôi còn thấy hàng rào còn ngay ngắn, nhưng sáng nay đã nghiêng ngả rồi. Đến giờ đi làm về thấy thế này tôi cũng hoảng. May là không có ai bị làm sao”, chị Tuyết thở thở hổn hển như chính bản thân vừa thoát khỏi cõi chết.

    Trả lờiXóa
  3. Lỗi tại công trình xây dựng bên đường?

    Theo nhiều người đến xem tại hiện trường chiều 19/8, một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ sụt lún nghiêm trọng này là do công trình xây dựng hai tòa nhà thuộc chung cư U Silk City của Tổng công ty Sông Đà thi công ẩu. Được biết, tòa nhà này có 3 tầng hầm và đang xây dựng dở dang.

    Anh Nguyễn Văn Phú, một người tới xem sự cố sạt lở cho biết anh là kỹ sư của một công ty xây dựng ở Hà Nội.

    Theo anh Phú, quan sát hiện trường anh thấy, phía bên trong hàng rào chạy dọc ngăn giữa công trình và đường dựng quá sơ sài, không thấy cừ chống hoặc có thể đã rút ra. Theo đó, khi mưa xuống lượng nước trên mặt ngấm xuống, các mạch nước mặt dồn về công trình đang thi công.

    Lượng nước này kéo theo lượng, đất, cát chạy dọc mạch qua đường về hố móng công trình, tạo thành hổng ở dưới lòng đường, dẫn đến làm sụt, vỡ phía mặt đường.

    Ông Nguyễn Quang Linh - Chánh Văn phòng Tập đoàn Nam Cường (chủ đầu tư dự án đường Lê Văn Lương) khẳng định, việc sạt lở, xẻ đôi đường Lê Văn Lương kéo dài trong sáng 19/8 hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Công ty Sông Đà Thăng Long.

    "Khi xây dựng tòa nhà (đối diện khu đô thị mới Dương Nội), Công ty Sông Đà Thăng Long đã đào một hầm sâu tới 12m và đây chính là nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở. Khi tiến hành xây dựng phía Công ty Sông Đà đã làm một bản cam kết. Theo đó, họ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc xây dựng của mình", ông Linh cho biết.

    Tại cuộc họp khẩn cấp tại Sở GTVT Hà Nội chiều 19/8, lãnh đạo Sở nhận định, nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên là do thi công hố móng tòa nhà 104, 105 thuộc tổ hợp chung cư U Silk City của Tổng công ty Sông Đà nằm sát ngay ven đường mới rút cọc chống mép vệ đường nên mặt đất phía dưới bị rỗng chân đồng thời kết hợp với mưa to làm nước lún sâu vào nền đường đã tác động bẻ gãy đường ống cấp, thoát nước.

    Theo kết luận tại biên bản cuộc họp, Công ty Sông Đà Thăng Long cần có ngay các biện pháp tạm thời để khắc phục sự cố và đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Trong đó, kinh phí và việc thực hiện sẽ do Công ty Sông Đà Thăng Long chịu toàn bộ”. Công ty Sông Đà Thăng Long đã thống nhất ký tại biên bản./.

    Trả lờiXóa
  4. Hố tử thần khổng lồ xứng đáng tầm vóc Thủ đô to

    – Hà Nội có thể đề cử danh hiệu chiếc hố tử thần to nhất thế giới, cũng có thể kiên nhẫn đợi 1.000 năm sau để làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới, tiêu biểu cho phong cách xây dựng Việt Nam thời nay.

    Trong ngày đầu tuần, bàn dân thiên hạ được một phen vui như Tết khi nghe các bên liên quan đến vụ gãy đường Lê Văn Lương kéo dài cãi cọ nhau, điều qua tiếng lại chẳng kém gì giới sâu bít với Thanh Lam và Mr Đàm, nào có học nào vô học, nào hèn nào không hèn.

    Cái hố vô duyên hoặc cái hố tử thần (cách gọi tùy theo vị trí của bạn) xuất hiện sáng Chủ Nhật 19/8, giữa dịp trời mưa to gió lớn suốt mấy ngày liền.

    Ngay lập tức, người ta xì xào bàn tán về chất lượng của công trình dài hơn 2,5km mà trị giá 700 tỷ đồng này. Nhưng cũng nhanh nhạy không kém và như thường lệ, các bên liên quan trưng ra đủ thứ lý do để tự tuyên mình vô tội.

    Cụ thể, nếu Tập đoàn Nam Cường – chủ đầu tư dự án – khăng khăng đổ lỗi cho phía Sông Đà là thủ phạm vì tội thi công hố móng một chung cư sát đường, thì phía Sông Đà lại chỉ lên… trời khi bảo nguyên nhân là do mưa lớn, đồng thời đề nghị hai bên thống nhất với nhau đây là tai nạn do… bão số 5. VnExpress đưa tin rằng có tranh cãi về nguyên nhân, còn Tuổi Trẻ gọn lỏn: Đổ lỗi trách nhiệm.

    Cho đến giờ thì người ta chưa biết đúng sai cụ thể ra sao, cũng chưa rõ ông giời có cảm nghĩ gì không khi được hạ giới tôn vinh quyền uy quá thể như thế.

    Chỉ riêng có người dân Thủ đô là vẫn vui vẻ trẻ trung, vì nghĩ đi nghĩ lại thì chuyện này kể cũng thường. Chà, mưa sạt lở đường thì ăn nhằm gì, mấy năm trước Hà Nội còn lụt sâu cả mét, chết cả khối người nữa kia.

    Vả chăng, giả sử như việc đổ lỗi cho cơn bão Kai Tak cộng thêm với những trận mưa ngâu quái ác là không thuyết phục, thì vẫn còn đầy cách diệu kỳ để lý giải. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên gần 2 năm trước, Hà Nội đã linh đình tổ chức lễ khánh thành và gắn biển tên đường Lê Văn Lương kéo dài.

    Hôm ấy, trong không khí tưng bừng chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc xây dựng tuyến đường vừa nhanh như chảo chớp vừa đảm bảo chất lượng.

    Nhanh thì rõ như ban ngày rồi, nếu mà không nhanh thì làm sao khánh thành cho đúng dịp nghìn năm mới có một như vậy.

    Nay, có độc giả đã hiến kế cho Tập đoàn Nam Cường hãy vin vào cớ ấy mà giải thích cho cái sự đứt gánh giữa đường hôm nay.

    Ai bảo quý vị cứ ép tiến độ để khánh thành rình rang cho bằng mọi giá cho đúng “nhân dịp”, các cụ nhà ta đã dạy là dục tốc bất đạt, tốc độ cao thì chất lượng có kém chút xíu âu cũng là chuyện bình thường, có gì mà phải xoắn?

    Hơn nữa, lấy cảm hứng từ lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, có người còn rụt rè hiến kế cho Hà Nội là hãy bảo tồn nguyên trạng cái hố tử thần này, biết đâu sau này còn có nhiều việc dùng đến.

    Chẳng hạn, các nhà khoa học trên thế giới có thể tìm đến đây để tìm hiểu về tác động của các cơn bão đến việc sụt lún đất, hoặc tìm hiểu về các hiện tượng sạt lở đất kỳ bí mà không tìm ra được nguyên nhân…

    Nhìn xa hơn, Hà Nội có thể kiến nghị tổ chức kỷ lục Guiness công nhận đây là chiếc hố tử thần to nhất thế giới, hoặc hố tử thần có tốc độ mở rộng lớn nhất thế giới, hoặc ít nhất là cái hố tử thần to nhất nằm nữa Thủ đô to nhất thế giới, đại loại thế. Chẳng phải một dịp để chúng ta vênh mặt với quốc tế hay sao?

    Và nếu kiên nhẫn đợi 1.000 năm sau, con cháu chúng ta còn có thể làm hồ sơ để UNESCO công nhận đây là di sản thế giới, tiêu biểu cho phong cách xây dựng Việt Nam trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ 3.

    Dĩ nhiên, các nhà khoa học quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xếp loại đây là di sản thiên nhiên hay di sản nhân tạo, nhưng có hề gì, điều đó càng tôn lên đặc tính độc nhất vô nhị của nó.

    Còn nếu nhìn từ phía hai doanh nghiệp có liên quan là Nam Cường và Sông Đà, người ta thấy cũng không nên nặng lời với họ làm gì, khi họ tung ra những những đường chuyền hết sức điêu luyện với quả bóng trách nhiệm.

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay, Phunutoday cho biết, trong khi Bộ Giao thông vận tải muốn bàn giao cầu Thăng Long - cây cầu nổi tiếng về kỷ lục số lần vá víu bề mặt - thì Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại chưa muốn nhận. Các chuyên gia đánh giá vấn đề then chốt là ở chỗ "đầu tiên", nói chữ gọi là kinh phí, còn ông Giám đốc Sở của Hà Nội thì bảo, nhận về để làm, chứ nhận để sửa thì nhận làm gì.

    Người ta lẩn thẩn tự hỏi, phải chăng các doanh nghiệp của chúng ta đã xuất sắc học ở các cơ quan quản lý Nhà nước phương pháp chuyền bóng khôn như chấy này nhỉ?

    Đương nhiên, người vui lòng nhất trong ngày hẳn là cụ Lý Công Uẩn. Quý vị thử nghĩ mà xem, sao mà cụ không vui cho được khi đến hôm nay, con cháu cứ nhường nhau cái vinh dự được gánh vác trách nhiệm về một con đường gắn biển “1.000 năm Thăng Long”, một cây cầu mang tên Thăng Long hẳn hoi nữa.

    Đương nhiên, sẽ thật là hoàn hảo nếu kể thêm một minh chứng sống động nữa về tình đoàn kết thương yêu của con cháu cụ Lý Thái Tổ, khi Hà Nội T&T cũng vừa nhất quyết nhường cho SHB Đà Nẵng chức vô địch V-League, khiến thiên hạ cảm động đến phát khóc.

    Trong khi ấy thì, tờ Dân Trí cho hay đã xuất hiện một loại mặt nạ silicon được mô tả là y như thật, khiến nhiều người tỏ ra lo ngại rằng chúng có thể được người kém tử tế sử dụng để cải trang.

    Xin mở ngoặc là cái mặt nạ chả liên quan gì đến chuyện chúng ta đang bàn, vì nó được sản xuất ở tận Trung Quốc. Mà người Việt Nam thì tuyệt đối không cần dùng đến loại siêu mặt nạ đấy!
    •Tam Thái

    Trả lờiXóa
  6. ...Hôm nay, các báo đồng loạt đưa tin, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có kết luận về nguyên nhân gây ra hố tử thần trên đường Lê Văn Lương kéo dài.

    Theo kết luận này thì hóa ra mấy hôm nay các bên liên quan đều đã phí phạm không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp cũng như trí tuệ để chứng minh rằng lỗi thuộc về phía bên kia. Như thể muốn cười vào mũi cả Tập đoàn Nam Cường lẫn Tập đoàn Sông Đà, Sở Giao thông vận tải khẳng định đường sụt lún vì mưa quá lớn do ảnh hưởng của bão số 5, chứ tuyệt nhiên không phải do mấy ông cán bộ thoái hóa, biến chất kiểu Dương Chí Dũng!

    Thông tin này nghe nói ngay lập tức đã gây chấn động dư luận giới khoa học toàn thế giới và đất nước Nhật Bản. Trong khi các nhà khoa học đang chuẩn bị đổ xô sang Việt Nam để nghiên cứu mưa, thì người Nhật Bản cũng đang vô cùng xấu hổ với người Việt Nam.

    Lý do là, sau khi so sánh sức tàn phá, người ta thấy một trận mưa bình thường tại Hà Nội cũng có sức công phá nếu không hơn thì cũng không kém một cơn động đất kèm sóng thần tại Nhật.

    Đây đúng là một phát hiện ngàn năm có một, khiến người dân Nhật phải tự nhìn lại mình vì lâu nay họ vẫn cho rằng xứ Phù Tang là mảnh đất chịu thiên tai khủng khiếp nhất. Xin lỗi, em chỉ là… động đất, sóng thần!

    Dĩ nhiên, nhìn xa hơn về lịch sử, Hà Nội hoàn toàn có thể đổ lỗi cho các… Vua Hùng. Quý vị thử nghĩ coi, nếu Vua Hùng không sinh ra công chúa Mị Nương, thì làm sao Sơn Tinh, Thủy Tinh lại cứ đời đời choảng nhau như thế và thần nước đâu có điên tiết bẻ gãy đôi con đường kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long như thế?

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips