Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Ai nuôi Nhà nước?

Câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.
Con cút "cụt đuôi" ai nuôi mày lớn?
Dạ thưa thầy con lớn mình con (Ca dao)
Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp dưới nhiều hình thức; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ; thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang lại; bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước, rút cuộc cũng do dân trả nợ trong các năm sau. Ở nước ta, kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội cũng dựa vào ngân sách nhà nước toàn bộ hoặc phần lớn, nên có thể nói dân ta nuôi cả hệ thống chính trị.
Cách thu thuế như ở Mỹ và Canada nhằm thường xuyên nhắc nhở người dân hiểu và nhớ rằng mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công khai, minh bạch và được dân giám sát.
Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế? Có thể nói chắc là tỷ lệ không cao. Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước. Gần đây, một số cửa hàng lớn, khách sạn, nhà hàng, công ty dịch vụ... ghi rõ trong phiếu thu tiền phần giá hàng hóa, dịch vụ và phần thuế mà người tiêu dùng phải nộp. Tuy nhiên đối với đông đảo nhân dân, nhất là ở nông thôn, không mấy người biết rằng khi mua hàng (từ hàng tiêu dùng đến máy móc, vật liệu... sản xuất trong nước và nhập khẩu), người mua đã đóng thuế cho Nhà nước trong giá mua hàng.
Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.
Chúng ta biết rằng một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước được tổ chức thực hiện tốt thì đem lại lợi ích cho dân. Muốn hoạch định đúng chủ trương, chính sách, phải dựa vào trí tuệ, kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của dân. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế, xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dù quan trọng đến đâu cũng chỉ vạch hướng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của dân, không thể trực tiếp tạo ra kết quả cụ thể trong sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần nếu không có sự đồng thuận và tích cực thực hiện của dân.
Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phải do nỗ lực hoạt động của dân. Ngay cả khi Nhà nước đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân, thì nhà nước cũng sử dụng các nguồn lực của dân để làm việc đó, và trong nhiều trường hợp, chất lượng, hiệu quả lại không bằng người dân tự tổ chức làm.
Về vai trò quyết định của dân đối với sự phát triển của đất nước, mọi người đều công nhận và thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong nhận thức và hành động thực tế có không ít trường hợp điều đó bị lãng quên mà chỉ thấy sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, của Nhà nước.
Một ví dụ: báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 5 vừa qua về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009 có câu mở đầu như sau: “Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nố lực của các ngành, các cấp, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 4 tháng có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực”. Như vậy, những cố gắng của dân không được tính đến. Cách suy nghĩ này cũng khá phổ biến trong nhiều cơ quan và cả trên báo chí.
Bài gốc trên VnEconomy giờ tìm không thấy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips