Tại cố đô Pagan xứ Miến Ðiện (Myanmar),
giữa hàng chục ngàn bảo tháp, ngôi tháp Manuha có một sự tích đặc biệt. Vua
Anawrahta trị vì vương quốc Pagan hùng mạnh nhất trong thời đó đã quy y đạo Phật
theo truyền thống Bắc Tông.
Ông yêu cầu Manuha, một vị vua người Môn ở phía Nam phải thần phục và cống
tiến tam tạng kinh điển Nam Tông; nhưng không toại nguyện. Anawrahta tấn công,
bắt Manuha cầm tù, vẫn đối đãi như hàng vương giả. Mấy năm sau Manuha đã xin
phép Anawrahta cho mình xây một bảo tháp mới làm nơi thiền định và được chấp
thuận. Ngày nay du khách vào thăm di tích Bảo Tháp Manuha tại Pagan được chiêm
ngưỡng một tượng Phật nằm rất đẹp. Nhưng ai cũng phải ngạc nhiên là gian phòng
bên trong ngôi tháp quá nhỏ, pho tượng Phật như bị bó chặt giữa mấy bức tường
kín bưng.
Tổng Thống Thein Sein chắc còn nhớ và muốn bắt chước bài học của vua
Anawrahta, cho nên ông cũng bắt đầu thả các tù nhân của ông, 60 triệu dân
Myanmar, cho họ được sống tự do hơn. Cuối tuần qua, dân Miến Ðiện đã bỏ phiếu
bầu bổ túc 45 ghế đại biểu Quốc Hội. Họ thật sự được tự do chọn lá phiếu, cho
nên đảng đối lập Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (National League for Democracy, NLD)
thắng hầu hết các đơn vị; trong đó có bà Aung Sang Suu Kyi. Ðảng NLD thắng cả 4
ghế đại biểu ở thủ đô mới lập Naypyitaw, là nơi hầu hết dân cư là công chức lãnh
lương chính phủ, và gia đình họ. Nếu chính quyền Thein Sein giả dối vì còn nuôi
tham vọng kéo dài chế độ độc tài quân phiệt thì khó có kết quả như vậy.
Dân Myanmar như đã sống lại. Người ta reo hò mừng rỡ. Tại trụ sở đảng NLD, vào buổi tối Chủ Nhật nóng bức, các thanh niên nhẩy múa ngoài đường, đầu tóc họ cũng nhuộm mầu mè như giới trẻ khắp nơi. Các nhà sư đứng ngắm mỉm cười, tay phe phẩy cái quạt. Nhiều gia đình mang theo cả con nhỏ đến ăn mừng: Dân Chủ đã thắng Ðộc Tài!
Dân Myanmar như đã sống lại. Người ta reo hò mừng rỡ. Tại trụ sở đảng NLD, vào buổi tối Chủ Nhật nóng bức, các thanh niên nhẩy múa ngoài đường, đầu tóc họ cũng nhuộm mầu mè như giới trẻ khắp nơi. Các nhà sư đứng ngắm mỉm cười, tay phe phẩy cái quạt. Nhiều gia đình mang theo cả con nhỏ đến ăn mừng: Dân Chủ đã thắng Ðộc Tài!
Ðây là lần thứ ba dân dân Myanmar đi bầu trong nửa thế kỷ. Năm 1962 các tướng lãnh đã cướp chính quyền, dẫn cả nước đi theo một thứ Chủ Nghĩa Xã Hội bế tắc, như các nước xã hội chủ nghĩa khác. Năm 1990 họ cho dân bỏ phiếu lần đầu, và đảng NLD đã thắng lớn, chiếm 59% số phiếu bầu và 392 trong số 485 ghế đại biểu; mặc dù bà Suu Kyi đã bị bắt giam từ năm trước. Bà từng sống ở ngoại quốc nhiều năm, chỉ về nước năm 1988 để trông nom mẹ già đang bệnh nặng. Ðứng trước cảnh nghèo đói và áp bức do chế độ độc tài gây ra cho dân, bà quyết định ở lại cùng đồng bào đứng lên đòi tự do dân chủ. Bà bị giam cầm hơn 15 năm; chính quyền mặc cả sẽ trả tự do nhưng bà phải đi ngoại quốc, bà từ chối. Cứ như thế, chính quyền quân phiệt tiếp tục cai trị Myanmar với một guồng máy tham nhũng và những chính sách ngu dốt, bất lực thêm 20 năm nữa, trong khi đảng NLD bị cấm hoạt động, các người lãnh đạo bị bắt giam. Dưới chế độ độc tài dân Myanmar không có tự do báo chí, không được tự do hội họp; bị cả thế giới văn minh tẩy chay, nhóm người cầm quyền chỉ trông cậy Trung Quốc ủng hộ. Năm 2010, Tướng Thein Sein cởi bỏ áo lính, trở thành vị tổng thống “dân sự” đầu tiên. Chính quyền tổ chức bầu cử lần thứ nhì, nhưng đảng NLD tẩy chay không dự vì bà Suu Kyi vẫn bị cấm tranh cử.
Thein Sein đã bày tỏ thiện chí dân chủ hóa bằng nhiều bước, để thuyết phục
phe đối lập và thế giới là tiến trình dân chủ hóa là một sự thực, chứ không phải
chỉ có bề ngoài để được các nước Tây phương bãi bỏ phong tỏa kinh tế. Ông đã trả
tự do cho bà Suu Kyi và các lãnh tụ đối lập. Cho báo chí được tự do, ngưng kiểm
soát cả Internet. Làm luật cho dân được phép biểu tình; công nhân được phép đình
công, và được tự do thành lập công đoàn. Mỗi bước của chính quyền Thein Sein
được bà Suu Kyi và các nước Tây phương đáp lại bằng hành động hợp tác tương
ứng.
Từ năm ngoái, Myanmar bắt đầu sống trong một không khí chính trị mới, trong
tinh thần tin cậy và hợp tác. Bà Suu Kyi xứng đáng là người lãnh đạo khi thẳng
thắn và thành tâm cộng tác với những kẻ đã giam cầm mình. Bà nói với các đồng
chí đã bị tù đầy: “Chúng ta không thể quên quá khứ. Nhưng không nên chỉ nhớ về
quá khứ để nuôi hận thù.” Bà công nhận trong chính quyền quân phiệt cũng “có
những người muốn làm điều có ích lợi cho quốc gia.” Không phải ai trong bọn họ
cũng muốn dân chủ hóa, “Nhưng trong phong trào dân chủ có phải ai cũng muốn cộng
tác với họ đâu? Ðó là điều bình thường trong chính trị.”
Thái độ ngay thẳng, chân thành và đức độ của bà Suu Kyi là nền tảng giúp cho
dân tộc Myanmar bắt đầu xây dựng dân chủ. Ðiều gì đã khiến bà sẵn lòng cộng tác
với một chế độ đã bỏ tù mình và đàn áp dân như vậy? Vì bà không sợ hãi. Năm
1990, Suu Kyi đã viết một bài chính luận: Tự do không sợ hãi.
Suu Kyi nhìn lại các đồng bào của mình, bà nói: Người dân Miến Ðiện nào cũng
biết có bốn con đường lầm lạc, a-gati. Thứ nhất là Chanda-gati, sai lầm do lòng
Tham. Dosa-gati do Sân hận. Moga-gati do Ngu si. Nhưng tai hại nhất là sai lầm
vì Sợ: Bhaya-gati. (Bốn đường tà này cũng tương tự “Bốn mũi tên độc” trong
truyền thống Bắc Tông: Tham, Sân, Si và Mạn). Suu Kyi ca ngợi Thánh Gandhi: Cống
hiến lớn lao nhất của Gandhi cho dân tộc ông là khơi dậy tấm lòng không sợ hãi.
Gandhi đã tìm học lại truyền thống Ấn Ðộ, và nhận ra, “Thiên khiếu lớn nhất của
một cá nhân hay một dân tộc là abhaya, tấm lòng không sợ hãi.”
Áp dụng vào hoàn cảnh dân tộc Miến Ðiện đang chịu cách áp bức, bất công, bà
nói: “Chúng ta có thể đều có những hạt giống không sợ hãi, nhưng đáng quý hơn
nữa là có được tấm lòng can đảm nhờ rèn tập, không để cho lòng sợ hãi chi phối
các hành vi của mình... Trong một chế độ từ chối không công nhận các quyền căn
bản của con người, sợ hãi dễ trở thành một thói quen bình thường. Tai hại nhất
là người ta che đậy lòng sợ hãi của mình, biến thành một thái độ thường tình, có
khi lại coi là khôn ngoan. Người ta sẽ chê bai những người dũng cảm là khờ dại,
là liều lĩnh, khi họ biểu lộ những hành động can đảm, dù nhỏ nhặt, để bảo vệ
phẩm giá con người và lòng tự trọng.”
Suu Kyi ca ngợi các sinh viên biểu tình trong những năm 1988, 89, vì họ muốn
xã hội phải có luật pháp công bằng. “Pháp luật công bình không phải chỉ ngăn
không cho người dân bị đối xử oan ức. Chúng còn giúp nuôi dưỡng một xã hội trong
đó mọi người có thể được hưởng những điều kiện căn bản tối thiểu để bảo vệ phẩm
giá con người...” Cuộc cách mạng quan trọng nhất, Suu Kyi nói, là một cuộc cách
mạng tinh thần; do “Một cuộc cách mạng nếu chỉ nhắm thay đổi các chính sách và
định chế chính trị để cải thiện đời sống vật chất thì khó thành công đích
thực.”
Cuộc cách mạng mà Suu Kyi theo đuổi đang bắt đầu. Ðảng cầm quyền của các vị
tướng và tướng về hưu vẫn chiếm đa số trong Quốc Hội gồm 664 ghế; trong đó Hiến
Pháp dành một phần tư số đại biểu cho các ông tướng chọn. Ðảng NLD sẽ đóng vai
đối lập với một số ghế rất nhỏ. Nhưng đây vẫn là một thắng lợi. Không riêng gì
cho bà Suu Kyi mà cho toàn thể 60 triệu dân. Bước đầu tiên trên tiến trình dân
chủ hóa đã thành công. Ba năm nữa, Quốc Hội sẽ được bầu lại, và lúc đó hy vọng
sẽ dân chủ hóa thực sự.
Một điểm đáng khen ngợi phe các tướng lãnh là họ đã ý thức được là không thể
nào kéo dài chế độ độc tài mãi mãi. Khi ngay ở thế giới Á Rập cách mạng cũng
bùng lên thì phong trào dân chủ sẽ còn lan rộng mãi. Họ nhận ra quyền lợi của
chính họ và gia đình họ chỉ được bảo đảm lâu dài nếu mọi người Miến Ðiện được
sống trong một xã hội với luật pháp công bằng. Mà muốn được như vậy, chỉ có một
cách là mở con đường xây dựng một thể chế dân chủ tự do.
Giới quân phiệt cũng chỉ thay đổi thái độ dưới áp lực của dân chúng biểu tình
chống Trung Quốc. Trung Quốc đã lôi kéo được chính quyền quân phiệt rơi vào quỹ
đạo của họ. Các công ty Trung Quốc tha hồ khai thác mỏ, rừng, đá quý của
Myanmar. Họ mở các hải cảng và quân cảng trong vùng vịnh trông qua Ấn Ðộ. Họ
khai thác dầu, khí của Myanmar, lại đặt ống dẫn dầu kéo qua xứ này để chuyên chở
dầu nhập cảng từ Trung Ðông và Phi Châu về thẳng Vân Nam, khỏi qua eo biển
Malacca. Dân Myanmar bất mãn đã đặt bom phá đập thủy điện Myitsone vào tháng 10
năm 2010. Năm sau, chính quyền quân phiệt phải đình chỉ dự án trị giá 3.6 tỷ đô
la này, để chứng tỏ họ biết chiều theo ý dân. Ðó cũng là một tín hiệu đưa ra để
được bà Suu Kyi tin tưởng rằng họ cũng là những người yêu nước. Chế độ quân nhân
ở Myanmar tuy cũng đàn áp dân nhưng họ không phá hủy nền văn hóa cổ truyền. Các
lãnh tụ quân phiệt vẫn đi lễ chùa, cùng dường chư tăng, chứ họ không tôn thờ một
chủ nghĩa duy vật ngoại lai nào. Vì vậy, người ta còn sẵn lòng tin nhau.
Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay cả diễn trình dân chủ hóa tùy thuộc vào
hai cá nhân. Bà Suu Kyi đã 66 tuổi, mới bị xỉu ba lần trong thời gian đi vận
động tranh cử. Ông Thein Sein cũng 67 tuổi, đang bị bệnh tim. Vì hai người này
tin ở thiện chí và tình yêu nước của người kia, cho nên mọi việc tiến hành tốt
đẹp. Nếu một trong hai người qua đời trong năm, ba năm sắp tới thì không biết
con đường dân chủ hóa sẽ ra sao? Trong hàng ngũ tướng lãnh vẫn có những người
bảo thủ, ngoan cố. Như Suu Kyi nói năm 1990: “Không phải quyền hành làm người ta
thối nát, mà là lòng sợ hãi. Những người đang nắm quyền sợ mất quyền. Những
người đang run sợ trước cường quyền cũng bị nỗi sợ làm đồi trụy.” Cho nên, bà
công nhận: “Con đường trước mặt còn đầy khó khăn. Con đường dân chủ hóa sẽ rất
dài.”
Xây dựng một đất nước là con đường rất dài. Vào thế kỷ thứ 11, Vua Anawrahta
đã hòa giải với Vua Manuha. Sau đó sắc dân dựng lên vương quốc Pagan, gốc Tầy
Thái từ Vân Nam tới, đã chung sống hòa hợp với dân Môn, một sắc tộc Nam Á vốn
chung gốc rễ với người Khmer, người Mã Lai (và một phần cả người Việt Nam thời
cổ). Họ đã xây dựng một nền văn minh mới, tổng hợp các thành tựu của nhiều giống
dân, tất cả cùng theo Phật Giáo Nam Tông, tạo thành dân tộc Miến Ðiện sau này.
Tương lai dân tộc Miến Ðiện trong thế kỷ 21 sẽ là con đường dân chủ hóa. Ðường
còn xa, nhưng chắc họ không sợ, vì đã có một nền tảng tinh thần vững
chắc.
Ngô Nhân Dụng/Người Việt Online
Ngô Nhân Dụng/Người Việt Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét