Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giữ

CTV Danlambao - Vào tối ngày 6/10, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giữ khi đang lưu trú tại Tp.HCM với cáo buộc về tội “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống NN" theo điều 117 BLHS.

Bà Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Bà là một nhà báo, nhà hoạt động xã hội dân sự và người đối lập nổi tiếng tại Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động, bà đã nhiều lần bị đánh đập phi lý và bắt giam vô cớ nhiều lần. Kết quả của những lần bị hành hung khiến 1 chân của bà mang tật, đi lại khó khăn.

Trong 3 năm gần đây, bà Trang dành nhiều thời gian viết và xuất bản sách. Các ấn phẩm của bà như: Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù… đã nhận được quan tâm lớn từ độc giả. Gần đây, vào tháng 09, bà Trang đã ra mắt bản Báo cáo Đồng Tâm về vụ công an Hà Nội đầu năm nay tấn công khủng bố dân làng Đồng Tâm.

Vào năm ngoái, bà Trang được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), trong mục “Gây Ảnh Hưởng” (Impact).

9 nhận xét:

  1. Bắt Phạm Đoan Trang khi ngày vừa khép lại
    Khi đêm tối 11:30 đồng loã với tội ác
    Khi tiếng chim cú kêu rúc đâu đó báo hiệu cái chết chuyển mùa
    Của những ngọn gió độc càn quét
    Một lũ đười ươi không tim không gan ruột.

    Ôi thể nào chúng cũng đến
    Cô ấy đã chuẩn bị cũng có nghĩa là không chuẩn bị gì hết
    Khi mà sự chọn lựa về lại quê mình sau chuyến công du Mỹ
    Là đồng nghĩa với tình yêu bất tận quê hương
    Ờ thì chúng nhất định đến nhưng làm gì mà bắt được
    Một tấm lòng son sắt!

    Thật tình tôi nép lòng muốn khóc
    Lá thư ‘Nếu Tôi Đi Tù’ của cô ấy mãnh liệt quá
    Quên mẹ già trả nợ non sông
    Thương cô ấy càng buồn giận cánh đàn ông vô cảm của dân tộc
    Cùng tuổi trẻ cúi đầu an phận
    Như những chú dế nép mình dưới cỏ khuya
    Họ ở đâu hết rồi?
    Để mình em tôi kiên cường chịu trận
    Nhếch môi nhún vai dưới bóng đêm làm chứng nhân
    Sao không nhìn qua làn sóng triều dâng
    Của trăm ngàn SV Thái Lan gần nhà VN mình mới đây(?!)

    Trời ạ, cô ấy chỉ là một người viết sách, dù viết được sách... chính trị hay
    Cô ấy cũng chỉ yêu cây đàn ghi-ta và tiếng hát
    Như đêm qua cô ấy đã hát khản cổ để gióng lên hết mọi nhạc điệu trong thành phố
    Kể cả nơi cô ấy vừa xong phiên họp cuối của cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ
    Chúng ta và cả Toà Lãnh Sự Mỹ đã nghe rõ tiếng hát ấy rồi phải không
    Đêm qua sao họ cứ lập biên bản tiếng hát khao khát tự do ấy
    Là phản động, là thế lực thù địch...
    Buồn cười chưa, khi ai mới lộ diện cho dân xem rõ mặt người mặt thú
    Thế lực phù địch thờ địch phò địch
    Những khuôn mặt Việt gian căm căm tối tăm đích thị
    Chỉ tổ thêm vào bản cáo trạng thế giới
    Khi nhà cầm quyền tại vị này vẫn quá chà đạp nhân quyền như cỏ rác
    Khi bản ‘Báo Cáo Đồng Tâm’ của cô ấy và bạn bè là giọt nước tràn cho tan hoang

    Tự do cho Đoan Trang có lẽ bất chấp với cô ấy
    Khi tôi vừa thấy cái nhún vai khinh bỉ
    Thở nhẹ và vẫn thở đều cho xong
    Một thân phận tù đày Việt Nam!

    8/10/2020
    NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

    Trả lờiXóa
  2. Cùng với Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Ai Cập và Syria, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới mà có nhiều người nhất bị ngồi tù vì công việc làm truyền thông của họ, hiện nay có ít nhất 23 người bị ngồi tù ở Việt Nam vì lý do này. Hầu hết họ là các blogger và nhà báo công dân – thường là những nguồn thông tin được điều tra độc lập duy nhất, vì các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam phải tuân theo chỉ thị của Đảng Cộng sản.

    Để biện minh cho việc bỏ tù họ, chế độ đã viện đến các cáo buộc như “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “các hoạt động nhằm lật đổ chính phủ”. Các tội danh này có thể bị trừng phạt với các án tù dài hạn. Các blogger thường xuyên bị ngược đãi trong tù.

    Theo thông tin của RSF, Chính phủ Việt Nam cũng nhắm vào các nhà báo lưu vong ở nước ngoài và theo dõi những tiếng nói phản biện, ví dụ trên Facebook. Hồi tháng 12 năm 2017, quân đội đã thông báo về việc sử dụng một đội quân trên không gian mạng để chống lại thông tin “sai sự thật” trên Internet. Luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 qui định các các công ty nước ngoài hoạt động cung cấp mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu của người dùng trong nước trên máy chủ tại Việt Nam và giao các dữ liệu này cho cơ quan chức năng Việt Nam theo chỉ thị.

    Trong danh sách tự do báo chí, Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 nước.
    TỔ CHỨC PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI

    Trả lờiXóa
  3. Lên án, đòi trả tự do, vận động trong nước, vận động quốc tế, tất cả mọi việc đó đều đáng quý và quan trọng. Ta hãy làm, và làm quyết liệt.

    Nhưng có một việc quan trọng hơn cả, mà Trang luôn tha thiết, là một khi cô bị cầm tù thì chúng ta sẽ làm cho việc cầm tù cô trở nên vô nghĩa với chính quyền, bằng cách tiếp nối những việc Trang làm.

    Hãy viết báo. Hãy mở báo.

    Hãy viết sách. Hãy in sách.

    Trang không phải người duy nhất trong chúng ta làm được những việc đó. Tôi biết là có nhiều cái khó và nguy hiểm lắm, nhưng nếu một người có xuất thân như hầu hết chúng ta, học những trường như hầu hết chúng ta học, sống trong cùng một đất nước như hầu hết chúng ta đang sống mà làm được, thì chúng ta cũng làm được.

    Việc viết báo, viết sách dĩ nhiên không dành cho tất cả. Và không phải ai cũng chấp nhận được mối nguy hiểm như Đoan Trang đã làm. Mỗi người mỗi việc. Tùy điều kiện của bản thân và tùy khả năng chịu đựng rủi ro. Nhưng hãy làm tiếp những gì Trang làm ở ngưỡng rủi ro mà bản thân chấp nhận được, dù bạn ở trong nước hay nước ngoài. Nếu không làm được, hãy ủng hộ những người làm.

    Tôi quả thực đã quá mệt mỏi với việc kêu gọi trả tự do cho hết người này tới người kia và phải chơi một ván bài mà tôi biết chắc là thua chính quyền.

    Ta hãy mở ra một ván bài khác, một ván mà ta chắc chắn thắng, bằng cách lên tiếng, viết báo, viết sách, mở báo, in sách, và làm sao truyền bá tri thức đến cho mọi người.

    Đó là điều Đoan Trang khao khát nhất.

    Nếu có yêu Trang, hãy làm tiếp những gì Trang làm. Đừng để vụ bắt giữ này chấm dứt nỗ lực truyền bá tri thức của Trang.

    Nay họ bắt Đoan Trang, ngày mai hãy cho họ thấy một nghìn Đoan Trang ở đất nước này.
    TRỊNH HỮU LONG

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều bạn quen biết gã tỏ ra bi quan về thực trạng của đất nước.

    Gã chỉ đáp: Có ba tiến trình không đảo ngược:
    1. Hòa nhập Mỹ, Nhật, EU và gắn kết ASEAN.
    2.Từng bước thoát Trung.
    3. Kinh tế mở.
    Và một tiến trình chưa thay đổi:
    Thống nhất cao trong giới cầm quyền đảng trị bảo vệ chế độ cùng siết chặt Nhân quyền.
    Đoan Trang, người kiên cường đấu tranh cho Dân chủ hóa Đất nước và Nhân quyền đêm qua bị bắt là minh chứng cho tiến trình chưa nhúc nhích trên.
    Vậy thì một câu hỏi đặt ra, đến bao giờ sẽ có sự chuyển dịch?
    Gã nghĩ phải từ tác động ba phía.
    1. Nội bộ lãnh đạo đảng, nếu phe kỹ trị đại hội 13 nắm đa số, lấy phát triển ưu tiên hơn thể chế, sẽ nới lỏng yếu tố nhân quyền, chính trị.
    2. Sức ép rất mạnh cả trong lẫn ngoài.
    3. Bản thân Trung Quốc chuyển biến theo hướng dân chủ hóa.
    LƯU TRỌNG VĂN

    Trả lờiXóa
  5. Phạm Đoan Trang bị bắt khuya hôm qua. Cô đồng nghiệp cũ của chúng tôi nay trở thành "tin" trên tờ báo cô từng yêu quý gắn bó và phụng sự.
    Cũng lâu rồi mình không gặp bạn ấy. Lần gần nhất là trong một hội thảo quốc tế ở Hà Nội gần 5 năm trước.

    Tám năm trước, sau sự kiện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, sự kiện Văn Giang (Hưng Yên) nổ ra. Ban biên tập nhắc: Thay vì bày tỏ bức xúc chỉ trên facebook, chúng ta hoàn toàn có thể mổ xẻ vụ này trên báo. Và văn phòng Hà Nội, Đoan Trang và Ban Thời sự đã cùng thảo luận đề xuất mổ xẻ sự việc này. Chúng tôi đã đặt nó dưới cái nhìn căn cơ gốc rễ hơn từ việc xây dựng chính sách.

    Đoan Trang được giao nhiệm vụ. Tòa soạn đánh giá cao khả năng phân tích chính sách của cô. Được giao nhiệm vụ, Trang ngạc nhiên: "Ôi! Em được giao thật ạ?"

    Và cô đã cùng đồng sự làm rất tốt. Chặt chẽ, quyết liệt và xây dựng.

    Vệt bài điều tra và phân tích "Vì sao nông dân Văn Giang quyết liệt giữ đất?" không thấy cấp trên hay ai ngăn cản hay phê bình gì, dù loạt bài khá gay gắt.

    TBT Ba Nhỏ (Phạm Phú Tâm) sau này vẫn nhắc: Nếu thật sự nói một cách có trách nhiệm, có tình, có lý thì chúng ta vẫn làm được nhiều điều. Đừng tự trói tay mình, không phản biện mà lại đi than thở.

    Trang hạnh phúc vì điều đó, mãi tận khi rời khỏi báo, cô vẫn nhắc.

    Ngày sinh nhật Báo 7 năm trước. Trang viết:

    "Tôi may mắn được đến với Pháp luật TP.HCM trong những ngày rất khó khăn của mình, khi mà “di chứng” của thời gian ở trong trại tạm giam vẫn còn đè nặng, khi tôi sống trong tâm lý của một người làm bất kỳ cái gì cũng bị nghi ngờ, và khi bản thân tôi cũng không tin ai được.

    Có lẽ chỉ đến khi vào Pháp luật TP.HCM làm phóng viên, tôi mới thấy mình trở lại “là người bình thường”. Tôi nhớ tôi đã sửng sốt và cảm động đến suýt khóc, khi được giao “trực tòa soạn”: “Em ấy à? Em cũng “được” trực à?”. Tôi cũng nhớ tôi đã sung sướng như thế nào khi được phân công đi đưa tin về kỳ họp của Quốc hội, đi phỏng vấn đại biểu Quốc hội. Không ai đề cập đến “quá khứ phản động” (oan) của tôi. Không ai coi tôi như “thành phần phức tạp” trong tòa soạn. Không ai nghi ngờ tôi.

    Tháng 9/2010, tôi đã có những ngày rất vui ở Sài Gòn, khi phóng viên hai miền gặp nhau để kỷ niệm 20 năm thành lập báo. Cái cảm giác về tình đồng đội, tình bạn bè, yêu thương nhau như một gia đình, đã trở lại.

    Tất nhiên, sự bình yên là điều không bao giờ một kẻ đã bị coi là “có vết” như tôi có được, hay nói đúng hơn, nó trôi đi quá nhanh. Cũng như bây giờ đây, có lẽ tôi không còn cách nào trở lại báo Pháp luật TP.HCM được nữa. Nhưng không bao giờ tôi có một mảy may nghĩ khác về tòa soạn. Không có Pháp luật TP.HCM, sẽ không có loạt bài về Văn Giang mà tôi đứng tên, cùng những bài viết về Biển Đông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ Việt – Mỹ, lịch sử Việt Nam, v.v. Tôi vẫn thường nói – điều mà nhiều người có thể nghĩ là tôi khiêm tốn giả vờ, nhưng đó là sự thật: “Chỉ đến khi làm ở Pháp luật TP.HCM, em mới thực sự làm báo và thực hiểu nghề báo ở Việt Nam”...

    .... Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (cụ thể là theo Luật Báo chí), tôi không phải nhà báo, vì không có thẻ. Nhưng tôi đã là phóng viên của báo Pháp luật TP.HCM, đã là một thành viên trong ngôi nhà ấy, và tôi đã cảm động đến mức nào khi một bạn đồng nghiệp nói với tôi rằng: “Cho dù có thế nào, mọi người vẫn coi Trang là thành viên của báo Pháp luật TP.HCM”.

    Ngày hôm nay tôi không đến tòa soạn được. Nỗi nhớ mọi người, nhớ quá khứ, nhớ buổi chiều nắng vàng ở Sài Gòn ba năm về trước, nhớ những đêm “nhậu bờ kè” ba năm qua, làm tôi ứa nước mắt. Bao giờ tôi sẽ có lại những ngày đó?...".

    Đấy là những dòng Đoan Trang viết 7 năm trước về tờ báo của mình, khi cô không còn là phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM nữa.
    NGUYỄN ĐỨC HIỂN

    Trả lờiXóa
  6. Hàng loạt bài báo bằng nhiều thứ tiếng, từ nhiều hãng tin trên khắp thế giới, đồng loạt đưa tin, phân tích vụ việc nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang bị bắt giữ hôm 7/10 và bị cáo buộc 'tuyên truyền chống nhà nước'.

    Hôm 07/10, BBC News đăng bài viết với tiêu đề "Phạm Đoan Trang: Việt Nam bắt giữ blogger ủng hộ dân chủ nổi tiếng", trong đó có đoạn:
    "Việt Nam vừa bắt giữ một nhà văn và blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng chỉ vài giờ sau khi hội đàm với Hoa Kỳ về nhân quyền."

    Cùng ngày, The Guardian của Anh Quốc có bài viết với tiêu đề: "Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng khi nhà nước đàn áp quyền tự do ngôn luận trực tuyến".
    Viết rằng Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách có tác phẩm về nhiều chủ đề, từ quyền của phụ nữ, LGBT đến môi trường, các hoạt động chiến dịch và quyền đất đai, bài báo nêu nhận định của giới phân tích:
    "Việc bắt giữ bà Trang là một phần của chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội toàn quốc của Việt Nam vào tháng Giêng, trong khi Facebook đang đối mặt với những lời chỉ trích vì ngày càng đồng lõa trong việc đàn áp tự do ngôn luận."

    Hãng tin Anh Reuters đưa tin "Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ". Bản tin viết:
    "Các nguồn tin và các nhóm nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam đã bắt giữ một blogger và một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vì "các hoạt động chống nhà nước" vài giờ sau khi chính phủ nước này tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về nhân quyền với Hoa Kỳ…

    Trang Bloomberg cũng trích tuyên bố của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết vụ bắt giữ diễn ra vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
    "Trang blog của Đoan Trang, đề cập đến các chủ đề nhạy cảm về chính trị, bao gồm mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc và những căng thẳng về yêu sách chủ quyền biển đảo", Robertson nói. Theo Robertson, cảnh sát đã bắt giữ Trang vào tháng 5 năm 2016 khi cô đi gặp Tổng thống Barack Obama, người đã mời cô tham dự một cuộc họp mặt của các nhà hoạt động với ông trong chuyến thăm Hà Nội.

    Hãng tin Aljazeera cũng đưa tin về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang. Tờ này khắc họa bà là một người nổi tiếng với hoạt động thực địa tích cực, tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ những người bất đồng chính kiến ​​bị cầm tù, biểu tình về môi trường và phản ứng lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
    "Trang đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng an ninh hơn 10 năm và đã bị giam giữ và quấy rối nhiều lần, bao gồm cả lần bà đang trên đường đến cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama vào năm 2016, và một năm sau đó, khi bà tiếp xúc với một phái đoàn của Liên minh châu Âu trong một chuyến tìm hiểu thực tế trước cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam", tờ này viết.
    BBC

    Trả lờiXóa
  7. Mặc dù chúng tôi thuộc những nhóm khác nhau nhưng đã phối hợp với nhau để cùng tổ chức các cuộc tuần hành. Tôi đã chứng kiến thấy sự nhiệt tình, dấn thân của Trang trong phong trào. Em luôn đi đầu trong các cuộc phản đối nên luôn gặp nhiều rủi ro hơn, thậm chí khi chính quyền bắt bớ, đáng ra em có thể thoát được nhưng nhìn những cô bé mặc áo dài lần đầu đi tuần hành bị kéo lên xe bus, em đã lao theo để cùng bị bắt, đặng còn che đỡ cho các em. Kết quả là Trang bị đánh đến xuất huyết vùng bụng và bị thương nặng ở đầu gối, thương tích đó đã theo em mãi đến sau này, làm em không thể tự do di chuyển.

    Mặc dù thương tích luôn đau đớn, lại bị săn đuổi đến mức em không thể ở yên một chỗ nhưng Trang vẫn không ngừng hoạt động. Mọi báo cáo về nhân quyền, về xã hội dân sự ở Việt Nam đều có tên em. Cá nhân tôi dù khâm phục nhưng luôn lo lắng cho em. Tôi mong sao em có thể tìm một cách đấu tranh ôn hòa hơn, có được một cuộc sống ổn định để còn chữa bệnh và có một cuộc sống cá nhân hạnh phúc. Vì thế tôi rất mừng khi biết em có học bổng để học ở Mỹ, tôi khuyên em nên học thạc sỹ để có thêm kiến thức cho công việc của mình, nếu được thì nên ở lại nước ngoài ít ra cho đến khi khỏe hẳn.

    Nhưng sau một năm nghiên cứu em vẫn quay lại Việt Nam vì em nói là em không thể sống xa Việt Nam, chỉ ở đây em mới có thể làm được những việc mình mong muốn. Và đúng như vậy, những cuốn sách, bài báo của Trang đã chứng tỏ em không bao giờ rời xa lý tưởng của mình. Tôi không biết Trang ở đâu, cũng không cố tìm hiểu vì tôi biết điều ấy không giúp gì cho Trang, thậm chí có thể đem lại nguy hiểm cho em. Tôi không hiểu gì về công việc của em, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng trò chuyện về những người bạn chung và tôi thấy dù bản thân gặp nhiều khó khăn, Trang vẫn luôn quan tâm, nhiệt huyết với mọi người… Tôi luôn nghĩ, nếu chính quyền biết lắng nghe, biết trao đổi chứ không thô bạo bắt giam, đàn áp những người nhiệt huyết như Trang thì rất có thể đến giờ em vẫn là một nhà báo quả cảm, bằng các bài viết và hành động của mình góp phần xây dựng xã hội này tốt đẹp hơn chứ không phải đứng ở phía đối đầu, làm cả hai bên đều thiệt thòi như bây giờ.
    Hầu hết mọi người chỉ biết Trang là một người phụ nữ cứng cỏi, một cây viết sắc sảo, một nhà hoạt động nhiệt huyết, nhưng ít ai biết Trang cũng là một cô gái mơ mộng, lãng mạn. Em hát rất hay, nhất là hát những bài của Beatles, chơi đàn rất ngọt ngào và cũng từng có những mối tình say đắm. Cũng như mọi cô gái khác, em rất yêu mẹ mình (bố em mất sớm), thích chăm lo cho gia đình, lúc rảnh em cũng muốn trang điểm, muốn tụ tập bạn bè ở những quán café xinh xắn, hỏi thăm tình hình của nhau… Trang từng trêu chọc tôi là “Em đi khắp trong Nam ngoài Bắc, chưa từng gặp giáo viên nào như cô”, còn tôi cũng chưa từng gặp sinh viên nào can đảm, cứng đầu, có số phận đặc biệt như em.

    Nghe tin em bị bắt, tôi cũng như mọi người đều không bất ngờ vì Trang đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu rồi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể không lo lắng, không đau lòng cho em. Đọc lá thư em để lại, không hề yêu cầu điều gì cho bản thân mà chỉ mong việc em bị bắt giam sẽ trở thành điểm nhấn quảng bá cho luật bầu cử mới và những tác phẩm của em, tôi càng thêm khâm phục em. Tôi chỉ muốn gửi lời chúc bình an đến em và mong rằng xã hội Việt Nam sẽ sớm thay đổi, để những người trẻ tài năng và nhiệt huyết như Trang có thể được bình an đóng góp cho xã hội chứ không buộc phải đứng về phía đối đầu như bây giờ!

    Mong một ngày không xa có thể cùng Trang cất cao tiếng hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên dải đất Việt Nam này.
    HOÀNG ÁNH

    Trả lờiXóa
  8. Điều mong muốn lớn nhất của tôi là nâng con người lên.

    Tôi hay nói đùa với chính mình, tôi là người dành cả tuổi thanh xuân để nâng người khác lên.

    Nâng người khác lên được hiểu là gì? Trang bị kiến thức cho họ, trang bị kỹ năng cho họ, trao đổi thông tin với họ, tôn trọng họ, nâng họ lên để họ cảm thấy họ được tôn trọng, cảm thấy họ là con người, họ quý giá, họ xứng đáng sống một cuộc sống tốt đẹp.

    Tôi muốn thay đổi Việt Nam theo hướng làm sao để cho con người được tôn trọng hơn, con người đối xử với nhau với tình yêu, thương yêu nhau nhiều hơn, thương nhau hơn, yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Nhiều khi chỉ cần như thế thôi đã là dấu hiệu đầu tiên của phát triển rồi.

    Muốn phát triển đất nước nói chung, chúng ta phải phát triển nhiều thứ chứ không chỉ riêng kinh tế. Mà ngay cả muốn phát triển kinh tế, chúng ta cũng đừng quên là phải phát triển một thứ quan trọng, đó là niềm tin của nhau. Đúng không ạ? Khi không có niềm tin thì người ta khó làm việc với nhau lắm. Khi không có niềm tin thì người ta khó làm ăn, khó hợp tác.

    Dân không tin nhà nước, nhà nước không tin dân, dân không tin nhau. Chúng ta khó làm ăn lớn với nhau, không làm được gì.

    Và như vậy chúng ta buộc lòng phải làm truyền thông; phát triển truyền thông, giáo dục, xuất bản.

    Cho nên những điều tôi làm thì có rất nhiều những điều tỉ mỉ, tỉ mỉ, những điều không thể nói ra được, vì nó rất là nhỏ. Nhưng mà tựu chung lại tất cả nó chỉ có một sợi chỉ xuyên suốt là: Tôi luôn luôn mong muốn nâng người ta lên, nâng người đọc lên, mang lại kiến thức cho người ta, cho người đọc, mang lại cho họ hiểu biết, cho họ hiểu được rằng: tinh thần như thế này mới là sống dân chủ, thế này là văn hóa dân chủ, thế này là tinh thần cao thượng, đàng hoàng, trách nhiệm.

    Tất cả những điều này tôi nghĩ tôi có thể truyền tải, truyền đạt được cho người đọc thông qua sách, báo, nhất là sách. Sách dưới mọi hình thức, sách nói, sách truyền hình, sách tiếng, sách in.

    Từ lâu tôi đã để ý một đặc điểm của phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam: Đó là các nhà hoạt động cứ tham gia hoạt động một thời gian rồi bị bắt đi tù. Sau đó cộng đồng dư luận trong nước cũng như dư luận hải ngoại lên tiếng kêu gọi trả tự do cho người đó, Free X, Free Y, Free X, v.v. Một thời gian thì họ được trả tự do, họ đi nước ngoài, thế là hết. Khép lại vòng đời của một nhà hoạt động.

    Tôi thấy cái việc đi hoạt động, hoạt động mạnh mẽ, dấn thân, sau đấy khi đi tù, ngồi tù một thời gian rồi đi nước ngoài, rồi chấm dứt, tôi thấy nó, nó có gì đó phí phạm, cảm thấy vòng đời hoạt động của một nhà hoạt động ngắn quá, không đủ để, mặc dù nó có ý nghĩa nhưng không đủ để tạo ra một sự thay đổi nào cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và càng ngày tôi càng nhận ra một điều, thực tế khá là cay đắng trong cái việc đó. Tôi nhận ra một điều là chính quyền cộng sản Việt Nam lợi dụng chuyện đó. Thay vì tiến hành những cải cách lớn, cải cách pháp lý, cải cách mang tính toàn diện và cách mạng như là cải cách thể chế, sửa đổi pháp lý, thay đổi luật này, sửa đổi luật kia, tăng cường quyền tự do của người dân, v.v. Thay vì làm những điều đó thì họ chỉ đơn giản là bắt rồi thả mọi người, bắt một cá nhân nào đấy rồi thả. Thế là được tiếng tôn trọng nhân quyền, tôn trọng các cam kết quốc tế.

      Nghĩa là bằng cái việc bắt rồi thả người một cách có tính toán như vậy, họ nghiễm nhiên lờ tịt đi những cải cách lớn, những vấn đề thật sự là sinh tử và mấu chốt cho sự sống còn và phát triển của đất nước. Chính quyền đang lợi dụng điều đó, bắt thì không bị làm sao cả, thả thì được tiếng là tôn trọng nhân quyền và tôn trọng các cam kết quốc tế. Và lại cũng lờ được những đòi hỏi cải cách kia.

      Vậy có lợi như vậy thì tại sao không bắt? Tại sao không tiếp tục cái việc là cứ bắt rồi người ta kêu gọi thả thì lại thả, đổi lấy một số cái điều ước quốc tế, một số hiệp định thương mại, một số thỏa thuận, một số hợp đồng bán vũ khí nào đấy với nước ngoài, tất cả những cái đó.

      Còn với bản thân nhà hoạt động thì đương nhiên sau một thời gian hoạt động dấn thân, rồi đi tù, trả giá bằng những bản án tù nhiều năm, chịu những khổ đau trong tù thì họ xứng đáng được nghỉ ngơi, họ cũng xứng đáng được ra nước ngoài. Mặc dù điều đó theo tôi nghĩ là chấm dứt cuộc đời hoạt động của họ. Tôi nghĩ rằng về phía những nhà hoạt động không có gì đáng trách, họ xứng đáng những điều đó.

      Rồi cuối cùng chỉ còn lại mỗi người dân Việt Nam là thiệt, đất nước Việt Nam là thiệt, bởi vì là bao nhiêu năm qua cuộc đấu tranh vẫn vậy, tình hình vẫn vậy. Không thay đổi gì hết.

      Vậy cho nên tôi rất rất mong việc đi tù của mình hay bất kỳ nhà hoạt động nào khác phải mang lại ý nghĩa nào đó. Nó phải có tác dụng thật sự là một sức ép ngược lại đối với chính quyền, để buộc chính quyền thay đổi, để buộc nhà nước cộng sản này phải thay đổi. Chứ nó không thể là cái để nhà nước cộng sản này lợi dụng.

      Chúng tôi không phải là hàng hóa để nhà nước cộng sản đem mặc cả với nước ngoài để đổi lấy các hiệp định thương mại hay là các thỏa thuận này nọ, đổi lấy những lợi ích cho tập đoàn cầm quyền chứ không phải của người dân. Chúng tôi không chấp nhận cái địa vị hàng hóa đó.

      Tôi muốn nếu mình đi tù thì cái sự đi tù của mình phải là sự hy sinh có ý nghĩa. Nó phải nhằm mục đích nào đấy và nó phải đạt được mục đích đấy. Mục đích đó có thể là gây sức ép để buộc nhà nước, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi.

      Tôi mong muốn là nếu tôi có đi tù, tất cả những hoạt động bên ngoài, những hoạt động từ trước giờ tôi vẫn làm phải tiếp tục bình thường, thậm chí mạnh hơn.

      Tôi rất không tán thành việc trong một một nhóm, một tổ chức có cá nhân đi tù, lập tức cả tổ chức kêu gọi nhau: “nằm yên! nằm yên! nằm yên để lắng xuống.” Trong khi đó lẽ ra việc cần làm là làm mạnh hơn.

      Không có điều gì dở hơn bằng một tổ chức mà người lãnh đạo bị bắt mà tổ chức tan nát như ong vỡ tổ. Bởi vì khi điều đó diễn ra thì công an cộng sản thấy rằng họ làm đúng, họ làm việc quá hiệu quả, bắt một người mà trị được muôn người thì tại sao không bắt? Bắt được một người mà rắn dập cả đầu, tiêu diệt cả ổ thì tại sao không bắt? Nói chung là bắt nữa chứ không có chuyện nó dừng lại.

      Cho nên tôi nghĩ rằng là phải cố gắng hết sức để mình tổ chức, chuẩn bị các công việc, chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị kỹ năng cho anh chị em mình. Để đến khi mình có bị bắt thì các anh chị em tiếp tục hoạt động thay mình.

      Nếu anh chị em không tiếp tục được thì đó là lỗi của mình. Lỗi của mình là không chuẩn bị được, đã không giúp cho anh em mạnh lên, đủ mạnh để tự đứng được sau khi mình bị bắt.

      Không thể nói là do bị đàn áp quá. Bao giờ mà chả bị đàn áp? Còn chính quyền cộng sản là còn đàn áp người đối lập, không bao giờ hết.
      PHẠM ĐOAN TRANG

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips