Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Có còn hơn không...

Một hiểu lầm phổ biến nhất hiện nay là vaccine có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 từ người khác.
Nhưng sự thật khoa học thì không hẳn vậy, vì không có vaccine hiện hành nào có thể ngăn chặn sự lan lây của virus SARS-CoV-2.
Thử tưởng tượng một tình huống như sau: Bạn đã được tiêm vaccine để phòng ngừa virus SARS-CoV-2, nhưng chính bạn có khi lại là người lây truyền virus cho người khác.
Tình huống đó chưa xảy ra, nhưng về lí thuyết thì có thể xảy ra. Vaccine có hiệu quả ngăn chặn không cho phát sinh triệu chứng, nhưng vaccine có thể không ngăn được sự lan truyền của virus.
Ngay cả bạn được tiêm vaccine, nhưng người khác vẫn có thể lây truyền virus sang cơ thể bạn, vì vaccine cũng có thể không ngăn chặn được sự xâm nhập của virus.
Để hiểu vấn đề, tôi phải giải thích một chút. Khoảng 50% (có nghiên cứu báo cáo là 40%) các bệnh nhân bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không biểu hiện triệu chứng. Những bệnh nhân không có triệu chứng này có khả năng lây lan cho người khác.
Đường lây lan thường qua mũi và miệng, bởi vì 'viral load' của virus SARS-CoV-2 "toạ lạc" ở mũi và miệng. Điều này có nghĩa là chúng dễ lây lan sang người khác qua các hình thức như hắt hơi và hỉ mũi chẳng hạn.
Hai câu hỏi quan trọng đặt ra là:
Thứ nhất, nếu người bệnh (bị nhiễm) không có triệu chứng được tiêm vaccine thì vaccine có ngăn chặn người bệnh lây cho người khác?
Thứ hai, nếu người không bị bệnh được tiêm vaccine, và người này bị phơi nhiễm (như tiếp xúc với người bị nhiễm virus) thì vaccine có ngăn chặn virus xâm nhập cơ thể?

Câu trả lời cho 2 câu hỏi trên là: Không!

Khối đông mơ ước

Vì sao dân Myanmar dám biểu tình liên tục để đòi chính quyền dân chủ dân sự?
Vì sao dân Bắc Triều Tiên không bao giờ dám biểu tình?
Vì sao người Việt Nam đi biểu tình chưa từng vượt quá con số 10.000 trên 100 triệu người?
Vì sao tại Trung Quốc hơn 1 tỉ dân mà chỉ có một Thiên An Môn?
Câu trả lời không hề khó. Đó là Myanmar dù ở thể chế nào trên danh nghĩa họ vẫn là một quốc gia (liên bang) đa nguyên. Họ có quyền được biểu tình, và họ biết họ (tương đối) an toàn khi xuống đường.
Bắc Triều Tiên thì ngay lập tức lãnh một viên đạn vào đầu.
Trung Quốc đã lấy xe tăng nghiền nát hàng trăm ngàn sinh viên.
Việt Nam dùng dùi cui và tòa án dù chỉ biểu tình vì môi trường. Không có luật biểu tình nên tất cả các cuộc biểu tình đều bất hợp pháp và chính quyền sẵn sàng truy tố nếu họ muốn.
Do đó không phải dân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn hèn nhược, hoàn toàn bị nhồi sọ đến mê lú mà do sự trấn áp bằng bạo lực quá kinh khủng, và tham sống sợ chết là đặc tính cố hữu của phần lớn nhân loại. Dân Đông Đức, Ba Lan, Tiệp... xưa kia cũng không có số đông dám lên tiếng.
Cái nguy hiểm là sống lâu trong một thể chế như vậy, ví dụ Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, người dân sẽ không còn có nhu cầu dân chủ, như những con chim sinh ra trong lồng, sẽ không còn nhu cầu được bay.
Nhìn sang Myanmar rồi chê dân Việt hèn không khó, nhưng hãy tự vấn lương tâm của chính bạn!
NGUYỄN ĐÌNH BỔN - 23.02.2021

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Vĩnh biệt Đoàn Vị Thượng


CHỢ PHIÊN ĐỜI TÔI
Đi dọc đường đời trong tiếng bán mua
Nhiều khi thấy mình cũng là con cá
Cũng là mớ rau
Cũng là con gà bị trói chặt
Cánh ngoặt ra sau
Không gáy
Đi dọc đường đời trong tiếng bán mua
Nhiều khi thấy mình ra điều cũng thích
Chỉ trỏ
Buông nắn
Trả treo
Nghe tiếng ai ve vãn
Đị dọc đường đời đẩy đẩy đưa đưa
Nhiều lần bị rao bán
Đôi lần được trả mua
Thật thật đùa đùa
Chua chua đắng đắng
Chợ phiên đời tôi mỗi năm một vắng.
(2008, sinh nhật tuổi 49)

NĂM HẠN
Năm nay bạn bè quá nhiều người mất
Ta hỏi mình sao lại hoang mang
Kìa bao người không là bè bạn
Mỗi ngày đi đều thấy đám tang
Những bó hương luôn sẵn
Trong mỗi nhà Việt Nam
Năm nay bạn bè quá nhiều người mất
Hay vì biết trước cuộc chơi
Những kẻ sống dai ẩn trong bóng tối
Ta đem chết ra chường mặt với đời
Người đòi đất không ai trả đất
Người đòi tiếng không ai lên tiếng
Những cái chết này báo động sự im hơi
Năm nay bạn bè quá nhiều người mất
Đêm đêm gió về lay xác thân tôi
(2008)

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Vì sao «Năm anh em… » được ưa chuộng ?

Từ một status của Hoàng Linh, tự dưng tôi mất cả đống phút ngồi nghĩ linh tinh không biết tại sao cái bài Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng khỉ gió lại thu hút nhiều người hát tới vậy!
Đám cưới nào mà có “hát với nhau” tra tấn thực khách, là hình như đều có màn tốp ca những ông mặt đỏ gay tràn lên sân khấu, vừa lái xe tăng vừa rống bài này!
Nói gì mấy cái loa kẹo kéo giờ đây đã phát triển vô tội vạ nền văn nghệ quần chúng khắp hang cùng ngõ hẻm trên cả nước! Hơn 90% nhạc bolero Việt Nam Cộng Hòa là cái chắc, nhưng lụi hụi một hồi thế nào cũng có Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng!
Màn tra tấn tới bài này là cao trào đỉnh điểm. Thiệt tình đôi khi bị nghe tôi cứ ao ước mình được ngồi trong một chiếc T54 và quay “tháp pháo một ngôi sao màu lửa” chơi nguyên một phát cà nông vào cái mâm nhậu đang mở hết volume rống “Cứ leo lên xe không còn anh em nữa !” và “Một thằng đau là tất cả ăn thêm!”, cho banh cmn cả đám!
Một bài hát có ca từ thô vụng chả có gì hoa mỹ (thơ của ông lính xe tăng Hữu Thỉnh, và nhờ Năm Anh Em... này mà ông lên như diều, làm chủ tịch Hội Nhà văn 20 năm liền!), nhạc (của Doãn Nho, viết năm tàn sát 1968) thì hùng hồn đơn điệu kiểu... hát nói, không lẽ lại có sức chinh phục người ta dữ vậy?
Lính xe tăng gì mà giống bông hoa (?) và cứ leo lên xe là lại quên tuốt tên tuổi của mình ? Hay tại nó nôm na dễ nghe dễ nhớ dễ hát?
Hay như ông Hoàng Linh nói, phải chăng năm ông lính xe tăng chính là thánh tổ hoặc ông cố nội của đám hát loa kẹo kéo? Bản thân bài hát chỉ dở chớ không có tội tình gì, chỉ từ khi có karaoke và loa kẹo kéo mới sinh nên nỗi!
Tôi hỏi chính một tay chuyên leo lên sân khấu đám cưới hát bài này, thì hắn nói tại nhạc vàng hem có bài nào vui như vậy. Tôi nói có 60 Năm Cuộc Đời của Y Vân đó! Thì hắn nói Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng vui hơn, tha hồ hò hét, lại không có bi quan giới hạn tuổi thọ có 60 năm, mà còn được tha hồ bắn giết!
Tôi từng không tránh khỏi nhiều cuộc nhậu có ca hát. Tôi thường không hát mà chỉ ngồi quan sát. Tôi có cảm giác người ta thay nhau hát như để... trả thù lại mấy đứa hát trước. Để chứng tỏ mình hát hay hơn, to hơn, nãy mầy bắt tao nghe thì giờ tao bắt mầy nghe lại! Mấy đám hát kế bên hoặc bên kia đường hãy coi tao. Đời tao không có gì hơn ai thì còn có cái này!
Và bạn có để ý không, người Việt xưa nghe nói trời sinh có tính hiền hòa. Vậy mà từ năm 1954 (ở miền Bắc) và 1975 (ở miền Nam) bỗng phát triển thói sadique (bạo dâm) thích hành hạ tra tấn người ta về mặt tinh thần. Một thú vui bịnh hoạn không giới hạn.
Và để tra tấn tinh thần con người, thì thiệt tình không có bài nào qua được Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng, rống hết ga trong đêm trường, phải không các bạn?
NGUYỄN ĐÔNG THỨC
15.02.2021

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Hài hước và kệch cỡm...

Đặng Hữu Phúc - Không nên gắn nhãn mác “Nghệ sĩ Nhân dân” trước cái tên Đặng Thái Sơn.
Đấy là sự phân loại nghệ sĩ của CHXHCN Việt Nam, với những hội đồng chức danh do những người làm chính trị dựng lên, họ chia nghệ sĩ làm hai loại, loại 1 là NSND, loại 2 là NSUT. Những danh hiệu này cũng là phần thưởng cho những nghệ sĩ đi theo đường lối văn nghệ của Đảng.
Bây giờ NSND nhiều vô kể, tôi không dám nêu một vài cái tên, sợ làm… bẩn tai mọi người.
Đặng Thái Sơn không thể lẫn lộn vào cái đám đông này được.
Tôi chắc chắn khi Đặng Thái Sơn biểu diễn ở nước ngoài, không bao giờ anh dùng cái nhãn mác này.

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

Hắn lại cố ý trêu ngươi...

Theo truyền thống Thiền Nhật Bản ngày xưa, những tăng sĩ đi vân du khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay tịnh xá nào, đều phải thắng cuộc tranh luận tay đôi với vị sư thường trụ Ở đó. Nếu không thắng được, vị du tăng đó phải đi, không được phép ở lại, dù chỉ có một đêm.
Câu truyện xảy ra tại một ngôi cổ tự phía bắc Nhật Bản. Trụ trì ngôi chùa đó là hai anh em đều là sư.
Sư anh rất thông thái, biện luận vô cùng thiện xảo, còn sư em lại ngớ ngẩn, lù khù và còn chột một mắt.
Một đêm nọ, có một vị du tăng đi ngang qua, muốn xin vào nghỉ tạm qua đêm. Nhà sư anh, quá mệt mỏi vì đã học hành suốt ngày, nên sai nhà sư em ra tiếp khách và tranh luận với vị du tăng theo truyền thống. Trước khi nhà sư em đi ra ngoài, Sư anh dặn dò:
"Này, đệ phải tranh luận trong im lặng đó nhé. Đừng có nói, kẻo đấu không lại người ta đó."
"Huynh yên tâm đi, để đó cho em!"
Độ một thời gian ngắn sau, vị du tăng xin gặp nhà Sư anh, vái chào và xin ra đi. Ông ta đã bị khuất phục và hết sức tán thán tài hùng biện của nhà Sư em.
Nhà Sư anh nói:
"Trước khi đi, xin Ngài thuật lại cho tôi nghe cuộc tranh luận thế nào?"
"Rất hay, tuyệt, vị du tăng trả lời, này nhé, trước hết tôi giơ một ngón tay lên ý tượng trưng Đức Phật. Sư đệ của ngài đưa 2 ngón tay lên có nghĩa là Đức Phật và Phật pháp. Tôi lại đưa 3 ngón tay lên có ý nói Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) số một. Sư đệ thông minh của ngài đưa nắm tay lên dứ vào mặt tôi có ý nói là cả 3 (Tam Bảo) đều qui về một. Một là tất cả, tất cả là một. Tuyệt, tuyệt, sâu xa, sâu xa, Đại Thừa, lý rốt ráo đại thừa đấy. Tôi cam lòng bái phục."
Vị du tăng ra đi, rất hể hả như đã học được một điều gì tuyệt diệu.

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Aung San Suu Kyi

Thế giới từng tôn vinh bà rồi thế giới cũng từng lột vương miện đã đội cho bà vì tội thông đồng với thế lực muốn diệt chủng người Rohingya. Giờ đây bà trở về với quá khứ của gần 15 năm biệt giam. Lúc đó bà được thế giới yêu mến. Bây giờ bà bị thế giới khinh bỉ và ném đá. Không còn ai phía sau lưng liệu bà có an bình trong lúc tuổi già và bóng tối đè nặng?

Best Blogger TipsBest Blogger Tips