Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

“Lời thề Hippocrates” ngày nay

Tôi xin thề trước thần tài, trước thần may mắn và trước sự chứng giám của tất cả các vị trình dược viên, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề sau đây:
- Tôi sẽ coi các thầy của tôi là tối thượng, một khi tôi còn ngồi ghế giảng đường. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, một khi tôi thiếu điểm.
- Tôi sẽ chỉ dẫn cho người bệnh đến phòng mạch của tôi, đến những trung tâm xét nghiệm y khoa mà tôi có phần hùn mua máy móc, thiết bị.

- Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu. Tôi chỉ bốc thuốc bổ cho họ để kéo dài quá trình chữa bệnh.
- Tôi suốt đời hành nghề y và quyết không thay đổi.
- Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật phức tạp có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Gặp những ca khó, tôi sẽ nhanh chóng làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên.
- Dù bệnh nhân ở bất cứ nhà nào, biệt thự hay nhà cấp bốn, tôi cũng không nề hà, miễn là thân nhân người bệnh trả đúng và trả đủ.
- Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy những gì mà xã hội bức xúc với nghề nghiệp, tôi cũng quyết im lặng. Bệnh nhân nếu có thắc mắc vì sao tôi kê quá nhiều thuốc, tôi cũng quyết không khai ra mức hoa hồng mà các trình dược viên đã chi.

- Nếu tôi làm trọn lời thề này thì sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng, ở nhà biệt thự, đi xe hơi. Nếu tôi vi phạm lời thề này, thì tôi sẽ phải chịu một cuộc sống khổ cực/-Bút Bi (ghi lại lời thề của bác sĩ Thất Y Đức)

9 nhận xét:

  1. Hãy xem.
    http://www.youtube.com/watch?v=fMsioguTYUc
    Mỗi một việc làm, một suy nghĩ đều gieo một Nhân, và chắc chắn sẽ gặp một Quả.
    Tôi là Bác sĩ Nội trú Gây mê hồi sức. Những điều bạn xuyên tạc về chúng tôi, bạn sẽ gặp một Quả, quả đó rất xứng đáng với Nhân bạn đã gieo.
    Chúng tôi những bác sĩ Gây mê hồi sức thức để giữ linh hồn cho bạn qua được cuộc mổ, khi mở mắt ra, cuộc sống tươi đẹp sẽ trở về với bạn để rồi nhận được những lời này.
    Chỉ cần một suy nghĩ thôi là ta đã gieo một nghiệp. Nếu người dân mà ai cũng có suy nghĩ như thế này thì thôi... tôi xin thua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cầu mong trong XH ta có và còn nhiều những bác sĩ như bạn.
      Những gì Bút Bi viết đó là sự thực đang diễn ra khắp nơi trên cái xứ sở này.

      Xóa
  2. Người dân bức xúc khi hay tin về vụ bớt xén vaccine tại Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Thật buồn khi ở không ít nơi người ta rút ruột các công trình, rút tài sản công, nay lại rút luôn cả những giọt vaccine bảo vệ tính mạng của trẻ nhỏ.

    Đong xăng dầu ăn gian chỉ thiệt hại ít tiền đối với người tiêu dùng, ăn gian vaccine có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em, tổn hại đến sức khỏe của một thế hệ.

    Choáng váng vì vụ vaccine chưa hồi tỉnh, người dân giật mình khi nghe đến vụ việc một nhóm cán bộ y tế của BV Chấn thương-chỉnh hình TPHCM cắt ghép, tráo, đổi phim với những thủ thuật gian lận nhằm móc túi người bệnh. Các cán bộ y tế này đã tráo phim loại B thay loại A, ghép nhiều hình trên một phim tính thành hai phim để lấy tiền bệnh nhân. Bằng trò gian dối này, họ thu lợi cả tỉ đồng hằng năm, kéo dài nhiều năm nay mới bị phát hiện.

    Dân gian nói quan tham ăn hối lộ các loại như “ăn” đất cát, “ăn” tiền…, nhưng có lẽ lần đầu tiên có loại cán bộ y tế “ăn” phim, “ăn” vaccine. Hành vi này có thể đưa vào loại “tham ô sức khỏe” của nhân dân. Mới đây, tại buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành y tế, nhiều giải pháp làm trong sạch môi trường khám-chữa bệnh đã được đặt ra. Tuy nhiên, ăn chặn thuốc thang của trẻ em và bệnh nhân như các trường hợp nêu trên thì xem ra chưa được “vạch mặt, chỉ tên”. Còn biết bao trường hợp khác, có thể còn ghê gớm hơn nhưng chưa bị phát hiện.

    Chúng ta đã sản xuất hoặc nhập đủ loại thuốc để trị nhiều loại bệnh tật cho người dân; nhưng để việc khám-chữa bệnh có hiệu quả, đề nghị ngành y tế “sản xuất” ngay loại thuốc điều trị chứng suy nhược y đức trước, bởi bệnh này đã đến mức trầm trọng.
    BÁO LAO ĐỘNG

    Trả lờiXóa
  3. Sau cái chết của bệnh nhân Nguyễn Kim Cúc huyện Thanh Oai (Hà Nội). Phó GĐ bệnh viện điềm nhiên nói: 'Trong cuộc đời làm bác sỹ, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến… vài chục người'.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Anh Nguyễn Văn Thụy (Hưng Yên), bị điện giật, nhiều lần gia đình đưa đi cấp cứu, nhưng bị các bác sỹ từ chối khuyên đưa về nhà chờ chết. Tuy nhiên, đến nay anh Thụy dần khỏe lại và nói “sao bác sỹ lại muốn em chết”.
    Còn nước nhưng bác sỹ ngừng tát
    Một lần vào thăm người bệnh tại bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi vô tình gặp chị Chu Thị Nên (Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên), vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Thụy. Chị Nên khóc nức nở rồi kể về câu chuyện của chồng chị.
    Trong khóe mắt đỏ âu ấy, có lẽ một phần chị khóc vì buồn tủi trước cách ứng xử của một số bác sỹ tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện B ở Hà Nội), một phần vui vì chồng chị đã dần hồi phục sức khỏe. Chị Nên nói: Ngày 1/6, anh Nguyễn Văn Thụy (chồng chị) bê tấm tôn lên để che lại bể nước trong khu nhà trọ, vô tình tấm tôn cứa vào dây điện, khiến nguồn điện 220V phóng xuống người anh Thụy. Ngay sau khi phát hiện anh Thụy bị điện giật, người con rể đã lập tức dùng gậy đẩy tấm tôn ra. Lúc đó anh Thụy bị ngã vào trong bể chứa nước.
    Sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Nên đưa anh Thụy đến bệnh viện Đa khoa phố Nối cấp cứu. Ban đầu da anh Thụy đen sạm, nhưng sau mấy giờ chăm sóc của bác sỹ, dần trở lại bình thường. Ngày 2/6, gia đình đưa anh Thụy lên bệnh viện B để điều trị tiếp.
    Nhưng khi đến đây, một số bác sỹ phán: Có điều trị cũng không sống được. Các bác sỹ khuyên gia đình nên đưa anh Thụy về nhà. Chị Nên đã mất gần 1 giờ đồng hồ năn nỉ mới được các bác sỹ tại bệnh viện B làm thủ tục cho vào buồng bệnh.
    Chị Nên kể tiếp, đến 17h cùng ngày, thấy anh Thụy ngáp và thở hắt ra, bác sỹ nói: Không thể cứu được nữa. Các bác sỹ tiếp tục khuyên gia đình đưa anh Thụy về nhà để chết cho đàng hoàng, tránh tình trạng phải chết đường chết chợ.
    Một bác sỹ khác cảnh báo, để bệnh nhân chết ở đây phải làm nhiều thủ tục lắm, tốt nhất là đưa về nhà. Không còn cách nào khác, chị Nên đành ngậm ngùi đưa chồng về nhà. Trên đường về chị Nên thuê bình ô xy, quả bóng bóp để hỗ trợ cho anh Thụy thở. Về nhà, chị Nên chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị quan tài chờ anh Thụy nhắm mắt tắt thở rồi khâm liệm.
    Khi về tới nhà được 1, 2 tiếng đồng hồ, thấy chân, tay anh Thụy dần ấm lại, gia đình chị Nên lại thuê xe đưa anh Thụy lên bệnh viện B để cứu chữa. Tuy nhiên, theo chị Nên, lần này bác sỹ ở đây không chỉ khuyên mà còn mắng cho người nhà chị Nên một trận. Chiếc xe đưa anh Thụy đang trên đường về Hưng Yên lại phải lộn lại để đón anh Thụy trở về bệnh viện Đa khoa phố Nối.
    Trở lại bệnh viện Đa khoa phố Nối, được sự tận tình cứu giúp của các bác sỹ nơi đây, anh Thụy dần dần tỉnh lại.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Anh Phương van xin bác sĩ cứu con mình nhưng bác sĩ này lạnh lùng bảo: “Cháu thở lấy hơi lên chút xíu rồi “đi” thôi. Anh đưa cháu về lo hậu sự, đừng để cháu mất tại bệnh viện mà tội nghiệp...”

    Thấy bác sĩ cương quyết, anh Phương đành đón taxi cùng ông bà ngoại đưa con trai về nhà lo hậu sự. Người nhà anh ngay trong đêm đã đi mua quách, đào huyệt, nhang đèn... để chuẩn bị “tiễn” đứa trẻ xấu số.

    Cháu bé vẫn nằm trong chiếc chăn do các bác sĩ quấn. Khi bà con tới chia buồn mở khăn ra thì thấy cháu da dẻ hồng, vẫn đang thở, tay chân cựa quậy... Người nhà anh Phương lại gọi điện hỏi ý kiến bác sĩ khoa sản Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, bác sĩ vẫn khẳng định: “Đừng đem cháu lên bệnh viện làm gì. Cháu thở chút rồi “đi” thôi”.

    Nhưng người nhà anh Phương vẫn quyết đưa cháu nhập viện một lần nữa. Anh Phương cho biết lúc đó anh còn thấy con anh mở mắt, nước mắt trào ra, “may mà tôi chưa để cháu vào bọc nilong theo lời bác sĩ”, anh Phương cho biết.

    Theo anh Phương, gia đình anh làm rất căng bác sĩ mới cho con anh vào lồng kính, thái độ bác sĩ rất khó chịu.

    Đến chiều ngày 12/11, gia đình anh Phương quyết định chuyển cháu bé vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Hiện sức khỏe của cháu đã dần hồi phục.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  6. Mới đây, vụ việc nhóm bác sĩ, kỹ thuật viên tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình TPHCM dùng thủ thuật cắt phim, ghép phim, đổi phim, gian lận trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân để trục lợi hàng tỉ đồng đã gây chấn động dư luận.

    Không ai có thể ngờ rằng, đội ngũ y bác sĩ này lại làm những việc vô lương tâm đến như vậy, sao lại có thể làm giàu trên sức khỏe, sinh mạng của bệnh nhân.

    Cảm xúc ghê sợ đó chưa phai trong tâm tưởng người dân thì lại liên tiếp xảy ra các vụ khác. Cũng mới đây thôi, người dân hoang mang vì xảy ra vụ tiêm vaccine quá “đát” tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tạm gọi là tiêm thiếu vaccine.

    Chưa hoàn hồn với việc tiêm vaccine quá “đát” và tiêm thiếu vaccine, người dân bị cú sốc quá nặng về vụ 3 đứa trẻ bị tử vong do tiêm vaccine viêm gan B tại Quảng Trị. Chuyện quá đau lòng này tưởng không cần phải bàn thêm điều gì nữa.

    Chuyện đáng bàn là thông tin mới toanh là tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - Hà Nội, bác sĩ sử dụng một phiếu xét nghiệm huyết học để dùng chung cho nhiều bệnh nhân, một cách làm coi thường sức khỏe của con người. Khó có thể tin được rằng, y-bác sĩ của chúng ta có thể nhẫn tâm như thế.

    Bệnh nhân đi xét nghiệm máu là để biết được tình trạng sức khỏe của mình, nhưng các bác sĩ lại đưa phiếu xét nghiệm của bệnh nhân khác để dùng làm kết quả thay thế thì chẳng khác gì hại người. Ngay cả kết quả xét nghiệm máu của một người, nó cũng chỉ xác định trong ngắn hạn. Vài tháng sau, muốn kiểm tra sức khỏe để điều trị bệnh, bác sĩ vẫn yêu cầu xét nghiệm máu lại để có những số liệu chính xác nhất về tình trạng sức khỏe.

    Vậy thì, lấy kết quả của một người rồi “nhân bản” áp cho nhiều người thì quá phi khoa học và phi đạo đức. Nếu một người đi xét nghiệm máu, lại nhận kết quả xét nghiệm của người khác thì sẽ ghi nhận sai về bệnh tình của mình. Ví dụ kết quả xét nghiệm của người khác là bị máu nhiễm mỡ, trong lúc có thể anh ta lại không bị máu nhiễm mỡ mà bị viêm gan. Vậy thì, việc điều trị của anh sẽ sai lệch, rất nguy hiểm cho sức khỏe, mạng sống.

    Tại sao Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức lại làm việc bất chấp y học, coi thường y đức này. Có phải họ “nhân bản” kết quả xét nghiệm để trục lợi qua việc tính chi phí hóa chất hay không? Câu trả lời thuộc về các cơ quan có trách nhiệm.
    LAO ĐỘNG

    Trả lờiXóa
  7. Ngoài hút máu, chúng còn một "đặc tính" khác: bám vào đâu là không nhả ra vì vậy chúng có hỗn danh "dai như đỉa".
    Hai đặc tính này của đỉa đang bị cạnh tranh. Bi kịch ở chỗ không phải một loại súc vật nào khác cạnh tranh mà lại là con người. Vài con người thì đúng hơn. Những con người mang "cấu trúc" của loài đỉa rất dễ nhận ra nhưng lại không dễ đối phó, đặc biệt là hạng người ấy đã leo lên thượng tầng xã hội qua các chức vụ như bộ trưởng hay hơn.
    Nguyễn Thị Kim Tiến là điển hình của một "Bộ trưởng Đỉa". Những câu nói "máu me" của bà không phải một mà là nhiều lần.
    Khi ba đứa bé chết do tiêm vắc xin tại Quảng Trị mặc dù đang có mặt lúc ấy tại một địa phương rất gần nhưng bà Tiến không đến để tìm hiểu hay an ủi nạn nhân mà tỉnh queo tuyên bố là đã có đòan công tác của Bộ Y Tế nắm bắt thông tin và trả lời báo chí! Đỉa không bao giờ chịu trách nhiệm.
    Câu tuyên bố máu me tiếp theo: Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”. Đỉa không có mắt và tai để nghe và thấy việc chúng làm. Chúng chỉ có miệng nhưng không phải để nói mà là để hút máu.
    Trong một lần khác báo chí đặt câu hỏi tại sao số giường thiếu trầm trọng lại không thấy Bộ Y Tế có cách giải quyết, bà Bộ trưởng trả lời tỉnh queo: đó là trách nhiệm của nhà nước! Trả lời tại Quốc hội, Bộ trưởng đỉa cho rằng mức viện phí hiện nay quá thấp khiến cho việc phục vụ không đạt hiệu quả, vì vậy tăng viện phí là một "thành tựu" của Bộ Y Tế.
    Câu phát biểu này chứng minh sự hút máu không cần che giấu của Bộ trưởng đỉa. Bộ trưởng đỉa đã dẫn đầu và làm gương cho những con đỉa khác trong ngành y và điển hình nhất là vụ phiếu xét nghiệm y khoa được nhân bản lên hàng ngàn lần trong bệnh viện Hoài Đức Hà Nội.
    Không cần phải nói, hệ lụy của việc làm này đã tô đỏ bộ mặt của y tế Việt Nam như thế nào. Những con đỉa lúc nhúc trong các bệnh viện cả nước làm sao trừ khử nổi khi bản tính "dai như đỉa" của tập đoàn này ngày một lộ rõ hơn.
    Giống như những con đỉa trong bánh Yoyo nếu không được mua và mang vào bánh thì có lẽ chúng vẫn đang tung tăng trong một mảnh ruộng nào đó tại Hà Tỉnh, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của bà Bộ trưởng đỉa Nguyễn Thị Kim Tiến. Thủ tướng là người trách nhiệm bổ nhiệm bà Bộ trưởng Y tế nhưng không một lần lên tiếng.
    Phải chăng ông cũng là một con đỉa với cái nick name "đồng chí X"?
    Ông Dũng là thương lái trong vụ kinh doanh Bộ trưởng đỉa thì chính ông phải loại trừ nó. Nhưng buồn thay, đỉa là loại động vật không trừ khử lẫn nhau, chúng có đặc tính sống quần thể và cùng chia nhau hút máu con mồi.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  8. Tôi học y thật tình cờ. Thật tình là trong tất cả các ước muốn của tôi khi tôi còn nhỏ, không có cái nào liên quan đến y tế cả. Người biến tôi thành bác sĩ chính là mẹ tôi.


    Hồi đó, ba tôi bị chấn thương cột sống do xe đụng, bác sĩ ở bệnh viện khuyên, nếu muốn giữ xác thì nên mang về nhà. Thế rồi, có một ông lang được hàng xóm giới thiệu, mang đến một thứ lá cây đắp cho ba tôi, lấy tiền mỗi ngày bằng giá mua một chiếc xe honda đam.

    Khi nhà tôi vừa hết tiền thì ba tôi cũng hồi phục, và đồng thời chúng tôi cũng biết được, cái lá mà ông lang ấy đắp cho ba tôi là thứ lá được trồng ở hầu hết các công viên thời đó. Và sau này, khi tôi làm bác sĩ chuyên về cột sống, tôi mới biết rằng, việc ba tôi phục hồi chẳng liên quan gì đến cái lá mà ông thầy lang sử dụng, rằng nếu bác sĩ có chút tâm, thăm khám ba tôi kĩ hơn, sẽ không làm cho gia đình tôi hoảng loạn.

    Tôi có thiên hướng về kĩ thuật, nên những gì liên quan đến kĩ thuật tôi làm khá tốt. Thời sinh viên, khi học chích, tôi được rất nhiều bệnh nhân thích. Tuy nhiên, có một bệnh nhân tỏ ra coi thường sinh viên ra mặt, thậm chí còn có những lời lẽ xúc phạm tôi. Tôi giận lắm, dự định sẽ chích cho ông ta thật đau cho bõ ghét.

    Biết được chuyện này, mẹ tôi đã phân tích, rằng ông bệnh nhân kia có lí do để lo lắng, để không tin tưởng các sinh viên thực tập. Chỉ có là ông ấy thể hiện ra không được lịch sự. Và mẹ tôi đã khuyên tôi bỏ ngay ý định làm cho ông ta đau.

    Hồi ấy trường y không có dạy về y đức. Có thể nói, những bài học đầu tiên về y đức của tôi chính là từ mẹ tôi. Sau này, khi tiếp xúc nhiều với các đàn anh, tôi lại được các đàn anh truyền dạy về y đức, về những điều mà một người thầy thuốc cần làm, và cả những điều cần tránh.

    Tôi hiểu y đức khá đơn giản, đó là làm những gì có lợi cho người bệnh, cho xã hội. Trong đại đa số trường hợp, điều có lợi phù hợp với lợi ích của chính bản thân và gia đình tôi. Trong một số trường hợp, bản thân tôi phải chịu một chút thiệt thòi, nhưng tôi được thanh thản.

    Có một lần, chỉ vì một cái máy gây mê bị hỏng, tôi đã gây lộn với phòng mổ, với cả Ban Giám đốc, làm náo loạn cả bệnh viện, gây áp lực để cái máy ấy phải được mang ra khỏi phòng mổ, để đi sửa. Phải nói là tôi may mắn được trưởng thành ở một tập thể bao gồm đa số những con người có đạo đức. Nên sau vụ “nổi loạn” ấy, tôi không bị kỉ luật gì.

    Là một thầy thuốc, thấy được các nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đến sự an nguy của xã hội, thì phải hành xử cho nó có đức. Là một thầy thuốc, hãy thẳng lưng lên, và đứng trên đôi chân của mình. Chỉ khom lưng, thậm chí có thể cúi đầu, trước bệnh nhân. Ngoài ra, đừng để ai bẻ khuỵu gối, bẻ cong lưng của mình.

    Hãy đừng nghe theo ý kiến chủ quan của các nhà chính trị không đặt mục tiêu an toàn của người dân, của xã hội lên trên, mà phải đưa ra những khuyến cáo, qui định… có nguy cơ gây nguy hại cho dân, cho xã hội.
    VÕ XUÂN SƠN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips