Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Xin em cúi mặt...

“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”

Câu hát khiến tôi xúc động. Sự xúc động đột ngột khiến tôi rùng mình.
Giọng hát nữ, nhưng tình ý lời ca là của người con trai lính chiến. Trước khi trở lại chiến trường cùng đồng đội, anh đã dặn dò người bạn gái, người yêu, hay người vợ chưa cưới của mình một lời nhẹ nhàng mà trong đó chứa đựng một điều hết sức lớn lao. Điều đó, hiện giờ ta thường gọi là “tính nhân văn.”

Nhớ hai câu thơ trong bài Lương Châu từ của nhà thơ Vương Hàn thời Thịnh Đường của nước Tàu xưa:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
(Bạn đừng cười ta say nằm lại ở sa trường
Xưa nay ra trận có được mấy người trở về đâu!)
Chẳng mấy người ra trận còn giữ được mạng sống trở về, thân nhân mình còn sống trở về là quý lắm, mình phải vui mừng, như sau này người ta kỷ niệm ngày chiến thắng phải giăng khẩu hiệu, treo cờ, bắn pháo hoa, hát vang bài ca “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” để rầm rộ ăn mừng chớ. Sao lại “xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em?”.


Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi! Xưa nay chinh chiến mấy ai về!
Chấm dứt chiến tranh ta còn sống trở về nhưng nhiều đồng đội của ta không còn cơ hội trở về nữa. Sự vui mừng lộ liễu của ta có khác gì rạch thêm nhiều nhát dao vào những vết thương lòng của thân nhân những đồng đội xấu số của ta. Họ không phải một hai người, mà hàng triệu người, kể cả hai bên, đã không về nữa từ chiến trường, từ các trại tập trung, từ rừng sâu biển cả. “Em nên cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.
Em nên cúi mặt, vì giọt lệ mừng của em không chỉ làm đau xót thêm nỗi đau trong lòng thân nhân tử sĩ đối phương, mà cũng xát muối vào vết thương sâu muôn đời không lành của thân nhân đồng đội mình trên khắp nước nữa.
“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Một lần nữa, ngày 30/4 sắp trở lại. Trong khi hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn, “Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.
Thiếu Khanh (toàn bài)

Best Blogger TipsBest Blogger Tips