Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Hà Nội biểu tình chống Trung cộng lần 4/2012

Các cháu mặc áo xanh "thanh niên tình nguyện" cũng tham gia và bị bắt giữ...
 Không như mấy lần trước bị các chú các bác blogger "phang" dữ quá.

9 nhận xét:

  1. ”Bắt thằng cầm máy ảnh đỏ”, nghe giọng hơi quen, nhà cháu quay lại, vừa kịp nhận ra “ông cháu quen” là an ninh quận Hoàn Kiếm thì đã ĐƯỢC 5-6 chú ‘băng đỏ’ lực lưỡng quây quanh, xô đẩy, túm lôi về phía cửa xe bus/bắt gần đó. Chính ‘ông cháu’ tay giật cái máy ảnh (mạnh đến mức đứt cái dây đeo mà nhà cháu đã quấn vào cổ tay) miệng gầm lên: - Thằng này chụp ảnh từ nãy đến giờ.

    A, ha, ra là hôm nay ‘ông cháu đặc trách’ nhà cháu. Lần đầu tiên, sau hơn nửa thế kỷ đã tồn tại được ở cáí cõi Ta bà này, nhà cháu được 1 ông cháu gọi bằng THẰNG!
    (Click vào tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Vào lấy dấu vân tay, vừa bước vô cửa: " Địt mẹ cái thằng này", CB Vũ Duy Linh chửi dân
    Nó: cái gì đấy, chửi dân thế à, có quyền chửi dân như thế à, người ta là tội phạm à? thế này thì giáo dục nhân phẩm cái gì?
    1 anh cán bộ khác: thằng đó ko chịu hợp tác nên như thế.
    Nó: à, thế chúng tôi vào đây là chúng tôi là tù nhân à, chúng tôi được mời hay bị bắt mà đối xử như thế với chúng tôi, chửi dân như thế thì phục hồi ai
    ....
    anh cán bộ cấp trên Hoàng Xuân Hiêu mã biển 122-331: bị cưỡng chế đến đây
    nó:à, bị cưỡng chế, thế tội của chúng tôi là tội gì, tội yêu nước à?
    Cán bộ Hoàng Xuân Hiếu: gây rối trật tự công cộng rồi lượn ra ngoài
    Nó: ha ha, chụp mũ cũng giỏi
    Nó đứng đó đợi đến phiên chụp ảnh và lấy dấu vân tay
    Trong khi chờ đợi nó hỏi: sao e phải chụp?
    CB: vì em ko mang CMTND
    Nó: khai lí lich rồi còn gì, thích thì về phường xác nhận luôn
    CB: nhỡ có ai giống em thì sao, bây giờ phẫu thuật nhiều
    Nó: em nói rồi còn gì, thích thì về phường luôn mà xác nhận
    ....
    CB: bỏ kính ra mới chụp đc
    Nó: đồng ý chụp là tốt rồi, ko thì dứng dậy khỏi chụp
    Đến phiên lăn tay
    Nó: tôi là tội phạm à mà lăn tay
    CB: ko mang CMTND nên phải lăn tay xác minh
    Nó: tôi ko phải tội phạm tôi ko lăn, chụp ảnh là tốt rồi
    CB Hoàng Xuân Hiếu: cho con này ra, ồn ào quá( lúc này đi vào và ngồi trên ghế trong phòng)
    Nó: ai là con cơ?
    Trong lúc bị đẩy ra khỏi cái phòng gần chục anh công an, tôi nghe cán bộ Hoàng Xuân Hiếu ghi tên các đồng đội và bảo mỗi người được 500, anh béo đầu đinh làm việc với tôi huýnh tay cán bộ Hoàng Xuân Hiếu ra hiệu đừng nói gì kẻo tôi nghe thấy, haiz....không biết 500.000 VND hay 500 euro hay 500 đô la nữa
    (Click vào tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Như bao nhiêu người dân Việt Nam khác, mẹ con tôi cùng tham gia biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược, bắt giết ngư dân Việt Nam. Để có mặt trong các cuộc biểu tình mẹ con tôi đã phải rời nhà đi sơ tán từ nhiều ngày trước để tránh sự đàn áp, ngăn chặn của Công An với những bữa ăn, giấc ngủ ven đường.

    Một điều đáng buồn cho xã hội Việt Nam hiện nay đó là sự vô cảm với vậnh mệnh đất nước của nhiều người dân, họ chỉ biết nghe và làm theo lời Đảng Cộng Sản VN đó là :chỉ cần quan tâm đến cơn ngon, áo đẹp mà không hề nhớ tới câu nói của tổ tiên để lại “Nước mất thì nhà tan”.
    Đặc biệt là sự tàn bạo vi phạm pháp luật của chính quyền dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản đã chỉ thị ngành Công An và một loạt các thanh niên đầu trâu mặt ngựa tay đeo băng đỏ bắt bớ đánh đập người dân chỉ vì họ đã thực hiện quyền công dân, và thể hiện tinh thần trách nhiện với vận mệnh đất nước khi bị giặc Tầu xâm chiếm.
    (Click vào tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Hai hôm nay dân tình bàn tán rất xôm việc đài truyền hình Hà Nội đưa tin người biểu tình chống Trung Quốc “được trả tiền công” sau cuộc biểu tình hôm Chủ nhật ngày 5/8:”quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người tham gia biểu tình“. Hi hi mình đã xem chương trình ấy rồi. Xem vì không tin đài truyền hình Thủ Đô lại chơi món ” bắt quả tang ” như người ta đã “bắt quả tang” hai bao cao su trong vụ án Cù Huy Hà Vũ. Không có lẽ phương pháp ngu xuẩn, trâng tráo và trơ trẽn ấy lại được Thủ Đô, trung tâm văn hóa của cả nước, đưa vào áp dụng cho các cuộc biểu tình yêu nước? Khi mà Thủ Đô ngày nay đã hết lú, đã có ít nhất hai lãnh đạo có đầu óc sáng sủa là ông Phạm Quang Nghị và ông Hồ Quang Lợi.

    Xem xong vẫn không tin là thật, không thể tin vào tai mình khi đài truyền hình Thủ Đô hân hoan loan báo: “Bộ mặt thật cái gọi là biểu tình yêu nước đã bị lộ tẩy”. Té ra người ta căm thù những người biểu tình chống TQ xâm lược đến thế a? Ở đây không phải là chuyện sợ ” bị kẻ xấu xúi dục kích động bạo loạn” mà cả một trời căm ghét. Bởi vì nếu có kẻ xấu ấy lọt vào đoàn biểu tình thì nói như Đoan Trang: “thì cơ quan an ninh, công an có thể xử lý họ, nếu xác định được họ có hành vi vi phạm pháp luật. Chứ không thể gộp tất cả những người biểu tình vào một “rọ” để trấn áp tuốt, theo cái lối tư duy “không quản được thì cấm”, chỉ vì một khía cạnh nào đó rất nhỏ mà chụp mũ, bôi nhọ một mục đích tốt đẹp của hoạt động biểu tình.”

    Chuyện rất đơn giản. Nếu chính quyền muốn dẹp các cuộc biểu tình “tự phát” thì hãy tổ chức các cuốc biểu tình chống TQ xâm lược thật rầm rộ đi, rồi bảo Nhà nước tổ chức biểu tình rồi đấy nhé, chớ có bảo vì Nhà nước hèn nên dân phải lên tiếng nhé! Từ nay cấm không được biểu tình lẻ tẻ. Kẻ nào còn biểu tình lẻ tẻ là kẻ đó nhất định mượn biểu tình yêu nước để mua bán hoa lài. Cái lý ấy dù rất củ chuối nhưng còn ngửi được. Nhà nước cứ làm thế đi xem dân có còn “tự phát” biểu tình yêu nước nữa không nào?

    Mình đã im như thóc câm miệng hến, thấy dân xuống đường biểu tình thì sĩ nhục, trấn áp , vu vạ… thật chả ra làm sao. Tệ quá là tệ. Tệ nhất là đem phương pháp bao cao su để triệt hạ người biểu tình yêu nước. Đài Thủ Đô thông báo hứa hẹn “sẽ phản ánh rõ nét chi tiết việc ‘biểu tình ăn tiền này’ trong bản tin thời sự buổi chiều cùng ngày vào lúc 18h30.” Đến nay những kẻ “bị bắt quả tang” vẫn chưa xuất đầu lộ diện. Có lẽ khi xem lại băng “tổ chức phát tiền” người thấy nhiều điểm không ổn, dễ lộ và lố nên dừng lại làm cho thật chu đáo hơn, thế thôi. Để xem, thế nào họ cũng phát cái băng “phát tiền” ấy cho mà xem.

    Tổ chức một “cuộc phát tiền” thật dễ như trở bàn tay nhưng bảo toàn được bí mật cái sự “bắt quả tang” ấy thật không dễ. Bởi vì những người ” được phát tiền” ấy không phải là bao cao su, họ có miệng và biết nhục. Quanh họ còn có gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng sự đồng đội. Khi nhận ra đóng kịch một lần bị khinh bỉ suốt đời nhất định họ sẽ lên tiếng. Ấy là chưa nói những trò trò gian xảo xưa nay đều bị lật tẩy vì đã gian thì rất khó làm được như thật, nhất định bị hớ và hố.

    Nhiều người thắc mắc tại sao người ta cứ đánh đu với phương pháp bao cao su, không chịu động não nghĩ ra một phương pháp khác khả dĩ sạch sẽ hơn? Hi hi khi lý đã cùn muốn thắng chỉ có chơi bẩn, chả có cách nào hơn. Muốn có một cuộc chơi sòng phẳng, dù tàn ác nhưng đàng hoàng, thì chỉ có một cách. Ấy là ông Phạm Quang Nghị, ông Hồ Quang Lợi cứ huỵch toẹt ra, nói: Này đám biểu tình yêu nước kia, cút mẹ chúng mày đi! Chúng ông chỉ muốn bảo vệ chế độ thôi, Tổ quốc mất còn kệ cha nó.

    Rứa đo rứa đo.

    Nguyễn Quang Lập

    Trả lờiXóa
  5. Bạn đã bao giờ gặp tình huống này chưa : để lảng tránh giải thích cho bạn về một vấn đề nào đó, về một hiện tượng tiêu cực, về một sự khuất tất hay một bất công nào đó, người ta trả lời bạn : « Cái nước mình nó thế, đừng có hỏi ! » ?

    Đã bao giờ bạn đưa phong bì cho giáo viên, và thay vì dằn vặt xấu hổ, bạn tự nhủ : « Cái nước mình nó thế », rồi cảm thấy thanh thản ?

    Tôi giả định rằng bạn đủ nhận thức để hiểu cái nước mình nó thế là nó như thế nào, nên không luận giải về điều đó ở đây. Tôi chỉ muốn đề cập tới, một cách chưa đầy đủ, thái độ nào có thể có đằng sau câu nói đó. « Cái nước mình nó thế » là một mệnh đề tiêu biểu cho sự bất lực, cho sự đầu hàng vô điều kiện, sự nô lệ cho hoàn cảnh và nô lệ cho chính mình. Mệnh đề này thể hiện sự kìm kẹp, sự trói buộc từ bên trong của mỗi cá nhân, hậu quả của sự trói buộc dài hạn từ bên ngoài. Và nó cũng thể hiện sự lảng tránh trách nhiệm. Để tránh hành động, để chấp nhận cái xấu, cái ác, cái tồi tệ, nhưng đồng thời để tránh phải chịu trách nhiệm về cái xấu, cái tồi tệ và cái ác, người ta nói với bạn : « Cái nước mình nó thế ». Những người nói câu này ngụ ý rằng « mình » không can dự gì vào « cái nước mình » ấy, rằng « mình » chẳng phải chịu trách nhiệm gì hết. Phủi tay. Tuy nhiên, mệnh đề này khi được thốt ra cho thấy đằng sau nó thái độ chấp nhận tuyệt đối. Vì cái nước mình nó thế nên đừng hỏi gì cả, đừng làm gì cả, chỉ có một con đường duy nhất là chấp nhận mà thôi. Song, điều mà có thể những người phát ngôn câu đó không ngờ tới là cái vị thế này : chấp nhận rằng cái nước mình nó thế cũng có nghĩa là chấp nhận rằng mình cũng như thế. Thêm nữa, khi đóng đinh vào đầu bạn ý tưởng về cái nước mình nó thế, người ta không những tự phủ nhận khả năng thay đổi của mình, mà còn muốn phủ nhận khả năng thay đổi của bạn, người ta không khuyến khích bạn hỏi, không khuyến khích bạn hành động ; mà trái lại còn ngăn cản bạn, còn triệt tiêu khả năng đặt câu hỏi của bạn, còn làm bạn nhụt chí, khiến bạn trở nên giống như họ, nghĩa chấp nhận một cách tự nhiên rằng cái nước mình nó như vậy, nó không thể khác được, rằng không có cách gì làm cho nó khác đi được, và vì thế mà không làm gì để cho nó khác đi. Và nếu không làm gì cho nó khác đi thì cũng không sao, bởi vì… « cái nước mình nó thế » ! Bạn thấy đấy, bằng cách đó, quả là thật dễ dàng để ăn ngon ngủ yên. Vấn đề là bạn có thể ăn ngon ngủ yên mãi trên một hiện thực « như thế » hay không ? Nó có để cho bạn yên hay không ?

    Trả lờiXóa
  6. Thế hệ của bạn cần thay thế mệnh đề đó bằng những mệnh đề mới, chẳng hạn như : « Nước mình sẽ khác », hoặc « Nước mình sẽ tốt đẹp hơn », hoặc những mệnh đề cùng loại do tự bạn nghĩ ra. Khi bạn để cho những mệnh đề loại đó vang lên trong đầu bạn, có thể bạn sẽ cảm thấy năng lượng giải phóng của chúng, bởi chúng đòi hỏi trước hết bạn phải khác đi, bạn phải giải phóng khỏi chính bạn. Khi bạn có mong muốn mãnh liệt rằng nước mình sẽ khác thì bạn sẽ tìm cách hành động cho sự đổi khác. Và muốn nước mình khác đi thì bản thân mình phải khác đi. Nếu bản thân bạn không khác đi được thì sao có thể mong muốn nước mình khác đi được. Mà nước mình không khác đi thì sao ?

    Thì có nguy cơ sẽ mất vào tay láng giềng.

    Bạn có biết những gì đang xảy ra trên biển Đông, và cả trên đất liền, những năm tháng, những ngày tháng gần đây ? Mà nước đã mất thì « mình » có còn không ? Bạn có còn không ? Và nước đã mất thì bạn sẽ để lại gì cho con cháu bạn ? Hay là bạn ngồi nhìn nước mất và tự nhủ : « cái nước mình nó thế » ? Và bạn hy vọng rằng với câu đó thần chú đó bạn sẽ cảm thấy thanh thản vì có thể phủi tay, có thể đẩy trách nhiệm cho « cái nước mình » ấy ? Nhưng dù bạn có thể phủi tay, dù bạn có thể tự lừa dối mình rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm trừ chính bạn, thì bạn cũng không thể nào tránh được cái hiện thực là mất nước khi điều đó xảy ra.

    Có bao giờ bạn nghĩ rằng chính bạn phải cân nhắc và lựa chọn, chính bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình ? Có bao giờ bạn nghĩ rằng nước mình sẽ không còn như thế, sẽ tốt đẹp hơn, rằng chính bạn có thể khác đi, có thể tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn ?

    Cái nước mình nó thế hay nước mình có thể khác đi tùy thuộc vào khả năng tự thay đổi của chính bạn, tùy thuộc vào khả năng của bạn trong việc nhận thức và hành động cho sự tiến bộ.

    Hiện nay có những người đang nỗ lực vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt nổi, họ đang nỗ lực để nước mình khác đi theo hướng tốt đẹp hơn. Điều nhỏ nhất mà bạn có thể làm là hiểu họ, và ủng hộ họ. Nhưng quan trọng hơn : bạn hoàn toàn có thể làm được như họ.

    Có lẽ cần bắt đầu bằng câu hỏi này : bạn muốn « cái nước mình nó thế » hay bạn muốn « nước mình sẽ tốt đẹp hơn » ? Rồi từ đó bạn sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi khác. Nhưng có lẽ bạn phải nhanh lên, bởi vì cái giá mà chúng ta phải trả cho việc chấp nhận « cái nước mình nó thế » giờ đây đã tới mức không còn một cá nhân nào có thể gánh nổi.

    Bạn hãy hình dung tới những câu hỏi mà hậu thế sẽ đặt ra về chúng ta. Hơn thế, hãy hình dung những câu trả lời về chúng ta mà hậu thế sẽ phải đối diện, vì thực tế là sẽ không có cách nào lảng tránh được sự thật. Dù chúng ta có cố mà tự lừa dối mình thì người khác cũng sẽ nhìn thấy rất rõ.

    Hơn nữa, dù chúng ta có thành công trong việc lừa dối chính mình và lừa dối người khác, dù chúng ta có bảo toàn được tài sản cá nhân và tính mạng cá nhân, nhưng nếu đất nước chung này mất đi, sẽ chẳng ai trong chúng ta thoát khỏi thân phận của kẻ mất nước.

    Tháng 7, những ngày giông tố trên biển Đông
    Nguyễn Thị Từ Huy

    Trả lờiXóa
  7. Những ai trực tiếp chứng kiến cuộc biểu tình sáng ngày 5/8/2012 tại Hà Nội mới hiểu được bộ mặt thật của Đài truyền hình Hà Nội đằng sau cái thông tin “quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người biểu tình”. Đó là một sự xuyên tạc sự thực và vu cáo trắng trợn những con người đang đấu tranh cho đất nước, Đài truyền hình Hà Nội đã dùng uy tín của mình để bôi nhọ danh dự, xúc phạm đạo đức con người. Cái lời hứa suông “cung cấp bằng chứng” ấy sẽ chẳng bao giờ được thực hiện cho tới khi một video giả mạo được làm ra. Những người đã xuống đường biểu tình hôm đó có thể khởi kiện Đài truyền hình Hà Nội tội vụ khống người yêu nước, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác.

    Đã một thời gian khá dài những cuộc biểu tình yêu nước phản đối ngoại bang xâm phạm bờ cõi thường xuyên được diễn ra, tuy nhiên phần đông dân chúng trong xã hội vẫn mông lung về vấn đề này. Tôi đã trực tiếp nghe được lời một số người dân khi chứng kiến cảnh biểu tình phản đối Trung Quốc thì họ cho rằng đó là do “phản động” thực hiện. Tôi hỏi tại sao các bác lại nói họ như vậy, những người này thản nhiên mà nói rằng: “các cơ quan báo đài người ta nói đầy ra đấy, toàn là phản động cả”. Chứng kiến sự thật đau lòng đó, tôi không thể trách những người dân lương thiện, họ lắng nghe tin tức từ các phương tiện truyền thông “chính thống”, đối với họ là rất uy tín và họ đã bị lừa, bị lừa một cách trắng trợn và sau ngày 5/8/2012 Đài truyền hình Hà Nội đã trở thành kẻ lừa dối trắng trợn nhất.

    Vì lẽ nào những người biểu tình yêu nước lại “bỗng nhiên” trở thành “phản động”? Có lẽ thật khó nói rõ ràng vấn đề đó vào lúc này, chỉ có điều thực tế rằng lòng yêu nước của họ đang bị lợi dụng. Người ta đã lợi dụng chính sự biểu thị lòng yêu nước để gán ghép cho họ đủ mọi sự xấu xa có thể, để cô lập họ với nhân dân nhằm khẳng định tất cả mọi hoạt động của xã hội đều nằm trong tầm kiểm soát và theo ý chí của chính quyền, để khẳng định những kẻ nào không thuận theo ý chí của chính quyền đều là kẻ phản quốc, tức là một sự xấu xa mà dân chúng cần cảnh giác và tránh cho xa. Báo chí cũng dựa vào những cuộc biểu tình để thể hiện “sự sáng suốt”, sự nhanh nhạy và tinh thần “luôn đấu tranh với cái xấu”, tức là có trình độ và “bản lĩnh chính trị vững vàng”. Những lực lượng an ninh cũng dựa vào biểu tình để có cơ hội “lập chiến công” và đón nhận những “phần thưởng xứng đáng”. Ngoài ra, cuộc biểu tình cũng là dịp để Trung Quốc kiểm tra “tinh thần hợp tác” của chính phủ nước ta, để thể hiện họ có thể điều khiển nước ta bằng việc gây sức ép, để thể hiện chúng ta đang run sợ họ.

    Lòng yêu nước được thể hiện qua những cuộc biểu tình phản đối kẻ thù xâm lược đã bị lợi dụng như thế đó; những con người luôn sục sôi căm giận giặc ngoại xâm, luôn cháy bỏng một lòng yêu nước, phần đông họ là sinh viên và trí thức – những con người được xem là ưu tú và tiến bộ, khi qua “cái lưỡi không xương” của truyền thông đã bị nhào nặn thành một loại ma quỷ cá nhân bẩn thỉu, thành thứ hủi lậu của xã hội. Xã hội đang bị che mờ bởi một loại tội ác, là tội ác đối với lòng yêu nước.

    Rất nhiều giá trị đang bị đảo lộn, nhân dân sống trong khói sương mịt mù của giả dối, thật khó nhận ra đâu là hiện thực, đâu là chân lý. Những con người yêu nước cháy bỏng, bằng sự can trường và lòng dũng cảm của mình cần vững bước, vững bước hơn nữa để đưa xã hội về đúng giá trị thực tại của nó, để sáng soi chân lý cho nhân dân, để khẳng định với cả thế giới rằng dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng bất cứ kẻ thù nào dám xâm phạm biên cương của tổ quốc.
    Hoàng Ninh

    Trả lờiXóa
  8. Khi viết những dòng dưới đây (và sau đó đánh máy lại rồi đưa lên mạng), tôi chỉ có một mong muốn duy nhất: Làm thế nào để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người được phổ biến hơn trong xã hội.

    Tôi không muốn, rất không muốn nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị công an, dân phòng giằng giật, xô đẩy, thậm chí bẻ tay, bóp cổ. Không muốn những người biểu tình giận dữ gọi công an là “chó”, “súc sinh”, “ác quỷ”, “tay sai Trung Quốc”, v.v... Không muốn những người biểu tình bị bôi nhọ, bêu riếu trên phương tiện thông tin đại chúng, hay phải bước đi trên phố trước ánh mắt… căm thù hoặc rất thiếu thiện cảm, của một số người dân thủ đô.

    Bên cạnh đó, tôi cũng không muốn nhìn thấy cảnh trời nắng nóng 39 độ C, anh công an trẻ tuổi gục mặt trên bàn, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, than thở với tôi: “Mệt mỏi lắm chị T. ơi!”. Bởi vì công an, an ninh đều là người Việt. Và chính quyền cũng được tạo nên từ những con người. Tôi không muốn có ai bị căm ghét, coi như súc vật.

    Phải làm sao? Làm sao để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người trở thành những giá trị chung của xã hội này? Làm sao để không bao giờ còn chiến tuyến, còn sự đối đầu, chia cắt giữa người dân Việt Nam với nhau nữa?

    Qua sự vụ 5-8-2012 và những cuộc biểu tình-trấn áp-biểu tình liên miên tại Hà Nội, tôi nhận thấy một số điều: 1. Chính quyền quá lúng túng trong cách cư xử với người biểu tình và cách nhìn nhận về một hoạt động bình thường của đời sống dân sự, là biểu tình; 2. Công an, dân phòng - những người trực tiếp tham gia trấn áp - chỉ là cấp dưới, và họ cũng mệt mỏi, ức chế vì tất cả những gì đang xảy ra.

    Vấn đề rất lớn của chúng ta đang nằm ở khâu “chất lượng nhân sự” của chính quyền và đội ngũ tham mưu, cố vấn. Có vẻ như hoạt động tham mưu, cố vấn của lực lượng nào đó vẫn còn mang nặng tính chất “minh họa chủ trương, đường lối”, chứ không hề sát với thực tế cuộc sống. Khoảng cách, hố sâu giữa người dân và chính quyền vì thế mà cứ rộng ra mãi. Đặt những người biểu tình và hoạt động biểu tình vào thế đối kháng với chính quyền ngay từ đầu là một tư duy sai lầm, và dường như cái sự tham mưu nào đó chỉ là để minh họa, cổ vũ thêm cho tư duy sai lầm đó.

    Những dòng sau của tôi, vì thế, chỉ muốn đạt tới một mục đích duy nhất. Làm sao gạt hết mọi tị hiềm, thù hận; ứng xử trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp, đặt lợi ích chung của đất nước là tối thượng, nhất là vào thời điểm này, khi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thậm chí gian nguy, mà có lẽ chúng ta ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được…

    Trả lờiXóa
  9. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    BẢN TƯỜNG TRÌNH

    Kính gửi: Cơ quan Công an Quận Hoàn Kiếm
    Tên tôi là: Phạm Đoan Trang
    Sinh năm: 1978
    Nơi đăng ký HKTT: … quận Đống Đa - Hà Nội
    Chỗ ở hiện nay: như trên
    Nghề nghiệp: phóng viên
    Cơ quan công tác: báo Pháp luật TP.HCM, thường trú tại Hà Nội

    Tôi viết bản tường trình này liên quan đến việc tôi đi biểu tình sáng 5-8 tại khu vực Bờ Hồ và bị bắt đưa về trại lưu trú Lộc Hà. Việc tôi đi biểu tình là hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ ai rủ rê, lôi kéo, xúi giục, thúc ép.

    Là một nhà báo từng viết nhiều bài có tính nghiên cứu về xã hội dân sự, luật pháp, Nhà nước pháp quyền, quan hệ quốc tế, tranh chấp Biển Đông nhìn từ giác độ lịch sử và công pháp quốc tế, tôi biết rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố chung (của ASEAN) về Ứng xử của các bên trên Biển Đông; sử dụng biện pháp ngoại giao, hòa bình.

    Chính vì vậy, như tôi đã nói với cơ quan điều tra cũng như tại blog cá nhân của mình, việc người dân biểu tình ôn hòa chống những hành vi gây hấn, có tính chất bá quyền và ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, là việc làm tốt, thể hiện lòng yêu nước, chính kiến của người dân, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân, cùng với Nhà nước bảo vệ chủ quyền quốc gia.

    Một trong các lý lẽ mà cơ quan công an đưa ra để trấn áp hoạt động biểu tình là “sợ người dân bị các phần tử cơ hội chính trị, chống đối Nhà nước, lợi dụng kích động, xúi giục gây rối trật tự công cộng hoặc chống phá chính quyền”. Thiết nghĩ, nếu thực trong hàng ngũ người biểu tình có những thành phần cơ hội chính trị như thế, thì cơ quan an ninh, công an có thể xử lý họ, nếu xác định được họ có hành vi vi phạm pháp luật. Chứ không thể gộp tất cả những người biểu tình vào một “rọ” để trấn áp tuốt, theo cái lối tư duy “không quản được thì cấm”, chỉ vì một khía cạnh nào đó rất nhỏ mà chụp mũ, bôi nhọ một mục đích tốt đẹp của hoạt động biểu tình.

    Tôi thực sự mong cơ quan công an, an ninh, và chính quyền nói chung nhìn nhận chính xác tình hình thực tiễn và nhận thức của người dân nói chung, để có cách hành xử và ứng xử cho phù hợp. Suy cho cùng, để giữ vững chủ quyền trước Trung Quốc, không gì tốt cho bằng một chính quyền đúng đắn, đàng hoàng, minh bạch, nhất là tôn trọng người dân. Nhân dân không phải trẻ con để bị xúi giục, lôi kéo; nhân dân chỉ chứng kiến những hành vi xô đẩy, bắt giữ, trấn áp tàn nhẫn người biểu tình, là có biểu hiện lạm quyền. Tốt nhất là hãy để xã hội dân sự phát triển, để biểu tình diễn ra một cách ôn hòa và là một hoạt động bình thường của đời sống dân sự. Các phần tử “cơ hội chính trị” (nếu có) sẽ bị nhân dân tẩy chay, loại bỏ.

    Trên đây là ý kiến của tôi, chỉ có thiện ý đóng góp, ngoài ra không có mục đích gì khác.

    Hà Nội, ngày 5 tháng 8 năm 2012
    Phạm Đoan Trang (ký tên)
    ***
    Bổ sung: Tôi có lập blog cá nhân tại địa chỉ http://trangridiculous.blogspot.com/ và www.facebook.com/pham.doan.trang, với nội dung là các bài viết về chính trị-kinh tế-xã hội Việt Nam, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, trong đó tôi thể hiện quan điểm ủng hộ và cổ súy biểu tình.

    Nhận thức cá nhân của tôi về Nghị định 38 của Chính phủ: Đây là một nghị định mà hành vi pháp lý mà nó điều chỉnh là không rõ ràng, rất mơ hồ, và vi hiến. Do định nghĩa hành vi pháp lý không rõ ràng, cho nên nó rất dễ bị cơ quan công quyền lạm dụng.

    Phạm Đoan Trang (ký lại lần hai)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips