“Trong cả một gian phòng rộng lớn, ba tác
phẩm của Cai, bức nhỏ nhất dài hơn 400 inches, bức lớn nhất gần 1,300 inches, đủ
sức chiếm lĩnh cả sự thở của tôi! Tác phẩm của ông không chỉ lớn về kích cỡ mà
hoành tráng cả về tư duy.” Họa sĩ Ann Phong, một trong những nữ họa sĩ tên tuổi,
hiện đang dạy hội họa tại Ðại Học Cal Poly Pomona, và là chủ tịch Hội Ðồng Quản
Trị Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA), nêu lên cảm nghĩ của mình khi bước
vào bảo tàng MOCA để thưởng lãm tranh vẽ bằng “thuốc súng” (gunpowder drawings)
của người họa sĩ tài hoa Cai Guo Qiang.
Cai Guo Qiang là một họa sĩ đương đại, sinh ngày 8 tháng 12 năm 1957 ở Tuyền
Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện đang sống và làm việc ở New York.
Cha ông vừa là một nhà thư pháp cũng là một họa sĩ truyền thống, làm việc
trong một hiệu sách. Ðây chính là điều kiện để Cai sớm có cơ hội tiếp xúc với
văn học phương Tây cũng như được tắm mình trong các hình thức nghệ thuật truyền
thống Trung Quốc.
Ngay từ thời niên thiếu, Cai Guo Qiang đã là chứng nhân cho những biến động
của xã hội Trung Quốc khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa nổ ra. Lớn lên trong khung cảnh
mà những tiếng nổ trở thành quen thuộc, Cai nhìn ra được cả hai mặt tốt và xấu,
hủy diệt và tái sinh, từ những tiếng nổ của pháo hoa hay tiếng nổ của đại
bác.
Ðiều này mang lại cảm hứng cho các tác phẩm vẽ bằng thuốc súng “gunpowder”
của Cai Guo Qiang hiện nay.
Chia sẻ cảm nhận của mình về tranh “thuốc súng” của Cai, Châu Huỳnh, một họa
sĩ trẻ đang học tại University of Washington nói, “Lần đầu tiên nhìn thấy ông
thực hiện mấy bức đầu tiên, tôi rất thích. Thuốc súng là một chất liệu gây cháy
nổ, gây chết người, đưa đến sự hủy hoại. Nhưng thuốc súng được dùng làm chất
liệu trên art là một điều tuyệt vời. Nhìn ông và những người phụ tá rải thuốc
súng lên canvas, xếp đặt những chất liệu khác để tạo thành một bức tranh, tôi
liên tưởng đến 'action painting and dripping painting' của Jackson Pollock, một
trong những họa sĩ Mỹ nổi tiếng nhất của trào lưu 'abstract expressionism' của
những năm 50-60.”
Theo cô, nhìn một bức tranh được xếp chung với thuốc pháo, khi thuốc pháo
được đốt cháy, một cảnh tượng rực rỡ như pháo bông xuất hiện trong vài giây, làm
ta liên tưởng tới hội hè lễ lạt Tết Việt Nam hay chiến tranh, cảnh nhà tan cửa
nát, tiếng khóc...
“Và sau những cảnh thiêu đốt bùng lửa đó, cái còn sót lại trên canvas là một
bức tranh tuyệt vời, hoàn toàn khác với sự xếp đặt ban đầu, đem tới những ngạc
nhiên lộng lẫy cho chính người họa sĩ. Tức là sau những hủy diệt, một mầm sống
mới sẽ được tạo nên. Ðó là cái tôi cảm nhận được qua tranh của Cai Guo Qiang.”
Người họa sĩ gốc Việt giải thích tiếp nhận xét của mình.
Cai và cộng sự đang sáng tác
Rải thuốc súng trên phác thảo
“Xem bức tranh này như xem một quyển sách Trung Hoa, tức mình phải đọc từ
trên xuống dưới, từ phải sang trái, để thấy được câu chuyện tác giả kể về tuổi
thơ mình qua những dấu ấn của thời gian, của lịch sử.” Một vị khách thưởng lãm
đang sống tại Orange County diễn giải.
Trong khi đó, với họa sĩ Ann Phong, “Tác phẩm của Cai có màu sắc đơn giản đến
tối thiểu vì được tạo bởi thuốc súng. Cái lôi kéo người xem đến gần với tác phẩm
chính là cách bố cục. Những hình ảnh như rõ như mờ, như ẩn như hiện, như tình
cờ, như có sắp đặt, như đang bay vào vũ trụ, tất cả đều quyện vào nhau đến mức
bao la vô tận.”
Có người cho rằng tranh của Cai Guo-Qiang khó thưởng thức vì quá “trừu
tượng.” Nhưng, theo Châu Huỳnh, “Nếu liên kết cách vẽ tranh của ông với những
thứ đang xảy ra hàng ngày trong cuộc đời, thì thấy có lý. Cái này chết đi để cho
một cái khác sinh ra. Thuốc súng là hủy diệt nhưng nếu biết cách dùng lên canvas
lại trở thành một chất liệu tuyệt vời để tạo nên một tuyệt tác.”
Kết luận cho những gì được nhìn thấy, được chiêm ngưỡng từ tài năng của Cai
Guo-Qian, họa sĩ Ann Phong cho rằng, “Ðây là một họa sĩ đủ sức đi ra khỏi khung
vẽ và lấy trời đất làm canvas. Cái hay của nước Mỹ qua triển lãm này là dù có
'chửi' Trung Quốc đủ thứ, nhưng Mỹ không tẩy chay nhân tài và tác phẩm của
họ.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét