Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Choco Pie nỗi thèm khát của dân cậu Ủn

Tranh biếm cực sốc ngay từ tên gọi: Choco pie to pig - Nữ Tổng thống Hàn Quốc trong hình ảnh Phật Quan âm một tay vẩy gói Choco Pie (thay bình nước Cam lồ) cứu độ cho chú lợn Ủn đang thèm nhỏ dãi...

Món bánh ngọt gần như đã trở thành biểu tượng của Hàn Quốc, Choco Pie đã trở thành nỗi thèm khát gần như huyền thoại đối với những người dân thường ở Bình Nhưỡng. Choco Pie là một công cụ thay đổi tâm lý quan trọng và là một biểu tượng của sự thịnh vượng ở Hàn Quốc.
Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên cho biết những người dân Triều Tiên đang đối mặt với nạn đói, nhờ có những hộp bánh Choco Pie, những đĩa DVD (xem chui) và xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, người ta không còn tin vào tuyên truyền của Bình Nhưỡng rằng Hàn Quốc thậm chí còn nghèo hơn Triều Tiên.
Choco Pie đã được phân phát trong khu công nghiệp Kaesong, nơi có hơn 50 ngàn người Bắc Triều Tiên lao động cả ngày. Lao động Hàn Quốc bị cấm đưa tiền mặt cho những đồng bào miền Bắc của họ, và bánh Choco Pie vô hình chung đã trở thành một loại tiền tệ không chính thức.
Những hộp bánh Choco Pie chảy vào thị trường chợ đen ở Bắc Triều Tiên và được bán lại với giá đắt gấp 3, 4 lần giá ban đầu. The Guardian nhận định, điều này chứng tỏ sự bất mãn đang ngày càng gia tăng cùng với những nhận thức về thế giới bên ngoài của dân Triều Tiên, một điều đáng báo động với giới chức Bình Nhưỡng/GDVN

Từ ngày 3/5, những người công nhân cuối cùng của Hàn Quốc ở KCN Kaesong đã trở về nước, đánh dấu sự đóng cửa hoàn toàn KCN Kaesong, biểu tượng hợp tác giữa hai miền Triều Tiên... Choco Pie cũng "khai tử" theo?
Không hẳn thế Choco Pie vẫn... có mặt trên từng cây số (đương nhiên cùng với bạn đồng hành là những DVD), người Nam Hàn vẫn có cách để Choco Pie đến với người anh em Bắc Hàn qua những quả bóng bay tự chế.
Những gói quà này chắc chú Ủn không cho bắn chặn, chỉ lệnh "bắt sống" và tịch thu lại từ những người may mắn lượm được?

2 nhận xét:

  1. Từng được xem là nguồn thu ngoại tệ hiếm hoi trong tay Bình Nhưỡng, Kaesong chưa từng bị đóng cửa từ ngày được thành lập dưới thời Kim Jong Il đến nay. Giới phân tích trong thời gian qua đã cố tìm cách giải thích nguyên do thúc đẩy tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên hy sinh công cụ kiếm tiền quý giá này.
    Khu công nghiệp Kaesong trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên đã bị đóng cửa từ khi chính quyền Bình Nhưỡng cho rút toàn bộ 53.000 lao động của họ ra khỏi nơi này vào đầu tháng Tư 2013. Seoul cũng đã phản ứng, cho hồi hương toàn bộ nhân viên Hàn Quốc về nước. Những người cuối cùng đã rời khỏi Kaesong vào ngày 03/05.
    Từng được xem là nguồn thu ngoại tệ hiếm hoi trong tay Bình Nhưỡng, Kaesong chưa từng bị đóng cửa từ ngày được thành lập dưới thời Kim Jong Il đến nay.Giới phân tích trong thời gian qua đã cố tìm cách giải thích nguyên do thúc đẩy tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên hy sinh công cụ kiếm tiền quý giá này.
    Về bề nổi thì quyết định của Bình Nhưỡng đóng cửa Kaesong được xem là một sách lược nhằm làm gia tăng căng thẳng với Seoul. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, đấy không hẳn là lý do duy nhất. Theo Frédéric Ojardias, thông tín viên RFI tại Seoul, nguyên nhân sâu xa của việc này chính là thái độ chống đối của quân đội Bắc Triều Tiên.
    Phải nói là trước khi bị đóng cửa, khu công nghiệp Kaesong hoạt động rất tốt, với 123 nhà máy hoạt động không ngơi nghỉ. Vấn đề chủ yếu của các doanh nhân Hàn Quốc là làm sao tìm được đủ số công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong các nhà máy của mình. Với vỏn vẹn 200.000 dân, mà 53.000 người đã làm việc cho khu công nghiệp, thành phố cạnh Kaesong quả không đáp ứng nổi nhu cầu.
    Kaesong có thể nói là nơi duy nhất trên thế giới mà người Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc được phép gặp nhau và cùng nhau làm việc. Thực tế đó đã tạo cơ hội cho những vụ trao đổi trái phép, ví dụ như việc nhập lén các sản phẩm Hàn Quốc vào Bắc Triều Tiên, từ điện thoại di động cho đến thẻ nhớ USB trên đó ghi lại những phim truyện và phim bộ Hàn Quốc.
    Nếu trong những năm đầu, tiếp xúc giữa những người hai miền Nam Bắc khá khó khăn, vì hai bên còn rất nghi kỵ nhau, thì dần dà, quan hệ đã tốt dần lên. Họ có thể trao đổi ý kiến về hệ thống chính trị hai nước, và chính đây là điều khiến Bình Nhưỡng lo ngại hơn cả.
    Chính vì thế mà đối với chế độ Bình Nhưỡng, khu công nghiệp Kaesong đã trở nên một mối đe dọa vì có thể làm suy giảm ảnh hưởng của chế độ đối với dân chúng Bắc Triều Tiên, mà họ muốn kềm giữ trong tình trạng cách xa với thế giới bên ngoài.
    Bình Nhưỡng do đó đã đề ra một số biện pháp nghiêm ngặt đối với người Bắc Triều Tiên làm việc tại Kaesong. Vào mỗi buổi sáng, con số 53.000 công nhân làm việc ở khu công nghiệp phải theo những lớp học chính trị để rèn luyện ý thức hệ cộng sản. Thêm vào đó, mỗi thứ bẩy, họ đều phải tiến hành tự kiểm điểm.
    Những người Bắc Triều Tiên bị cấm không được ăn chung với người Hàn Quốc, hay có những buổi thảo luận khác hơn là trên công việc làm. Trong khu công nghiệp còn có đầy rẫy các kẻ chỉ điểm và công an mật vụ. Lương công nhân được rót thẳng cho chính quyền Bắc Triều Tiên, và chỉ một phần là được phát lại cho công nhân.
    Khu công nghiệp Kaesong là kết quả của chính sách cởi mở hòa dịu của giới lãnh đạo cấp tiến tại Hàn Quốc cách đây một thập niên. Thế nhưng giới quân đội Bắc Triều Tiên đã luôn luôn phản đối việc xây dựng khu công nghiệp này, vì nó tọa lạc trên một căn cứ quân sự cũ.
    Nếu trước đây cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã khuất phục được các tướng lãnh, thì Kim Jong Un, con trai ông, hiện không có được quyền lực như thế đối với giới quân đội. Mới đây, các tướng lãnh Bắc Triều Tiên còn đe dọa biến Kaesong trở lại thành một căn cứ quân sự.
    Hiện nay các cuộc thương lượng về Kaesong vẫn tiếp diễn, nhưng khả năng khu công nghiệp này đuợc mở lại rất xa vời.

    Trả lờiXóa
  2. Liên quan đến những động thái gần đây của Kim Chính Vân, “lãnh tụ” Bắc Hàn, đã có một số bài viết trên báo chí phân tích ý đồ của con người này. Phần lớn cho rằng đó là những hành vi đặc trưng của một kiểu “chí phèo”, và có cả ý đồ quấy rối cánh Mỹ-Hàn cho bõ hờn, đồng thời cũng tâng công với ông anh Tàu Cộng để kiếm chút viện trợ.
    Tuy nhiên, những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên vài tuần gần đây đang để lộ ra một sự tính toán khác, không hẳn là của Chính Vân, mà có thể là mưu toan của người cha đã quá cố Kim Chính Nhật.
    Xưa nay, thói khùng của cha con họ Kim thì không ai còn lạ gì nữa, nhưng có thể nói mức độ điên khùng của Kim Chính Vân đã gia tăng đến mức “bất thường”.
    Riêng với khu công nghiệp Kaesong, Chính Vân đã thực hiện những bước đi như sau:
    Ngày 3 tháng 4 năm 2013, chính quyền Bắc Hàn đã cấm người Nam Hàn đến Kaesong làm việc.
    Ngày 8 tháng 4, Bắc Hàn đưa toàn bộ (53 ngàn) công nhân của họ khỏi Kaesong. (Trong khi đó, 406 người Nam Hàn vẫn còn ở lại Kaesong trong vài ngày tiếp theo.)
    Ngày 17 tháng 4, Bắc Hàn đã không cho 10 doanh nhân Nam Hàn đến Kaesong để tiếp tế cho người của họ đang ở lại đó, buộc Nam Hàn đến ngày 26 tháng 4 phải đưa toàn bộ người của họ về nước.
    Ngày 4 tháng 5, khu công nghiệp Kaesong bị đóng cửa hoàn toàn.
    Điều đáng chú ý là thu nhập của khu công nghiệp này trong hơn một tháng qua, ước tính khoảng 90 triệu USD, đã bị chính quyền Bắc Hàn “xung công”. Đối với một chính quyền đã từng làm mình làm mẩy với cả thế giới và sau đó chấp nhận đóng cửa nhà máy điện hạt nhân chỉ để lấy 25 triệu USD từ một ngân hàng ở Macao (tháng 3 năm 2007) thì số tiền 90 triệu USD là một món quá béo bở. Với cung cách ứng xử lưu manh của họ Kim thì việc giả thiết rằng một trong những mục đích chính của những hành động gây hấn lần này của họ là cái khoản 90 triệu đó.
    Nhưng không phải chỉ có thế. Có thể Kim bố Chính Nhật đã có ý đồ đi xa hơn nữa. Không thèm hiểu biết gì về thế giới bên ngoài, nhưng loại người này rất giỏi những trò ma, vì toàn bộ hoạt động trí não của họ được định hướng theo lối đó. Có lẽ ngay từ khi thảo luận những bước đi để thành lập khu công nghiệp Kaesong (2002), Kim Bố đã tính toán cướp toàn bộ cơ sở vật chất và máy móc, thiết bị của khu công nghiệp này từ tay người Nam Hàn vào thời điểm thích hợp, và trước khi chết đã “truyền nghề” cho con trai. Và như vậy, những bước gây hấn của Kim Con vừa qua đã được tính kỹ từ trước.
    Nói về chủ trương của chính quyền Nam Hàn khi đưa ra sáng kiến thành lập khu công nghiệp chung, có thể nói họ đã có một bước đi hết sức sai lầm. Tất nhiên, đó cũng còn là do sức ép của giới doanh nhân muốn được tiếp cận một nguồn nhân công rẻ nhất thế giới, và cả sức ép của những công dân Nam Hàn khát khao thống nhất đất nước. Nhưng ở tầm lãnh đạo quốc gia, rõ ràng chính quyền của ông Kim Đại Trung (Kim Dae-jung) khi đó đã quá tin vào thiện chí của Kim Chính Nhật muốn thực sự đi đến thống nhất đất nước, hay chí ít là thiết lập mối bang giao thân thiện giữa hai quốc gia. Họ đã không thấy rằng những loại người như họ Kim ở Bắc Hàn là không thể cải tạo được.
    Trở lại với họ Kim ở Bắc Hàn. Có lẽ giờ đây Kim Chính Vân đang rất khoái chí với 90 triệu vừa cướp được, đồng thời đang mơ tưởng khu Kaesong sẽ được mở cửa trở lại, và lần này thì nó sẽ là tài sản riêng của họ. Họ biết rằng Nam Hàn và Mỹ không bỗng dưng lại mở một cuộc chiến tổng lực đánh vào Bắc Hàn, nên trò vừa ăn cướp vừa la làng hoàn toàn có thể trót lọt.
    Và, căn cứ vào lối tuyên truyền của chính quyền các nước XHCN nói chung, và đặc biệt là Bắc Hàn, có thể đoán chắc rằng rất nhiều người dân Bắc Hàn, mặc dù ốm đói, cũng tỏ ra rất hể hả. Họ đang nói với nhau về sự thiên tài của lãnh tụ, về 90 triệu Mỹ kim, về thất bại ê chề của liên minh Mỹ-Hàn,…
    Và họ đang mơ về thiên đường cộng sản.
    NGUYỄN TRẦN SÂM

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips