Bức tượng một quân nhân Xô-viết trong tư thế chuẩn bị hãm hiếp một phụ nữ mang
thai được dựng tại TP cảng Gdansk (Ba Lan) đã khiến phía Nga hết sức bất bình,
nhưng Cơ quan công tố Ba Lan đã không khởi tố tác giả của pho tượng, một sinh
viên trẻ trường Mỹ thuật.
Jerzy Bohdan Szumczyk (26 tuổi - ảnh trên) gọi tác phẩm của mình là “sự thể hiện những
những cảm xúc hòa bình và biểu tượng của hòa bình”. Rạng sáng Chủ nhật tuần
trước, anh đã cho đặt bức tượng có kích thước bằng người thật của mình tại một
quảng trường nơi tọa lạc tượng đài kỷ niệm các quân nhân Xô-viết đã hy sinh khi
giải phóng Gdansk thời Đệ nhị Thế chiến.
Tác phẩm này sau đó vài giờ đã bị cảnh sát dẹp đi, sau khi một cư dân thông
báo cho họ về sự hiện diện “bất thường” của pho tượng. Khi biết chuyện, Đại sứ
Nga tại Warszawa đã dùng những từ “tục tĩu” và “báng bổ” để gọi
tác phẩm này trên trang chủ của tòa đại sứ Liên bang Nga: “Trò làm loạn của
một sinh viên tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật khiến tôi vô cùng bị choáng!”.
Đại sứ Alexander Alekseyev bất bình: “Bằng bức tượng này, hương hồn 600 ngàn
người lính Xô-viết đã hy sinh cho tự do và nền độc lập Ba Lan bị lăng
nhục!”. Tuy nhiên, tác giả pho tượng thì cho Hãng thông tấn AFP hay, anh
muốn khắc họa thảm cảnh của phụ nữ và những điều kinh hoàng của chiến tranh.
Szumczyk cũng khẳng định, tác phẩm của anh không nhằm chống lại tượng đài Hồng
Quân. Các sử gia thì cho rằng, vào thời gian cuối cuộc chiến, binh lính Xô-viết
khi tràn vào Ba Lan đã cưỡng hiếp vô số phụ nữ Ba Lan, cho dù đến nay vẫn chưa
có những thống kê chính xác.
Mặc dù bị phía Nga phản đối dữ dội, nhưng theo cơ quan công tố TP Gdansk, trong trường hợp này không có dấu hiệu nào chứng tỏ pho tượng kích động hằn thù chủng tộc hoặc dân tộc. Nó cũng không làm ô nhục một địa điểm công cộng, nơi được dùng để tưởng nhớ một sự kiện lịch sử. Do đó, tác giả của nó sẽ không bị truy tố, dù có thể bị phạt tiền vì đặt tượng ở nơi công cộng khi chưa xin phép.
Tại Ba Lan, từ khi nước này thay đổi thể chế, các đài tưởng niệm Hồng Quân luôn
là tâm điểm sự tranh luận và công kích của người dân, vì nó không chỉ tượng
trưng sự giải phóng khỏi ách thống trị phát-xít Đức, mà còn khởi đầu cho nửa thế
kỷ phụ thuộc vào Điện Cẩm Linh...
-Trần Lê/nhipcauthegioi
-Trần Lê/nhipcauthegioi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét