Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Lưu ý khi đi bơi hồ công cộng

Một nghiên cứu mới nhất ở Mỹ cho thấy hơn phân nửa hồ tắm công cộng có chứa vi khuẩn, chứng cớ cho thấy có người xả phân ở trong hồ.

Điều tra viên của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) phối hợp với cơ quan y tế địa phương và tiểu bang, thu thập mẫu vật từ lưới lọc ở 161 hồ bơi tại khu vực thành phố Atlanta hồi mùa Hè qua. Một số hồ nằm trong các hội tư nhân, trong khi một số ở nơi công cộng.
Qua thử nghiệm từ các mẫu vật, các nhà nghiên cứu nhận diện được nhiều mầm gây bệnh khác nhau. Trong số 161 mẫu, hết 93, tức 58% có chứa Escherichia coli, loại vi khuẩn thường sống trong đường tiêu hóa của người hay các động vật máu nóng. Các nhà nghiên cứu xem sự hiện diện của vi khuẩn E coli là “chỉ dấu của phân thải.”


Làm sao trong hồ lại có phân?
Thông thường do người đi bơi mang theo vào nước một ít, do không chịu tắm trước khi bước xuống hồ.
Theo báo cáo, mỗi cá nhân có trung bình 0.14 g chất phân thải ở quanh vùng hậu môn, với nước, có thể rửa hết đi được. Lượng E coli lớn hơn chỉ có thể cung cấp vào nước hồ khi có người đang mắc chứng tiêu chảy. Đặc biệt tiêu chảy là điều phiền toái hơn cả vì có thể truyền mầm bệnh đến các người khác cùng tắm trong hồ.
Hồ bơi ở các hội tư nhân ít có vi khuẩn E coli hơn nhưng vẫn chiếm khoảng 49%. Hồ tắm công cộng thành phố có nhiều vi khuẩn hơn cả, với 70%, và tiếp đến là ở các công viên nước, 66%.
Ngoài E coli, các nhà điều tra còn tìm thấy vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa ở 95 trong số 161 mẫu vật, P aeruginosa làm cho vành tai và lỗ tai bị sưng đỏ, kể cả làm cho da bị ngứa. P aeruginosa được mang vào hồ từ con người, bụi bặm, tấm ván trượt, các vật làm bằng chất xốp, và ngay cả trong nước mà người ta bơm thêm cho đầy hồ.
Trong số 161 mẫu vật lấy từ lưới lọc của các hồ bơi, 121 (tức 75%) có ít nhất một loại vi khuẩn. 67 (hay 42%) có cả E coli lẫn P aeruginosa. Ngoài ra, cũng có sự hiện diện của những mầm gây bệnh khác nhưng số lượng không đáng kể.
Phân thải không phải là tạp chất duy nhất từ cơ thể con người gây phiền toái cho hồ bơi. Nước tiểumồ hôi có chứa chất nitrogen, khi kết hợp với chlorine ở trong nước, tạo nên các hợp chất có tên di- và tri- chloramines, thường gây xốn ở mắt và đường khí quản.
Kết quả nghiên cứu được công bố hôm Thứ Năm trong báo cáo hằng tuần của CDC có tên Morbidity and Mortality Weekly Report/-
TP

1 nhận xét:

  1. Hầu hết trước cổng vào của các hồ bơi đều ghi rất rõ quy định về những trường hợp không được xuống hồ bơi như: người mắc bệnh Down, bệnh truyền nhiễm, người uống rượu… Nhưng, việc khách có thực hiện đúng quy định hay không thì các hồ bơi không kiểm soát được, bởi gần như không có người kiểm tra. Khách mua vé xong, thay đồ, rồi một mạch đi xuống hồ bơi tắm.

    Một bác sĩ tại khoa khám của BV Mắt cho biết, trong 1 tháng qua, số người đến khám do đau mắt đỏ tăng lên nhiều, trong đó không ít người có đi tắm ở các hồ bơi công cộng. Trong khi đó, các bác sĩ tại BV Da liễu ghi nhận tình trạng trẻ bị mắc các bệnh ngoài da như nấm mốc, ghẻ ngứa đến khám cũng tăng lên đáng kể, và qua khai thác bệnh sử thì không ít cháu có đi tắm ở hồ bơi.

    Anh Khoát (Cầu Giấy) cho hay, cách đây 2 hôm anh đưa con trai đến bơi tại một bể bơi có hệ thống bơm lọc tự động ở gần nhà. Mặc dù nhìn tổng thể, nước hồ bơi rất trong xanh nhưng để ý kỹ anh thấy một số mảng váng màu đen trôi lững lờ trong làn nước. Tuy nhiên, anh Hà xuề xoà: “Nước có ô nhiễm cũng đành chấp nhận vì đất chật, người đông. Với lại, đâu chỉ có bố con tôi, còn hàng trăm người khác cũng đến bể bơi để “trốn” nóng kia mà”…

    Chủ một bể bơi tại quận Long Biên lý giải, trong những ngày gần đây, do thời tiết oi bức, nắng nóng nên các bậc phụ huynh đưa con em đến bơi rất đông. Có người thiếu ý thức còn thản nhiên kỳ cọ ngay trong bể bơi. Mặc dù, hầu hết bể bơi có trang bị hệ thống bơm và lọc nước tự động nhưng để đáp ứng nhanh và đảm bảo nguồn nước sạch cho số lượng người đông đến bơi mỗi ngày cùng một lúc không phải là chuyện dễ.

    Về vấn đề này, theo bác sĩ Trần Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai, nếu tắm trong môi trường nước nhiễm bẩn, trẻ em rất dễ bị lây nhiễm những bệnh về tai mũi họng và bệnh truyền nhiễm qua da do sức đề kháng của trẻ còn yếu. Đồng thời, những triệu chứng viêm nhiễm trên da có thể dẫn tới nổi mụn, viêm ngứa và nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu trẻ đi bơi trong tình trạng có những vết thương xước trên da thì khả năng lây nhiễm còn cao hơn.

    Mùa nắng nóng cũng là môi trường tốt để các loại vi khuẩn gây bệnh hoạt động. Do đó, trước nhu cầu bơi lội, “giải nhiệt” của người dân trong những ngày nắng nóng, bác sĩ Hà đưa ra lời khuyên, người lớn và trẻ nhỏ khi đi bơi nên cẩn thận lựa chọn những bể bơi có hệ thống lọc nước tốt, thay nước thường xuyên và mật độ người tắm không đông để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên để mắt đến con, đặc biệt là những bé chưa biết bơi nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
    NGỌC ANH

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips