Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Tân tổng thống Ai Cập tuyên dương người biểu tình

CAIRO, Ai Cập (AP) - Tổng thống tân cử Mohamed Mursi hôm 29/6 xuất hiện tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo, trung tâm của phong trào tranh đấu quần chúng lật đổ chế độ Hosni Mubarak.
Hàng chục ngàn dân chúng vẫn còn biểu tình tại đây chống các đạo luật của chính quyền quân sự đưa ra và việc giải tán Quốc Hội do đảng Muslim Brotherhoo chiếm đa số. Ông Mursi gọi những người này là “nguồn gốc của mọi quyền lực”.
Có một lúc ông Mursi đã vén áo khoác ngoài để cho thấy ông không mặc áo giáp chống đạn và tuyên bố: “Tôi rất an tâm có Thượng đế và đồng bào. Tôi không sợ kẻ nào ngoài Thượng đế”. Ông nói thêm: “Tôi hứa với đồng bào rằng tôi sẽ không từ bỏ quyền lực nào của một tổng thống”, lời tuyên bố có ý ám chỉ tới những sắc lệnh do Hội đồng Quân lực Tối cao mới ban bố.
Tổng thống tân cử sẽ tuyên thệ nhiệm chức vào sáng Thứ Bảy trước Tòa án Hiến pháp Tối cao, vì Quốc Hội đã bị giải tán. Ông hứa hẹn sẽ từng bước phát triển nền kinh tế quốc gia và thực hiện chính sách đối ngoại “với phẩm cách”.
H.C/Người Việt Onlin)
Xem thêm:Lần đầu tiên dân Ai Cập đi bầu Tổng thống
Tân Tổng thống Ai Cập nhậm chức

3 nhận xét:

  1. Hôm qua 3-7 (2013), các thành viên phong trào chính trị Huynh đệ Hồi giáo của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi cho biết ông Morsi và các quan chức chính quyền Cairo đã bị giam giữ tại nhà sau khi quân đội mở cuộc đảo chính.
    Theo AFP, cảnh sát Ai Cập cũng đã ra lệnh bắt giữ 300 lãnh đạo và thành viên phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Bộ Nội vụ cũng xác định cảnh sát đã bắt giữ Saad al-Katatni, lãnh đạo Đảng Tự do và công lý của ông Morsi, và Rashad Bayoumi, quan chức cấp cao phong trào Huynh đệ Hồi giáo.

    Quân đội Ai Cập đã lật đổ ông Morsi sau một tuần biểu tình và bạo động khiến gần 50 người thiệt mạng và hàng triệu người Ai Cập đổ ra đường đòi ông Morsi phải từ chức. Thông báo do tư lệnh lực lượng vũ trang Abdel Fattah al-Sisi công bố trên truyền hình đã khiến hàng chục nghìn người biểu tình ở thủ đô Cairo vỡ òa trong niềm vui sướng.

    Ông Sisi công bố một lộ trình chuyển đổi chính trị, bao gồm việc đóng băng hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và sớm tổ chức bầu cử tổng thống. Ông Sisi nhấn mạnh quân đội sẽ không nhúng tay vào chính trị.

    “Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã rũ bỏ được Morsi và phong trào Huynh đệ Hồi giáo” - một người biểu tình ở Cairo tên Omar Sherif vui sướng nói. Tại thành phố miền tây Marsa Matruth, bốn người ủng hộ ông Morsi bị chết trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Một người khác thiệt mạng ở thành phố Alexandria.

    Reuters cho biết mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông lấy làm lo ngại về việc quân đội lật đổ tổng thống Ai Cập. “Tôi kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng phục hồi một chính quyền dân sự do dân bầu càng sớm càng tốt” - ông Obama kêu gọi.

    Tổng thống Mỹ cũng cho biết Washington đang xem xét lại các khoản viện trợ trị giá hàng trăm triệu USD của Mỹ cho Ai Cập sau vụ quân đội lật đổ tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập. “Mỹ tin rằng nền tảng tốt nhất cho sự ổn định lâu dài tại Ai Cập là một trật tự chính trị dân chủ, có sự tham gia của mọi đảng phái” - ông Obama nhấn mạnh.

    Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng phục hồi chế độ dân chủ tại quốc gia này.
    TUỔI TRẺ

    Trả lờiXóa
  2. Sau khi chế độ độc tài của Tổng Thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong biến động chính trị gọi là “Mùa Xuân Ả Rập” từ đầu năm 2011, phong trào Huynh Ðệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) đã thắng thế, từ cuộc bầu cử Quốc Hội vào cuối năm 2011 qua đầu năm 2012 đến cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng Sáu năm 2012. Nhưng chỉ một năm sau, lãnh đạo phong trào này là Tổng Thống Mohamed Morsi gặp sự chống đối mạnh mẽ và liên tục của dân chúng.

    Hôm Thứ Hai mùng một Tháng Bảy, các tướng lãnh ra tối hậu thư là Morsi có 48 giờ để giải quyết khủng hoảng qua đối thoại với các thành phần đối lập. Nếu không, quân đội phải can thiệp và đưa ra “một lộ trình chính trị khác.” Lập tức, ngoại trưởng Ai Cập từ chức để phản đối chính quyền, nhưng ông Morsi vẫn cương quyết không nhượng bộ quân đội và phong trào chống đối.

    Mùa Xuân Á Rập tại Ai Cập
    Khởi đi từ Tunisia vào cuối năm 2010, “Mùa Xuân Á Rập” hay “Cách Mạng Hoa Nhài” đã lan qua các nước Bắc Phi và Trung Ðông. Nguyên nhân và động lực ban đầu là sự bất mãn của quần chúng, nhất là giới trẻ, với các chế độ Hồi Giáo độc tài. Nạn độc tài có thể xuất phát từ quân đội, từ các lãnh tụ dân sự hay quốc vương. Phong trào chống đối thì đòi hỏi chế độ dân chủ.

    Khi phong trào biểu tình chống đối lan qua Ai Cập và kéo dài trong 18 ngày liên tục thì các tướng lãnh hết yểm trợ Tổng Thống Hosni Mubarak. Chế độ Mubarak kết thúc và Ai Cập bước qua giai đoạn “xây dựng dân chủ.” Ðấy là khi cơ chế chính trị cũ bị giải thể để một hệ thống chính trị khác ra đời, dựa trên những luật lệ mới, trên nguyên tắc là do người dân đề ra...

    Trong thực tế, tình hình lại không được gọn gàng như vậy.

    Về bối cảnh thì sau khi chế độ Mubarak tiêu vong, chính trường Ai Cập có ba lực lượng cùng tác động vào quần chúng.

    Trước hết là các tướng lãnh trong một cơ chế gọi là Thượng Hội Ðồng Quân Lực (Supreme Council of the Armed Forces, viết tắt là SCAF). Thứ nhì là phong trào Hồi Giáo với hai khuynh hướng bảo thủ là tổ chức Huynh Ðệ Hồi Giáo (gọi tắt là MB) và phe Salafi còn cực đoan hơn. Khi bước vào đấu tranh chính trị và để tổ chức bầu cử, lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo lập ra đảng Tự Do và Công Lý, còn phe Salafi lập ra đảng Al Nour (có nghĩa là ánh sáng). Lực lượng thứ ba là tập thể của các đảng phái hay lãnh tụ đã huy động quần chúng xuống đường đấu tranh cho dân chủ, nhưng lại thiếu thống nhất về đường lối và tổ chức xây dựng dân chủ.

    Kết cuộc thì chính trường Ai Cập là đấu trường giữa 1) lực lượng bảo vệ an ninh là quân đội đằng sau Thượng Hội Ðồng Quân Lực của tướng lãnh và 2) phong trào Hồi Giáo muốn thiết lập một chế độ thiên về thần quyền, dưới sự cai trị của giáo luật Sharia. Nhờ tổ chức chặt chẽ và có nhiều cán bộ, hai chính đảng Hồi Giáo (Tự Do và Công Lý và đảng Al Nour) thắng cử tại Quốc Hội và ông Morsi đắc cử tổng thống. Thực tế thì phong trào Huynh Ðệ Hồi Giáo chiếm thế mạnh và dần dần đẩy lui ảnh hưởng của quân đội, với nhiều nỗ lực cải sửa luật lệ để bảo vệ quyền lực của mình.

    Nhưng chính sức mạnh đó gây phản ứng từ xã hội dân sự của người dân, từ hệ thống tư pháp cũ và từ những người đấu tranh cho dân chủ.

    Họ e ngại sự xuất hiện của một chế độ độc tài dựa trên giáo luật hà khắc của đạo Hồi. Vì thế, biến động đã âm ỉ từ năm ngoái và đang bùng nổ. Ðáng chú ý nhất là sự xuất hiện của “Phong trào Tamarod.” Tamarod có nghĩa là “nổi dậy” hay nổi loạn. Ðó là sự kết hợp của những người đã có công lật đổ chế độ Mubarak rồi lại để phong trào Huynh Ðệ Hồi Giáo nắm quyền.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiến Lược Tamarod
      Phong trào Tamarod quy tụ những người đã dọn cỗ đấu tranh cho sự thắng thế của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo và nay họ đang muốn đặt lại vấn đề.

      Chống lại chế độ quân phiệt với biểu tượng là lãnh tụ Hosni Mubarak, những người khát khao dân chủ đã huy động quần chúng và cả dư luận Tây phương để đẩy Mubarak ra ngoài, nhờ sự biểu đồng tình của quân đội. Nhưng sau đó, họ thất bại khi chuyển hóa một phong trào dân chủ thành một chính đảng có tổ chức và khả năng đấu tranh nghị trường và tranh cử.

      Ngày nay, các thành phần này kết hợp thành phong trào, mà chưa là một đảng chính trị có lãnh đạo và chủ trương đường lối rõ rệt ngoài mục tiêu lật đổ Morsi. Chiến lược của họ là vận động biểu tình để quân đội phải can thiệp và gạt lãnh tụ Morsi ra ngoài. Người ta đã thấy chuyện đó từ năm 2011 rồi 2012. Tamarod muốn vận dụng bộ máy bạo lực của quân đội để bổ sung cho sự yếu kém của họ và cho đến tuần này thì coi như đã thành công.

      Nhưng các tướng lãnh chẳng muốn quân đội sẽ ra khỏi trại lính để lên cầm quyền. Trong năm qua, họ đã vừa đối thoại vừa đối đầu với lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo và tuần qua thì ra tối hậu thư cho Morsi và lực lượng MB là phải giải quyết mâu thuẫn với đối lập.

      Tin vào khả năng tổ chức của mình, và cả thái độ “trung lập” của chính quyền Hoa Kỳ, Morsi bèn thách thức quân đội. Hiển nhiên là ông ta cho rằng lực lượng MB vẫn thừa sức huy động quần chúng Hồi Giáo chống lại đòi hỏi của phong trào Tamarod đầy chất ô hợp và thiếu thống nhất.

      Ðiều không ngờ cho mọi người là quân đội và các tướng lãnh lại không muốn nhảy vào trò đấu tranh ấy. Sau khi thời hạn tối hậu thư chấm dứt vào tối Thứ Tư giờ Ai Cập, quân đội bước ra, truất phế Tổng Thống Morsi và ngưng áp dụng hiến pháp. Quyền xử lý được trao cho chủ tịch Tối Cao Pháp Viện, một nhân vật tương đối ôn hòa và trong sạch, được sự tín nhiệm của phong trào Tamarod.

      Ai Cập vừa đi vào vùng đất mới
      Kết luận ở đây là gì?
      Tiến trình chuyển hóa qua một chế độ dân chủ không tất nhiên hoàn thành sau khi quần chúng xuống đường biểu tình.
      Các lực lượng Hồi Giáo cực đoan đã khai thác được hào khí đấu tranh của quần chúng để đưa xứ Ai Cập qua hướng khác trước sự ngơ ngác của các lãnh tụ trong phong trào dân chủ.
      Ngày nay, Ai Cập vừa đi vào vùng đất mới mà vẫn là chốn cũ. Quân đội sẽ lãnh nhiệm vụ bảo an và ổn định - và bị đả kích về tội độc tài. Còn lại, các lực lượng đấu tranh tại Ai Cập phải rà soát lại chiến lược cũ và tìm phương pháp tinh vi hơn.
      Khủng hoảng tại Ai Cập khiến chúng ta càng phải suy nghĩ về Việt Nam.
      HÙNG TÂM

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips