Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Kathrine Switzer: Nữ quyền trong thể thao

Nếu việc phụ nữ tham gia thể thao được xem là chuyện bình thường, thì thật ra đó là kết quả của những nỗ lực phi thường trong quá khứ.

Mà thật vậy. Rất nhiều loại “quyền lợi” mà ngày nay cho là bình thường, đã phải đánh đổi bằng sự tranh đấu quyết liệt trong quá khứ: Trẻ em thiểu số được đi học trường đàng hoàng, ngôn ngữ Á Châu được in trong phiếu bầu cử, phụ nữ được ứng cử, được bỏ phiếu, tất cả đều phải đòi dữ lắm mới có được.

Câu chuyện của Kathrine Switzer là một câu chuyện như vậy. Năm nay, nước Mỹ ăn mừng 40 năm đạo luật Title IX, bảo đảm cho phái nữ được bình quyền với phái nam trong giáo dục, kể cả các sinh hoạt ngoại khóa như thể thao. Ðó là luật bắt đầu từ năm 1972. Còn trước đó, không có vậy.

Ðó là tình trạng năm 1967 khi Kathrine Switzer quyết định tham gia cuộc chạy việt dã Boston Marathon. Cuộc đua này khi đó chỉ dành riêng cho nam giới, cấm phụ nữ tham gia. (Ai thắc mắc tại sao Saudi Arabia lại có thể cấm nổi phụ nữ lái xe, thì cứ nghĩ tới Boston Marathon năm 1967 dám cấm tới cả phụ nữ chạy bộ!) Cũng có phụ nữ vô chạy, nhưng họ chạy “lậu” không ghi danh, không đeo số.

Switzer thì khác. Cô có ghi danh đi chạy, có được phát số. Trong phiếu ghi danh, cô ghi tên “K. V. Switzer” - tên mập mờ không biết nam hay nữ, nhưng chính là tên cô ký trong những bài viết trên báo đại học Syracuse.

Có phiếu ghi danh, nên cô được phát số. Có số, cô chạy hiên ngang chung với mọi người, không phải chạy lậu.

Nhưng một trọng tài cuộc đua đã trông thấy cô. Ông Jock Semple thấy có phụ nữ đeo số chạy trong cuộc đua bèn nhào ra chặn lại. Một số báo chí ghi lại là ông la lên, “Cút ra khỏi cuộc đua của tôi, trả tôi cái số đó.”

Nhưng ông bị Thomas Miller, một bạn trai của Switzer, xô ra chỗ khác.

Switzer hoàn tất cuộc chạy việt dã này trong 4 giờ 20 phút. Người phụ nữ về “nhất” là một người chạy “lậu,” về trước Switzer gần 1 tiếng đồng hồ.

Nhưng tấm hình ông Semple ra giằng co một phụ nữ để bị Miller xô đi, trở thành nổi tiếng. Tấm hình được báo chí khắp nước Mỹ và cả ở ngoại quốc đăng lại. “Sự kiện Boston” khiến nhiều người nhìn thấy sự vô lý khi cấm phụ nữ chạy bộ.

Nhưng cũng có những người không nhìn thấy sự vô lý đó, mà ngược lại càng bám vào quan niệm cũ. Liên đoàn thể thao nghiệp dư của Mỹ, AAU, ra luật cấm phụ nữ chạy chung với nam giới, nếu không sẽ bị cấm thi đấu. Thời đó, AAU là cơ quan điều khiển các cuộc thi đấu nghiệp dư tại Mỹ, và cũng là cơ quan đại diện Thế Vận Hội, nên tiếng nói của AAU thì rất là gớm.

Phải tới năm 1972, qua sự vận động của Switzer và nhiều phụ nữ khác, Boston Marathon mới chính thức chấp nhận cho phụ nữ tham gia. Năm 1972 cũng là năm luật Title IX ra đời.

AAU thì vẫn lì lợm, cho tới năm 1978, Quốc Hội Mỹ tước quyền điều khiển thể thao nghiệp dư của AAU, và cho tới nay AAU chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Switzer vẫn tiếp tục tham gia chạy việt dã. Năm 1974, cô thắng cuộc đua New York City Marathon với kết quả 3:07:29. Kỷ lục cá nhân của cô là 2:51:37 trong cuộc đua Boston Marathon năm 1975, về nhì.
Năm 1967, Kathrine Switzer số 261 đang chạy việt dã Boston Marathon thì bị trọng tài Jock Semple giằng tay đòi đuổi ra. Bạn cô, Thomas Miller số 390, xô ông Semple ra để cô chạy tiếp.
Swtizer là tác giả cuốn hồi ký “Marathon Woman: Running the Race to Revolutionize Women's Sports,” sách hướng dẫn cho phụ nữ trên 40 “Running and Walking for Women Over 40,” và nhiều sách khác.
Ở miền Nam California, hàng năm Switzer làm bình luận cuộc đua L.A. Marathon cho truyền hình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips