Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Miến Điện sắp chấm dứt kiểm duyệt báo chí

Vào tháng Bảy này, quốc hội Miến Điện dự kiến thông qua một đạo luật báo chí mới theo hướng giảm dần chế độ kiểm duyệt. Giám đốc Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí của chính quyền Miến Điện – cơ quan kiểm duyệt tối cao – đã chính thức xác nhận sự cáo chung của chế độ kiểm duyệt báo chí ngay trong tháng Sáu này.Trong bối cảnh đó, Tờ The Nation tại Bangkok chú ý đến tập đoàn báo chí Eleven Media tại Miến Điện, cơ quan truyền thông tiên phong trong đấu tranh đòi tự do báo chí.
Người sáng lập và đương kim chủ tịch của Eleven Media là ông Than Htut Aung (ảnh trên) Năm 1988, ông được nhận vào một trường Đại học tại Anh, nhưng chính phủ quân phiệt lúc bấy giờ không cấp passport cho ông. Thế là ông lao vào kinh doanh ở tuổi 25. Việc buôn bán không suôn sẻ, ông bèn mở một tờ báo tuần mang tên First Eleven Sport Journal vào năm 2000.
Tờ báo mang tên thể thao, nhưng thực chất đã thông qua các tin tức thể thao để lồng vào các nhận định về thực trạng chính trị của Miến Điện. Vì thế, tuần san thể thao này nhanh chóng thu hút độc giả quan tâm chính trị trong đất nước quân phiệt lúc bấy giờ.
Tại Miến Điện, các tờ nhật báo đều là báo nhà nước, còn báo tư nhân chỉ là tuần san. Ông Htut Aung đã lách luật bằng cách thành lập thêm hai tuần san khác mang tên Premier Eleven Sport JournalWeekly Eleven News Journal vào năm 2003 và 2005. Sau năm 2005, quyền kiểm duyệt được chuyển từ Bộ Nội vụ sang Bộ Thông tin, và từ đó sự kiểm duyệt đỡ khắt khe hơn. Năm 2008, ông lại cho ra đời tạp chí Biweekly Eleven News Journal.
Tuyên truyền chống Trung Quốc

Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi Năm 2010, Eleven Media đã khéo léo đăng tải thông tin cổ vũ đối thoại giữa chính phủ Thein Sein và phe đối lập cùng với cộng đồng quốc tế. Năm 2011, tập đoàn này lao vào một mặt trận mới: tuyên truyền phản đối dự án đập thủy điện Myistone, một dự án được cho là có hại cho môi trường nhưng lại có lợi cho phía nhà đầu tư Trung Quốc.
Năm nay, nhân kỷ niệm 11 năm ngày ra đời Eleven Media, ông Than Htut Aung đã không ngại trực ngôn với chính phủ thông qua một loạt bài viết trong đó có đoạn: “
Hồi thế kỷ 19, hai siêu cường lớn nhất là Anh và Pháp đã xâm lược Ấn Độ và Miến Điện. Thế kỷ 20 thì Hoa Kỳ xâm chiếm Việt Nam, Triều Tiên. Còn thế kỷ 21 này là đến lượt Trung Quốc tấn công. Chúng ta không thể nào để đất nước chúng ta rơi vào tay họ”.
Đối với tiến trình cải cách chính trị đang diễn ra tại Miến Điện, ông chủ tập đoàn Eleven Media tỏ ra nhiều hy vọng. Ông cho rằng nó chắc chắn hơn các nước của mùa xuân Ả Rập khác. Thế nhưng, không phải vì thế mà con đường phía trước hết chông gai. Dự luật báo chí được soạn thảo và sắp được mang ra trình quốc hội còn mang nhiều dấu vết xưa cũ, tức còn nhiều qui định khắc khe, bó buộc tự do báo chí và thiếu tính minh bạch. Ông Htut Aung hi vọng nhìn thấy báo chí Miến Điện được tự do như ở Thái Lan.
Hồi mới thành lập tạp chí đầu tiên, ê kíp của Eleven Media chỉ có 3 nhà báo. Hiện tại, tập đoàn này có đến 4 tạp chí với 120 phóng viên. Ông Htut Aung hy vọng các nhà báo của ông và người dân tham gia cổ phần của tập đoàn. Ông cũng thông báo sẽ đưa Eleven Media lên sàn chứng khoáng vào năm 2016. Giải thích cho việc này, người sáng lập Eleven Media nói: “Mục đích không chỉ vì tiền. Không phải mình tôi làm chủ tập đoàn này, mà nó thuộc về toàn thể nhân dân Miến Điện, họ còn phải vượt qua nhiều khó khăn để giành được tự do và dân chủ”.
Lê Phước/RFI
Các nhật báo bây giờ có thể thoải mái đăng hình bà Aung San Suu Kyi, chuyện này một thời đã bị cấm. Tuy nhiên, luật kiểm duyệt có từ 50 năm nay, một di sản của xã hội chủ nghĩa, vẫn còn hiệu lực.
 Bán báo dạo trên hè phố Ranggon
Bonus: Biếm họa về kiểm duyệt báo chí

1 nhận xét:

  1. Miến Điện đã quyết định dỡ bỏ kiểm duyệt với báo chí trong nước, Bộ Thông tin nước này vừa cho hay.

    Cơ quan Đăng ký và Kiểm tra báo chí (PSRD) của Miến Điện thông báo kể từ thứ Hai ngày 20/8 thì các nhà báo của nước này không cần phải nộp bài để kiểm duyệt trước khi cho đăng tải.

    Miến Điện lâu nay vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông của nước này.

    Tuy nhiên chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein đã dần dạn nới lỏng các hạn chế đối với báo chí kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái.

    48 năm 2 tuần
    “Lệnh kiểm duyệt bắt đầu vào ngày 6/8 năm 1964 và đã chấm dứt sau 48 năm và hai tuần,” ông Tint Swe, người đứng đầu PSRD nói với hãng tin Pháp AFP hôm thứ Hai 20/8.

    Tuy nhiên một quan chức nước này nói với AFP rằng phim ảnh vẫn tiếp tục bị kiểm duyệt.

    Hãng tin Pháp dẫn lời một biên tập giấu tên của một tạp chí ở Rangoon nói: “Hôm nay là một ngày trọng đại cho tất cả các nhà báo ở Miến Điện – những người đã làm việc dưới những hạn chế khắc nghiệt trong hàng bao nhiêu năm trời.”

    Báo chí ở Miến Điện đã được hướng dẫn để được phép nói về các chủ đề chính trị và xã hội gây tranh cãi – điều mà dưới chế độ độc tài quân sự trước đây họ còn không dám mơ tới.

    Khoảng 300 tờ báo và tạp của nước này trong những lĩnh vực ít nhạy cảm cũng đã được cho phép tự xuất bản không phải kiểm duyệt trước. Trong khi đó, lệnh cấm cũng được dỡ bỏ đối với 30.000 trang mạng, cho phép người dùng Internet lần đầu tiên tiếp cận các nội dung chính trị.

    Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Swe đã từng phát biểu rằng kiểm duyệt nên được dỡ bỏ vì nó đi ngược lại hoạt động dân chủ nhưng vẫn cảnh báo rằng tất cả các báo chí phải có trách nhiệm đi đôi với quyền tự do báo chí.

    Sau khi lệnh dỡ bỏ kiểm duyệt được công bố, một số nhà báo Miến Điện bày tỏ quan ngại rằng họ vẫn có thể bị luật pháp sờ đến nếu chính quyền bắt lỗi tác phẩm của họ sau khi đăng tải.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips