Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Hungary: Triệt tận gốc tàn dư Cộng sản

Đó là nội dung một dự luật vừa được 9 dân biểu phe cầm quyền đệ lên Quốc hội Hungary vào thượng tuần tháng 6 vừa qua, theo đó, cần đổi tên các đường phố, quảng trường có liên quan đến các thể chế độc tài, nhất là độc tài cộng sản.
Theo thống kê, vài chục vùng ở Hungary hiện vẫn còn những đường phố mang tên Lenin.
Đáng chú ý là trong nhóm nghị sĩ nói trên, có bà Wittner Mária, từng bị kết án tử hình rồi đổi thành chung thân vì tham gia biến cố 1956 (ảnh trên), được coi là một “tượng đài” của phe cực hữu Hungary, người cho đến giờ vẫn giữ quan niệm chống Cộng hết sức quyết liệt. (*)

Dự luật cho rằng tại Hungary, cả dân chúng lẫn truyền thông ngày càng có nhu cầu và đòi hỏi cho sự thay đổi đó
. Cụ thể, nhóm dân biểu muốn cấm mọi tên đường, phố có nguồn gốc từ tên những người “từng đóng vai trò lãnh đạo trong sự hình thành, kiến thiết hoặc duy trì các chính thể độc tài của thế kỷ 20”, hoặc từ tên tổ chức, khái niệm “có mối quan hệ trực tiếp với các chính thể độc tài thế kỷ 20”.


Tuy nhiên, ở phần lý giải dự luật, các nghị sĩ cho thấy, họ chủ yếu nhằm vào việc bài trừ những “tàn dư”, ký ức của những thể chế độc tài cánh tả. Đề xuất không chỉ chủ trương thay đổi tên đường, phố có “hơi hướng” cộng sản, mà rộng hơn thế nhiều, nó muốn các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức xã hội và cơ quan ngôn luận cũng không được mang những tên “có yếu tố cộng sản”.
Chưa rõ phạm vi ảnh hưởng của dự luật cụ thể đến đâu, nhưng căn cứ một danh mục đi kèm, có thể thấy nhóm dân biểu cầm quyền muốn “bài trừ” tên tuổi các lãnh tụ cộng sản quốc tế và trong nước (Lenin, Marx, Engels, Szamuely Tibor, Kun Béla, Münnich Ferenc, Ságvári Endre...), cũng như các khái niệm liên quan tới nền độc tài cộng sản kiểu Stalinist (Sao Đỏ, Giải Phóng, Quân đội Nhân dân, Hồng Quân, Cộng hòa  Nhân dân, Cộng hòa Xô-viết, Mặt trận Nhân dân, Mùng 7 tháng 11, v.v...).
Theo dự luật trên, chính quyền tự quản địa phương cũng có thể quyết định đổi tên đường, phố - trước nay cũng đã có nhiều thử nghiệm theo hướng này, nhưng đều thất bại vì việc thay đổi địa chỉ trong giấy tờ khiến cư dân và doanh nghiệp phải trả một khoản phí đáng kể. Do đó, các dân biểu đề nghị đạo luật mới cho phép việc đổi các giấy tờ có liên quan (hộ chiếu, chứng minh thư, bằng lái xe, giấy chứng nhận kinh doanh...) sẽ được miễn phí.
Hiện tại, một số chính khách địa phương còn muốn thay đổi những đường phố mang tên các nhà văn, văn nghệ sĩ, nhân sĩ cánh tả, trong số đó có những nhân vật nổi tiếng như Lukács György (người sáng lập trường phái mỹ học mang tên ông), hay Pablo Neruda (nhà thơ cộng sản Chile, Giải Nobel Văn chương 1971), Váci Mihály (nhà thơ, dịch giả cánh tả Hungary, mất ở Hà Nội trong chuyến thăm Bắc Việt Nam năm 1970), v.v...
Trong những diễn biến có liên quan, Quốc hội Hungary cũng vừa thông qua một đạo luật cho phép cắt khoản trợ cấp hưu trí đối với những yếu nhân của thế chế cộng sản trước năm 1990, bị coi là có hoạt động đi ngược lại hệ giá trị dân chủ. Được biết, con số những người chịu ảnh hưởng trong vụ này lên tới hàng ngàn.



Ngoài ra, một đạo luật khác cũng đã được phê chuẩn, theo đó, nếu trong tương lai Hungary vẫn bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu xử thua trong các vụ kiện liên quan tới ngôi sao đỏ (như một biểu tượng đọc tài toàn trị bị cấm ở nước này), thì Nhà nước Hung sẽ bồi thường cho nguyên đơn từ nguồn ngân sách dành cho hoạt động của các chính đảng.

(*) Bà Wittner Mária (ảnh trên) còn được biết đến như dân biểu nghèo nhất của Hungary: về hưu mất sức từ năm 1980, trong bản khai thu nhập năm 2010, bà không sở hữu nhà cửa, không có tài sản gì đáng giá và ngoài lương nghị sĩ ra, bà cũng hoàn toàn không có khoản thu nhập nào khác.

1 nhận xét:

  1. Hơn một trăm cựu nhân viên mật vụ dưới thể chế cộng sản - hoặc những người thừa kế của họ - đã bị tước trợ cấp hưu trí, theo một quyết định của Chính phủ Hungary được kênh truyền hình HírTV loan vào hạ tuần 5 vừa qua.

    HírTV dẫn nguồn từ Quốc vụ khanh Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary (KIM) Rétvári Bence, theo đó, một ủy ban giám định gồm 5 thành viên đã được thành lập trong nội bộ KIM để kiểm tra chừng một ngàn người từng được khen thưởng cấp nhà nước dưới thời cộng sản và do đó, được hưởng trợ cấp hưu trí 8-16 ngàn Ft hàng tháng.

    Theo một quyết định được thông qua trước đây, Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary sẽ tước khoản trợ cấp này từ những người được chứng tỏ là đã có vai trò trong việc thủ tiêu định chế nhà nước dân chủ thời kỳ 1945-1949, đã đàn áp cuộc cách mạng 1956, đã giữ cương vị lãnh đạo nhà nước và đảng, đoàn thời XHCN, hoặc có quá khứ chỉ điểm, mật vụ.

    Ông Rétvári Bence cho hay, trong số chừng một ngàn người được “xem xét” nói trên, có 109 người từng phục vụ trong cơ quan mật vụ trực thuộc Bộ Nội vụ Hungary thời cộng sản. Đối với những người này, trong những ngày tới, quyết định tước trợ cấp hưu trí (có hiệu lực từ tháng 8-2013 trở đi) sẽ được gửi tới họ hoặc gia đình, thân nhân.

    Quốc vụ khanh Bộ Hành chính công và Tư pháp nói thêm, ủy ban giám định sẽ tiếp tục kiểm tra trong vấn đề này nên con số cuối cùng được đưa ra vào ngày 31-5 không dừng ở 109 người (tuy nhiên, danh tính các cựu mật vụ sẽ không bị công bố). Theo luật định Hungary, có thể khiếu nại các quyết định của KIM lên tòa án.

    Tái xác định mức lương bổng hưu trí của những cựu nhân viên mật vụ, chỉ điểm, cũng như những người bị coi là có tội ác dưới thể chế cộng sản được coi là một trong những nỗ lực của Chính phủ cánh hữu Hungary hiện tại nhằm thanh toán vĩnh viễn món nợ quá khứ, điều mà Hungary chưa làm được trong hai thập niên qua.

    Không chỉ đưa ra nhiều đạo luật nhằm cho phép trừng phạt các quan chức thượng đỉnh thuộc chế độ cũ, năm ngoái, nội các Hung còn có ý định đưa vào bản Hiến pháp mới việc quy trách nhiệm các lãnh tụ cộng sản cũ, và buộc Ðảng Xã hội MSZP - trên cương vị hậu duệ của Ðảng Cộng sản Hungary, hiện là đảng đối lập lớn nhất - phải chia phần trách nhiệm của tiền thân của mình.
    TRẦN LÊ

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips