Quân đội tuần tra trước và trong ngày bầu cử Tổng thống ở Cairo
Cử tri Ai Cập từ già đến trẻ thuộc đủ mọi
thành phần, nghề nghiệp và tôn giáo, hôm qua 23/5 đã xếp hàng chờ đợi hàng giờ để
vào phòng phiếu trong cuộc bầu cử chọn một tân tổng thống.
Mỗi cử tri được phát một lá phiếu ghi tên 13 ứng cử viên có hình bên cạnh. Sau
khi bỏ phiếu vào một thùng bằng plastic mờ, phải nhúng ngón tay vào bình mực đỏ
hay tím để chứng tỏ mình đã đi bầu.
Ðây sẽ là vị tổng thống đầu tiên ở thế giới Á Rập được bầu qua một cuộc bầu
cử tự do. Những ứng cử viên chính trong số 13 người tranh cử đều là thành phần
Hồi Giáo hoặc viên chức trong chế độ cũ của Tổng Thống Hosni Mubarak. Không có
những ứng cử viên trẻ tuổi hay giáo dân cấp tiến từng nổi danh đã cầm đầu cuộc
cách mạng hồi năm ngoái và nhiều cử tri tỏ ra thất vọng về sự kiện này.
Cuộc bỏ phiếu diễn tiến êm ả cho tới buổi chiều, tuy nhiên tỷ lệ cử tri đi
bầu có vẻ thấp hơn số 59% ở cuộc bầu cử Quốc Hội năm ngoái. Tổng số cử tri Ai
Cập được quyền bầu cử khoảng 50 triệu và các quan sát viên ghi nhận không có
nhiều trường hợp vi phạm đáng kể. Quân đội và cảnh sát được triển khai bảo vệ an
ninh chặt chẽ sau một số những biến động xung đột chết người giữa dân chúng biểu
tình và cảnh sát ít tháng gần đây. Chính quyền quân sự nắm giữ quyền hành từ sau
khi Tổng Thống Hosni Mubarak đã cam kết sẽ trao trả quyền lực cho chính phủ dân
sự sau khi có một tổng thống mới được bầu.
Theo nhận định của các quan sát viên dự đoán, trong số các ứng cử viên nhiều
khả năng đắc cử có Mohamed Mosri (ảnh trên) của đảng Huynh Ðệ Hồi Giáo (Muslim
Brotherhood), Amr Moussa, một cựu bộ trưởng ngoại giao dưới chế độ cũ, Ahmed
Shafiq, thủ tướng cuối cùng của Tổng Thống Hosni Mubarak hay Abdel Moneim Aboul
Fotouh, một cựu lãnh tụ Muslim Brotherhood đã bị trục xuất năm ngoái.
Amr Moussa và những người ủng hộ
Bích chương vận động của ứng viên Abdel Moneim Aboul Fotouh
Ahmed Shafiq
Biếm họa về cuộc bầu cử
Bài:
Cử tri Ai Cập: “Một ngày lịch sử của Tự Do”
Trả lờiXóa(VienDongDaily.Com - 23/05/2012)
12 ứng cử viên tham dự cuộc tranh đua chức vị Tổng Thống ở Ai Cập ở vòng đầu này, trong 2 ngày đầu phiếu: 23 và 24 tháng 5.
Hoài Mỹ/Viễn Đông
CAIRO - Hôm qua và hôm nay, 23 và 24-05-2012, người dân Ai Cập được quyền sử dụng lá phiếu của mình để tuyển chọn một Tổng Thống dân cử đầu tiên. Các phòng bầu cử trên khắp lãnh thổ Ai Cập đã khởi sự mở cửa lúc đúng 8 giờ sáng nhưng một số đông cử tri đã đứng xếp hàng từ 7 giờ ở nhiều địa điểm thuộc thủ đô Cairo. Trước cổng trường nam sinh Ibn El Nafiz ở khu phố Madinat Nasr, nơi đặt thùng phiếu, cặp vợ chồng Ali Al Nashar đã tới đây vào lúc 5 giờ 45 khi trời mới tờ mờ sáng. Bà vợ của ông Nashar, một phụ nữ khoảng tuổi 50, không muốn xưng tên, đã bầy tỏ cảm nghĩ với phóng viên của thông tấn xã NTB: “Đây là một ngày lịch sử của Tự Do” - trong khi người chồng cũng không giấu nổi niềm phấn khởi qua lời phát biểu: “Thật tuyệt vời được chọn Tổng Thống lần đầu tiên”.
Vài dữ kiện về cuộc bầu cử Tổng Thống của Ai Cập
- 12 ứng cử viên tham dự cuộc tranh đua chức vị Tổng Thống ở Ai Cập ở vòng đầu này, trong 2 ngày đầu phiếu: 23 và 24 tháng 5.
- Các ứng cử viên được cử tri mến chuộng hơn cả, theo các cuộc thăm dò ý kiến, là: Mohamed Mursi, ứng cử viên của phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo (The Muslim Brotherhood) - Abdul Moneim Aboul Fotouh, tín đồ Hồi Giáo độc lập - Amr Moussa, cựu Ngoại Trưởng - Ahmed Shafiq, cựu Thủ Tướng.
- Công việc kiểm phiếu hoàn tất vào Thứ Bẩy, ngày 26 - và kết quả được chính thức công nhận vào Thứ Ba, ngày 29 tháng 5.
- Ứng cử viên nào trong số 12 người này thu được trên 50 phần trăm của tổng số phiếu ở vòng đầu này thì được tuyên bố đắc cử Tổng Thống. Nếu kết quả tương đương nhau thì hai ứng cử viên được nhiều phiếu hơn cả thì được “đi” tiếp vòng bỏ phiếu thứ hai, được tổ chức ngày 16 và 17 tháng 6.
- Khoảng 50 triệu người Ai Cập trong số 80 triệu cư dân có quyền bỏ phiếu.
Một hệ thống chính trị chưa hoàn chỉnh
- Ai Cập bầu cử Tổng Thống mà không có một hiến pháp mới qui định quyền hành của vị nguyên thủ quốc gia.
- Một vấn đề chưa được minh xác là đất nước sẽ có một Tổng Thống với quyền hành rộng rãi hay một thể chế trong đó những đại biểu dân cử trong Quốc Hội được quyết định sau cùng.
- Ngày 25 tháng Giêng năm ngoái, các cuộc chống đối cựu Tổng Thống Hosni Mubarak khởi phát, do động lực từ cuộc khởi nghĩa ở quốc gia lân bang Tunisia.
- Ngày 11 tháng Hai, Mubarak từ chức sau 30 năm nắm độc quyền. Một hội đồng chuyển tiếp của quân đội tiếp quản quyền hành. Nay người dân Ai Cập được bầu cử vị Tổng Thống dân chủ đầu tiên của mình.
- Quân đội vẫn giữ một vai trò mạnh mẽ ở quốc gia này kể từ ngày chế độ quân chủ bị xóa bỏ năm 1952; thế nhưng nay hết sức bất chắc về vai trò của quân đội trong tương lai.
- Trong cuộc bầu cử Quốc Hội kết thúc hồi tháng Giêng năm nay, đảng Tự Do và Công Bình (do phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo tổ chức) chiếm được 37,5 phần trăm của tổng số phiếu bầu, đứng hàng đầu.
Tỷ lệ cử tri tham dự trong cả 3 vòng gồm 54 - 59 phần trăm.
- Đảng Al-Nour với 27,8 phần trăm số phiếu, hạng nhì, của những thành viên Salafist (người Hồi Giáo cực đoan hơn nữa).
Cuộc chạy đua quyết liệt tiến chiếm quyền lực
Trả lờiXóaNhững người Hồi Giáo, những người “thế tục” và quân nhân dấn thân vào một cuộc tranh đấu quyền lực khi người Ai Cập lần đầu tiên trong 60 năm được tự do tuyển chọn Tổng Thống cho chính mình.
Cuộc bầu cử Tổng Thống này mang tính quyết định sự phát triển xa hơn của đất nước sau một thập niên dưới một nền thống trị chuyên chế. Ahmae Gaber (23), người vẫn tham gia các cuộc biểu tình chống Hội Đồng Quân Nhân hồi tháng 5, hôm qua đã nói với thông tấn xã Reuters: “Cách mạng đã không sai lầm, nhưng chưa được hoàn tất. Nếu Thượng Đế muốn, chúng tôi sẽ hoàn thành. Có lẽ phải trong vòng 5 năm”.
Sự chuyển tiếp từ chế độ độc tài của Tổng Thống thất sủng Hosni Mubarak sang một nền cai trị dân chủ hơn đã không đơn giản. Những sự cố gắng để viết một bản tân hiến pháp đã bị ngưng lại và không ai biết quyền hành sẽ được phân chia ra sao giữa Tổng Thống và Quốc Hội, ở tòa nhà lập pháp này những người Hồi Giáo hiện chiếm đa số.
Theo hướng dân chủ: Hôm qua và hôm nay, hàng chục triệu cử tri Ai Cập tuyển chọn một trong số 12 ứng cử viên mà họ cho là nên trở thành tân Tổng Thống của quê hương. Đây là một bước khổng lồ dân chủ. Gần đây nhất hai ứng cứ cử viên hàng đầu đã gặp nhau trong một cuộc tranh luận dài 4 tiếng đồng hồ trên TV nhằm gây niềm tín cậy nơi cử tri. Nhà nghiên cứu Jacob Hoigilt đã phân tích với thông tấn xã NTB: “Đây là một cuộc bầu cử rất quan trọng, bởi vì họ (cử tri Ai Cập) nay chọn lựa giữa quyền lực quân sự và dân sự. Đó là vấn đề chính yếu ở Ai Cập đối với sự phát triển chính trị về sau này”.
Chuyên gia Hoigilt nêu rõ hơn: Vấn đề cốt lõi này là liệu người ta có được một Tổng Thống và một Quốc Hội có ý lực để đối đầu với Hội Đồng Quân Nhân hay không.
Những cựu đồng minh-Mubarak: Cuộc bầu cử này nhìn tổng quát diễn ra giữa những người Hồi Giáo mà trước đây dưới thời Mubarak đã bị loại khỏi cuộc sống chính trị, và các ứng cử viên mà vào một thời điểm này hay một giai đoạn khác đã phục vụ trong chế độ của Mubarak.
Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến, hai ứng cử viên, cựu Tổng Thư Ký Amr Moussa (75) của Liên Hiệp Ả Rập và tín đồ Hồi Giáo ôn hòa Abdel Moneim Abol Forouh đứng ở thứ hạng thuận lợi để có thể đi tiếp vòng nhì, vòng quyết định.
Moussa cũng đã một thời làm Ngoại Trưởng của Mubarak, nhưng đã tách khỏi rõ rệt Mubarak. Còn Fotouh, người đã bị loại khỏi Huynh Đệ Hồi giáo vì tham vọng làm Tổng Thống của ông, có một vị thế cao giữa nhiều người khác, bởi vì ông trong cả một thập niên đã thách thức chế độ độc đoán của Mubarak.
Nhà khảo cứu Jacob Hoigilt cho là ông Moussa sẽ tiếp tục chính sách kinh tế, tân tự do từ thời Mubarak, trong khi ông Fotouh sẽ xoay đất nước Ai Cập theo một đường hướng dân chủ xã hội hơn.
Ứng cử viên tiên khởi của Huynh Đệ Hồi Giáo, phong trào Hồi Giáo quan trọng nhất của Ai Cập, đã bị loại khỏi cuộc tranh cử. Thay vào đó là Mihamad Mursi cũng của Huynh Đệ Hồi Giáo, nhưng ông đã tỏ ra mệt mỏi trong nỗ lực gây hứng khởi cho cử tri.
Song song đó, cựu Thủ Tướng của Mubarak, Ahmed Shafiq, cũng có thể gây kết quả bất ngờ. Ông là ứng cử viên của những người đã khởi sự tiếc nuối chế độ cũ.
Đã không cải cách: Hội Đồng Quân Nhân, tiếp quản quyền lực sau cuộc sụp đổ của Hosni Mubarak, đã điều hành đất nước xuyên qua một giai đoạn chuyển tiếp đầy gập ghềnh. Các tướng lãnh đã tổ chức cuộc bầu cử và ở một mức độ nào đó đã ngăn chận được các cuộc nổi dậy đầy bạo lực. Tuy vậy, dù thế nào Hội Đồng cũng bị đả kích kịch liệt từ phía các sức mạnh thế tục và tự do. Họ cho rằng những người trong bộ quân phục đã không cho phép các cuộc thay đổi rộng rãi hơn nữa và chẳng khác gì một sự tiếp nối của chế độ-Mubarak mà không có Mubarak ngồi ở thượng đỉnh. Thông tấn xã Reuters viết, kể cả quốc phòng, guồng máy pháp lý, lẫn cảnh sát hay các ngành an ninh và tình báo, đều không được cải cách kể từ sau khi Mubarak sụp đổ. Giáo Sư Robert Springborg thuộc Học Viện Hải Quân Hậu Cử Nhân (Naval Postgraduate School) ở Monterey, tiểu bang California, nhận định: “Chúng ta không hề được thấy sự thay-đổi-chế-độ nào ở Ai Cập, chỉ toàn những thay đổi trong chế độ với biết bao sự ồn ào ở ngoài đường phố”.
Trả lờiXóaTổng Thống Ai Cập có thể là một người theo Hồi Giáo ôn hòa?
Ứng cứ viên Abdel Moneim Fotouh đã tuyên bố với tạp chí quốc tế Foreign Policy rằng “trộn lẫn tôn giáo với chính trị là việc nguy hiểm. Điều này đã diễn ra ở Iran”.
Như trên đã kể, trong hai ngày nay, cử tri Ai Cập đã tuôn đến các phòng bầu cử để bỏ phiếu. Họ có tới 12 ứng cử viên để chọn lựa, nhưng chỉ 4 ứng cử viên (Abdel Moneim Fotouh, Mohamed Mursi, Amr Moussa, Ahmed Shafiq) trong số đó là nổi bật hơn cả trong các cuộc thăm dò ý kiến trong thời gian gần đây.
Tổng Thống độc lập: Ông Abdel Moneim Fotouh là một trong 4 người này. Ông Fotouh tuy là một tín đồ Hồi Giáo nhưng không thuộc đảng phái nào. Chuyên gia Na Uy về Trung Đông, Bjorn Oalv Utvik nhận xét ông Fotouh là nổi bật hơn cả: “Ông Fotouh rất cải tiến. Ông ấy lại không lệ thuộc cả phong trào Huynh Đệt Hồi Giáo lẫn chế độ cũ của Mubarak. Quả là một lợi điểm lớn lao khi có một Tổng Thống độc lập”.
Rượu và bikini có thể bị nghiêm cấm: Vị thế của những người Hồi Giáo chiếm ưu thế như thế nào ở chính trường Ai Cập, thì đó là một trong những câu hỏi mà cuộc bầu cử này sẽ phải trả lời. Đặt trường hợp ứng cử viên của Huynh Đệ Hồi Giáo, Mohamed Mursi, đắc cử thì đảng này có thể thu được năng lực tác động lớn lao. Việc nghiêm cấm rượu và bikini đã được thảo luận trong nội bộ.
Du lịch là một phần lợi nhuận lớn lao của Ai Cập, và nhà khảo cứu Trung Đông, Jacok Hoigilt cho là một lệnh nghiêm cấm có thể gây những hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của quốc gia. Ông Hoigilt nhấn mạnh: “Mursi và nhóm Huynh Đệ là những người Hồi Giáo bảo thủ và họ sẽ đồng thuận việc thắt chặt các luật lệ. Thế nhưng, đó sẽ là một sự tự tử chính trị khi cấm đoán hoàn toàn rượu và áo tắm bikini”.
Khó thắng nổi ở ngay vòng thứ nhất? 4 ứng cử viên dẫn đầu này hiện chiến đấu chỉ với mục đích được lọt vào vòng nhì vốn sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây. Nhà phân tích chính trị Amr Hashem ở Trung Tâm Al-Ahram tại Cairo, không tin là ông Abdel Moneim Fotouh sẽ có thể thắng ở ngay vòng thứ nhất này, nhưng ông có thể thắng ở vòng nhì nếu có sự dàn xếp giữa hai ứng cử viên sau cùng ấy. Chuyên gia Hashem nhận xét: “Tôi không chắc ông ấy (Fotouh) sẽ thắng, nhưng vẫn có thể nếu ông ấy qui tụ được tất cả người Hồi Giáo sau lưng mình cũng như một số thành phần từ tả khuynh và những người cấp tiến”.
Những cuộc thăm dò ý kiến không chắc chắn: Các nhà phân tích cảnh giác về các cuộc thăm dò dư luận ở Ai Cập mà đây là lần đầu tiên kể từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ năm 1952, có cuộc tuyển chọn một Tổng Thống trong một cuộc bầu cử tự do.
Các cuộc thăm dò ý kiến ấy ở Ai Cập sát ngay bầu cử đã nêu rõ là những ứng cử viên của chế độ cũ, Amr Moussa (cựu Ngoại Trưởng) và Ahmed Shafiq (cựu Thủ Tướng) là những người đắc thắng vẻ vang. Chuyên gia về Trung Đông, Bjorn Olav Utvik giải thích: “Có thể đó là những cách thức thao tác các cuộc thăm dò ý kiến. Phải chăng vì Huynh Đệ Hồi Giáo đã đại thắng cuộc bầu cử Quốc Hội mà các cuộc thăm dò ý kiến ấy có thể kết luận là các ứng cử viên thuộc chế độ cũ nay dẫn đầu”.
Trả lờiXóaNhững người dân Ai Cập ở ngoại quốc đã bỏ phiếu xong. Theo đó, ông Mohamed Mursi đã thu được đa số phiếu và ông Fotouh theo sau, nhưng họ chỉ tạo thành 1 (một) phần trăm của tổng số cử tri Ai Cập mà thôi.
Ông ta có thể gây cho dân chúng sợ hãi: Cuộc bầu cử này đã diễn ra rất mãnh liệt và phần nào mang đặc tính Tây Phương. Hai ứng cử viên Moussa và Fotouh đã tranh luận trong nhiều giờ trên TV; các ứng cử viên đã đi khắp nơi trên đất nước để vận động tranh cử và ở toàn cõi Ai Cập đã treo các tấm biểu ngữ của họ. Hin Ahmed, 25 tuổi, nữ nhân viên của một cửa tiệm quần áo lót phụ nữ, phát biểu: “Cuộc bầu cử này sẽ làm thay đối mọi thứ. Cho dù ai thắng cử, ông ta cũng sẽ gây cho dân chúng sợ hãi và buộc phải lắng nghe theo”. Cô Ahmed phát biểu với thông tấn xã AFP: “Tất cả bạn hữu của tôi và cả gia đình tôi lúc nào cũng nói về cuộc bầu cử này. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời họ được bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Tổng Thống, bởi vì lần này chúng tôi không biết trước kết quả”