Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Vĩ tuyến Zero

Ecuador là một quốc gia nằm về phía Bắc của khu vực Nam Mỹ, đông bắc giáp biên giới với Columbia, Ðông Nam giáp với Peru và phía tây là biển Thái Bình. Nhưng biên giới phía Tây lại kéo dài đến tận quần đảo Galapagos nổi tiếng trên thế giới, nằm cách đất liền cả ngàn cây số. Trong quá khứ Ecuador là một phần của đế chế Inca mà (thành phố) Quito được xem như là thủ phủ phía Bắc, trong khi Cusco được xem như kinh đô phía Nam. Quito, thành phố thung lũng nằm trên cao nguyên cao đến 2,800m, bốn bề là các ngọn núi lửa vây quanh tạo cho Quito một không gian khác lạ so với những thành phố khác trên thế giới. Nhưng Quito trở thành một trong những trọng điểm du lịch khi vùng đất này trở thành Vĩ tuyến Zero (Latitude Zero) hay còn được gọi đường Xích-đạo (Equator) của trái đất.

Vĩ là chiều ngang, tuyến là đường. Có nghĩa là đường chiều ngang phân chia phần trên và phần dưới. Trong hình thể quả địa cầu thì ám chỉ chia đôi phần Bắc cực và Nam cực. Trong ngôn ngữ tiếng Anh gọi là Latitude. Tại sao con người lại phải “bổ dọc bổ ngang” trái đất ra như từng múi cam múi quít như vậy để làm gì! Người bình thường như tôi, hình như chẳng mấy ai quan tâm đến đều này, nhưng vào các thế kỷ trước (từ thế kỷ 17 trở lên) thì điều này vô cùng quan trọng với các nhà hàng hải.
Ðây là các thế kỷ của các đế quốc Âu Châu đi chinh phục các miền đất tân thế giới bằng con đường hàng hải. Các đất nước Âu Châu hùng mạnh đã lần lượt tung ra các đoàn chiến hạm đi tìm kiếm và xâm chiếm các vùng đất xa xôi, trong số đó phải nói đến hai đất nước Spain (Tây Ban Nha) và England (nước Anh). Spain chính là nước vẽ ra các đường vĩ tuyến vào thế kỷ 18 và nước Anh vẽ ra các đường kinh tuyến chia thành múi giờ dùng cho thế giới ngày nay. Mục đích của các đế quốc không ngoài việc làm phương tiện giao thông đường biển trở nên tiện lợi hơn trong việc mở rộng con đường thực dân của họ. Nhưng ngược lại, sự đóng góp khoa học này tưởng chừng như không quan trọng lắm, nhưng thực sự điều này đã giúp ích nhân loại rất nhiều trong khoa học định vị GPS. Chỉ cần nói đến tọa độ vĩ tuyến, kinh tuyến của một con tàu bị nạn là các chuyên gia địa lý có thể biết ngay bạn đang đứng ở đâu trong trái đất nhỏ bé này.
Năm 1736, một nhóm khoa học gia bao gồm bảy người Pháp, hai người Spain, và một người Ecuador đã đến Ecuador. Họ đã bỏ công sức đi tìm tọa điểm xa nhất được đo tính từ tâm điểm trái đất mà họ tin rằng nằm đâu đó ở Ecuador thuộc về châu lục Nam Mỹ. Hay nói khác hơn họ tin rằng hình dạng trái đất không tròn đều mà trái đất phình ra ở giữa. Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà toán học, địa lý học, trắc địa học đã tranh cãi rất nhiều khi họ chọn một tọa địa “tâm điểm thế giới.” Họ tranh cãi ngay cả khi dùng từ ngữ “Mitad del Mundo” (Middle of the World), chứ không gọi là “Central of the World.” Nhóm khoa học gia đầu tiên này có thể đã không thành công trong việc định vị vĩ tuyến Zero vào lúc đó, nhưng họ đã để lại cho các thế hệ nối tiếp một ý tưởng là vĩ tuyến Zero của trái đất sẽ chạy qua xứ Ecuador.
Cuối thế kỷ 19, một nhóm khoa học gia của Hội Khoa Học Paris đã đến Ecuador tiếp nối công trình của thế hệ đi trước. Họ đã thiết lập ra được một vĩ tuyến Zero hay còn được gọi là đường Xích-đạo (Equator Line) trên ranh giới hình chóp giữa hai điểm Oyambaro và Caraburo ngày nay tại phía bắc thành phố Quito.
Năm 1936, French American Committee đã chọn địa điểm San Antonio trong tỉnh Pichincha tại Ecuador để xây dựng một cột mốc cao khoảng 10m để kỷ niệm 200 năm công trình nghiên cứu của nhóm khoa học gia đầu tiên đã đặt chân đến Ecuador.
Năm 1979 cột mốc được di chuyển về Calacali ngày nay, địa điểm này cũng nằm trên đường vĩ tuyến Zero (đường xích-đạo) và cách đó khoảng 7km. Cột mốc là một tháp cao khoảng 30m, kiến trúc theo hình khối vuông phân chia ra 4 hướng Ðông (East), Tây (West), Nam (South), Bắc (North). Bên trên đỉnh là trái cầu tròn tượng trưng cho trái đất.
Bên dưới, bên con đường phía đông nam tiến vào cột mốc, mười bức tượng bán thân của các nhà khoa học được dựng được lên để kỷ niệm.
Ðồng thời cho du khách một số các khái niệm về các nhà khoa học ngày xưa ấy. Về phía hướng Ðông (East), người ta vẽ một vạch đường màu vàng tượng trưng cho đường vĩ tuyến Zero hay con đường Xích đạo chạy từ East (Ðông) qua West (Tây), chia trái đất làm hai phần Bắc bán cầu và Nam bán cầu với tọa độ vĩ tuyến Latitude 0 độ-0 phút-0 giây và kinh tuyến Longitude 78 độ-27 phút-8 giây. Sau cùng là một họa đồ bằng đá marble trên mặt đất chỉ dẫn và giảng nghĩa về cách chuyển vận của trái đất chung quanh mặt trời tạo thành bốn mùa xuân hạ thu đông.
Các nhà khoa học ngày nay đã nhận thấy đường line xích đạo này đúng với “hơi thở” của trái đất. Ðường “Yellow-line-tưởng-tượng” tại cột mốc Middle of the World có thể sai suất đi cả hàng trăm meter tùy theo “hơi thở” (sự giãn nở) của trái đất. Ðã có những chứng minh cột mốc hiện tại cách xa đường vĩ tuyến Zero 240m về phía Bắc. Nhưng đó là công việc của các nhà khoa học, còn đối với tôi sai sót một vài trăm meter không quan trọng bằng tâm tư tôi theo dõi một kỳ công của nhân loại. Những bộ óc siêu đẳng đó đã vượt qua khỏi không gian địa cầu và vẽ ra những đường ngang dọc tưởng tượng, tưởng chừng như vô bổ đó nhưng lại là một công trình vô cùng cần thiết cho đời sống con người và khoa học ngày nay. Sự tiến bộ của khoa học đã giúp thăng tiến sự suy tư của nhân loại, nhưng những con người chính trị kinh tế đã lợi dụng sự tiến bộ khoa học để trở thành những công cụ vô nhân bản và ích kỷ trong cái bản ngã của dân tộc này so với dân tộc khác. Không ai có thể nhìn thấy tận mắt đường vĩ tuyến Zero, đó chỉ là con đường tưởng tượng trong trí óc nhân loại. Nhưng người ta có thể nhìn thấy sự hận thù ngay giữa vĩ tuyến 17 (VN) hay vĩ tuyến 38 (Triều Tiên). Ngẫm nghĩ cho tận cùng, tất cả mọi phương tiện đời sống của con người đã được tạo hóa đan lưới vào nhau. Mọi sự đều tương sinh tương ứng mà biến hóa ứng hiện tạo ra một cảnh quan vô cùng vi diệu của kiếp nhân sinh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips