Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Từ tuồng, chèo Thị Kính "nhảy" lên Opera Mỹ

Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ. Bài này nói về tầm quan trọng của một vở opera Việt Nam trong lịch sử âm nhạc Mỹ.

Vào cuối tháng 4 năm 2013, trường nhạc Indiana University Jacobs School of Music đã thông báo chính thức lịch trình diễn của 6 vở opera và 3 vở ballet cho năm sau, năm học 2013-2014. Đứng thứ tư trong danh sách 6 vở opera này là vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”/“The Tale of Lady Thị Kính” của nhà soạn nhạc P.Q. Phan. Bây giờ, trong nhà hát opera, các poster quảng cáo cho mỗi vở opera và ballet đã được treo lên. Có gì quan trọng về poster Thị Kính?
Những con số
Trước hết, mỗi bức hình poster, kích cỡ khoảng 2m bề ngang và dài 4m, miêu tả hình ảnh nhân vật chính của mỗi vở opera, được trình bày đẹp và bắt mắt. Đối với “Chuyện Bà Thị Kính”/“The Tale of Lady Thị Kính” thì đó là hình nhân vật Thị Kính đang cầm kéo như chuẩn bị cắt mớ tóc dài của mình. Đây là hình ảnh quen thuộc đối với khán giả Việt Nam về câu chuyện “
Quan Âm Thị Kính” mà họ đã biết qua, và khán giả Mỹ sẽ có dịp làm quen.

Ngoài vấn đề kích thước của poster ra, sự có mặt của một poster quảng cáo cho một vở opera là biểu hiện của những chuyện quan trọng khác, khó thấy hơn nhưng lại mang tính thách thức cao hơn. Đối với một nhà soạn nhạc, hoàn tất một vở opera là một thành công đáng kể. Nếu chỉ tính đến mồ hôi và trí tuệ đổ vào công trình này không thì cũng chưa đánh giá đúng mức giá trị của một tác phẩm âm nhạc dài mấy tiếng đồng hồ và bao gồm hơn ngàn trang nhạc. Tất cả công sức này là một lý do giải thích cho con số khá nhỏ các vở opera hiện tồn tại.
P.Q.Phan (Phan Quang Phục)
Hơn 400 năm lịch sử opera phương Tây, bắt đầu từ năm 1600 đến ngày nay, số nhà soạn nhạc (composer), không phải người viết nhạc (song writer), có thể lên tới hàng triệu rồi. Nhưng tính đến số nhà soạn nhạc có thể viết opera và tác phẩm của họ được trình diễn thì con số này nhảy xuống hàng ngàn. Trong số ngàn này, những nhà soạn nhạc viết opera (chết và còn sống) được xem là quan trọng vì những tác phẩm của họ được trình diễn thường xuyên tại các nhà hát opera lớn trên khắp thế giới cho đến thời điểm hiện tại, con số này chỉ ngót ngét 40-60 người. Số tác phẩm opera thuộc loại căn bản (standard) thường được trình diễn này là vào khoảng 100-150 vở.

Đưa ra những con số trên chỉ là muốn nêu rõ một vấn đề: hơn 400 năm qua, những nhà soạn nhạc nào (chết hoặc còn sống) trải qua thách thức viết opera, hoàn thành tác phẩm của mình, và tác phẩm đó lại được trình diễn trên sân khấu đã coi như là đạt được một thành công đáng kể và đáng tự hào trong sự nghiệp sáng tác nhạc của mình, cho dù tác phẩm là vở opera nhỏ (chamber opera) hay là opera lớn (grand opera).

Những điều “đầu tiên” về “Chuyện Bà Thị Kính”/“The Tale of Lady Thị Kính” trong lịch sử opera Mỹ
Vì opera bắt đầu ở Ý, các vở opera ban đầu toàn được hát bằng tiếng Ý. Theo thời gian, số vở opera càng nhiều và số ngôn ngữ thường được dùng nhiều nhất trong các vở opera cộng thêm tiếng Đức, Pháp, rồi tiếng Anh. Trong số 50 vở opera được trình diễn nhiều nhất trên toàn thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng, các vở opera Ý vẫn được xem là rất phổ biến và được nhiều người ưa thích, đặc biệt là các vở được dàn dựng ở các trường đại học hoặc nhạc viện. Do đó, trước tới nay, người đi xem opera rất quen thuộc với những tựa đề và những cái tên bằng tiếng Ý. Lần này, họ sẽ có một sự ngạc nhiên thú vị.
“Chuyện Bà Thị Kính”/“The Tale of Lady Thị Kính” của P.Q. Phan là vở opera về Việt Nam. Lần đầu tiên ở Mỹ người đi xem opera được làm quen với tiếng Việt. Trước hết là qua một tựa đề có cái tên tiếng Việt (tiếng Việt có dấu hẳn hoi): The Tale of Lady Thị Kính. Không những thế, khi xem opera, họ sẽ dần làm quen với các nhân vật mang tên Việt Nam, họ có thể cùng cười với Thị Mầu, nổi giận về Thiện Sĩ, Sùng Ông, Sùng Bà, Mãng Ông, v.v. Ngạc nhiên này dẫn đến ngạc nhiên khác: một số bài hát trong vở opera vẫn được giữ bằng tiếng Việt để chuyền tải hương vị văn hóa Việt Nam đến khán giả. Và một điều đặc biệt nữa trong vấn đề ngôn ngữ là cụm từ “Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ được hát lập lại nhiều lần, đưa khán giả vào thế giới tâm linh cao đẹp của Thị Kính.

Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” của nhà soạn nhạc P.Q. Phan là một vở opera lớn (grand opera) về Việt Nam đầu tiên trong lịch sử opera Mỹ do nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt sáng tác. Gồm có hai (2) màn và mười (10) cảnh, vở “Chuyện Bà Thị Kính” huy động đội ngũ nhạc công đông đảo (40-60 người), nhiều vai diễn (14 vai trở lên), cộng thêm dàn đồng ca (hơn 30 người). Vở opera sẽ được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp với trang phục, phông màn, và diễn xuất sân khấu do các đạo diễn và nhà thiết kế có tiếng trong ngành phụ trách, lại được dựng trên sân khấu của nhà hát IU Opera Theater, một trong những sân khấu opera lớn nhất ở Mỹ và cả trên thế giới.

Trong nhà hát, các poster đã được treo lên. Chính giữa là bức poster của “The Tale of Lady Thị Kính”. Vừa là tác phẩm mới, vừa có tựa đề lạ chêm tiếng Việt, vừa nhìn lạ mắt với Thị Kính trong trang phục áo tứ thân, người đi qua đi lại không khỏi thắc mắc và tò mò hứng thú. Vài tuần nữa, các poster opera, trong đó có poster Thị Kính, sẽ được treo bên ngoài nhà hát, trên các cột nằm dọc con đường dẫn đến nhà hát opera. Đây là một cảnh tượng vui mắt trong cuộc sống âm nhạc sôi động ở Bloomington.
Về phần mình, nhà soạn nhạc P.Q. Phan cho rằng sự kiện này là một điều vô cùng vinh dự và hãnh diện cho bản thân ông, một người gốc Việt, cho nước Việt Nam nói chung và cho cộng đồng người Việt tại Mỹ nói riêng. Quả là một chuyện rất vui.
Xem thêm tại đây
 Trên sàn tập
 Thị Mầu - Thị Kính trong văn hóa dân gian Việt Nam
Trích đoạn Thị Kính, Thị Mầu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips