Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Rằng oai thì thật là oai...

Sự thua trận ngày 30-4-1975 đã làm thay đổi tất cả và đối với những người mặc áo lính, đó là một vết chém không bao giờ quên được. Bộ quân phục vì thế trở thành một kỷ niệm thiêng liêng hơn. Do nó là thiêng liêng nên không thể bừa bãi, nhất là trong tình trạng đất nước không còn, quân đội thì đã tan hàng từ 38 năm nay.
Huấn lệnh và luật lệ về quân phục dù có mang được phó bản sang đây cũng không còn giá trị gì nữa, nhất là nhiều cựu quân nhân VNCH hiện nay sống ở Mỹ và hầu hết đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Cho nên quá khứ kiêu hùng của quân đội VNCH không may vẫn chỉ là kỷ niệm, là quá khứ.
Rất hữu lý nếu như các cựu sĩ quan VNCH mặc quân phục đến để chào kính một cấp chỉ huy cũ hay bạn đồng đội của của mình khi họ qua đời, hoặc là một buổi lễ được cử hành tại tượng đài mang tính chất quốc gia, nhưng cũng phải rất giới hạn số người được mặc. Còn lại, tất cả các trường hợp khác đều không nên, ngay cả trong những cuộc họp mặt của các hội đoàn cựu quân nhân để tránh sự hiểu lầm của đồng hương cũng như của những người Mỹ khác là chúng ta khoe khoang.

Nhưng đáng buồn thay là việc mặc quân phục ngày càng thịnh hành ở Little Saigon này và ở nhiều cộng đồng Việt Nam khác trên đất Mỹ, thậm chí còn mặc quân phục để biểu dương trong các cuộc biểu tình chính trị hay các cuộc biểu tình phản đối, lại còn “thắng” lên người những bộ quân phục mầu ngụy trang vốn là quân phục dành cho những lực lượng tổng trừ bị hàng hầu của quân lực VNCH.
Chúng ta thường thấy trong rất nhiều buổi họp báo để phản đối lập trường chính trị của người này, quan điểm của người kia cũng có một vài cựu quân nhân mặc quân phục. Tôi đã từng nghe nhiều người buột miệng: “Làm cái đếch gì mà đi phản đối người ta về làm ăn buôn bán ở Việt Nam mà cũng mặc quân phục. Để hù ai?”. Cá nhân, tôi thấy những người này nói không sai. Giả sử như VNCH còn, quân đội VNCH còn, câu than phiền của những đồng hương cũng vẫn rất đúng, chiếu theo huấn lệnh của quân đội qui định về việc mặc quân phục, huống chi mọi chuyện nay đã thay đổi.
Tôi vẫn thường tự hỏi, trong số những người mặc quân phục VNCH mà tôi thường thấy trong các buổi họp mặt, hay lễ lạc liệu có ông nào bỏ lính bỏ dân để lo cho an toàn riêng của mình giữa lúc đất nước nghiêng ngửa không? Nếu có tức là họ đã vi phạm vào lệnh gìn giữ thanh danh cho quân đội và bộ quân luật. Và nếu có thì liệu họ có thể mặc bộ quân phục trên người nữa không?
Có nhiều cựu quân nhân và bạn bè nói với tôi rằng, lúc mới sang thì do còn xúc động nên chỉ có vài người mặc quân phục, nhưng sau dần bắt chước nhau đi mua sắm không những quân phục mà còn cả cấp hiệu, mũ, giầy bốt, huy chương, giây biểu chương. Chỉ cần đặt câu hỏi “Ai kiểm soát được việc mặc quân phục, ai bảo đảm rằng người mặc quân phục VNCH không làm những hành động mất thanh danh quân đội chẳng hạn như mặc quân phục đi biểu tình, đi họp mặt chống Cộng nhưng trong túi đã có vé máy bay về Việt Nam để thụ hưởng hay làm ăn buôn bán với chính phủ của người thắng trận, ai bảo đảm trước kia một ông nào đó trốn lính, lính ma, lính kiểng nay lại thắng lên mình bộ quân phục ngụy trang của những đơn vị hàng đầu trong quân lực VNCH?”.
Do đó, theo tôi, mặc quân phục VNCH tại quê hương thứ hai phức tạp hơn ở VNCH trước 30-4-1975 rất nhiều, trong khi không một người cựu quân nhân nào quên được bộ trang phục tác chiến mà họ mặc trong nhiều năm trước khi không còn được mặc.
Vì vậy người cựu quân nhân VNCH ở Mỹ không còn nhiều lý do để mặc quân phục và tốt nhất là không nên mặc quân phục nếu tự thấy mình không còn xứng đáng với nó hoặc chỉ nên mặc nó trong trường hợp thần cần thiết như tôi đã trình bày ở trên.
Chắc các cựu quân nhân VNCH hiện đang sinh sống tại Mỹ cũng đã thấy cách ăn mặc của những cựu quân nhân Mỹ. Họ chỉ cần mặc Âu phục có thắt và vạt, trên vạt áo khoác ngoài gắn một “pin” nhỏ mầu quốc kỳ và ngay phía dưới quốc kỳ là một huy chương cao quí nhất mà mình được ân thưởng trong thời gian phục vụ trong quân ngũ. Nhiều cựu quân nhân còn đeo một giải băng trắng qua vai, trên giải băng có phù hiệu của các đơn vị mà mình từng phục vụ hoặc các đơn vị bạn mà mình từng hợp đồng tác chiến. Một chiếc nón ca-nô xanh chung cho các cựu quân nhân Mỹ. Như thế vừa tiện lợi, vừa hòa đồng với các bạn chiến đấu ở những đơn vị khác.
Đến Bức Tường Đá Đen ở thủ đô Washington, chúng ta có thể thấy ngay những cựu quân nhân Mỹ đến viếng đồng đội tử trận trong chiến tranh Việt Nam vẫn chỉ mặc theo kiểu của “Vietnam Veteran”. Có cựu chiến minh Mỹ chỉ mặc một chiếc áo trận cũ mà ngày xưa họ mặc khi tác chiến trên chiến trường Việt Nam có thêu hàng chữ “Vietnam Veteran”, có người chỉ đội chiếc nón của đơn vị mình trước đây, vừa kín đáo, vừa tỏ ra trang trọng mà rất khiêm tốn.
Người Mỹ vẫn còn quốc gia, vẫn còn quân đội mà họ còn xử sự như thế thì tại sao những cựu quân nhân VNCH lại không hành động giống họ? Tại sao lại cứ phải làm những hành động như còn quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong khi thực tế trước mắt là 38 năm trước, chúng ta, tất cả những người mặc áo lính đã không bảo vệ được đất nước, đã không làm tròn tín niệm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.
Muốn cho thế hệ thứ hai trong đó có con cháu chúng ta biết chúng ta đã chiến đấu như thế nào trong thời chiến thì có nhiều phương cách lắm, trong đó phương cách tốt nhất là sống như một mẫu mực cho con, cho cháu trong gia đình và ngoài xã hội chứ không nhất thiết phải bằng bộ quân phục tự mua sắm.
Tôi nghĩ trong tình hình đất VNCH không còn, quân đội VNCH tan hàng từ 38 năm trước mà mặc quân phục để biểu dương ở những nơi không cần biểu dương sẽ chỉ làm rõ sự thất bại ê chề của chúng ta mà thôi. Càng nhiều người mặc quân phục, và bộ quân phục càng oai phong bao nhiêu thì càng khiến cho đồng hương so sánh họ với thực tế phũ phàng của ngày 30-4 ở thời điểm 38 năm trước. Bộ quân phục được mặc và xuất hiện bừa bãi ở những nơi trước kia huấn lệnh của quân đội VNCH cấm rõ ràng không thể sửa chữa lại được những lỗi lầm đã trở thành Quốc Hận 30-4 của chúng ta.
VŨ ÁNH
Bài gốc: -Tại sao phải mặc quân phục VNCH khi VNCH và quân đội VNCH không còn?

1 nhận xét:

  1. Ngôi trường đã bị bức tử và mất tên sau 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng hàng ngàn cựu nam nữ sinh của ngôi trường thân yêu này vẫn còn giữ mãi trong tim hình ảnh ngôi trường cũ và những tháng năm cùng đèn sách trong vòng tay của chính quyền Quốc Gia Việt Nam, cụ thể qua hàng trăm giáo sư và các nhà mạnh thường quân giáo dục.

    Năm nay số cựu học sinh đó, từ khắp nơi đã thống nhất tổ chức một đại hội Kỷ Niệm 50 Năm ngày thành lập ngôi trường Quốc Gia Nghĩa Tử liên tiếp trong nhiều ngày tại miền Nam California.

    Theo ban tổ chức cho biết, đại hội sẽ diễn ra trong ba ngày cuối tuần Thứ Sáu 21, Thứ Bảy 22, Chủ Nhật 23 Tháng Sáu. Ngày Thứ Sáu là Tiền Hội Ngộ, tiếp đón thầy cô, ân nhân và anh chị em từ các nơi xa về. Thứ Bảy vào lúc 4 giờ chiều, Ðại hội chính thức sẽ tại Westminster Rose Center số 14140 đường All American Way, Westminster, CA 92683, bên cạnh công viên Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Chủ nhật sẽ có buổi cắm trại Picnic tại Mile Square Park, Fountain Valley.

    Ðặc biệt, sau đó từ Thứ Hai 24 đến Thứ Sáu 28 Tháng Sáu tất cả sẽ họp mặt trên du thuyền “Carnival Cruise” để du ngoạn Mexico trong 4 ngày 4 đêm. Ðiểm khởi hành là cảng Long Beach, California.

    Chưa hết, lại còn có các cuộc du ngoạn tới San Francisco, San Jose, Las Vegas và Los Angeles nữa.

    Sở dĩ cuộc Hội Ngộ Kỷ Niệm 50 Năm ngày thành lập Cơ Sở Giáo Dục Quốc Gia Nghĩa Tử được kéo dài như vậy vì “anh chị em và thầy cô đều mong mỏi từ lâu nay một cuộc gặp gỡ không chỉ thoáng chốc trong một bữa tiệc hay trong một buổi vui chơi ngoài trời.” Như lời một Quốc Gia Nghĩa Tử trong ban tổ chức nói.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)
    NGUYÊN HUY
    P/s: - Trong thời gian vui chơi giữa biển trời Tự Do, xin quý vị dành 1 phút MẶC NIỆM cho hàng vạn cựu học sinh QGNT trong nước, đang vất vưởng mưu sinh trên thiên đàng cộng sản.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips