Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Bauer Sándor: Ngọn đuốc sống của nhân dân Hungary

Bốn mươi lăm năm trước, vào ngày 20-1-1969, Bauer Sándor, một thợ sửa chữa xe hơi, đã tự thiêu tại khu vườn trước Bảo tàng Quốc gia (Budapest) để phản đối sự vi phạm nhân quyền và độc tài cộng sản. Ông là một trong số hơn mười công dân các quốc gia cộng sản ở vùng Đông - Trung Âu thời kỳ 1969-1972 đã chọn hình thức tự sát quyết liệt này để bày tỏ tình yêu tự do, cũng như chính kiến của mình.
Khi từ giã cõi đời, Bauer Sándor mới 17 tuổi. Cách đây vài năm, tên ông đã được đặt cho một khu phố tại Budapest, và ông cũng đã được dựng tượng bán thân tại thủ đô của Hungary. Bauer Sándor được coi như một liệt sĩ của sự đè nén cộng sản.

Tuổi thơ dữ dội
Sinh năm 1952 tại Budapest, Bauer Sándor mới lên bốn tuổi khi phải chứng kiến căn hộ của gia đình ở đường Kacsóh Pongrác (Quận 10, Budapest) bị chiến xa Liên Xô bắn tan tành trong cuộc cách mạng 1956 và ký ức ấy chôn sâu trong tâm khảm cậu bé.
Năm 14 tuổi, Bauer có những cảm quan xã hội đầu tiên về sự bất bình đẳng, khi mặc dù học giỏi, nhưng chỉ cần một lời của người bí thư chi bộ khiến một đứa trẻ khác “con ông cháu cha” đã được nhận vào Trường Trồng rừng Szeged và cậu thì bị loại.
Sau đó, Bauer được thân phụ - làm việc tại khu đậu xe của Trung ương Đảng - đăng ký cho theo học một trường trung học dạy nghề, chuyên nghề sửa ôtô. Tại đây, Bauer bị coi là kỳ quặc vì mặc dù học kỹ thuật, khác với chúng bạn, anh đọc rất nhiều sách và có đam mê tìm hiểu lịch sử.
Tại tầng hầm ngôi nhà của gia đình, Bauer tổ chức một câu lạc bộ thanh niên - tại đó, anh đã có những tuyên bố quả cảm về chế độ độc tài đè nén, và kêu gọi những người thân quen cầm vũ khí đứng lên kháng cự. Từ đó, chỉ còn một bước đến hành động quyết liệt vào đầu mùa xuân 1969.
Trở lại mùa thu 1968, những ước vọng cải tổ của Ban lãnh đạo Cộng sản Tiệp Khắc - đứng đầu là lãnh tụ Alexander Dubcek - và người dân nước này bị dập tan bởi liên quân của Liên Xô và quân đội các nước XHCN thuộc Khối hiệp ước Warszawa. Mùa xuân Praha bị đàn áp và dìm trong bể máu.
Nhưng, đó chính là sự khởi đầu cho làn sóng phản kháng âm thầm của những người con ái quốc Tiệp Khắc, yêu chuộng tự do và khao khát độc lập dân tộc. Trong đó có chàng sinh viên 20 tuổi Jan Palach, đã trở thành ngọn đuốc sống, để phản đối hành vi xâm lược của Moscow.
Hành động đó diễn ra vào ngày 16-1-1969 ngay tại quảng trường chính của Praha mang tên Thánh Wenceslas. Ba ngày sau khi tự thiêu, Jan Palach qua đời trong viện, đám tang anh dù bị cơ quan mật vụ chính trị cộng sản Tiệp Khắc cấm đoán nhưng đã có tới 800 ngàn người đi đưa tiễn.
“Jan Palach của Hungary”
Cái chết bi thương của Jan Palach đã được nhiều thanh niên trong khối cộng sản (cũ) ở Đông - Trung Âu coi là tấm gương: đã có ít nhất 14 người noi gương anh trong những năm sau đó. Trong số đó, có chàng thanh niên Bauer Sándor lúc ấy mới 17 tuổi, nhưng đã có một quyết định chín muồi.
Sau khi để lại thư tuyệt mệnh và di chúc cho gia đình và bạn hữu, Bauer quấn khăn tắm khắp người và mang một chiếc cặp chứa đầy các can xăng. Anh lên tàu điện đi tới quảng trường Kálvin và quan sát xem chỗ nào có thể thu hút được sự chú ý của đông người nhất, tạo ấn tượng cho hành động của mình.
Rốt cục, Bauer chọn địa điểm là Bảo tàng Quốc gia Hungary, một nơi thiêng liêng với ký ức của cuộc cách mạng và đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc năm 1848. Chính nơi đây, đại văn hào Petőfi Sándor đã đọc bài thơ mang tựa đề “Bài ca Dân tộc” bất hủ, như một hồi kèn hiệu triệu bạn hữu và đồng bào, ngày 13-3-1848.
Tọa lạc tại trung tâm Budapest, Bảo tàng Quốc gia còn là nơi giới học sinh, sinh viên hay tụ tập đông đảo sau giờ học và như thế, nhiều người sẽ chứng kiến được hành động của Bauer, như anh suy tính. Vài phút sau 1 giờ chiều hôm đó, tại khu vườn của Bảo tàng, Bauer rút những can xăng giấu trong cặp rẩy lên người rồi châm lửa.
Bùng cháy như một ngọn đuốc sống, nhưng anh vẫn còn sức phất hai lá cờ với ba màu tượng trưng của dân tộc Hungary. Chẳng mấy chốc, đã có hai, ba trăm người tụ tập quanh Bauer, thoạt đầu họ chưa hiểu sự tình ra sao, nhưng rồi dần dần họ ý thức được rằng đây không phải là một trò chơi, mà là một hành động kinh khủng, giống như trước đó bốn ngày ở Praha.
Một sinh viên trường Y khoa, Bihari Imre, là người đầu tiên cùng bạn bè chạy đến và tìm cách cứu Bauer bằng cách cởi chiếc áo khoác của nạn nhân và dùng nó dập lửa. Bihari kể lại rằng, nạn nhân vẫn tình táo từ đầu đến cuối và trả lời mọi câu hỏi được đặt ra. Nhiều người hỏi tại sao tự thiêu, Bauer đáp rằng “vì tình yêu nước”, “để phản kháng”, “chống lại quân xâm lược Nga”...
Anh cũng nói thêm: “Người anh em Tiệp cũng đã làm thế...”. Khi được đưa vào Khoa Bỏng (Quân y viện Trung ương, Budapest), 15-20% thi thể của Bauer Sándor bị bỏng hai hoặc ba độ. Dù phải chịu những cơn đau khủng khiếp, ngay trong ngày, anh đã bị hỏi cung trong nhiều giờ liền và bị canh giữ cẩn mật - thư từ tuyệt mệnh gửi gia đình và bạn hữu của anh cũng bị tịch thu.
Hai ngày sau, lệnh bắt giữ chính thức đã được tuyên bố và thực thi đối với Bauer Sándor, lúc đó đang bị thương nặng và không còn sức để ký biên bản bắt giữ - thân phụ anh phải làm thay cho anh điều này. Ngày hôm sau, 23-1-1969, Bauer qua đời vì vết thương quá hiểm nghèo, nhưng tin về hành động và cái chết của anh chỉ được công bố sau đó hai tuần.
Đuốc sống cho dân tộc
Trong những lá thư tuyệt mệnh gửi bạn hữu, Bauer Sándor cho hay anh tìm đến cái chết để noi gương Jan Palach, người đã tự thiêu trước đó bốn ngày để phản đối việc Liên quân khối Warsazwa - đứng đầu là Liên Xô - đưa lính vào Tiệp Khắc can thiệp quân sự và chiếm đóng nước này.
Anh cũng nói thêm, “tôi nhắn nhủ rằng con người không có lý tưởng thì chỉ tồn tại, chứ không sống”. Đặc biệt, trong thư gửi cha mẹ, Bauer đã để lại những dòng bi thảm và động lòng: “... con muốn sống, nhưng giờ đây, dân tộc ta cần thi thể cháy thành than của con...”.
Mặc dù biết rõ nguyên nhân và lý do cái chết của Bauer Sándor, nhưng hệ thống báo chí của chính quyền cộng sản Hungary đương thời cố tìm cách đưa tin theo hướng Bauer là người đã từng muốn tự tử, và anh chết cũng do tự tử thông thường. Cảnh sát buộc gia đình và thân nhân gần của anh phải ký một tuyên bố giữ bí mật, và do đó không ai khác được biết về cái chết và đám tang anh.
Bài điếu văn đọc trong tang lễ, cũng như toàn thể lễ tang của Bauer diễn ra dưới kịch bản của cảnh sát. Nấm mồ của Bauer, trong nhiều năm, được canh giữ và để mắt, đặc biệt
trong các dịp lễ lạt, kỷ niệm - những ai đến thăm mộ, đặt hoa đều bị cảnh sát theo dõi và tìm hiểu nhân thân.
Ba mươi hai năm sau ngày qua đời, Bauer Sándor được nhận sự tưởng thưởng đầu tiên: một tấm bảng treo ngay tại Bảo tàng Quốc gia Hungary khắc ghi hành động anh hùng của chàng trai 17 tuổi. “Ngọn đuốc sống làm dịu đi lương tâm bất bình của tất cả chúng ta, những kẻ đã yên phận chịu kiếp tôi đòi"
Tiếp đó, vào năm 2011, trên Bauer được đặt cho một con phố ở Budapest, và năm sau anh được dựng tượng bán thân. Lãnh tụ đảng cầm quyền FIDESZ, Dân biểu Nghị viện Châu Âu Szájer József trong phát biểu khánh thành bức tượng, đã nhấn mạnh rằng Bauer Sándor ý thức được rằng cái chết của anh không khiến chế độ cộng sản phải thay đổi.
Tuy nhiên, Bauer cũng biết, bằng việc tự thiêu, anh đã đưa ra một tín hiệu: không bao giờ được cam chịu khi phải sống trong một thể chế độc tài. Và do đó, ngọn đuốc sống của Bauer “vẫn có thể làm thay đổi thế giới”, chỉ hướng và tiếp sức cho những người còn rụt rè, do dự và thiếu lòng quả cảm, theo vị chính khách.
Tự thiêu như một hình thức phản đối hành động xâm lược Tiệp Khắc của Moscow đã xuất hiện từ năm 1968, với cái chết của một người đàn ông Ba Lan 59 tuổi, cha của bốn người con, ông Ryszard Siwiec, ngay tại Sân vận động Quốc gia Warszawa, trước sự có mặt của hàng trăm ngàn khán giả, trong đó có Ban lãnh đạo Cộng sản Ba Lan cùng các nhà ngoại giao, các quan khách nước ngoài.
Theo thống kê, sau cái chết của ông, trong thời gian từ 16-1-1969 đến 14-5-1972, đã có 12 người tự thiêu để phản đối việc quân đội các nước XHCN đưa quân vào Tiệp Khắc, cũng như phản đối nền độc tài theo mô hình Stalinist. Trong số đó, ngoại trừ 1 người ở độ tuổi 40, những người còn lại đều là thanh niên từ 19 đến 25 tuổi, mà Bauer Sándor của Hungary là người trẻ nhất ở độ tuổi 17.
Người Hungary cho rằng sự hy sinh của ông vào năm 1969 đã không vô nghĩa, và đó là một trong vô vàn viên gạch lót đường để người dân nước này tự làm nên những biến chuyển dân chủ ôn hòa sau đó hai mươi năm, vào năm 1989 lịch sử...
Trần Lê/nhipcauthegioi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips