Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục...

Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.
Trong suốt diễn văn bà Drew Faust không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam ngày đó.
Người viết không nghĩ bà dè dặt hay không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam.Việt Nam trong diễn văn của bà Drew Faust là Cộng Sản Việt Nam.

Bà Drew Faust không hiểu được trên con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc. Đảng CS là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra.
Bà Drew Faust là người học nhiều, hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe một câu chuyện và cảm thông với những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết thương.
Là một sử gia, bà biết lịch sử được viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị.
Một ví dụ về chính sử. Năm 1949 tại Trung Cộng, trong cuộc bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao tin tưởng tuyệt đối 547 đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ông ta. Không, chỉ có 546 người bỏ phiếu thuận, nhà nghiên cứu triết học Zhang Dongsun bỏ phiếu chống lại Mao. Zhang Dongsun bị đày đọa và chết trong tù nhưng lịch sử Trung Hoa ngày sau sẽ nhớ đến ông như một người viết chính sử Trung Hoa.
Việt Nam cũng thế. Chính sử vẫn đang được viết không phải từ những người đang đón tiếp bà mà bằng những người đang ngồi trong tù, đang bị hành hạ, đày ải, trấn áp dưới nhiều hình thức. Khát vọng độc lập, tự do, từ những ngày đầu tháng 9, 1859 ở Cẩm Lệ, Quảng Nam, nơi máu của Đô Thống Lê Đình Lý chảy xuống để bảo vệ thành Đà Nẵng cho đến hôm nay, vẫn cùng một dòng và chưa hề gián đoạn.
Nhân dịp tháng Tư năm 2017, người viết xin phân tích một số định nghĩa về nội dung của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Bài này tổng hợp một số bài ngắn của người viết đã phổ biến trên Facebook trước đây...
TRẦN TRUNG ĐẠO- xem toàn bài

2 nhận xét:

  1. Chưa có thời nào mà bắt người thua trận bị tù hàng chục vạn như thời Cộng Sản. Các tay này không biết lòng dân là thế nào sao?…
    Thêm vào đó, cái ngỡ ngàng khó chịu nhất là dân miền Nam, thấy mình không phải là người “được giải phóng,” mà là “người thua trận,” bị khinh miệt, bị làm tình làm tội, đối xử không ra con người.
    Suốt 42 năm nay, rõ ràng miền Bắc chiếm được đất đai, xóm làng, thành phố nhưng không hề chiếm được lòng người. Ngay trong những ngày đầu trong trại tập trung mà Cộng Sản đặt tên là trại “học tập cải tạo,” những người thất trận đã cảm thấy bị đối xử bởi một lũ mọi rợ, thất học.
    Từ sĩ quan cho đến một vị tướng lãnh miền Nam khi gặp bọn cai tù (tên gọi là cán bộ vệ binh hay quản giáo,) đều phải đứng nghiêm, chào kính, nếu cần nói, phải dùng tiếng “thưa cán bộ!” Khi ra trại tù đi làm lao động, hay lúc trở về, đoàn tù miền Nam, khi qua cổng, có tên vệ binh mặt búng ra sữa, đang ngồi trên chòi gác, đều phải dở nón mũ ra, có khi cao hứng, những tên lính gác này còn bắt tù bỏ cả kính ra, dù là kính cận thị.
    Ngày mới đi trình diện để tập trung lên xe đi vào trại tù, vì ác cảm với giới trí thức, một người bạn tôi đã bị một Việt Cộng lột cặp kính cận thị của anh, vứt xuống đất và đạp nát. Uất hận tận cùng, nhưng trong thế “chim lồng cá chậu,” ngườisĩ quan miền Nam đành nuốt hận vào lòng...
    HUY PHƯƠNG

    Trả lờiXóa
  2. Trao đổi với đài VOA Tiếng Việt, ông Phạm Ngọc Cửu, thành viên của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ tại Florida, đồng thời cũng là cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận, năm nay đã 76 tuổi cho biết: Đối với ông trong 42 năm vừa qua, Tháng Tư là tháng để tang. Nếu các đoàn thể tổ chức chương trình kỷ niệm, ông sẽ đến tham dự. Ngoài ra, những điều vui chơi ông không bao giờ nghĩ đến, mà ông nhớ đến những người anh em, đồng đội cùng chiến đấu đã qua đời.

    Đối với những người như ông Phạm Ngọc Cửu, ngày 30 tháng tư là một sự kiện lịch sử. Điều gọi là thống nhất, trên thực tế chỉ là một cuộc xâm lăng. Thống nhất mà lòng người phân tán, và hàng trăm ngàn người đã hy sinh tính mạng của họ để đổi lấy ý tưởng tự do. Đây là cuộc bỏ thân, bỏ phiếu bằng sinh mạng vĩ đại nhất trong lịch sử; bao gồm 5 vị tướng đã tuẫn tiết, và trăm hàng ngàn quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vào ngày 30 tháng tư.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips