Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Dự thảo khai tử môn lịch sử

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã gạt môn Lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục cơ bản, cấp tiểu học và trung học, và biến môn học này thành “môn tự chọn” đã đẩy sự lo ngại bấy lâu về sự xuống cấp của việc dạy và học môn lịch sử mà Bộ Giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xuống một tầng nấc khác: khai tử môn lịch sử.
Dự thảo môn lịch sử thành tự chọn có phải là biện pháp phủi tay với môn lịch sử hay không đang là đề tài khá gay gắt bên cạnh các vấn đề thời sự nóng bỏng khác đang diễn ra trong xã hội.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2011 cả nước sửng sốt với 98% có nơi 99% số thí sinh bị trượt môn sử. Từ đó đến nay vẫn không có dấu hiệu nào khả quan hơn vì nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân lớn nhất khiến môn lịch sử trở thành gánh nặng cho cả người học lẫn dạy là chán môn lịch sử.

Học sinh chán học môn lịch sử không phải từ bản năng mà là một phản ứng có điều kiện. Có rất nhiều nguyên nhân mà trước hết là sách giáo khoa, phương pháp dạy và các câu hỏi đánh đố trong thi cử. Môn lịch sử được mang tới cho các em bằng những con số ngày, tháng, năm xảy ra sự kiện, con số của kẻ thù bị giết, con số vũ khí quân dụng của kẻ thù bị tịch thu hay phá hủy, con số của những trận đánh trong các thời kỳ và đặc biệt các con số mỗi lúc một nhiều hơn trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Sự thiếu vắng các bài học luân lý, nhân cách trong lịch sử khiến các em mỏi mệt và chán nản đặc biệt khi gặp các câu hỏi đánh đố của các kỳ thi càng làm cho môn lịch sử khó tiêu hóa hơn.
"Sử" cho trẻ em tiểu học
Bên cạnh việc lịch sử được diễn dịch theo văn phong của tiểu thuyết, cho phép người soạn lịch sử trong sách giáo khoa toàn quyền kể tội một phía và tâng bốc hết lời ở phía bên kia. Cách viết sử cảm tính và một chiều ấy khiến học sinh nảy sinh các câu hỏi có tính mô phạm nằm sâu trong tiềm thức của các em với các câu hỏi mà càng lớn lên các em càng dễ trả lời: Phải chăng cách mạng bao giờ cũng thắng?
Khi câu chuyện Lê Văn Tám không có thật được nhà sử học Trần Huy Liệu bộc bạch thì Bộ Giáo dục bối rối và không biết làm cách nào để sửa sai. Kết quả là môn lịch sử chấp nhận búa rìu dư luận, tiếp tục nhắm mắt bắt học sinh học bài học Lê Văn Tám xem như chưa có gì xảy ra. Cách làm này khiến môn lịch sử biến dạng, nó trở thành môn dã sử chứ không còn là lịch sử nữa.
Các chuyên gia về khoa học nhân văn đều cùng một quan điểm việc phải giữ môn sử trong nhà trường và hơn thế, lịch sử phải là môn bắt buộc, phải học cặn kẽ và thấu đáo để hình thành một nhân cách cùng lúc trang bị các thứ kiến thức khoa học tự nhiên khác.
Môn sử không phải là các con số hiển thị mà là diễn tiến cốt lõi trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Tất cả yếu tố khách quan đó sẽ làm nên diện mạo lịch sử. Học sinh sẽ biết thế nào là thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản. Khí phách kiêu bạc Trần Bình Trọng hay lẫm liệt uy nghi nhưng vô cùng nhân ái của Hưng Đạo Đại vương… Đặc biệt là gương xấu bán nước của những nhân vật như Lê Chiêu Thống mà lịch sử điểm mặt. Những tấm gương từ lịch sử ấy sẽ là thành trì cho học sinh chống lại sự cám dỗ từ mọi mua chuộc của quân thù khi chúng có ý đồ dấy quân xâm lược.
Những bài học lịch sử cũng làm nên trải nghiệm cho cuộc sống và ứng phó với tương lai của các biến chuyển chính trị khác, hơn là khích động lòng kiêu hãnh hào nhoáng. Học sinh sẽ biết nói không với việc đầu hàng quân thù ngay trên bàn hội nghị qua các bài học lịch sử được dạy từ trường.
Thể hiện lịch sử đúng đắn là bổn phận của nhà sử học và vì vậy tranh đấu được viết đúng và đủ sự kiện lịch sử cũng là nhân cách và dũng khí của người viết sử trong mọi thời đại, đặc biệt trong hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.
“Sự thật lịch sử” là câu nói kinh điển cho mọi thời đại nhưng sách giáo khoa hình như không tôn trọng nguyên lý căn bản này. Trong khi vụ thảm sát Mậu thân 1968 tại Huế vẫn còn nhiều uẩn khúc vì tài liệu khác nhau, hoặc do thiếu chứng cứ hoặc do lấy tài liệu từ một phía, hoặc lịch sử bị diễn giải theo lăng kính chạy tội nên chưa thể đưa vào sách giáo khoa thì có thể hiểu được. Thế nhưng những vụ việc xảy ra trong chiến tranh Việt Nam làm rúng động thế giới thì người viết sử không thể im lặng hay cố tình diễn giải theo khuynh hướng khuất tất trong thời kỳ mà cả thế giới lên án khủng bố. Trong chiến tranh Việt Nam, ít nhất ba vụ trọng án do khủng bố gây ra làm nhân loại thức tỉnh bất kể mục đích và thời điểm mà chúng mang tới.
Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 16 tháng 9 năm 1971, đặc công Mặt trận giải phóng miền Nam đặt chất nổ tại vũ trường Tự Do Sài Gòn giết hơn 40 người và làm bị thương hơn 100 người khác.
Gần hai tháng sau, ngày 10 tháng 11 năm 1971 ban an ninh T4 đánh bom ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông lúc ấy đang giữ chức Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh.
Vụ thứ ba, hai năm sau ngày 9 tháng 3 năm 1974 Mặt trận giải phóng miền Nam pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường, bây giờ là tỉnh Tiền Giang, giết chết 32 học sinh và làm bị thương nặng  nhẹ 55 học sinh khác.
Cả ba vụ đều được báo chí quốc tế đưa tin với những hình ảnh và nhân chứng cụ thể.
Tuy nhiên trong tất cả các vụ vừa nói sách giáo khoa không cho học sinh biết một vụ nào mặc dù mới đây báo chí trong nước nhắc lại việc ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông như một kỳ tích, một thành quả cách mạng mà trong đó mọi dàn xếp, chuẩn bị và tiến hành cuộc đánh bom không cần che đậy, xem như một trận đánh lịch sử. Tiếc rằng người bị giết là một trí thức và hoàn toàn không có một tấc sắt trong tay.
Lịch sử đã viết rất rõ về Mỹ Lai thì không thể từ chối không nhắc lại ba vụ vừa nói, kể cả nhắc lại để làm sáng tỏ một giai đoạn chiến tranh khốc liệt và nhìn nhận nó như một sai lầm chiến lược.
Một vụ đánh bom khủng bố của VC bên ngoài sứ quán Mỹ tại SG ngày 30/3/1965
Lịch sử là cái nó vốn có. Khoa học lịch sử không thể diễn giải hay nhặt nhạnh từ lời khai của những cá nhân bất mãn hay được mua chuộc. Lịch sử phải được viết công khai và người còn sống trong các biến cố gần nhất có trách nhiệm nói lên những gì họ thấy. Các nhà sử học có bổn phận tập trung mọi chi tiết từ nhiều phía, nhiều nguồn và tổng hợp bằng phương pháp khoa học để lịch sử được tái hiện lại một cách minh bạch và công bằng nhất.
Câu chuyện học sinh trả lời Nguyễn Huệ và Quang Trung là hai anh em đã vẽ nên diện mạo của giáo dục Việt Nam một cách trung thực và khó biện luận sự thiếu vắng giảng dạy trong ngành sử học. Nếu môn lịch sử không còn quan trọng trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở thì đừng hỏi tại sao học sinh không biết gì về họa phương Bắc gần đây nhất. Nếu sách giáo khoa không nhắc tới, hay nhắc với mức độ dè sẻn việc Trung Quốc xâm lược vào năm 1979 thì liệu Hoàng Sa và Trường Sa có cần thiết để cả nước phải ra sức giữ gìn nếu có đột biến xảy ra?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Xem toàn bài

3 nhận xét:

  1. Thời này là thời mạt sử. Lịch sử nhẽ ra phải là môn học được ưa thích nhất trong nhà trường. Biết bao câu chuyện đặc sắc, được chắt lọc, ghi chép truyền từ đời này sang đời khác. Biết bao bài học làm người. Biết bao tự hào, biết bao đau xót, biết bao nuối tiếc, có thể và cần phải được chuyển tải trong những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ. Nhưng kết quả của nền giáo dục XHCN 70 năm là học sinh quay lưng với Sử.

    Lỗi không phải ở những nhà giáo dục. Lỗi trước hết là ở những người lãnh đạo cao nhất, những nhà chính trị. Lỗi tiếp theo là ở chính những nhà sử học, đã chấp nhận chính trị hóa ngành Lịch sử ở Việt Nam. Lịch sử là một khoa học. Nhưng Lịch sử ở Việt Nam không còn là khoa học khi mà tiêu chí đầu tiên của khoa học không còn được tôn trọng: tính trung thực.

    Cả một cuộc chiến 10 năm chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc bị quên lãng. Những nhà Lịch sử ở đâu?

    Cả một cuộc xâm lược và chiếm đóng Campuchia 10 năm bị quên lãng. Những nhà Lịch sử ở đâu?

    Cả một thảm sát Mậu Thân không được nhắc tới. Những nhà Lịch sử ở đâu?

    Cả một cuộc Cải cách ruộng đất “long trời lở đất” giờ “chìm xuồng”. Những nhà lịch sử ở đâu?

    Xa hơn, những cuộc chinh phạt Chiêm Thành, hủy diệt cả một nền văn hóa. Những nhà Lịch sử đã nghiên cứu được gì?

    Hôm nay các nhà Lịch sử mở cả “Hội nghị Diên hồng”, theo cách gọi trên báo chí, yêu cầu “không tích hợp Lịch sử với các môn học khác”. Có lẽ họ sẽ thành công. Nhưng thành công đó có ích gì, khi mà học sinh không thèm học Sử? Việc họ nên làm, theo tôi, là làm sao để ngành Lịch sử ở Việt Nam trở thành một KHOA HỌC.
    PHÙNG HỒ HẢI

    Trả lờiXóa
  2. Thứ nhất, đấu tranh cho môn lịch sử tiếp tục có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông không có nghĩa là duy trì thực trạng môn học đã bị chính trị hóa đến tê liệt trong nhiều chục năm qua, khiến người dạy loay hoay mãi không thể dạy hay được, người học thì chán ngán. Đã đến lúc phải thay đổi căn bản đối với môn học này, từ nội dung đến phương pháp, chứ không chỉ sửa chữa.

    Thứ hai, rất cần thiết phải công bố một cách ngắn ngọn, hàm súc cho xã hội hiểu và phân biệt rõ ba khái niệm: Lịch sử, sử học và dạy - học lịch sử, cũng như mối quan hệ giữa ba điều ấy. Việc này không thừa, bởi ngay trong ngành sử không phải ai cũng đã tỏ, còn trong xã hội thì số người hiểu cực ít. Khi giới lãnh đạo chính trị không hiểu thì sẽ xem nhẹ môn lịch sử và khó có thể giải thích, thuyết phục được.

    Thứ ba, lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học, nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hóa thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật.

    Thứ tư, sử học vinh quang thật, nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị.

    Một nhà sử học nổi tiếng nước ta mới mất cách đây vài năm, nói: Sử học ta chẳng có tư tưởng gì. Sợ thật!

    Bị biến thành công cụ tuyên truyền, đến mức bị chính học sinh chối bỏ, người dân nghi ngờ, rồi lại chính cơ quan giáo dục quyền lực nhất xóa bỏ. Phải chăng, đó là số phận của một thứ sử học “phải đạo”?

    Bởi thế, ngành sử cần phải làm lại từ đầu.

    Thứ năm, sử học thế nào thì dạy học lịch sử cũng gần như thế, bởi dạy học phải sử dụng thành tựu nghiên cứu của sử học, đồng thời cả hai cùng có chung một “bầu trời”, một thể chế. Tư tưởng chỉ đạo cho sử học, đương nhiên cũng được áp dụng cho dạy học lịch sử. Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí. Để học sinh chán học sử, để giáo viên không thể giảng hay được tức là môn sử hết sinh khí rồi...
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay, trong giai đoạn Việt Nam đang trở thành con cái (một loại nghịch tử) của Trung Cộng, lịch sử Việt Nam đã là một trở ngại cho mối giao hảo của Việt-Trung, thì khi đất nước chúng ta trở thành một thành phần không thể cắt lìa của Trung Cộng, là ngôi sao nhỏ thứ năm trên lá cờ của bọn bành trướng. Lý do lịch sử Việt Nam là một chuỗi trường kỳ kháng chiến với giặc phương Bắc, và nước Tàu trở thành một “kẻ thù truyền kiếp” của dân tộc Việt Nam.

    Sách “Việt Nam - Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975” của Viện Sử Học-Viện Khoa Học Xã Hội (cơ quan chính thức của đảng và chính phủ) không hề nói đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và sự hy sinh của những anh hùng tử sĩ VNCH trong trận chiến với Trung Cộng vào Tháng Giêng, 1974. Ngay cuộc tấn công của quân Trung Cộng chiếm các bãi đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa diễn ra ngày 14 Tháng Ba, 1988, phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân, 64 thủy binh đã thiệt mạng cũng bị bỏ quên. Đương nhiên chuyện bán nước tày trời, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, vào năm 1958 đã gửi công hàm cho Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng trên Hoàng Sa và Trường Sa lại phải giấu kín, không được ghi vào sử.

    Vì sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại giấu sử và viết lại sử, ngăn cấm không cho các thế hệ con em biết những sự thật đẫm máu về Trường Sa- Hoàng Sa, phải chăng là sợ mất lòng đàn anh “láng giềng khốn nạn!”

    Cũng trong thời gian xảy ra những biến cố đau thương ở Gạc Ma, những việc nhảm nhí lại được đảng Cộng Sản tôn vinh thành sử sách như việc “Khai mạc Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Hội Chữ Thập Đỏ lần thứ năm” hay “Ngành Nội Thương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu chuyển hoạt động thương nghiệp sang hoạch toán kinh doanh XHCN.”

    Ngay cả tội ác của lính Trung Cộng, trong cuộc thảm sát ngày 9 Tháng Ba, 1979 tại huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Cộng đã “dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có bảy phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình,” mà ghê tởm thay, cũng được các nhà viết sử Cộng Sản lơ đi kẻo sợ mất lòng ông chủ Trung Cộng!

    Những anh hùng do đảng nặn, phịa ra thì lại được ghi vào sử cho con em học ra rả. Đó là những anh hùng tưởng tượng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu... hay những dũng sĩ “không tưởng” như Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Bùi Minh Kiểm tay không ghì máy bay trực thăng thì được nhồi nặn vào đầu óc trẻ thơ. Thế hệ thanh niên bây giờ có thể biết về Lenin, Karl Marx là ai, trong khi một học sinh lớp 8 không biết ông Quang Trung “bà con” ra sao với ông Nguyễn Huệ, phải chăng vì “hai ông” này đều chống Tàu?
    HUY PHƯƠNG
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips