Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Hạ nhục, đánh đập và hành quyết trong CMVH Trung Quốc

Những bức ảnh tư liệu chưa từng được công bố thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lý Chấn Thanh (Li Zhensheng) chụp đang được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Barbican ở London. Các chuyên gia nói triển lãm đem lại cơ hội hiếm hoi, không qua kiểm duyệt, để được nhìn vào thời kỳ biến động nhất trong lịch sử thế kỷ 20.
Những bức ảnh đen trắng của ông Lý cho thấy những cuộc tuần hành tập thể, việc hạ nhục, đánh đập, các cuộc hành quyết và cả tinh thần cách mạng đầy nhiệt huyết. Nó cho thấy Cách mạng Văn hóa là như thế nào tại các tỉnh lỵ Trung Quốc và nỗi kinh hoàng của người dân khi bị đấu tố trước đám đông.

Có được những bức ảnh này là nhờ lòng can đảm của ông Lý. Là nhiếp ảnh gia cho tờ Hạ Long Giang Nhật báo, ông được phép tới những nơi nhạy cảm và chụp được những cảnh bạo hành tới mức vô nghĩa lý, ngoài những hình ảnh mang tính tích cực hơn của cuộc cách mạng này.
Nhưng vì sợ chính mình sẽ bị đấu tố là kẻ phản cách mạng và tính sai trái về chính trị của những bức ảnh này cũng có nghĩa là ông buộc phải giấu chúng bên dưới sàn nhà. Chỉ đến bây giờ chúng mới được trưng bày trước công chúng
Ông Lý đã rất cẩn thận cất giấu những tấm phim này khỏi con mắt dòm ngó của Hồng Vệ Binh. "Giữ ảnh trong nhà không an toàn nên chúng tôi đã khoét một lỗ ở sàn nhà và giấu tất cả những bức ảnh này ở dưới đó," ông kể. "Hôm 26/12/1968, hồng vệ binh tới và lấy đi mọi thứ trong nhà nhưng những tấm phim đó đã thoát được."
Xem thêm trên BBC
Hình ảnh trong bài được sưu tập thêm từ trang này

3 nhận xét:

  1. Giữa thế kỷ 20, người Việt mình cũng được học và áp dụng cách giết người rất tàn bạo nhờ các cố vấn do ông Mao Trạch Ðông cử sang. Thí dụ, trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, nhiều người Việt cũng đem chôn sống đồng bào mình, chôn đứng chỉ để hở cái đầu, rồi cho trâu kéo cầy đi qua lại nhiều lần, đến lúc nạn nhân chết mới thôi.

    Khi đọc tin Mạc Ngôn được giải Nobel, tôi kể cho anh Sơn, ông bạn đang cùng ngồi uống cà phê về cuốn Ðàn Hương Hình và mấy cách hành hình trong đó - tôi không dám kể đến phương pháp hành hình sau cùng.

    Anh bèn kể cho tôi nghe một cảnh chính anh đã chứng kiến. Ông bác anh đã bị tố là địa chủ, dù chỉ có mấy mẫu ruộng thừa tự. Cụ bị hành hạ bằng cách chôn xuống đất, chỉ để cái đầu ngoi lên, nhìn thấy cái lưỡi cầy từ phía trước đang tiến tới cứa cổ mình. Tôi ngây thơ hỏi: “Thế sao ông không nhắm mắt?” “Nhắm mắt sao được? Chúng nó đập cho, bắt phải mở mắt ra chứ!” “Nó cầy mấy lần thì cụ chết?” “Không cho chết, thế mới là tố khổ. Nó bắt người ta phải nhìn cái lưỡi cầy sắc bén trườn trên mặt đất, ngang tầm mắt mình, như con dao lừng lững tiến tới sắp cứa cổ mình! Rồi lại chờ cái lưỡi cầy quay một vòng, rồi lại nhắm đầu mình tiến một tới lần nữa! Mỗi lần nó chỉ cứa đứt một mảng thịt thôi, cho tới lúc ông cụ kiệt lực ngất xỉu chúng mới ngưng. Vì giết một người đã xỉu rồi thì chúng không được hưởng cái thú hành hạ người ta nữa.” Ông bác anh bạn tôi sau đó còn tiếp tục sống mấy tháng trước khi chết, vì bị bỏ đói. Trong ba tháng sau cùng cuộc đời ông, ông phải sống với hình ảnh cái lưỡi cầy đang tiến tới trước mặt.

    Nhiều người nghe thuật lại những chuyện trên chắc không tin là chuyện đó có thật. Thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ Mầu Tím Hoa Sim đích thân kể trong một hồi ký, đọc ông thì phải tin. Thời kháng chiến bắt đầu năm 1947, hai cụ song thân bà Hữu Loan từng được phong làm địa chủ cứu quốc. Nhiều lần họ đã chở gạo nuôi bộ đội sư đoàn 304 của Hữu Loan cho nên thi sĩ rất biết ơn. Ðến thời Cải Cách Ruộng Ðất, các cụ bị tố là địa chủ, bị hành hình bằng lưỡi cầy.

    Phương pháp chôn đứng người ta rồi giết bằng lưỡi cầy, chắc phải do các cố vấn Trung Cộng giúp đỡ, hướng dẫn và chỉ đạo trong thời Cải Cách Ruộng Ðất. Người Việt mình khó có ai lại nẩy ra được những sáng kiến như thế. Giết một mạng người cũng ghê tay quá rồi; chớ đừng nói trước khi giết còn hành hạ, tra tấn người ta bằng lưỡi cầy! Ðồng bào với nhau, ai nỡ giết nhau như vậy. Cho nên chỉ có các cố vấn Trung Cộng mới bày ra được các phương pháp đó, theo truyền thống Ðàn Hương Hình.

    Ông Mao Trạch Ðông đã để lại một di sản đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa nhưng ông không phải là người Trung Hoa tiêu biểu, ông ta cũng không là một ông hoàng đế tiêu biểu. Nhiều người Trung Hoa rất tốt, như ông Khổng Tử, hay thi sĩ Ðỗ Phủ chẳng hạn. Ông Mao chỉ là hình ảnh tiêu biểu của một bạo chúa Trung Hoa. Vì ông sống trong nền văn hóa Trung Hoa cho nên ông cũng đi tới một chỗ cùng cực của tội ác, mà lịch sử Trung Hoa sau này sẽ kết án.

    Trả lờiXóa
  2. Một nhà kinh tế cùng họ, ông Mao Vu Thức (Mao Yushi, sinh 1929), đã nhận xét rằng: “Trong ba tay giết người tập thể lớn của thế kỷ 20, Hitler, Stalin, và Mao Trạch Ðông thì Mao đã giết nhiều người nhất. Chính sách kinh tế tập thể, “Bước Nhẩy Vọt” của ông làm 30 triệu người chết đói.” Mao Trạch Ðông dùng lý thuyết đấu tranh giai cấp để chiếm đoạt quyền hành; nhưng Mao Vu Thức nhận thấy, “Ông ta cả đời chỉ lo củng cố quyền cho mình. Chẳng liên can gì tới đấu tranh giai cấp cả.” Vu Thức viết: “Không những Mao Trạch Ðông gây đau khổ cho người Trung Hoa, ông còn xuất khẩu để cả thế giới được chia phần sự tàn bạo của ông ta. Học trò giỏi nhất của ông là Pol Pot, kẻ giết người nhẫn tâm nhất.”

    Trong thời Bước Nhẩy Vọt, Mao đã làm 30 triệu dân Tàu chết đói, chết bệnh. Ở huyện Tỉnh Nghiên, Tứ Xuyên, năm 1959, vào lúc đói kém nhất, cứ 8 người dân, có một người chết đói.

    Khi các địa phương báo lên sản lượng lương thực không những không tăng mà còn giảm, Mao bèn kết tội dân cả nước “giấu bớt lương thực.” Hiểu ý của Mao, khu ủy huyện Tín Dương, tỉnh Hà Nam tập họp 6,000 người để đấu tố 60 người về tội “giấu bớt lương thực” không nộp cho nhà nước. Ðể chứng tỏ ông Mao bao giờ cũng nói đúng. Nhưng trong cuộc đấu tố này, chính những người đi dự hôm ấy cũng đang gần chết đói; một người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. Tỉnh Hà Nam dù chỉ có được dưới 10 triệu tấn ngũ cốc, vẫn báo cáo lên là thu hoạch hơn 22 triệu tấn, để chứng tỏ bác Mao giỏi. Năm 1959, trên toàn quốc, theo báo cáo 270 triệu tấn lương thực, thực tế chỉ có 170 triệu tấn; năm 1960 giảm xuống chỉ còn 143 triệu tấn. Nạn đói tràn lan, nhưng Bí thư Khu ủy Tín Dương vẫn lên giọng: “Vấn đề không phải là thiếu lương thực! Tới 90% là vấn đề tư tưởng!” Khu ủy Tín Dương sau đó phong tỏa, không cho dân chúng ra khỏi làng, sợ họ mang thây ma đói đi ăn mày nơi khác. Theo tài liệu do Bộ Chính Trị Trung Quốc “giải mật” sau này, những năm ấy Tín Dương có hơn một triệu người chết đói. Trịnh Ðại Quân, một cán bộ Ban Công Tác Nông Thôn huyện Sùng Khánh kể rằng, một đội sản xuất có 82 hộ gia đình, chỉ trong một năm, từ tháng 12 năm 1959 đến tháng 11 năm 1960 trong số 55 bé gái bẩy tuổi trở xuống cùng độ tuổi có 48 em bị người lớn làm thịt.

    Ðối với ông Mao, đó chỉ là những con số thống kê vô nghĩa, mà ông cũng không đọc các con số đó bao giờ. Khi đọc Ðàn Hương Hình của Mạc Ngôn, chúng ta phải thấy ông dùng ngòi bút kể chuyện xưa để bắt độc giả người Trung Quốc phải nghĩ tới hình ảnh cái ác vào thời nay. Ðó là lối quen thuộc của các tác giả Trung Hoa thời xưa. Những chuyện Liêu Trai Chí Dị (mà Mạc Ngôn nói đã ảnh hưởng tới ông) kể chuyện ma, nhưng cốt để nói đến xã hội người sống. Khi các nhà văn nước ta như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương tả cái ác thản nhiên trong đời sống hàng ngày của con người thời nay, họ cũng nhắc mọi người về nguyên nhân gây nên cái ác.

    Trả lờiXóa
  3. Vì nước ta cũng được chia phần, nhập cảng nhiều di sản mà Mao Trạch Ðông. Ðặc biệt là những phương pháp hành hạ người ta bằng cái đói; các phương pháp kiểm soát tư tưởng từ thường dân đến cán bộ; các kỹ thuật đấu tranh để tiêu diệt những người mình ghét ở trong làng, trong nước, và ngay đối với các đồng chí cùng đảng có thể tranh quyền với mình.

    Theo kiểu vua chúa Trung Hoa, giết người chưa đủ, còn phải hành hạ, hành hạ trước đám đông cho sỉ nhục, rồi bắt ôm nỗi nhục đó sống mòn héo suốt đời cho tới lúc chết. Cùng một phương pháp đó đã được áp dụng từ cấp trung ương cho tới từng thôn xóm. Trong việc nhập khẩu một phương pháp giết người, con số người chết lớn nhỏ không quan trọng bằng những hậu quả tâm lý xã hội. Hậu quả đó là: Hành động giết người tàn nhẫn sẽ thay đổi cách người ta sống và cư xử với nhau.

    Sau khi được chứng kiến những phương pháp giết tróc mới thi hành ngày này qua ngày khác, thì tâm lý con người phải đổi khác. Cách người ta đánh giá một con người, quan niệm về mạng sống một cá nhân, ngay cả cách nhìn người bên cạnh như các con người hay chỉ là những “đối tượng,” tất cả cái đầu con người thay đổi. Trước đây trông vào mặt ai vẫn cũng thấy nhau như những người hàng xóm, bà con, đồng bào máu mủ. Nhưng sau khi được tập cho quen với việc giết những người vô tội, người ta nhìn lẫn nhau không còn thấy đó là những người làng, hàng xóm, anh em bà con nữa. Ðược học tập, huấn luyện rồi, chỉ còn nhìn thấy những đối tượng đấu tranh và căm thù. Nhiều người đã hãnh diện vì biết lột xác, không để những cảm tình nhân đạo vụn vặt làm vướng ý thức giai cấp, tinh thần đấu tranh giai cấp của họ. Con tố cáo cha, vợ đấu tố chồng, đó là những nền nếp văn hóa mới từ Trung Quốc truyền sang. Sau khi được huấn luyện theo chủ trương của Mao, xã hội nước mình có thay đổi thật. Cả một đội ngũ văn nghệ sĩ đi làm thơ dạy bảo người Việt Nam, “Chưa biết căm thù thì chưa biết yêu thương.” Ý kiến đó trái ngược hẳn với những lời dạy của của Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi: “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn.” Người ta không thể dùng Ác để làm việc Thiện; chỉ có điều thiện mới giúp nảy sinh ra điều thiện. Khi đem nhập cảng cái ác của Mao Trạch Ðông vào nước ta, tức là đã chấp nhận suy nghĩ như ông Mao.

    Ðó là một vấn đề văn hóa. Cứ hỏi tại sao nền nếp đạo lý của nước mình bây giờ bị tàn hoại, trẻ em cũng biết ăn cắp, biết trấn lột lẫn nhau. Nhiều người lớn đã chấp nhận văn hóa kiểu mới từ hơn nửa thế kỷ rồi. Các các tai họa đó được người Việt nhìn ra ngay, và có thay đổi. Chúng ta vẫn còn là người Việt Nam; không thể nào bị Mao hóa mãi mãi! Tuy nhiên, như Lưu Quang Vũ viết: “Có những cái sai không thể đổi được! Giết người rồi thì không làm cho người ta sống lại!” Nhưng khi đọc Mạc Ngôn, chúng ta phải thấy dân tộc mình may mắn, không trở thành một tỉnh của Trung Quốc!
    - Ngô Nhân Dụng

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips