Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Tàu ngầm buôn lậu ma túy tại Mỹ La tinh

Colombia là trung tâm buôn lậu cocaine của thế giới, nơi những ông trùm và cartel buôn lậu ma túy luôn tìm kiếm những phương pháp vận chuyển sáng tạo để tránh bị lực lượng an ninh và nhân viên bài trừ ma túy phát hiện. Một phương pháp được bọn chúng quan tâm nhất là vận chuyển dưới mặt nước. Tàu ngầm là một chọn lựa khả thi, và thực tế cho thấy phương tiện vận chuyển này khá hiệu quả và ít khi bị bắt giữ. Mỗi khi tàu ngầm buôn lậu được nâng cấp, chúng lại gây ra mối lo mới cho các viên chức bài trừ ma túy của Mỹ và Colombia vì rất khó bị phát hiện...
Từ tàu ngầm thủ công “quan tài” thế hệ cũ
Không có nơi nào có nhiều chứng cứ về hoạt động của tàu ngầm buôn lậu ma túy bằng căn cứ hải quân Bahia Malaga của Colombia nằm ở bờ biển Thái Bình Dương (ảnh trên). Một ụ tàu đậu đầy tàu đánh cá và xuồng hình điếu thuốc loại tốc độ cao bị bắt giữ. Đây là các phương tiện vận chuyển từng được bọn buôn lậu ma túy ưa chuộng, khi buôn lậu ma túy còn ở giai đoạn “phôi thai”. Bên cạnh đó là một cụm con tàu bít kín làm bằng sợi thủy tinh, chạy bằng động cơ dùng cho tàu đánh cá, với những ống thông hơi và ống thở nhô ra bên ngoài ở những góc nhất định. Nhưng đừng để dáng vẻ quái đản, “không giống ai” của con tàu mà bọn buôn lậu gọi là “el ataúd” (quan tài) đánh lừa bạn! Vì chúng chính là loại tàu ngầm được xây dựng bằng tay trong rừng già để vận chuyển cocaine, và dùng một lần rồi... bỏ. Loại tàu “nửa ngầm” này lưu thông ở độ sâu vừa phải dưới nước và chỉ có ống thoát, ống thở, vòm lái nhô lên trên chút ít. Đối với loại tàu ngầm “bán chìm” như “ngư lôi”, nó sẽ được một tàu cá lai dắt, và khi thấy nguy cơ bị xét hỏi, tàu cá chỉ cần cắt dây là giải phóng con tàu, xóa sạch chứng cứ. Nhờ đi dưới nước nên tàu ngầm “bán chìm” tạo ra rất ít nhiễu động và rất khó định vị. Ngoài ra, chi phí đóng tàu cũng thấp. Sau khi đã đưa ma túy thành công lên bờ biển Mexico, bọn buôn lậu cho đánh chìm con tàu hoặc phá bỏ nó. Làm thế sẽ an toàn hơn và đỡ tốn kém hơn là đưa nó trở về nơi xuất phát với cái bụng rỗng.
Chính phủ Mỹ ước tính hàng chục tàu ngầm tự chế trong rừng này đã giúp đưa 1/3 lượng cocaine vào Mỹ mỗi năm. Theo Braun, nhân viên Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) thì một con tàu thế hệ cũ chỉ có thể mang từ 4-10 tấn cocaine để tránh bị phát hiện. Cá biệt, con tàu bị tịch thu năm 2000 và đang trưng bày tại Bogota, Colombia, cùng với các tài liệu thiết kế bằng tiếng Nga, nếu hoàn thành sẽ dài hơn 30 mét và chở được 160 tấn cocaine!
Nhiều tổ chức buôn lậu cocaine đặt căn cứ vận chuyển tại cảng Buenaventura của Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ thất nghiệp và nghèo khó rất cao. Một thuyền trưởng tàu đánh cá Colombia giấu tên cho phóng viên báo The New York Times biết là ông đã điều khiển tàu ngầm ma túy đến Mexico 3 lần và kiếm được 300.000 USD một chuyến. Ông kể lại: “Ở hai tuần trong con tàu này giống như sống trong địa ngục. Điều kiện sống rất tồi tệ, không có toilet, mùi phân nồng nặc và mùi diesel khiến cho việc ăn, ngủ và hô hấp hết sức khó khăn”. Thuyền trưởng con tàu, cũng đề nghị không nêu tên, cho biết thêm tàu ngầm chở ma túy hiếm khi dám ngừng lại vì sợ bị phát hiện.


Những chiếc tàu ngầm bị bắt giữ
Chiếc tàu này dài 20m, rộng 5m chở được 10 tấn cocaine
Đến tàu ngầm hiện đại thế hệ mới
Trong thời gian gần đây, chính quyền Mỹ và Colombia đã sử dụng các công cụ và cách thức hiệu quả hơn để dò tìm các tàu “bán ngập” buôn ma túy. Để đối phó bọn buôn lậu đã sáng tạo ra một phương cách mới để vận chuyển cocaine: chuyển từ chế tạo tàu “bán ngập” sang tàu ngầm thật sự. Năm 2010, lần đầu tiên chính phủ Colombia đã bắt giữ được một con tàu ngầm theo đúng nghĩa tàu ngầm lúc nó chuẩn bị lên đường. Sau đó, vào tháng 2 chính quyền lại khám phá ra một tàu ngầm thứ 2 đang được hoàn thành. Cả hai con tàu được đưa về căn cứ hải quân Bahia Malaga. Trung úy hải quân Fernando Monroy nói: “Tàu ngầm thế hệ mới được vận hành bằng động cơ diesel 245 sức ngựa; có những bồn chứa được 6.435 lít nhiên liệu; có những bồn khí nén và giữ thăng bằng; giường nằm cho 4 thành viên thủy thủ đoàn; hệ thống lưu thông vệ tinh và camera quan sát ban đêm. Cuối cùng là một khoang lớn chứa được đến 8 tấn cocaine. “Chúng tôi tin là bọn buôn lậu đang tiếp tục dùng đồng tiền tội ác kiếm được để cải tiến công nghệ tàu ngầm cho phép chúng vận chuyển hàng với số lượng nhiều và quay trở lại điểm xuất phát để tiếp tục cuộc hành trình mới” - Monroy nói. Các quan chức Colombia tin rằng phải mất nhiều tháng mới có thể đóng xong một con tàu ngầm như thế với chi phí không dưới 4 triệu USD, dù chưa thể đạt đến trình độ “nghệ thuật” như tàu ngầm Nga, Mỹ. “Các công ty ma túy sẽ không đầu tư vào việc cải tiến tàu ngầm nếu không có sự giúp đỡ của các kỹ sư tàu ngầm đến từ những nước đã phát triển như Nga chẳng hạn” - một chuyên viên bài trừ ma túy Mỹ nói. Tàu ngầm thế hệ mới thường dài 31 mét, có thể lặn sâu dưới nước 9 mét và đi xa đến tận Mexico. Chúng được làm bằng các vật liệu có thể mua dễ dàng tại các cửa hàng vật liệu xây dựng như sợi thủy tinh, gỗ, ống nhựa.
 Những chiếc tàu ngầm thế hệ mới bị bắt giữ

Và cơn đau đầu của các cơ quan bài trừ ma túy
Theo Jay Bergman, người cầm đầu chi nhánh Andean của DEA, thì những con tàu ngầm cải tiến hiện đại hơn đã tạo nên thách thức mới trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. “Không cần hỏi gì nữa, tất cả chúng tôi phải học lại giáo trình và xem lại sơ đồ tàu ngầm để nắm vững tính năng của nó hầu tìm ra phương cách đối phó mới” - ông nói. Bergman cho biết đến thời điểm này, chưa có tàu ngầm buôn ma túy thế hệ mới nào bị phát hiện lúc đang lưu thông dưới biển. Tuy nhiên, khi số tàu ngầm thế hệ cũ bị bắt giữ giảm mạnh trong 2 năm qua thì có nghĩa là bọn buôn lậu đã chuyển sang dùng tàu ngầm thế hệ mới. Vấn đề là lực lượng truy bắt đã không thể dò ra chúng. Braun tin rằng năm 2011 đã có 70 con tàu thế hệ mới đi vào hoạt động để đưa 400 tấn cocaine trót lọt vào Mỹ. “Phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy đã xuất hiện các thách thức mới xuất phát từ việc phát hiện ra hai chiếc tàu ngầm thế hệ mới. Buôn lậu ma túy vẫn tiếp diễn dưới nước, nhưng bằng phương tiện tinh vi hơn. Chúng ta phải xác định là đang thất bại trong cuộc chiến chống tàu ngầm - Bergman nói. Khủng bố và buôn lậu ma túy luôn có mối quan hệ chặt chẽ, vì vậy khi bọn khủng bố dùng loại tàu ngầm ma túy thì nguy cơ sẽ khó lường”.
Cả Mỹ và Colombia đều cho biết sẽ tìm ra cách định vị đội tàu ngầm buôn ma túy thế hệ mới. Vào thời điểm này, vẫn còn rất nhiều người không sợ hy sinh mang sống để giao hàng bằng tàu ngầm. Viên thuyền trưởng cho biết, mới đây ông đã được ra giá 500.000 USD để đưa một chuyến hàng đến Mexico, nhưng ông từ chối. “Tôi bảo với họ, cám ơn các bạn rất nhiều, tôi chúc các bạn gặp may mắn trong thế giới này, nhưng tôi không còn quan tâm đến công việc cũ nữa”. Sắp tới, tàu ngầm buôn lậu cocaine sẽ có thêm các tính năng chống radar và các trang bị điện tử khác làm cho việc dò tìm bằng thiết bị hồng ngoại khó khăn hơn nhiều. Các kỹ sư tội ác cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động của tàu ngầm ma túy lên đến hơn 4.800km.
Thị trường bán lẻ cocaine thế giới trong năm 2009 trị giá hơn 88 tỷ USD, tương đương 0,15 GDP toàn cầu. Năm 2009, số diện tích trồng cây coca tại Colombia là 680km2, giảm 60% so với thập niên trước. Phần lớn cocaine của Colombia nhắm hướng Mexico và Trung Mỹ, theo đường biển trước khi theo đường bộ đến Mỹ và Canada. Năm 2009, khoảng 200 tấn cocaine bị các cơ quan bài trừ ma túy thu giữ tại Colombia. Colombia cũng là nguồn cung cấp cocaine lớn nhất của châu Âu.
(Triều Thành Theo The New York Times và National Geographic)
Bonus: Tàu "bán ngập" tự chế của dân Tàu:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips