Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Chuyện làm đường và những kẻ giết người

Một người nước ngoài đến Việt Nam cách đây khoảng 20 năm chắc thấy khá ngại vì hệ thống đường giao thông không đạt tiêu chuẩn. Nhưng nhìn cảnh một số nơi đang sửa đường hoặc làm đường mới, ông ta chắc sẽ cho là nếu mình quay lại sau 5 năm thì sẽ được đi trên những con đường khá đẹp, tuy chưa theo kịp các nước khác nhưng nhìn chung là ổn.
5 năm sau quay lại, ông ta rất ngạc nhiên nhận thấy đường bị đào bới nhiều hơn. Cứ đi được dăm bảy km đường bằng thì lại đến hàng chục km đường ổ gà và đầy bụi.
Còn nếu bây giờ, vào những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này, mà ông ta quay lại Việt Nam thì chắc sẽ thấy kinh hoàng không lời nào tả nổi.


Khắp nơi là cảnh tan hoang. Đường sá bị đào bới, xới tung, cày nát. Khắp nơi là ổ gà, ổ lợn, ổ trâu, ổ voi. Đâu đâu cũng thấy những hầm, những hố. Những hầm hố không phải lúc nào cũng có thể thấy rõ. Nhiều cái được ngụy trang bằng rơm rạ, bằng nước mưa dồn tụ lại hoặc bằng bóng tối khi đêm xuống. Rồi những gờ, những rãnh. Rồi đất cát và đá mạt, đá sỏi phủ kín mặt đường. Và cả rơm rạ, rác rưởi đủ kiểu. Những làn đường vừa làm xong đã cho lưu thông vẫn khó mà đi được vì vướng những đống đất đá đổ gần kín để chuẩn bị làm làn bên cạnh. Tóm lại là đủ mọi loại bẫy chết người. Đi xe máy hoặc xe đạp mà gặp những thứ đó, nếu không “tự ngã” dập mặt thì cũng dễ lao đầu vào ô-tô, hoặc rơi xuống hố gãy xương, rách thịt.
Nhiều đoạn đường làm dở bị bỏ lại đó vô thời hạn, đội quân làm đường không biết biến đi đâu. Nhiều đoạn làm xong chưa đầy một năm đã phải cày lên làm lại. Đất đá đổ lổn nhổn rất tiện cho lũ chó làm nơi phóng uế. Người dân ở hai bên đường thấy cứt chó cũng đành để vậy mà ngửi, vì nó lẫn trong đá, không thể nào hốt đi được. Đường giao thông trở thành thứ hành hạ, tra tấn và giăng bẫy giết người.

Nhưng đường giao thông giết người không chỉ bằng cách gây tai nạn giao thông.
Gần đây, bà con ở quê tôi đã từng rất phấn khởi vì đường sá trong vùng được cấp trên để mắt đến. Mặc dù phải đóng góp thêm tiền để làm đường, nhưng ai cũng thấy như được đổi đời, chấm dứt cái cảnh đi trên những con đường hẹp trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội. Ai dè đường bốn chung quanh vừa làm xong thì mưa lụt. Nước ngập băng làm làng bị cô lập, đi đâu phải dùng thuyền; không có thuyền thì chịu đói ở nhà, trẻ con thì phải nghỉ học. Khi làm đường, người ta đã không đào bớt nền đất cũ đi, cứ thế đổ đất đá mới lên, lại không làm cống thoát nước, nên mưa một cái là ngập cả làng. Các làng bên cũng vậy. Mà trước đây chưa từng bị thế bao giờ.
Tôi chợt hiểu ra: những năm gần đây khắp nơi lụt lội chính là do ngành giao thông! Đường cứ mỗi ngày một cao lên, cống thoát nước thì ít, nên đường trở thành đập giữ nước. Nước từ phía tây cao hơn dồn tới, không thoát sang phía đông để ra biển được, nên nhấn chìm xóm thôn làng bản, thậm chí cả thành phố. Ngành giao thông cùng với thủy lợi, thủy điện trở thành những đội quân giết người!

Làm ít phá nhiều đã gây khốn đốn. Làm thành đường thật càng gây khốn đốn nhiều hơn, thậm chí gây bao cảnh đau thương, tang tóc.
Trong khi đó, các quan chức ngành giao thông cứ thế làm giàu. Mặc kệ cho hàng chục triệu người điêu đứng vì sự vô cảm và vô nhân tính của họ!
Thực ra thì khi đi trên những con đường do chính họ làm, hay đúng ra là do họ phá nát, những con người đó cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng vốn chỉ quan tâm đến chuyện nhét tiền vào túi, chuyện xây nhà lầu, sắm xe hơi sang trọng và nhậu nhẹt, gái gú, họ không mấy quan tâm đến chuyện đi đường. Thậm chí họ không mấy quan tâm đến chuyện làm người.
Những ai đã đi ra nước ngoài sẽ thấy không nơi nào có một hệ thống đường sá tồi tệ và cảnh giao thông hỗn loạn như ở Việt Nam ta. Ngay cả ở đất nước Trung Quốc, với một chính quyền xấu chơi, hệ thống đường sá cũng rất quy củ và sạch sẽ, giao thông diễn ra trật tự và đúng luật.
Giao thông hành hạ và giết người – chỉ có ở nước ta.
Đó là nỗi khổ và nỗi nhục! Một trong rất nhiều nỗi nhục.

Nguyễn Trần Sâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips