Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Trả lại tên cho "Lá Cải"

BBC: Vài tuần trước ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một cuộc khẩu chiến nổ ra giữa một số báo trong nước về điều được gọi là 'lá cải' trong làng báo Việt Nam.
Nhưng cũng có những người lý luận rằng tại Việt Nam chưa có thứ gọi là báo lá cải.
Người lại bảo không có tin lá cải mà chỉ có cách khai thác tin lá cải.
Câu chuyện cũng có thể phản ánh 'cơn giật mình' trong xã hội Việt Nam về đạo đức khi các chuẩn mực đều lệch kim.

Vậy báo lá cải có từ khi nào, thế nào là 'lá cải' và có phải cứ 'lá cải' đã là tiêu cực?
Theo Phó Giáo sư Frank Esser từ Institut fuer Publizistik thuộc Đại học Johannes Gutenberg, Đức, mặc dù nhen nhóm ở Hoa Kỳ trong những năm 1890 với phong trào báo hạ cấp Yellow Journalism, sự hình thành toàn diện của báo lá cải bắt đầu ở Anh năm 1903 khi Lord Northcliffe lập ra tờ Daily Mirror và biến nó thành báo lá cải bán chạy nhất.

Từ tiếng Anh của lá cải, tabloid, được xem là xuất phát từ một thương hiệu dược phẩm chỉ loại thuốc được cô lại thành viên hay viên con nhộng.

Irving Fang, tác giả cuốn Lịch sử Truyền thông Đại chúng: Sáu Cuộc Cách mạng Thông tin, nói tính gây nghiện và dễ nuốt của thuốc đã được chuyển sang cho truyền thông vào hồi đầu thế kỷ 20 khi người ta dùng từ tabloid để chỉ báo khổ nhỏ A3 vốn dễ đọc trên tàu điện ngầm và xe buýt so với báo khổ lớn A2.

Các báo lá cải có cùng xu hướng tập trung khai thác scandal, tội phạm, người nổi tiếng và 'buôn chuyện'
Anh quốc được coi là nước có sự phân biệt rõ ràng nhất giữa báo lá cải và báo chính thống, những tờ báo mà trong những năm gần đây cũng đã chuyển từ khổ A2 sang A3 với phương châm 'vẫn tờ báo đó, vẫn những câu chuyện đó, chỉ có khác khổ'.


Tại các quốc gia như Việt Nam, lá cải là khái niệm nhập khẩu và người ta có thể nói về xu hướng 'lá cải hóa' khi sở hữu tư nhân về báo chí không được công nhận nhưng sự quản lý các mảng tin phi chính trị có thể 'du di' tùy vào khả năng quan hệ và thậm chí là mức độ 'lại quả' của những người kinh doanh báo.

Ông Esser dẫn lời Marvin Kalb, giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard định nghĩa 'lá cải hóa' là "sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal."


Phó giáo sư Esser cũng dẫn lời ông Howard Kurtz, tác giả cuốn Media Circus - The Trouble with America's Newspapers (Gánh xiếc Truyền thông - Rắc rối của Báo Mỹ) nói sự 'lá cải hóa' đồng nghĩa với việc chuẩn mực báo chí sụt giảm, tin tức thời sự như chính trị và kinh tế vắng bóng và sự gia tăng các tin giải trí như các chủ đề nhớp nhúa, scandal, giật gân và tiêu khiển.

Đối với truyền thông tự do ở Hoa Kỳ, nó cũng có nghĩa là sự thay đổi trong cách truyền thông định nghĩa những gì mà họ cho rằng cử tri cần biết để đánh giá khả năng phù hợp của ứng viên chính trị.
Chất lượng và 'đại chúng'
Các chuyên gia nghiên cứu báo chí cũng chỉ ra rằng thuật ngữ 'lá cải' quá rộng, không chính xác và có nhiều hàm ý chỉ giá trị trong đó.
Họ cũng nói sự phân biệt giữa báo lá cải và báo chính ngạch không phải khi nào cũng rạch ròi.
Stephen Harrington, Giảng viên Đại học Công nghệ Queensland, Australia, khái quát các đặc điểm của báo lá cải, mà ông cũng gọi là báo 'đại chúng' và báo chính ngạch, hay báo 'chất lượng'.
Về mặt hình thức, các báo lá cải cũng nhiều ảnh, ít chữ, tít bài thường giật gân, câu khách, kích động trong khi ảnh thường là của các cô gái 'thiếu vải' và 'lộ hàng'.
Báo chạy theo xu hướng lá cải ở Việt Nam có gần như đủ 15 đặc tính của báo đại chúng, chỉ trừ có 'chính trị vi mô', điều có thể được xem là cấm kỵ.
Chính trị vi mô ở đây có thể hiểu là nhìn vào những nét đời thường của đời sống chính trị và cá nhân hóa các chính trị gia.
Đây có thể là chuyện các chính trị gia thích ăn gì, chơi gì, nghỉ ngơi ra sao hay giải trí như thế nào.

Những chủ đề này đặc biệt phổ biến tại Anh, quê hương của báo lá cải nơi công thức thành công của tài phiệt Rupert Murdoch là tập trung vào sex, nhất là sex mang vị xì căng đan và liên quan tới người nổi tiếng, chẳng hạn thành viên Hoàng gia hay các ngôi sao.
Bản thân công chúng Anh cũng cảm thấy báo lá cải tại Anh bị tuột cương. Hơn 50% người Anh có ý kiến như vậy về báo lá cải và 40% có cùng suy nghĩ về báo chí nói chung.

Ngay cả trong thế giới tư bản, xu hướng lá cải tại các nước cũng khác nhau. Chẳng hạn báo chí Đức ít 'moi móc' đời tư của chính trị gia hơn báo Anh.
Theo Phó Giáo sư Esser, Nhà nghiên cứu người Đức Hans Mathias Kepplinger đã nghiên cứu báo chí 'chất lượng' của Đức trong 45 năm, từ 1950-1995 và đưa ra năm 'công thức' viết tin, bài khác nhau:
  • 1. Bài vở đưa những gì thực sự xảy ra hay sự đồn đoán.
  • 2. Lạc quan hay bi quan.
  • 3. Cân bằng hay thiên lệch.
  • 4. Lý trí hay cảm xúc.
  • 5. Xì căng đan hay không xì căng đan.
Nghiên cứu của Kepplinger cho thấy báo chí có uy tín của Đức ít khi khai thác xì căng đan hay để cảm xúc thắng lý trí trong khi đưa tin.
'Gần gũi' công chúng
Thế nhưng có phải báo lá cải đồng nghĩa với sự xấu xa?
Một số nhà nghiên cứu không nghĩ như vậy.
Họ cho rằng nhiều người phản đối báo lá cải dựa trên lập trường phản văn hóa đại chúng truyền thống của họ.
Giáo sư David Rowe của Đại học Western, Australia, cho rằng các vấn đề của cuộc sống hàng ngày luôn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử loài người.
Báo lá cải cũng thúc đẩy những nét văn hóa khác với văn hóa thượng lưu và thách thức cái gọi là 'bá chủ văn hóa' trong xã hội.
Mine Gencel Bek, giảng viên Khoa Truyền thông, Ankara University, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng báo lá cải có thể mang lại một thực tế khác với thực tế chính thống.
Nó cũng có thể kéo chính trị lại gần với công chúng và khuyến khích nhiều độc giả tham gia vào đời sống chính trị vốn thường khô khan trên báo chính ngạch.

Tại Việt Nam, giải trí là cửa ngách để người ta bước chân vào làng truyền thông vốn bị kiểm soát chặt chẽ.
Cho dù vô tình hay cố ý, các quan chức quản lý báo chí có vẻ xem các ấn phẩm tiêu khiển và giải trí là vô hại về chính trị và không thực sự để tâm tới mảng này.
Nhưng trong 'cuộc chiến' lá cải hiện nay, một số quan chức đã nhắc lại thông điệp 'định hướng dư luận' và người ta có thể tưởng tượng ra một nền báo chí lá cải 'theo định hướng xã hội chủ nghĩa'.
Đây sẽ là nét rất Việt Nam bởi tại quê hương của báo lá cải, các tờ báo như Sun hay Daily Mirror chỉ quan tâm tới việc bán các 'tròng mắt' cho những công ty quảng cáo và độc giả được coi trọng chỉ vì họ gián tiếp mang lại miếng cơm manh áo cho những người làm báo và chủ báo.

5 nhận xét:

  1. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện nay có 33 tờ báo điện tử, 66 trang thông tin điện tử và hàng nghìn website khác. Hiện tượng báo này lấy nguyên liệu từ báo khác thêm một vài thao tác xào nấu thậm chí là không thèm chế biến… và mặc nhiên thành món ngon trên trang báo của mình ngày càng phổ biến tràn lan. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin về những hình thức đạo báo cũng như cách khắc phục cho những ai đang và sẽ bước vào con đường làm báo chân chính.

    Nỗi niềm người bị sao chép
    Là một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất ở Việt Nam, Vietnamplus là tờ báo có thông tin chính thống hàng đầu với 100% số bài “tự sản xuất”. Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập cho biết mỗi ngày tờ báo này đưa đến độc giả từ 150 đến 180 tin tức trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đáng buồn là trong số đó có đến hơn nửa bị báo khác đăng lại.

    Vietnamplus tự hào là mặt trận thông tin hàng đầu nhưng cũng là tờ báo không may bị báo khác lấy lại thông tin nhiều nhất. Dưới góc độ của một người bị sao chép tác phẩm, ông Minh chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu mới thành lập, tôi luôn quán triệt Vietnamplus không bao giờ đi lấy lại bài từ báo khác… Là người sản xuất ra mà lại bị đi lấy lại nhiều như thế, tôi thấy thật đáng buồn” (phát biểu tại khóa học Nâng cao năng lực Nhà báo trẻ Việt Nam tháng, 12 năm 2011)

    Mỗi tác phẩm báo chí ra đời như là đứa con tinh thần của nhà báo sau quá trình vất vả, khổ luyện, thậm chí là “vật lộn” với những con chữ. Và còn gì đau lòng hơn khi thấy người khác nhẫn tâm lấy đi đứa con mình cực nhọc sinh ra ấy thậm chí là làm biến dạng nó.

    Các kiểu “xào nấu”
    Đạo báo cũng có nhiều hình thức. Ai “trung thực” thì cứ copy hết cả bài đề thêm phần nguồn tin ở cuối bài. Thế mới có chuyện gõ một cái tít bài báo trong google mà có đến hàng trăm kết quả trên các trang báo khác nhau. Rồi ai “tinh tế” hơn một chút thì đi lấy ý tưởng từ bài viết của người khác nhưng diễn đạt lại theo văn phong của mình. Theo cách gọi hoa mỹ thì đó là “sao chép có sáng tạo”.

    Một hình thức đạo báo tinh vi hơn là thấy báo bạn có câu trích dẫn hay cũng lấy về làm tư liệu cho bài của mình sau khi kiểm tra với nguồn tin. Nội dung phân tích có thể hoàn toàn khác, nhưng chỉ cần “xin ít gia vị” nhà người khác cũng vẫn bị coi là đạo báo.

    Một kiểu làm báo phổ biến gần đây là dịch bài hoặc tổng hợp tin tức từ các tờ báo nước ngoài. Bề ngoài có vẻ là kiểu làm báo chuyên nghiệp nhưng đó thực chất cũng là một dạng thức đạo báo.
    Ông chủ tờ báo bị sao chép nhiều nhất Việt Nam cho hay: Soi vào các tờ báo mạng có một thực tế hơi buồn là số đầu báo hoàn toàn tự sản xuất về nội dung thì chỉ tính trên đầu ngón tay. Trong khi đó, số tờ báo khác, kể cả những tờ báo uy tín có lượng hit cao thì chuyện đạo báo cũng rất phổ biến. Đó là chưa kể đến các trang thông tin điện tử, các website tràn ngập trên mạng internet hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. “Thiếu mắm muối” mới phải đi… mượn
    Mỗi ngày có vô vàn sự kiện, sự việc diễn ra cần đến vai trò của “người đưa tin” để mang thông tin đến với độc giả. Làm báo là một nghệ thuật của sáng tạo ngôn từ và in đậm bản sắc của phong cách người cầm bút. Anh không thể thanh minh cho động tác đạo báo của mình rằng do cùng viết về một sự kiện nên giống nhau là điều khó tránh khỏi.

    Giống như nấu món ăn đến lúc gần xong thì lại thiếu gia vị và phải chạy ù sang nhà hàng xóm xin, đạo báo cũng có nguyên nhân tương tự. Công việc chồng chéo, nỗi sợ thất bại…đến lúc phải nộp bài thì đã không kịp. Nhà báo đành tặc lưỡi: Chậc, kệ. Mượn một chút từ báo bạn chắc cũng không vấn đề. Nhưng xin thưa rằng, anh đã vi phạm đạo đức nhà báo mất rồi. “Mượn tư liệu” viết bài và để nó xuất hiện lù lù trên báo rồi mới trả lại ư?

    Chuyện đạo báo ngày càng phổ biến cũng bắt nguồn từ nguyên nhân “quá lệ thuộc vào vào việc vay mượn hoặc trích dẫn từ các ấn phẩm khác để khỏi phải tự tìm hiểu, nghiên cứu. Phóng viên cũng có xu hướng sử dụng đúng những nguồn tin đó, những người sẽ có những phát biểu ngắn gọn giống hệt hoặc nêu lên cùng một quan điểm về cùng một vấn đề." (Trudy Lieberman, Columbia Journalism Review)

    Khi nào báo chí mới hết nghề cắt dán?
    Câu hỏi lớn không mà những nhà làm báo tâm huyết như ông Lê Quốc minh đặt ra không chỉ giành cho riêng ai mà cho cả nền báo chí Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi diện mạo của mình. Nhìn vào một bức tranh toàn cảnh báo chí, không ai muốn ngắm những mảng giống nhau lặp đi lặp lại. Dù có đẹp đến mấy, có hay đến mấy cũng sẽ vẫn gây ra sự nhàm chán.

    Các các thủ thuật giúp các bạn nhà báo tương lai tránh được chuyện đạo báo như: Viết trước khi nghiên cứu tài liệu, bày tỏ suy nghĩ của bản thân và sử dụng ngôn từ của mình sẽ kích hoạt các nơron tự biểu cảm, thay vì dùng các nơron bắt chước; tách bạch phần nghiên cứu tài liệu với việc viết bài; đừng cắt-dán tác phẩm của người khác vào bản thảo của mình khi chưa quyết định chọn trích dẫn câu nào;… Khi làm được những điều đó, dù bạn công tác ở tòa báo nào đi nữa thì việc các bài báo giống nhau xuất hiện trên các tờ báo khác nhau sẽ không còn.

    Nghề báo là một nghề sáng tạo. Sự sáng tạo không cho phép anh đi bắt chước người khác và bắt chước chính mình. Trăm cây bạch dương trong rừng khác nhau cả trăm. Trăm người viết về một sự kiện thì cũng có cả trăm bài báo không giống nhau chỉ cần anh không sao chép.

    Hy vọng qua bài viết trên đây, các nhà báo tương lai sẽ chuẩn bị những hành trang cần thiết cho mình và các bạn chính là những người trả lời cho câu hỏi: “Khi nào báo chí mới hết chơi trò cắt dán.”
    Huyền Trang
    Đội Truyền thông QHQT

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không cổ vũ báo lá cải, nhất là các loại “cướp giết hiếp”. Nhưng nói đó là “thảm họa”, là “mối lo ngại lớn cho xã hội” thì không biết những loại báo được xếp hàng “chính thống” nhưng tổn phí tiền dân, in ra không biết bán cho ai, không có người đọc như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, tạp chí Cộng sản… thì “thằng” nào thật sự vô bổ và “nguy hại” hơn?

    Nhiều người đọc, không ăn vào tiền thuế của dân. Ở mặt này thì rõ báo lá cải vô hại, thậm chí hữu ích hơn báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, tạp chí Cộng sản, …

    Còn ở nghĩa “tuyên truyền, định hướng” thì không biết giữa lá cải với chính thống, “đứa” nào “tuyên truyền định hướng” tốt hơn? Hay cả hai đều có “giá trị” đầu độc, tha hóa và… phá hoại như nhau?

    Và vì thế, có phải sự bới chửi ỏm tỏi đang diễn ra trên các mặt báo cũng chính là cuộc chiến rất… “lá cải”?
    Trương Duy Nhất

    Trả lờiXóa
  4. “Có người “mua” những thông tin để thỏa mãn sự hiếu kỳ thì sẽ còn người “bán”. (…) Không ai có thể dẹp được nhu cầu này nhưng chính “thị trường” sẽ tự điều tiết để quét sạch những thứ có hại. Điều đó sẽ đến khi báo chí có tự do thông tin, kịp thời chuyển đến người đọc tất cả thông tin có ích mà xã hội thật sự quan tâm” – ý kiến của nhà báo Trung Bảo.
    Nếu đặt hai mẩu tin cạnh nhau trên cùng một trang báo, tin về vụ cướp nhà băng và tin kinh tế, đa số độc giả sẽ lựa chọn tin đầu tiên để đọc. Đây không phải là kết luận vô căn cứ mà là kết quả từ những nghiên cứu của các tờ nhật báo lâu năm tại Mỹ.

    Trong bài viết thăm dò ý kiến độc giả của BTV Mavis McKinney đăng trên số mới nhất của tờ “The News – Herald” cho thấy đa số độc giả thích lựa chọn những thông tin về những vụ án mạng, tội ác… Trong phần đăng ký để nhận thông tin qua điện thoại di động của tờ “Los Angeles Times“, đứng đầu là những thông tin nổi bật nóng hổi vừa diễn ra (breaking news), số còn lại là những thông tin về giải trí và thể thao.

    Tại Mỹ, những tờ báo như “People”, “Star”, “Penthouse” hoặc “Playboy”, theo cách nghĩ thông thường vẫn được xếp vào hạng “lá cải”, luôn có độc giả và đất sống của mình. Thông tin trên các tờ báo này luôn luôn tập trung khai thác đời tư người nổi tiếng.

    Ở Việt Nam, nhu cầu đọc những thông tin về tình dục, tội ác, người nổi tiếng…còn vượt qua những thông tin kinh tế, xã hội, văn hóa…, điều này dễ dàng kiểm chứng ở mục liệt kê các tin được đọc nhiều nhất trên bất kỳ trang báo điện tử nào.

    Tuy vậy, cái khác nhau giữa những thông tin “giật gân” ở báo Mỹ và báo Việt Nam đó là báo chí chúng ta luôn có những tít báo, bài báo, hình ảnh cố tình thu hút bạn đọc bằng cách dùng câu chữ, khai thác thông tin méo mó đến mức độ vô văn hóa.

    Có lẽ vì vậy mà người ta chưa thấy những tờ báo nổi tiếng tại Mỹ như “Time”, “Washington Post”, “NewYork Times”, “Los Angeles Times”… tự nhận mình là “chính thống” để phê phán các tờ báo thích khai thác sự tò mò của công chúng.

    Trả lờiXóa
  5. Kể từ ngày ra đời, báo chí luôn bị dằn vặt bởi câu hỏi, làm kẻ chạy theo thị hiếu bạn đọc hay trở thành ngọn đuốc để soi sáng, dẫn đường cho lối sống của cộng đồng. Lựa chọn của các nhà báo tại những nơi có nền báo chí tiên tiến vẫn là trung thực với thông tin và đặt trách nhiệm công dân lên hàng đầu.

    Hiện tình của báo chí Việt Nam hiện nay không phải là chuyện lạ lẫm với giới nghiên cứu báo chí hiện đại trên thế giới.

    Vẫn có một lý thuyết, báo chí sẽ phải chuyển sang khai thác tối đa sự tò mò thiếu lành mạnh của độc giả để tồn tại khi không thể hoặc chậm trễ trong việc chuyển tải những thông tin quan trọng trong đời sống.

    Thực tế đã chứng minh lý thuyết này hoàn toàn đúng. Khi xảy ra các vụ ồn ào ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hay Văn Giang (Hưng Yên), các bài viết về chủ đề này được bạn đọc đón đọc nhiều nhất mà không có bất kỳ thông tin giật gân nào cạnh tranh nổi.

    Cuộc tranh luận thế nào là báo “lá cải” của báo chí Việt Nam trong những ngày qua rồi sẽ chẳng có hồi kết, ngoài những lời mạt sát lẫn nhau giữa các nhà báo. Bởi vì, trên những tờ báo bị gán cho là “lá cải” thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những bài viết “đứng đắn” và ở các tờ báo tự nhận mình là “chính thống” người đọc vẫn có thể tìm thấy những thông tin giật gân.

    Có người “mua” những thông tin để thỏa mãn sự hiếu kỳ thì sẽ còn người “bán”. Dù vậy, như mọi thứ hàng hóa khác người ta không thể bán một món hàng hư hỏng, kém phẩm chất hay thậm chí độc hại. Không ai có thể dẹp được nhu cầu này nhưng chính “thị trường” sẽ tự điều tiết để quét sạch những thứ có hại. Điều đó sẽ đến khi báo chí có tự do thông tin, kịp thời chuyển đến người đọc tất cả thông tin có ích mà xã hội thật sự quan tâm.
    Trung Bảo

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips