Vụ luật sư mù Trần Quang Thành được cả thế giới nói đến như
điểm nóng của quan hệ Trung - Mỹ và cũng bộc lộ khác biệt trong cách
nhìn nhận về giới chức hai nước (BBC)
Trần Quang Thành 'được học bổng của Mỹ'
BBC phản đối Trung Quốc cản trở đưa tin
Mỹ ‘không ép ông Trần’ rời Sứ quán
TQ truy bắt người thân Trần Quang Thành
“Rõ là phía Hoa Kỳ ngây thơ,” một cựu
viên chức cao cấp của chính phủ George W. Bush vừa lắc đầu vừa nói. “Bất kể cuộc
đàm phán được thực hiện ở cấp nào, những người đó đã mắc bẫy Trung Quốc khi tin
tưởng Bắc Kinh sẽ giữ đúng lời cam kết để yên cho một nhà tranh đấu từng bị ngồi
tù.”
Chỉ trích quá nặng đó được đưa ra liên quan đến câu chuyện của luật sư khiếm
thị Trần Quang Thành, nhân vật đang liên tục xuất hiện ngay trên trang nhất của
báo chí thế giới. Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng này là người kêu gọi dân
chúng Hoa Lục cùng ông nộp đơn kiện chính phủ về tội bắt buộc phụ nữ phải phá
thai hay giải phẫu tuyệt đường sinh sản chỉ vì họ đã có một con và theo quy định
của nhà nước Bắc Kinh “mỗi gia đình chỉ được quyền có một đứa con”.
Việc làm hoàn toàn đúng về mặt nhân đạo này dẫn đến kết quả ông bị chính
quyền bắt giam, phải ngồi tù 4 năm về tội “gây rối loạn giao thông” và sau khi
mãn hạn tù còn bị quản chế. Mãi đến cuối tuần rồi, qua sự giúp đỡ của nhiều
người, ông mới trốn thoát khỏi nhà ở Sơn Ðông để vượt chặng đường gần 700 cây số
lên Bắc Kinh xin tá túc ở Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ. Sáu ngày sau đó, ông rời khỏi tòa
đại sứ Mỹ sau khi Bắc Kinh hứa rất nhiều điều: Không hành hạ cá nhân ông cũng
như những người thân của ông, lại còn cam kết sẽ giúp ông ghi danh vào một
trường đại học để đi học tiếp, vợ con ông được đưa lên Bắc Kinh đoàn tụ gia
đình, và việc đầu tiên là phải đưa ông vào bệnh viện chữa trị vì trên đường chạy
trốn ông bị thương ở chân.
Những lời hứa của “bà tiên dịu hiền” khiến ông an tâm, và các quan chức ngoại
giao Hoa Kỳ thở phào nhẹ nhõm khi giải quyết xong một chuyện gai góc, có thể ảnh
hưởng đến mối quan hệ giữa hai cường quốc. Tin tức từ Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết
trên chuyến xe chở ông Trần từ tòa đại sứ đến nhà thương có cả đại sứ Mỹ, ông
Gary Locke, ngồi ngay bên cạnh và tấm ảnh được phổ biến trên mặt báo cho thấy
hai nhân viên nhà nước ăn mặc rất lịch sự, niềm nở vỗ tay chào mừng ông ở phòng
tiếp tân. Trong tấm hình đó, người Mỹ đứng đằng sau là phụ tá ngoại trưởng Mỹ
Kurt Campbell, nhân vật mới vài ngày trước đó được Tòa Bạch Ốc chỉ thị phải cấp
tốc bay sang Bắc Kinh để dàn xếp vấn đề đầy tế nhị về mặt ngoại giao trước khi
cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế hàng năm giữa hai quốc gia bắt đầu.
Ðiều không chỉ cá nhân ông Trần Quang Thành mà ngay chính các viên chức ngoại
giao Mỹ cũng chẳng ngờ là chuyện không giản dị như thế. Ngay sau khi các viên
chức Mỹ rời khỏi nhà thương, ông Trần bắt đầu thấy không khí trở nên nặng nề,
tới độ ông phải than với đài truyền hình số 4 của Anh rằng: “Tôi không hiểu tại
sao các nhân viên sứ quán Mỹ đi đâu cả rồi. Họ hứa ở đây với tôi mà.” Sợ hãi này
tăng lên sau khi ông nghe bà vợ kể lại những chuyện hãi hùng xảy ra sau ngày ông
trốn ra khỏi nhà: Tất cả những ai giúp ông bỏ trốn đều bị bắt, vợ ông bị công an
trói chặt vào ghế 2 ngày trời, liên tục bị dọa “tụi tao sẽ dùng dùi cui đánh cho
mày chết”.
Những điều sự thật đầy phũ phàng đó khiến ông Trần Quang Thành biết chỉ còn
con đường duy nhất: “Muốn sống thì phải rời khỏi Trung Quốc và đi càng sớm càng
tốt,” kể cả yêu cầu “được đi chung chuyến bay với Ngoại Trưởng Hillary Clinton
ra khỏi Bắc Kinh” như ông Trần nói với người bạn thân là ông Bob Fu và được ông
này kể lại với các ký giả có mặt trong cuộc họp báo tổ chức trưa hôm Thứ Năm tại
Herritage Foundation ở Washington, D.C. Ông Bob Fu hiện đang là chủ tịch Tổ Chức
Hỗ Trợ Nhân Quyền Trung Quốc (ChinaAid) trụ sở đặt tại Texas.
“Họ đã sai khi tin tưởng vào một lời hứa không có thẩm quyền,” nhà nghiên cứu
chuyên về Á Châu Nicholas Bequelin của Human Rights Watch nói. Ông là người đầu
tiên lên tiếng giải thích nhưng điểm sai lầm của phía Hoa Kỳ trong cuộc điều
đình với Trung Quốc về “vấn đề Trần Quang Thành”. Ông Bequelin nói tiếp: “Phía
Washington cứ nghĩ đây là chuyện giữa hai chính phủ, quên hẳn vai trò của đảng
Cộng Sản ở Hoa Lục. Ở một nước chủ trương và có hẳn một hệ thống chuyên đàn áp
những người bất đồng chính kiến thì chỉ có các nhà lãnh đạo đảng mới có quyền
hứa không hành hạ người dân, không viên chức chính phủ nào được quyền hứa điều
đó.”
Ðiều ông Nicholas Bequelin đưa ra buộc mọi người phải nhìn lại những gì đã
xảy ra trong thời gian 6 ngày ông Trần Quang Thanh chạy vào tá túc trong Tòa Ðại
Sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Tin từ Washington, D.C., cho hay phía Mỹ làm đúng quy định khi
thông báo ngay tin này cho Trung Quốc biết, và hai bên đồng ý “giải quyết vấn đề
theo đường lối ngoại giao,” kể cả “không nói gì với báo chí cho đến khi chuyện
được giải quyết xong”.
Thỏa thuận được đặt ra và thực hiện nghiêm túc cho đến giới truyền thông quốc
tế đồng loạt đưa tin ông Trần Quang Thành đã trốn được vào Tòa Ðại Sứ Mỹ, sau đó
lại cho phổ biến trên Youtube cuốn video yêu cầu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo chỉ thị
cho công an ngưng ngay các hành động trấn áp, đánh đập gia đình ông, cho ông
sống yên ổn để tiếp tục tranh đấu cho công bằng xã hội. Lo sợ chuyện bùng nổ lớn
hơn trong lúc cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế rất quan trọng lại quá gần
kề, Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc quyết định đưa ông Kurt Campbell sang
Bắc Kinh, hy vọng mối quan hệ sẵn có giữa ông này với ông thứ trưởng ngoại giao
Thôi Thiên Khải sẽ giúp đôi bên dễ dàng làm việc hơn.
Quan hệ có sẵn giúp làm việc dễ dàng hơn thì đúng, bằng chứng là hai bên đã
đi đến thỏa thuận, nhưng phía Hoa Kỳ quên “Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là một trong
những bộ yếu nhất của chính phủ,” ông Bequelin nói tiếp. Dẫn chứng được ông đưa
ra: Ngay cả Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì của Hoa Lục tưởng là oai nhưng sự thật
không đúng như thế. “Ông ta không nằm trong chính trị bộ, cũng không phải là một
trong chín người đứng trong ban thường vụ.” Chính vì thế, “coi trọng những lời
hứa của Bắc Kinh trong vụ ông Trần Quang Thành là điều hoàn toàn sai” vì đó “chỉ
là lời hứa giữa các viên chức chính phủ với nhau, bên Mỹ thì quan chức chính phủ
có quyền, bên Trung Quốc mọi quyết định đều nằm trong tay đảng, không ai quyền
hành bằng đảng.”
Nhận xét cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ bị lừa có thể bị trách cứ là “nặng,”
nhưng dường như không sai.
Không ít những viên chức Hoa Kỳ từng nắm giữ những vai trò quan trọng trong
chính quyền Mỹ nói rằng họ “rất nản” khi làm việc với Bộ Ngoại Giao Trung Quốc,
vì “những viên chức của bộ này không thật sự có quyền quyết định điều gì cả,
phần lớn những gì họ hứa chỉ là lời hứa suông mang tính ngoại giao chứ không
phải là điều họ sẽ làm, nhất là trong lãnh vực liên quan đến mọi góc cạnh của
vấn đề nhân quyền.”
“Chán nản” này được thể hiện bằng nhiều dẫn chứng khác nhau, trong đó bao gồm
cả chồng tài liệu bị WikiLeak công bố cách đây hơn một năm. Trong số những công
điện ngoại giao bị tiết lộ, có một số công điện liên quan đến chuyện ông Trần
Quang Thành mà Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh gửi về báo cáo với Washington, D.C.
Một trong những công điện này được gửi hồi Tháng Tư, 2006, cho thấy đích thân
Phó Ðại Sứ Mỹ David Sedney nêu trường hợp “nhà bất đồng chính kiến Trần Quang
Thành đang bị quản thúc” và vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “bảo
đảm không hề có chuyện đó” (lúc đó ông Trần đã bị quản thúc và 2 tháng sau ông
chính thức bị truy tố). Công điện còn viết rằng khi chuyện ông Trần bị quản thúc
được Hoa Kỳ nhắc lại với một thứ trưởng ngoại giao, chính viên chức Trung Quốc
này “còn tỏ vẻ ngạc nhiên,” bảo rằng ông “tưởng là ông Trần đã được trả tự do
rồi cơ mà,” đồng thời còn hứa “sẽ tìm hiểu xem sao”.
Nhưng cũng có người lên tiếng bênh vực cho các nhà ngoại giao Mỹ trong chuyện
này. Ông Jeffrey Bader, cựu giám đốc Văn Phòng Ðông Á của Hội Ðồng An Ninh Quốc
Gia nói rằng Washington “không còn cách nào hơn là phải làm việc qua Bộ Ngoại
Giao Bắc Kinh” về vấn đề nhân quyền và những chuyện liên quan đến các nhà bất
đồng ý kiến.
Theo giải thích của ông Bader, “đường dây ngoại giao này được thành lập để
hai bên giải quyết chuyện nhân quyền,” đã được sử dụng từ ngày hai quốc gia đồng
ý trao đổi quan hệ, “cũng chính là đường dây giải quyết trường hợp của nhà bất
đồng chính kiến Phương Lệ Chi hồi năm 1979 và nhiều trường hợp khác nữa. Họ
không được toàn quyền quyết định, nhưng họ sẽ bàn thảo, xin ý kiến của những
người ở cấp cao hơn.”
“Bàn thảo, xin ý kiến của cấp cao hơn” là điều đang được nói đến ở
Washington, D.C. Ngay sau khi bà phát ngôn viên Victoria Nuland của Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ xác nhận tin “cả hai vợ chồng ông Trần Quang Thành đều xác nhận muốn
ra nước ngoài sinh sống,” các nhà quan sát tin rằng chuyện cho gia đình nhà
tranh đấu này rời khỏi Trung Quốc không thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại Giao mà là
của Bộ Chính Trị. Như ông Bader giải thích, thủ tục sẽ như sau: Các viên chức
Hoa Kỳ vẫn phải làm việc qua Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, các viên chức của Trung
Quốc sẽ xin ý kiến của cấp cao hơn rồi mới trả lời cho Washington biết.
Trong thời gian chờ đợi quyết định của lãnh đạo đảng, có người nêu thắc mắc
ngoài Bộ Ngoại Giao, không biết Hoa Kỳ có còn “đường dây” nào khác nữa không?
Liệu Tổng Thống Barack Obama có trực tiếp can thiệp để gia đình ông Trần Quang
Thành sớm lên máy bay rời khỏi Bắc Kinh không?
Bên cạnh những câu hỏi đó là một câu hỏi cũng quan trọng không kém vừa được
chuyên gia Nick Zahn của Heritage Foundation đặt ra: Thế còn số phận của những
người bị bắt vì đã giúp ông Trần trốn được vào Tòa Ðại Sứ Mỹ thì sao? Liệu chính
phủ Hoa Kỳ có can thiệp cho những người này sớm được tự do không?
Nguyễn Văn Khanh/Người Việt Online
Nguyễn Văn Khanh/Người Việt Online
Ông Trần Quang Thành (TQT) sinh ngày 12 tháng 11 năm 1971, tức năm nay ông sắp 41 tuổi. Ông bị mù từ thuở ấu thơ sau một cơn sốt nặng. Ông chỉ bắt đầu đi học năm 1994 ở trường Trung Học Thanh Đảo cho người mù và tốt nghiệp năm 1998. Sau đó ông quan tâm về luật và nhờ các anh em của ông đọc sách luật cho ông tự học. Ông có vợ và hai con. Ông là một nhà tranh đấu nhân quyền cho dân chúng ở vùng nông thôn của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông có biệt danh là “luật sư chân đất” do hết lòng bênh vực cho quyền của người phụ nữ và sự an sinh của dân nghèo, giúp nông dân khiếu kiện đất đai và đấu tranh cho quyền của người tàn tật. Ông được biết nhiều qua việc đưa ra công luận về chính sách kế hoạch hóa gia đình bằng bạo lực để ép buộc 7,000 phụ nữ phá thai vào giai đoạn cuối và các biện pháp làm cho tuyệt tự.
Trả lờiXóaNăm 2005 ông được thế giới biết đến qua việc tổ chức vụ kiện tập thể chống lại chính quyền của huyện Lâm Nghi thuộc tỉnh Sơn Đông đã tàn bạo trong việc cưỡng chế chính sách một con. Sau đó ông bị quản thúc tại gia 7 tháng từ tháng 9, 2005 đến tháng 3, 2006 và chính thức bị bắt tháng 6, 2006. Ngày 24 tháng 8, 2006 ông bị kết án 4 năm 3 tháng tù về tội “làm thiệt hại tài sản và tổ chức đám đông làm cản trở lưu thông”. Ông được thả ngày 8 tháng 9, 2010 và sau đó lại bị quản thúc tại gia. Ông và vợ bị đánh đập, con gái ông cũng từng bị cấm đi học và nhiều người ủng hộ khi tới thăm nhà ông đã bị chặn đánh. Năm 2007, ông được báo Time chọn vào danh sách 100 người trong năm và được trao giải Ramon Magsaysay Award, thường được gọi là giải Nobel Á Châu. Một tổ chức nhân quyền đã giúp đưa video hình ảnh công an canh giữ và trù dập gia đình ông ở làng Đông Sư Cổ, tỉnh Sơn Đông hôm 9 tháng 2, 2011.
Nhà cầm quyền TQ bỏ tù và quản chế ông trước khi bắt cũng như sau khi thả, mà theo ông Ngụy Kinh Sinh, nhà tiên phong của phong trào dân chủ TQ nhận xét rằng: tuy ông TQT bị mù, bị khuyết tật cơ thể nhưng ý chí của ông thì thật là dũng mãnh. Do hết lòng bảo vệ dân chúng cho nên chính bản thân ông và gia đình trở nên là nạn nhân. Việc trước cũng như sau khi ra tù ông tiếp tục tranh đấu cho dân làng đã làm cho quyền lợi của giai cấp thống trị tham ô của chính quyền địa phương bị thiệt hại. Trong khi đó, sự đàn áp dân chúng ở nông thôn là cách hành xử phổ thông của các giới chức CS địa phương đối với các vùng quê trên toàn quốc, do bởi thực chất nền tảng quản lý xã hội của họ là bạo lực, chứ không phải pháp luật như được trưng bày, của các lãnh chúa CS địa phương để duy trì ổn định xã thôn, và cũng là chủ trương của Đảng CSTQ.
Nếu họ dung dưỡng những việc làm của ông TQT thì nó sẽ tạo nên một phong trào đòi quyền sống nổi lên từ hạ tầng cơ sở, vì khi những người khác nhìn thấy ông TQT tranh đấu có hiệu quả thì họ sẽ vùng lên làm theo, chống lại chính quyền, làm cho quyền lực của các lãnh chúa CS địa phương bị giới hạn, nó phá hỏng nền tảng quản lý nông thôn bằng đàn áp của đảng CSTQ, làm cho chính quyền địa phương, các phe nhóm của họ ở trung ương và cả đảng CS sẽ không chấp nhận. Nó sẽ làm cho chế độ bị lung lay từ gốc rễ và đưa đến sự sụp đổ, như ông Mao Trạch Đông đã từng hô hào: lấy rừng núi chế ngự đồng bằng, lấy nông thôn bao vây thành thị, tổng khởi nghĩa, tổng nổi dậy, tổng tấn công. TQ cũng như VN, có khu nông thôn rộng lớn, cho nên nếu họ không ổn định được nông thôn thì nó sẽ lan ra thành thị.
Trả lờiXóaÔng TQT bị công an giám sát 24/24 chung quanh nhà, cho nên trước khi vượt thoát ông đã giả dạng bị ốm nặng nằm liệt giường để không xuất hiện trước cửa nhà, làm cho công an tưởng thật và không chú ý đến sự ít xuất hiện của ông bên ngoài nhà. Sau đó, đêm 22/4/2012 ông lén leo tường ra khỏi nhà lúc ban đêm, do bị mù nên bóng tối không là trở ngại cho ông. Ông cũng ít bị trở ngại khi di chuyển lúc ban đầu trong vùng ông ở vì đã quen địa hình địa vật, nhưng sau đó khi ra khỏi vùng cư ngụ là một sự khó khăn lớn lao cho ông, ông cho biết đã bị té ngã hơn 200 lần và chân bị thương khi đến được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Ông nói việc qua mặt lính canh không phải là điều dễ dàng.
Dĩ nhiên có rất nhiều bạn bè và thân nhân đã giúp ông trong cuộc chạy trốn ly kỳ này mà sau đó những người giúp ông đã bị bắt và bị mất tích. Ngày 26/4/2012 chính quyền mới biết ông đã trốn thoát, ngày 27/4/2012 những người ủng hộ ông cho biết ông đã an toàn ở một nơi ở Bắc Kinh và cùng lúc, một tổ chức nhân quyền đã giúp ông để đưa lên trang mạng Boxun ở Hoa Kỳ cái video quay ông trong phòng tối, gửi Thủ tướng Ôn Gia Bảo mà trong đó ông yêu cầu 3 điều:
1. Phải điều tra và truy tố các quan chức đã đánh đập người thân của ông,
2. Phải bảo đảm an toàn cho gia đình ông,
3. Phải giải quyết và trừng trị nạn tham nhũng ở Trung Quốc theo đúng luật pháp.
Ông đã trú ở Tòa Đại Sứ HK 6 ngày và rời Tòa Đại Sứ ngày 2/5/2012 sau khi TQ hứa hẹn rằng ông và gia đình ông sẽ được đối xử “nhân đạo” ở TQ. Ông đã được Đại sứ quán Mỹ đưa tới khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Triều Dương, Bắc Kinh, để khám sức khỏe và chữa chân bị thương do vượt thoát. Cả HK và TQ thoạt đầu đều nói rằng ông TQT tự nguyện rời sứ quán, nhưng câu chuyện sau đó cho thấy phức tạp hơn nhiều.
Sau khi được đưa vào bệnh viện và gặp lại vợ con, ông nói rằng ông muốn rời TQ để đi HK, vì ông lo lắng cho sự an toàn của ông và gia đình ông nếu ông ở lại TQ. Ông nói việc rời Tòa Đại Sứ là do những áp lực ngoài ý muốn của ông, vì TQ đe dọa vợ con ông đang nằm trong tay họ. Viên chức Hoa Kỳ cũng nói với ông là vợ và con ông sẽ bị TQ đưa về Sơn Đông nếu ông vẫn ở trong sứ quán. Nhà dân chủ Tăng Kim Yến ở Bắc Kinh tiếp xúc ông TQT và cho biết ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rời Tòa ĐS. Ông TQT nói rằng chỉ sau khi rời khỏi sứ quán thì ông mới nhận ra hết các mối đe dọa với thành viên gia đình ông.
Anh trai ông là Trần Quang Phủ và cháu trai là Trần Khắc Quý hiện đã bị TQ giam giữ. Ông nói với đài VOA là có những tên “côn đồ” mang gậy gộc đến nhà người cháu là Trần Khoa Cử để đánh đập. Hôm 4/5/2012 trong phiên điều trần của Quốc Hội HK, ông đã gọi điện vào khẩn cầu giúp đỡ và lo ngại những điều không lành đang xảy ra cho mẹ và các anh của ông. Ông cho biết những dân làng giúp đỡ ông đều bị trừng phạt. Nhà của ông ở Sơn Đông đã bị công an chiếm toàn bộ và họ lắp bảy camera trong sân nhà và ngồi cả trên nóc nhà, ăn ngay tại bàn trong nhà và chiếm dụng đồ dùng, chuẩn bị dựng hàng rào bằng dây điện quanh nhà.
Sự kiện một người bị mù lòa có thể trốn thoát sự canh giữ 24/24 của CS và hơn nữa lại lọt vào được Tòa Đại Sứ HK đã trở thành một tin tức hết sức thu hút sự quan tâm của cả thế giới, làm cho cả hai chính quyền TQ và HK cảm thấy mất thể diện. TQ mất thể diện là một sự đương nhiên, nhưng HK mất thể diện vì dư luận nhận thấy rằng chính quyền Obama yếu đuối, không có bản lãnh để bênh vực nhân quyền cho ông TQT mà phải tìm cách để cho ông rời Tòa Đại Sứ và lọt trở lại vào vòng tay của CSTQ, một lý cớ chính đáng để đối thủ của ông Obama là ông Mitt Romney tấn công trong mùa bầu cử ở Mỹ. Ông Romney cho rằng nếu thông tin các viên chức Mỹ đã thuyết phục ông TQT rời đại sứ quán là đúng thì “đó là ngày đen tối của tự do và là ngày xấu hổ cho chính quyền Obama”.
Trả lờiXóaNó lại xảy ra ở thời điểm nhạy cảm là vài ngày trước khi hai bên HK và TQ có những thảo luận về kinh tế và chiến lược cấp cao, với bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Bộ Trưởng Tài Chánh Timothy Geithner đến Bắc Kinh thương thảo, do đó cả hai bên đều muốn ông TQT ra khỏi Tòa Đại Sứ càng sớm càng tốt.
Nó cũng xảy ra khoảng 6 tháng trước đại hội thứ 18 của đảng CSTQ mà nhóm lãnh đạo mới tiêu biểu bởi ông Tập Cận Bình sẽ lên cầm quyền, và chưa đầy hai tháng sau khi ông Bạc Hy Lai và phe nhóm bị hạ bệ hôm tháng Ba, 2012.
TQ đã theo dõi từng lời nói của chính quyền HK và biết được rằng HK không đủ mạnh, do đó trong riêng tư họ chiều theo ý muốn của HK là làm những hứa hẹn đầu môi chót lưỡi để tìm cách moi ông TQT ra khỏi Tòa Đại Sứ HK trước đã, rồi sau đó quay trở ngược về lập trường cứng rắn của họ, sau khi đã nắm được ông TQT trong tay, cho nên trong con mắt của giới trẻ TQ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, TQ đã thắng điểm HK ở vòng này. Tuy nhiên, sau khi bị rơi lại vào tay CSTQ và gặp lại được vợ con, ông TQT biết rõ bộ mặt thật và bản chất của CS, thấy rằng tình trạng của ông hết sức nghiêm trọng để có thể ở lại TQ. Cho nên ông đưa ra những đòi hỏi mới và bày tỏ ý muốn cùng gia đình rời TQ để thoát khỏi sự đàn áp. Điều này làm TQ vừa thắng vòng nhất thì lại thua vòng nhì và giới trẻ cực đoan TQ bị xấu hổ.
Hơn nữa, khi ông TQT được trao lại cho TQ, ông đã trở thành củ khoai tây nóng mà sờ vào có thể bị phỏng tay, bởi vì nếu tiếp tục trù dập ông thì không ổn vì cộng đồng thế giới quan tâm và HK cam kết bảo vệ, nó sẽ gây tranh cãi ngoại giao, ảnh hưởng đến quan hệ của hai nước cũng như quyền lợi của các đại tư bản. Nhưng nếu không trù dập ông TQT thì cũng không được, bởi vì nó sẽ khuyến khích những người khác ở thôn quê đứng lên chống lại chính quyền, làm lung lay nền tảng cai trị của chế độ. Do đó nó làm cho nhà cầm quyền CSTQ ở vào thế tiến thối lưỡng nan.
Cho nên, HK và TQ đã cùng nhau tìm lối thoát cho sự mất mặt này bằng cách để trường Đại Học New York mời ông qua du học, và đi với gia đình, vì đó là thủ tục xuất ngoại bình thường cho công dân TQ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/5/2012 cho biết ông TQT có thể “làm thủ tục thông qua các kênh thông thường, theo quy định của pháp luật”. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay họ sẽ nhanh chóng cấp thị thực cho ông Trần và gia đình sang Mỹ.
Tuy vậy, hôm 7/5/2012, TQ qua phát ngôn viên Hồng Lỗi, lên tiếng yêu cầu HK rút kinh nghiệm để tránh để tái diễn những sự cố như trường hợp luật sư mù TQT. Ông Lưu Vi Dân của Bộ Ngoại giao TQ trước đó đã nói rằng TQ rất bất bình vì HK can thiệp vào nội bộ TQ và Hoa Kỳ cần xin lỗi, nhưng HK nói sẽ không xin lỗi. Dù vậy, hôm 2/5/2012 một viên chức HK đã nói rõ là một sự cố tương tự sẽ không xẩy ra nữa.
Trả lờiXóaTQ đang có tranh chấp lớn trong nội bộ sau vụ Bạc Hy Lai và lại ở trong giai đoạn sắp chuyển quyền, cho nên những người đương quyền e ngại những biện pháp táo bạo, dù đó là buông tha hay đàn áp ông TQT. Cho nên việc giải quyết dựa vào những người sắp lên lãnh đạo, bởi vì hiện giờ họ vẫn không có trách nhiệm. Việc cho ông TQT đi du học sẽ tạo cho họ uy tín là có khả năng giải quyết khủng hoảng, có lợi cho họ về vấn đề đối nội và đối ngoại trong tương lai.
Về phần ông Obama, dù sao ít nhiều cũng đã bị thiệt hại. Việc giao ông TQT lại cho TQ là một lỗi lầm đáng trách. Mới hôm 6/2/2012 ông cảnh sát trưởng Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã đi tìm đường sống bằng cách chạy vào Tòa Lãnh Sự HK ở Thành Đô, nhưng HK đã giao ông ta lại cho chính quyền trung ương TQ, viện cớ rằng đây không phải là tỵ nạn chính trị vì không phải là nạn nhân bị chính quyền đàn áp mà là tranh chấp nội bộ. Dư luận chấp nhận lời giải thích này một cách miễn cưỡng vì ai cũng biết rằng cuộc đời ông Vương Lập Quân sẽ bao phủ mây đen và HK không đủ mạnh để có thể cho ông đi tỵ nạn chính trị. Để ông TQT rời Tòa ĐS, chính quyền Obama chỉ lo đi nước cờ hội nghị kinh tế và chiến lược sắp xảy ra vài ngày sắp tới mà không quan tâm đến những hậu quả chính trị của việc ông TQT bị TQ trù dập. Nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vì Cộng Hòa, kể cả cử tri Dân Chủ sẽ không chấp nhận thái độ quay lưng này.
Việc ông TQT đổi ý và đòi đi HK sẽ giúp ông Obama phần nào lấy lại uy tín, nhưng không thể trọn vẹn được vì thiệt hại đã xảy ra. Hơn nữa, trường hợp của ông TQT không phải chấm dứt ở đây, bởi vì như đã nói, trù dập những người dân đòi quyền sống là chính sách của CSTQ, nếu ông đi HK thì vợ con ông sẽ bị, nếu vợ con ông đi thì mẹ và anh em ông sẽ bị, cũng như những người khác đã giúp ông, bởi vì họ phải “giết gà để nhát khỉ”, một nhu cầu chính trị thường trực của họ. Truyền thông báo chí HK và các chính khách Cộng Hòa chắc chắn sẽ theo dõi. Hơn ba năm qua, theo ông Ngụy Kinh Sinh nhận xét, nhà cầm quyền TQ đã quen thói suy nghĩ là cứ đàn áp nhân quyền vì chính quyền Obama không quan tâm, họ tin rằng chính quyền Obama là chính quyền yếu và hơn nữa, sức mạnh kinh tế của TQ đã làm HK yếu đi. Cho nên bắt nạt HK để tạo thế chính trị cho mình bên trong TQ là thời thượng của các phe nhóm trong đảng CSTQ.
Hiệp sĩ mù TQT sẽ tiếp tục nghe gió kiếm để biết đường gươm của TQ và HK hầu lăng ba vi bộ (tránh né). Sự việc sẽ ảnh hưởng đến nội tình của TQ và HK, lên bang giao hai nước. Nó vượt ra ngoài tầm tay của ông TQT cũng như của hai chính quyền trong cuộc.
Theo nhận xét của GS Minxin Pei trên The Wall Street Journal ngày 2/5/2012, CSTQ đang bước vào giai đoạn hiểm họa sụp đổ do sự mất đoàn kết của nhóm lãnh đạo chóp bu và sự vùng lên ngày càng nhiều của những người bất đồng chính kiến. Theo ông Pei, bên dưới cái mặt nạ hùng cường của TQ là sự tan vỡ của cái nền móng. Quan sát các chế độ độc tài và đối chiếu với ba quy luật về sự sụp đổ, ông cho rằng chế độ hiện tại của TQ sẽ bị sụp đổ trong vòng 10 năm vì CSTQ đã có 3 yếu tố này cũng như những triệu chứng của thời kỳ tiền sụp đổ. Đó là (1) quy luật 6,000 đô PPP mãi lực đầu người, (2) quy luật tuổi thọ không quá 74 năm của các chế độ độc tài, và (3) quy luật 7:1 mà 7 người tốt nghiệp đại học chỉ có một người có cơ hội.
Trả lờiXóaQuy luật thứ nhất nói rằng các nước không sản xuất được dầu mà trong đó có TQ không thể duy trì được sự độc tài khi mãi lực của người dân đã đạt được mức 6,000 đô la trở lên. Mãi lực của người dân TQ hiện giờ là 8,382 đô PPP mặc dù sự phân chia trên thực tế không đồng đều. Quy luật thứ hai nói rằng không có một chế độ độc tài nào trên thế giới có được tuổi thọ trên 74 năm, Liên Sô thọ nhất được 74 tuổi, Quốc Dân Đảng ở Đài Loan được 73 tuổi, đảng PRI ở Mễ Tây Cơ được 71 tuỏi. Đảng CSVN nay được 67 và Đảng CS Trung Quốc 63 nên đều ở vào thập niên cuối cùng của sự hấp hối như tiền lệ đã xảy ra ở Liên Sô hay Mễ. Với quy luật thứ ba 7:1 thì đại bộ phận những người trẻ có tài năng và tham vọng không được tiến thân trong các chế độ độc tài, như ở TQ mỗi năm có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học thì chỉ có 1 triệu vào đảng và dùng nó làm con đường tiến thân, thành phần 6 triệu còn lại không được trọng dụng và trở thành lực lượng bất mãn, và cứ mỗi năm thì lực lượng này càng gia tăng và chống đảng.
Sự yếu đuối của HK về nhân quyền đối với TQ hay các chế độ độc tài khác như Việt Nam làm cho các chế độ này được kéo dài, cho dù nền móng của nó đã bị mục rữa, bởi vì nó ngăn chận sự tiến lên của một sức mạnh thay thế. Do kinh tế xuống cấp, HK và tây phương đã mất tự tin trong các giá trị và mô hình xây dựng xã hội của mình, đánh mất tư thế lãnh đạo và bị TQ xem thường. Lịch sử đã chứng minh rằng kinh tế thịnh suy chỉ là những chu kỳ ngắn hạn, mô hình chính trị tự do dân chủ tôn trọng con người là nền tảng dài hạn mà trên đó sự thịnh vượng được dựng xây. Trừ khi HK có một thái độ tích cực hơn về nhân quyền ở các nơi trên thế giới, HK sẽ đánh mất linh hồn cho tư bản đa màu và đi vào hiện tượng vong thân.
© Lê Minh Nguyên
© Đàn Chim Việt
Trong suốt hai tuần lễ vừa qua, nhân vật nổi tiếng nhất thế giới, xuất hiện thường xuyên trên trang đầu của hầu hết các tờ báo, từ nghiêm chỉnh đến không nghiêm chỉnh, từ hình thức giấy đến hình thức mạng, chắc chắn là ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng, sinh năm 1971), một trong những nhà bất đồng chính kiến và tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Trả lờiXóaThật ra, nói cho ngay, ông Thành đã nổi tiếng từ lâu. Năm 2007, ông được báo Time ở Mỹ bầu chọn là một trong 100 nhân vật mà tài năng, quyền lực hoặc đạo đức đang góp phần thay đổi thế giới (100 men and women whose power, talent or moral example is transforming our world). Cuối năm ngoái, ông được trao giải Ramon Magsaysay Award, một giải thưởng hàng năm dành cho những người đạt được những thành tích xuất sắc nhất trong việc tranh đấu cho hòa bình, sự bình đẳng và pháp quyền cũng như sự hiểu biết và thông cảm giữa các quốc gia, vốn được dư luận đánh giá rất cao, xem như một loại giải Nobel Hòa Bình ở Châu Á (Asian Nobel Award). Trần Quang Thành cũng được nằm trong danh sách 50 người sẽ làm thay đổi thế giới do tạp chí Wired ở Anh tổ chức. (Người đề cử chính là nghệ sĩ Ngải Vị Vị - Ai Weiwei.)
Tuy nhiên, chưa bao giờ Trần Quang Thành lại thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu như trong hai tuần lễ vừa qua. Không những vậy, ông còn ở trong vị trí có thể ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ vốn lúc nào cũng khá bấp bênh và đầy thử thách giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến không ít người, ngay cả những người ở vị thế cao nhất trong giới lãnh đạo của cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải đắn đo cân nhắc trong cách đối xử với ông. Ngoại Trưởng Hillary Clinton nói chuyện qua điện thoại với ông. Một số dân biểu và nghị sĩ Mỹ cũng nói chuyện thẳng với ông trong một phiên họp chính thức hôm Thứ Năm, ngày 3 tháng 5, vừa qua.
Trần Quang Thành là ai và làm gì mà được chú ý và gây ảnh hưởng lớn lao như vậy?
Hầu như tất cả các tờ báo tiếng Anh, khi nhắc đến Trần Quang Thành, đều gắn liền ông với một danh xưng “blind lawyer,” một luật sư mù, hoặc, “văn chương” hơn, một luật sư khiếm thị. Riêng tôi, tôi thích dùng chữ “mù” hơn chữ “khiếm thị.” Không có lý do gì để né tránh chữ “mù” cả. Chắc chắn ông không thấy có gì xúc phạm trong chữ ấy cả. Bởi ông mù thật. Mù hoàn toàn. Mù ngay từ lúc nhỏ, lúc mới khoảng một tuổi, sau một cơn sốt nặng.
Mù, lúc nào cũng khổ. Mù mà nghèo lại càng khổ. Mà Trần Quang Thành thì dường như nghèo truyền kiếp. Cha mẹ, ông bà của ông là nông dân. Lớn lên trong một gia đình nghèo, lại mù, dĩ nhiên Thành không được học hành gì cả. Ðến năm 1994, tức lúc 23 tuổi, ông mới bắt đầu học chữ khi được nhận vào một trường dành riêng cho người mù. Ông học ở đó bốn năm. Sau khi “tốt nghiệp,” ông ghi danh học ở trường Ðại Học Y khoa Nam Kinh chuyên về châm cứu và tẩm quất (massage), một nghề mà những người mù ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam thường vẫn chọn. Học xong, ông về quê, làm nghề tẩm quất trong một bệnh viện địa phương.
Bình thường, ở thế của ông, người ta rất dễ an phận với nghề làm tẩm quất như vậy. Rồi có vợ. Rồi có con. Nhưng Trần Quang Thành thì không. Châm cứu hay tẩm quất chỉ là một nghề để kiếm cơm. Ðam mê của ông nằm ở một lãnh vực khác: Luật pháp. Nhưng ở Trung Quốc, một người mù như ông lại không được học luật. Ông đành tự học. Thoạt đầu, ông nhờ anh của ông đọc cho ông nghe. Sau, khi đã biết chữ dành cho người mù, ông đều kiếm bất cứ thứ gì liên quan đến luật để đọc và nghiền ngẫm. Dần dần kiến thức về luật của ông cứ tăng lên mãi. Và ông được nhiều người gọi là... luật sư. Dù ông không hề có bằng cấp gì về luật cả. Thậm chí, dự một giờ học về luật một cách chính thức trong giảng đường cũng không. Ông là một thứ luật sư chân đất (barefoot lawyer).
Oái oăm thay, chính vị luật sư chân đất, hoàn toàn không có bằng cấp ấy, lại thắng nhiều trận chiến pháp lý một cách oanh liệt và làm cho chính quyền Trung Quốc run sợ. Lần đầu tiên Trần Quang Thành đụng đến vấn đề pháp lý là vào năm 1994, lúc ông bị đánh thuế, trong khi, trên nguyên tắc, theo luật pháp Trung Quốc, với tư cách một người mù, ông phải được miễn. Lần ấy, ông thắng kiện. Sau đó, ông giúp đỡ những người tàn tật khác đi kiện để đòi hỏi quyền lợi cho họ. Ông lại thắng. Năm 2000, ông tập hợp dân làng kiện một hãng giấy thải nhiều chất độc xuống sông và làm hư hại mùa màng tại địa phương. Nổi đình đám nhất là năm 2005, ông kiện chính quyền ở tỉnh Sơn Ðông đã ép buộc nhiều phụ nữ phải phá thai một cách dã man trong chính sách một con của Trung Quốc. Ðơn kiện bị bác nhưng tiếng tăm của ông Thành lại nổi lên như cồn, không những chỉ ở Trung Quốc mà còn lan rộng trên phạm vi quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế đến thăm viếng ông.
Trả lờiXóaTrung Quốc bèn dán cho ông nhãn hiệu tham gia vào các lực lượng phản động nước ngoài chống phá chính quyền cách mạng. Tháng 9 năm 2005, ông bị quản thúc tại nhà. Một tháng sau, ông tìm cách trốn để lên Bắc Kinh, nhưng cuối cùng, bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn và bị quản thúc ở nơi khác để chờ ngày xét xử. Phiên tòa bị dời đi dời lại nhiều lần vì bị dân chúng tập hợp phản đối. Cuối cùng, họ phải tổ chức một phiên xử vội vã vào ngày 18 tháng 8 năm 2006. Trước ngày xử, cả ba luật sư bào chữa cho ông đều bị câu lưu.
Trong phiên tòa, người ta cử một luật sư của chính phủ ra đóng vai biện hộ cho ông. Vị luật sư này thậm chí chưa hề đọc bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án cả. Hơn nữa, không có bất cứ người nào được tham dự phiên xử, trừ mấy anh em của ông Thành. Cuối cùng, tòa phán quyết ông Thành có tội phá hoại tài sản công cộng và tổ chức gây rối trật tự giao thông, và bị tù bốn năm ba tháng. Nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền phê phán bản án ấy. Nhưng chính quyền Trung Quốc mặc kệ. Trần Quang Thành vẫn bị bỏ tù.
Năm 2010, mãn hạn tù, Thành tiếp tục bị quản thúc tại nhà. Ông và vợ tìm cách liên lạc với bên ngoài qua điện thoại. Công an bèn cắt đường dây điện dẫn vào nhà; dựng khung sắt trên tất cả các cửa sổ và dựng hàng rào kiên cố chung quanh nhà ông nhằm cô lập ông và gia đình ông hoàn toàn. Không nuôi nổi con, ông phải gửi đứa con trai lớn cho họ hàng nuôi giúp. Ðứa con gái nhỏ, sáu tuổi, không được phép đến trường. Mẹ ông đi làm ruộng thường xuyên bị công an sách nhiễu. Bản thân ông và vợ cũng thường xuyên bị đánh đập.
Chung quanh nhà ông Thành lúc nào cũng có hàng chục công an canh gác. Chi phí canh gác ông nghe đồn lên đến 60 triệu đồng nguyên, tức khoảng 9 triệu rưỡi đô-la Mỹ. Bất cứ người nào muốn thăm ông, kể cả các chính khách hay nhân vật quan trọng trên thế giới, cũng đều bị từ chối. Người nào bất chấp lệnh cấm đến thăm ông cũng đều bị chận lại, chửi bới, thậm chí, đánh đập. Năm 2011, tài tử Christian Bale và đoàn phóng viên CNN đến thăm ông cũng bị chận lại, ném đá và đuổi đi một cách thô bạo.
Không chịu đầu hàng, ngày 22 tháng 4 năm 2012, Trần Quang Thành tìm cách trèo tường, qua mặt cả mấy chục công an và cả lực lượng dân phòng địa phương, thoát ra khỏi nhà và khỏi làng. Trong đêm tối, ông đi bộ hàng chục cây số, té lên té xuống cả hơn 200 lần, bị gãy cả xương chân. Vậy mà ông vẫn đi. Sau đó, ông được một số người ủng hộ giúp chở lên Bắc Kinh. Ðúng 20 tiếng đồng hồ sau, vượt qua một chặng đường dài 700 cây số, ông có mặt ở Bắc Kinh với một thân thể trầy trụa, hôi hám, gần như kiệt sức. Tại đây, ông thu một cuộn băng video rồi tung lên Youtube, trong đó, ông đòi hỏi Thủ Tướng Ôn Gia Bảo phải xét xử các cán bộ địa phương đã hành hạ ông và gia đình ông một cách phi pháp; phải bảo đảm an toàn cho ông và gia đình; và phải xét xử bọn cán bộ tham nhũng theo đúng luật pháp. Rồi ông xin vào Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Bắc Kinh để lánh nạn.
Sự kiện một người mù trèo tường vượt qua sự kiểm soát ngặt nghèo của công an và lực lượng dân phòng khiến mọi người kinh ngạc. Và khâm phục. Nó giống như trong một cuốn phim huyễn tưởng hơn là trong cuộc đời thực.
Trả lờiXóaTrần Quang Thành ở trong Tòa Ðại Sứ Mỹ tổng cộng sáu ngày. Ðó cũng là thời gian dư luận thế giới hầu như sôi sục hẳn lên. Cả chính quyền Obama đều tập trung giải quyết vấn đề một cách gấp gáp để tránh ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại Trưởng Hillary Clinton bắt đầu từ Thứ Tư, 2 tháng 5. Mọi chuyện sau có vẻ như đã được giải quyết ổn thỏa. Chiều Thứ Tư, người ta thấy đại sứ Mỹ tháp tùng Trần Quang Thành đến bệnh viện Bắc Kinh trị bệnh.
Chính quyền Mỹ tránh được một thế khó xử. Chính quyền Trung Quốc đành cắn răng đè nén nỗi căm tức để giữ mối quan hệ với Mỹ. Chỉ có một điều chưa ai biết đoạn kết câu chuyện của Trần Quang Thành sẽ như thế nào. Liệu Trung Quốc có giữ lời hứa không trả thù Trần Quang Thành không? Không ai dám chắc cả. Chỉ biết, sau khi các nhân viên ngoại giao Mỹ quay lưng đi, ở bệnh viện một mình, ông Thành đã bị đe dọa đến độ - theo lời bạn bè ông, lần đầu tiên thấy khiếp hãi. Mới đây, người ta biết thêm một tin tức khác: Bắc Kinh đồng ý cho Trần Quang Thành xuất ngoại dưới danh nghĩa du học.
Cho dù kết thúc thế nào, Trần Quang Thành cũng đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc hiện nay.
Cả thế giới nhìn ông.
Và thấy ánh sáng rực lên từ cặp kính đen che đôi mắt mù lòa từ thuở ông chưa tới một tuổi.
Riêng với người Việt Nam, tôi nghĩ câu chuyện của Trần Quang Thành có thể là một nguồn cảm hứng lớn.
Từ ông, chúng ta có thể nghĩ ngợi được nhiều điều liên quan đến chúng ta. Và đất nước của chúng ta.
Nguyễn Hưng Quốc/Blog VOA
Hai tuần sau cuộc điều đình gay go giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, luật sư bảo vệ dân quyền Trần Quang Thành đã lên đường sang Hoa Kỳ vào chiều hôm nay. Theo tin từ các hãng thông tấn quốc tế, luật sư mù đã lên chuyến bay United Airlines lúc 17.53 giờ Bắc Kinh cùng với gia đình. Bộ ngoại giao Mỹ xác nhận tin này vài giờ sau khi máy bay cất cánh.
Trả lờiXóaLúc đầu, bản tin của Reuters cho biết luật sư Trần Quang Thành « đã rời » Trung Quốc để đi Mỹ « mặc dù không có thông tin xác nhận ». Reuters được một nhân viên tại quầy tiếp hành khách của hãng United Airlines ở phi trường Bắc Kinh cho biết là hành lý của ông Trần Quang Thành đã được đăng ký trên chuyến bay sang phi trường Newark, New York.
Chuyến bay đã cất cánh vào lúc 17 giờ 53 nhưng không rõ là nhà tranh đấu và gia đình có mặt trên chiếc máy bay hay không.
Trước đó, luật sư Trần Quang Thành , qua điện thoại, báo tin với AFP là ông đang ở phi trường Bắc Kinh nhưng chưa có hộ chiếu. Ông nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc đã đưa hộ chiếu cho nhân viên sứ quán Mỹ và cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ sẽ cấp chiếu khán nhập cảnh ngay.
Sau đó, theo Reuters, ông Trần Quang Thành đã gọi điện cho một luật sư và báo tin ông cùng vợ và hai con vừa nhận được hộ chiếu. Hãng AP cho biết chuyến bay 88 của United Airlines sẽ đáp xuống New York vào chiều mai lúc 18 giờ 27 phút giờ địa phương.
Phải chờ nhiều tiếng đồng hồ sau khi máy bay cất cánh, bộ ngoại giao Mỹ mới thông báo tin ông Trần Quang Thành và gia đình rời Bắc Kinh đi Mỹ.
Tú Anh - RFI