Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Hot boy Edward Snowden qua biếm họa

Snowden là một chuyên gia kỹ thuật làm việc cho một công ty tư nhân nhận hợp đồng phụ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Anh ta đã đi trốn sau khi lấy trộm các tài liệu mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ tại cơ sở ở Hawaii và đến Hongkong ngày 20/5. Hiện nay, nơi ở của Snowden vẫn là một điều bí ẩn...
Được mệnh danh là "Người thổi còi" Snowden đã tiết lộ việc NSA trực tiếp thu thập dữ liệu từ máy chủ của 9 hãng internet, bao gồm Facebook, Google, Microsoft và Yahoo, và theo dõi liên lạc trên mạng trong một chương trình được gọi là PRISM.
PRISM được cho là giúp NSA và FBI trực tiếp truy cập vào các email, web chat, và những liên lạc khác từ máy chủ của các hãng internet lớn.
Dữ liệu được sử dụng nhằm theo dõi các công dân nước ngoài nghi ngờ hoạt động khủng bố hoặc do thám.
Thượng nghị sĩ Mỹ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, tiết lộ nhà chức trách Mỹ đang ráo riết săn đuổi Snowden. Thượng nghị sĩ Bill Nelson nhấn mạnh Snowden phải bị truy tố tội phản quốc. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tuyên bố: “Chúng ta phải bắt cho bằng được Snowden dù có phải đi đến cùng trời cuối đất”.

Chính quyền Mỹ đã khởi động cuộc “săn người” như báo chí mô tả để truy lùng Ed Snowden, tác giả của những rò rỉ nghiêm trọng nhất trong lịch sử NSA. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra vụ Snowden phanh phui chương trình PRISM của NSA cho báo Washington Post và Guardian.

Theo báo Daily Beast, trên thực tế bộ phận an ninh và phản gián của NSA đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để truy tìm Snowden khi anh biến mất khỏi Hawaii từ hồi tháng 5.

Và khi báo Washington Post và Guardian đăng tải vụ nghe lén chấn động của Chính phủ Mỹ, NSA đã lập tức nghi ngờ Snowden chính là “người thổi còi”. Trong “cơn hoảng loạn bùng nổ” ở NSA, như một sĩ quan tình báo giấu tên tiết lộ, nhóm đặc nhiệm của NSA đã gây sức ép lên gia đình và bạn bè của Snowden để buộc họ tiết lộ tung tích của anh.
Khi trả lời phỏng vấn báo Guardian, Snowden từng bày tỏ nguyện vọng được tị nạn chính trị ở Iceland với các thủ tục được tiến hành thông qua trung gian của lãnh sự Phần Lan, nơi cấp visa vào Iceland tại Hong Kong.

Tuy nhiên, chính quyền Iceland tuyên bố anh phải đến quốc gia này thì mới có thể nộp đơn xin tị nạn. Ed Snowden cũng có thể xin tị nạn chính trị tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, nhưng cơ may được chấp nhận xem chừng rất ít.
Snowden thừa nhận trong cuộc phỏng vấn này, là sớm muộn gì anh cũng sẽ bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ, thậm chí bị thủ tiêu. “Đó là nỗi lo sẽ đeo bám tôi suốt cuộc đời” - Snowden tâm sự.

Khách quan mà nói, vụ tung hê thông tin của Snowden bất luận vì “cáo giác lương tâm” hay vì làm gián điệp không thể thành công nếu không có “bãi đáp” an toàn ở Hong Kong - Trung Quốc trong cả tháng để làm công việc “cáo giác”, và sự thu xếp tiếp theo của người Nga. Đây quả là một vụ “bốc ra” (extraction) một “con gián”... rất kinh điển của nghề tình báo.
Bất chấp phủ nhận của Tổng thống Vladimir Putin, tin đồn Snowden đang ở trong tay của tình báo Nga vẫn nổi lên mạnh mẽ. Theo Reuters, tình báo Nga chắc chắn đang triệt để khai thác thông tin béo bở, tuyệt mật từ “người lộ mật” của Mỹ, đối thủ truyền thống của nước này.
"Anh ta (Snowden) là miếng mồi ngon đối với bất cứ ai, bất kỳ cơ quan mật vụ nào, trong đó có chúng tôi. Bất cứ cơ quan mật vụ nào cũng muốn được nói chuyện với anh ta", Reuters dẫn một nguồn tin an ninh Nga cho biết.
Trong khi Cục An ninh Liên bang Nga FSB vẫn từ chối yêu cầu bình luận về chuyện này thì một cựu sĩ quan KGB (cơ quan tiền nhiệm của FSB) nhấn mạnh, Nga sẽ không đời nào bỏ lỡ “miếng mồi béo bở” trong trường hợp Snowden sẵn lòng hợp tác.
"Rõ là ngớ ngẩn và ngu ngốc nếu bỏ lỡ cơ hội khai thách được những thông tin mà sẽ rất khó khăn hoặc thậm chí không thể có được bằng bất kỳ cách nào khác", Lev Korolkov, cựu sĩ quan KGB tuyên bố.
Ít có cảnh tượng nào khiến tổng thống Mỹ mất mặt như thế, nhưng ông Barack Obama đang phải trải qua những nỗi cay đẳng kiểu thời Chiến tranh Lạnh khi lần lượt Trung Quốc rồi Nga từ chối trao trả lại cho Mỹ nhân vật đang bị truy lùng gắt gao nhất ở hợp chủng quốc: Edward Snowden.
Người tiết lộ các chương trình thu thập thông tin bí mật của tình báo Mỹ, gồm Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), cho tới giờ đã thoát khỏi cuộc săn đuổi toàn cầu của Nhà Trắng, cơ quan tình báo đầy quyền lực và cả ngành tư pháp vốn nổi tiếng có cánh tay dài của nước Mỹ.
Nỗi đau của ông Obama càng thêm lớn khi mới cách đây vài tuần ông còn ngồi xuống tay bắt mặt mừng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin.
Trong khi đó, áp lực trong nước đang ngày càng gia tăng với ông Obama. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói cách hành xử của Nga là theo kiểu Chiến tranh Lạnh và chỉ trích ông Obama vì không thể hiện được vai trò lãnh đạo và bản lĩnh của một nguyên thủ nước Mỹ.
Sau khi cân nhắc các lựa chọn chính trị, cả Bắc Kinh và Mátxcơva có vẻ như đã quyết định không hỗ trợ Washington và từ chối trục xuất Snowden về Mỹ khi anh đặt chân lên lãnh thổ các nước này.
(Tin lấy từ nhiều báo trong nước)

4 nhận xét:

  1. Hôm thứ hai 1 tháng 7 Tổng Thống Nga Putin cho hay nếu Edwards Snowden muốn được Nga cho phép ở lại Nga tị nạn thì anh ta cần phải “ngưng lại việc cứ tiết lộ bí mật quốc gia của Mỹ”

    Tuy TT Obama cho biết đã có tiếp xúc ở cấp cao giữa đại diện Mỹ và Nga về chuyện dẫn độ Snowden về Mỹ, nhưng ông Putin bày tỏ lập trường là Nga không hề có ý định tuân theo yêu cầu của Mỹ. Ông Putin cho biết vì Snowden không phải là nhân viên tình báo của Nga nên các cơ quan an ninh tình báo Nga không tiếp xúc với anh ta. Trong cuộc họp báo, Putin nói: “Snowden chỉ là một nhà hoạt động nhân quyền, kiểu như ông Andrei Sakharov trước đây mà thôi”

    Ông Putin đang chủ trì một hội nghị của các quốc gia xuất cảng khí đốt ở Moscow như Venezuela, Bolivia hay Iran và ông bắn tiếng là không hiểu có xứ nào trong số này sẵn lòng nhận “của nợ” Snowden hay không. Ông Putin nói: ‘Nếu Snowden muốn ra đi và cũng có quốc gia sẵn lòng đón nhận thì đây là điều hay. Còn như Snowden muốn ở lại Nga, anh ta cần ngưng việc làm hại Hoa Kỳ nữa bằng cách cứ tiết lộ tin mật

    Theo Putin thì Snowden có vẻ “rất hung hăng trong việc muốn làm hại đất nước mình. Anh ta cứ nói mình là chiến sĩ nhân quyền nên anh ta không muốn ngưng lại cái kiểu đấu tranh của mình”. Được biết tin mới nhất là Snowden đã chính thức xin tị nạn ở Nga.
    ĐÀO NGUYÊN

    Trả lờiXóa
  2. Vụ “anh chàng nhảy cóc” Snowden tiếp tục làm truyền thông thế giới tưng bừng hôm thứ tư 3/7 khi chiếc phi cơ chở TT Bolivia Evo Morales trên đường về nước, đã bị Áo giữ lại phi trường hơn 2 giờ để bị lục soát.

    Một viên chức cao cấp của Bolivia cho hay là chính phủ Áo đã “được lệnh của Washing ton phải lục soát chiếc máy bay này để xem liệu ông Morales có dấu Snowden trên đó hay không”, sau khi ông tham dự hội nghị quốc tế ở Moscow về nước.

    Cả Pháp lẫn Bồ Đào Nha đã từ chối không cho máy bay chở ông bay qua không phận của họ và buộc lòng nó phải hạ cánh xuống phi trường Vienna. Đại Sứ Bolivia ở Mỹ Sacha Llorenti Soliz tuyên bố: “Đây là một vụ bắt cóc”

    Sau nhiều giờ lục soát người ta không thấy Snowden trên máy bay và nó đã cất cánh vào giữa trưa thứ tư bay về nước. Vụ này được xem là biến cố mới nhất có liên quan đến Snowden.

    Boliva tố cáo việc làm của Áo là ‘hành vi gây hấn và vi phạm công ước quốc tế’. Ông Llorenti nói: “Chắc chắn đây là lệnh từ Washington” nhưng chính phủ Áo cho biết TT Bolivia đã ‘vui lòng cộng tác’ cho khám phi cơ.

    Mối liên quan giữa Châu Âu và Hoa Kỳ cũng vì vụ Snowden đã trở nên căng thẳng khi Pháp tuyên bố các thảo luận về mậu dịch tự do giữa khối EU và Mỹ nên được hoãn lại hai tuần, do châu Âu tức giận sau khi biết Mỹ đã do thám nhiều quốc gia đồng minh.
    TRẦN VŨ

    Trả lờiXóa
  3. Snowden vẫn đang ‘gặm một mối căm hờn trong cũi sắt’ ở khu vực quá cảnh của sân bay Moscow và không biết tương lai sẽ ra sao, vì chính TT Putin của Nga cho hay: “Nếu muốn Snowden có thể ở lại Nga, nhưng phải ngậm miệng lại, không được tiết lộ bí mật gì thêm”

    TT Obama đã nói thẳng là “quốc gia nào dung chứa Snowden sẽ chịu mọi hậu quả”. Kẹt cho ‘người hai mặt Snowden’ khi chỉ sau vài giờ anh ta bày tỏ “lòng kính trọng và cám ơn chính phủ Ecuador đã xem xét đơn xin tị nạn của tôi” thì chính phủ Ecuador đã ‘co vòi’ khi chính TT Correa tuyên bố không muốn gặp Snowden vì theo ông, “Snowden là con người rắc rối”

    Hiện nay chỉ còn 2 quốc gia theo thiên tả là Venezuela và Bolivia là “có thể chấp nhận Snowden” nhưng xem ra Venezuela cũng đã tỏ ra ngần ngừ vì chính phủ mới của xứ này đã tiếp xúc với đại diện của Hoa Kỳ.

    Có lẽ Dmitri V.Trenin, Giám Đốc Viện Carnegie Moscow Center, là người tóm tắt hiện tình của Snowden đúng nhất: “Anh ta tự trói tay mình rồi, sau khi Ecuador, rồi Cuba, rồi bây giờ là Venezuela lần lượt xì hơi”. Con số quốc gia từ chối “con chim lạ hót vang” đã lên đến 20 rồi.
    TRẦN VŨ

    Trả lờiXóa
  4. Anh ta không thể kém thông minh đến nổi không chuẩn bị trước cho mình nơi nơi tỵ nạn để khi không ở lại Trung Quốc được, anh phải đệ đơn xin tỵ nạn đến nhiều nước và lần lượt bị từ chối?
    Hay là, sau khi có trục trặc trong việc sắp xếp với chính quyền Bắc Kinh, anh buộc phải rời Hong Kong?
    Những người có khuynh hướng thiên tả ở Mỹ cùng với các tập đoàn tư bản, có thể nói, đã trợ giúp đắc lực cho sự lớn mạnh về kinh tế cũng như uy tín ngoại của Trung Quốc trên thế giới (như họ đã từng góp phần gia tăng sức mạnh ngoại giao cho cộng sản Bắc Việt), chúng ta hoàn toàn có thể hoài nghi về Snowden theo hướng này.
    Một hành động vì tiền có sự thôi thúc về mặt tinh thần của tư tưởng chính trị?
    Có một ví dụ sống động về chuyện này. Tôi biết một người Mỹ da trắng làm ăn ở Việt Nam. Khi được hỏi về tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, anh ta nói: tôi vẫn thấy nhiều người tham gia mạng xã hội và viết blog tự do mà không hề chịu sự sách nhiễu nào (?)
    Khi so sánh Việt Nam với Hoa Kỳ, anh ta tỏ vẻ buồn bã và cho rằng người Việt thật may mắn khi được sống trong một đất nước ít tội phạm hơn nước Mỹ. Không phải người Mỹ nào cũng
    nhận thức sống động những gì họ được hưởng ở Mỹ là rất tốt đẹp, dù không hoàn hảo.
    Snowden sinh trưởng ở Mỹ, được nhìn thấy mọi điều tốt đẹp vậy mà khi bỏ trốn xong, anh ta nói với báo chí rằng anh lo lắng cho an toàn của người thân và điều đó làm anh "không ngủ được”; trong khi cho đến nay, người thân của anh vẫn bình yên vô sự với tất cả phẩm giá trong một nền pháp trị vào hàng tốt nhất trên thế giới.
    Cách phát biểu đầy dụng ý của anh cho thấy anh đang cố gắng biện minh cho hành động chưa xác định được động cơ của mình và tỏ rõ thái độ chính trị thiên tả.
    Xét về mặt luật pháp, việc một nhân viên làm trong ngành tình báo tiết lộ thông tin tối mật liên quan đến an ninh quốc gia là hành động phản bội, phản bội lại lời thề trung thành với đất nước và mang thông tin do hệ thống tình báo thu thập được đưa ra công khai là một hành vi đánh cắp tài sản.
    Trong xã hội dân chủ, người ta không tranh đấu để bảo vệ quyền riêng tư và tự do dân sự bằng cách tiết lộ thông tin tình báo.
    Nếu muốn đấu tranh cho Tự do và Quyền của người dân, sao anh không chọn cách là một nhà hoạt động Nhân quyền, thay vì là một nhân viên chính phủ trong ngành tình báo?
    Nên nhớ Hoa Kỳ không là thiên đường nhưng cũng không phải là địa ngục của những nhà hoạt động xã hội như Trung Quốc và Việt Nam. Có biết bao nhóm bảo vệ Nhân quyền trên đất nước này.
    Người ta có thể chỉ trích bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất, có thể tự theo đuổi những cuộc điều tra và phanh phui thông tin về tình trạng lạm dụng quyền lực của giới lãnh đạo theo cách khác mà không cần phải đánh cắp tin tình báo và đối mặt với cáo buộc hình sự nặng nề.
    HUỲNH THỤC VY
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips