Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ biến loạn?

Chỉ hai tuần sau cuộc hội kiến giữa tổng thống Hoa Kỳ và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong tòa Bạch Cung vào ngày 16 tháng trước (ảnh dưới), xứ Thổ bất ngờ có loạn với biểu tình dồn dập ở nhiều nơi từ ngày 28/5. Chính quyền Thổ lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) thắng cử và ông Recep Tayyip Erdogan lên cầm quyền năm 2002. Nguyên nhân vì đâu?
1/ Ðại cương về xứ Thổ:
Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ (Republic of Turkey) là một nước Viễn Tây của Châu Á (mỏm cực Tây của lục địa Á Châu), một xứ cực Nam của Âu Châu, tiếp cận với Trung Ðông và ba mặt biển là Ðịa Trung Hải ở phía Nam, biển Aegea ở phía Tây nối với Hy Lạp và biển Caspian ở phía Bắc, bên kia là Liên Bang Nga cùng các nước Trung Âu. Do vị trí địa dư lạ thường này, xứ Thổ là một trung tâm giao liên - và xung đột - giữa các lục địa, các nền văn hóa, tôn giáo và sắc tộc.
Với 75 triệu dân trên diện tích hơn gấp đôi Việt Nam (784 so với 331 ngàn cây số vuông) và lợi tức đầu người gần gấp 10, Thổ Nhĩ Kỳ là cường quốc cấp vùng, lại là thành viên của Minh Ước NATO và là quốc gia Âu Châu nhất khu vực, từng xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu nhưng bị cự tuyệt. Quan trọng hơn thế, xứ này còn là mảnh vụn sau cùng của đại đế quốc Ottoman theo đạo Hồi đã từng thống trị toàn cõi tiếp cận Âu-Á trong bảy thế kỷ liền, từ thế kỷ 13 đến năm 1923.
Hào quang và gian truân của lịch sử khiến Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc độc đáo.
 Cương thổ đế quốc Ottoman năm 1580 (vàng) và đến năm 1992 (xanh)
Sau khi đế quốc Ottoman tan rã, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã “theo mới, triệt để theo mới,” với lãnh tụ Mustafa Kemal Attaturk và chủ trương xây dựng một chế độ thế quyền hiện đại theo mẫu mực Tây phương. Attaturk có nghĩa là quốc phụ của dân Turk. Thế quyền là quyền lực thế tục, khác với thần quyền là quyền lực của tôn giáo. Tinh thần hiện đại hóa xứ sở, với sức mạnh của quân đội, là dấu ấn của người sáng lập Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, được coi như cha đẻ của nước Thổ văn minh tân tiến. Hậu thân ngày nay kết tụ vào đảng Cộng Hòa Nhân Dân Thổ (CHP).
Vì vậy, ngoài những dị biệt sắc tộc, mâu thuẫn giữa chế độ thế quyền và xu hướng thần quyền là vấn đề văn hóa và chính trị trường kỳ của quốc gia này.
Sau khi thắng cử năm 2002, lãnh đạo mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong đảng AKP muốn đề cao xu hướng thần quyền của Hồi Giáo. Trong khi ấy, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thay đổi từ bên dưới mà bên trên không nhìn ra và vẫn tin rằng yếu tố Hồi Giáo Muslim mới là sức mạnh chủ lực. Ðảng AKP liên tục thắng cử nên ông Erdogan và cả Tổng Thống Abdullah Gus, cũng từ đảng AKP và là ngoại trưởng của Erdogan từ 2003 đến 2007, cho rằng họ đi đúng hướng lịch sử và văn hóa theo tinh thần ái quốc và sức mạnh của Hồi Giáo. Cuộc khủng hoảng đang xảy ra là một bất ngờ, cho đảng cầm quyền lẫn các quan sát viên Tây phương.
2/ Tia lửa môi sinh bật qua văn hóa:
Mọi sự bất ngờ xảy ra từ một chuyện rất nhỏ vào ngày 28 Tháng Năm, như một hạt cát đã gây ra núi lở. Một nhóm nhỏ những người trẻ quan tâm về môi sinh đã biểu tình ngồi tại Quảng trường Taksim của cố đô Istanbul để phản đối một số dự án quy hoạch và chỉnh trang thành phố, trong đó có việc phá hủy một số di tích cổ trong công viên Gezi của Quảng trường Taksim (Ảnh trên)
Chẳng ai để ý đến chuyện ấy nếu chính quyền Erdogan không ra lệnh cho cảnh sát đàn áp nhóm biểu tình chưa đến trăm người. Chính là vụ đàn áp đã khiến dân biểu tình phản ứng mạnh vào ngày 30 và bạo động xảy ra khiến họ bị thiệt hại nặng.
Qua ngày 1 Tháng Sáu, việc biểu tình để cứu mấy cây cổ thụ trong công viên Gezi đã trở thành tụ điểm cho đảng đối lập CHP và nhiều thành phần khác tham gia với số dân chúng xuống đường lên gấp trăm, cả vạn người. Và từ Istanbul, phản ứng của nhiều thành phần quần chúng và đảng phái đã lan rộng sang các thành phố khác như Ismir, thủ đô Ankara hay Adana. Tại các thị trấn nhỏ như Anttalya, Eskisehir, Yalova, Bolu, Muglam Kayseri, Konya, Hatay, Mersin hay Trabzon. Nơi thì có vạn người, nơi chỉ có vài trăm, nhưng trong nhiều ngày liền toàn lãnh thổ xứ Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng nghi ngút khói.
 Cảnh sát Thổ trấn áp nhóm thanh niên biểu tình vì môi sinh ngày 28/5
 Một nạn nhân khác trong ngày 01/6
Tính đến 4/6, tổng cộng 90 cuộc biểu tình đã diễn ra tại 48 thành phố của nước này, hơn 1.700 người bị bắt, 2 người thiệt mạng và hàng trăm người; gồm cả cảnh sát và dân thường bị thương. Ảnh dưới: một người biểu tình cầm lá cờ có hình quốc phụ Mustafa Kemal.
Thái độ của chính quyền Erdogan là coi thường các cuộc biểu tình. Sau nhi nhận lỗi là cảnh sát đã quá nặng tay và phải bị điều tra, Thủ Tướng Erdogan quy tội cho các đảng phái đối lập đã khai thác và xúi giục biểu tình chứ ông có thể búng tay huy động cả triệu cảm tình viên của đảng AKP để chống lại mỗi cuộc biểu tình có 10 vạn người. Từ đó, tình hình mới trở thành trầm trọng hơn khi ngần ấy thành phần biểu tình vì nhiều lý do khác biệt đã sát cánh bên nhau để chống chế độ độc tài và tư tưởng văn hóa độc tôn của một hệ thống thần quyền.
Từ một đề mục môi sinh, dân biểu tình đã tiến tới việc kết án nền tảng của cả chế độ và hệ thống cai trị của đảng AKP.
Khi thấy giới trẻ tham dự biểu tình, nhiều quan sát viên Tây phương đã ngạc nhiên. Thổ Nhĩ Kỳ đã có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất Âu Châu, hơn 8% một năm và không bị nạn thất nghiệp nặng như các nước Á Rập Hồi Giáo nên thanh niên chẳng có lý gì xuống đường. Thật ra kinh tế xứ này đã sa sút từ hai năm nay và dù thất nghiệp của tuổi trẻ chưa tăng mạnh, giới trẻ vẫn không hài lòng về định hướng Hồi Giáo của quốc gia.
Họ đã thấu hiểu và du nhập giá trị tân tiến của các xã hội Tây phương, với quyền dân là bất khả xâm phạm nên chẳng vì lý do kinh tế họ vẫn xuống đường biểu tình, vì lý do chính trị và văn hóa.
Một thí dụ rất phù du mà truyền thông Tây phương ít chú ý là người dân không thích lệnh cấm bán rượu sau 10 giờ tối và chẳng ưa gì hình ảnh đệ nhất phu nhân choàng khăn burka theo kiểu Hồi Giáo.
Trong khi ấy, nhiều thành phần khác cũng khó chịu về một chế độ xưng danh là theo “định hướng Hồi Giáo” có vẻ khắc khổ mà thực chất thì áp dụng chế độ tư bản hoang dã, bất cần đến môi sinh và bản sắc văn hóa, miễn là có lợi cho tay chân của đảng viên AKP.
Song song, sắc dân thiểu số người Kurd và Ðảng Công Nhân Kurdistan PKK cũng nhập cuộc và đả kích chính quyền Erdogan có âm mưu tu chỉnh Hiến Pháp để chuyển từ chế độ đại nghị (Quốc Hội do dân bầu lên sẽ chỉ định lãnh đạo và thủ tướng) qua tổng thống chế để Erdogan sẽ trở thành tổng thống toàn quyền sau khi hết nhiệm kỳ vào năm tới.
Một vòng chớp nhoáng về xứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể cho thấy là tình hình rắc rối hơn chúng ta suy nghĩ và sẽ có ảnh hưởng ra toàn khu vực.
3/ Kết luận ở đây là gì?: Ðảng AKP vẫn còn cơ sở rất mạnh và sẽ không chịu nhượng bộ trước các lực lượng đối lập khá phân tán. Chính vì vậy mà tình hình sẽ khó êm.
Người ta cứ nói đến “Mùa Xuân Á Rập,” thật ra cuộc vận động cho dân chủ theo quan niệm Tây phương có thể đang tiến hành tại Thổ Nhĩ Kỳ chứ không ở mấy nước Á Rập. Chúng ta nên theo dõi phương thức đấu tranh đang được áp dụng tại đây.
HÙNG TÂM

1 nhận xét:

  1. Hàng trăm cảnh sát chống bạo động của Thổ Nhĩ Kỳ chiều Thứ Ba 11/6 đã tấn công mạnh mẽ vào những người biểu tình ở Quảng Trường Taksim ở Istanbul, vốn đã chiến cứ nơi đây từ hơn một tuần nay.

    Cuộc biểu tình lan rộng trên toàn quốc đã bước qua ngày thứ 12, cho thấy tình hình ngày càng có vẻ vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ của Thủ Tướng Tayyip Erdogan.

    Ông Erdogan hôm thứ ba cũng lên tiếng là ông đã mất hết kiên nhẫn khi “người biểu tình liên tục làm dơ bẩn hình ảnh của đất nước trên thế giới”, theo lời ông.

    Được biết phản đối đã lan tràn khắp 78 thành phố lớn nhỏ của quốc gia này.

    Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho là ông Erdogan ngày càng tỏ ra là một lãnh tụ độc tài. Họ tố cáo ông ngày càng có biểu hiện chuyên chính tôn giáo và bảo thủ trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thế quyền.

    Ông Erdogan là một tín đồ Hồi giáo thuần thành, đã lên tiếng bác bỏ tố giác này. Trái với ông Thủ Tướng, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul là người bảo vệ dân chúng có quyền tự do phát biểu chính kiến. Được biết hai người sắp gặp nhau bàn về chuyện biểu tình phản đối.

    Đã có 4 người chết và trên 5,000 người bị thương, trong số này có cả 1 cảnh sát cũng thiệt mạng. Phía chính phủ cho hay sau nhiều ngày đàn áp, cũng có khoảng 600 cảnh sát đã bị thương.
    ĐÀO NGUYÊN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips