Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Hồ hởi và phấn khởi... vớ vẩn, toàn bịp

Hình trên trang nhất báo giấy Tuổi Trẻ hôm nay: Anh là chủ tịch Quốc hội người có số phiếu tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp lần lượt là 328 - 139 - 25, anh trông trẻ hẳn ra với nụ cười "ngất ngây" khi nâng nắm tay chị phó chủ tịch, cũng là người đứng đầu trong đợt bỏ phiếu: 372 - 104 - 14, chị cười híp mắt vì "phúc trùng lai" quá xá cà sa (mới tháng trước vừa trúng chân Ủy viên BCT). Vài ghi nhận từ giới blogger về kết quả bỏ phiếu vừa qua:
Đó chỉ là những kỹ xảo đánh lừa quần chúng với mục đích khoe rằng: ta đây Quốc Hội cũng có quyền, có chính kiến.
Các đại biểu quốc hội kia thừa biết rằng cho dù ông Trương Tấn Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp, trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 210 phiếu tín nhiệm cao và 160 phiếu tín nhiệm thấp nhưng không vì thế mà ông Sang sẽ có nhiều quyền hơn ông Dũng, sẽ có uy hơn ông Dũng, sẽ thôi không sợ phạm húy ông Dũng nữa. Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình có đến 209 phiếu tín nhiệm thấp nhưng không vì thế mà mất chức Thống đốc ngân hàng. Còn bà Kim Ngân có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là 372 phiếu thì được cái tích sự gì?
ĐÀO HIẾU
“Tôi nghĩ, chúng ta nên ‘đọc’ ý chí của Quốc hội một cách ‘chính trị’ hơn, tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” cho thấy ai được tín nhiệm và ai đã bị Quốc hội bất tín nhiệm.” Có nghĩa là, với cái chế độ CSVN, cần hiểu nó qua lăng kính của riêng nó. Trong trường hợp này, “tín nhiệm cao” cần được hiểu là “tín nhiệm”, còn loại phiếu “tín nhiệm” phải được hiểu là “tín nhiệm thấp”, còn “tín nhiệm thấp” tức là không còn tín nhiệm nữa. Người dân hãy gắng kiên nhẫn, lượng thứ cho nó, bởi nó không dễ nhanh chóng tự lột thứ mặt nạ giả dối của mình. Thậm chí, còn phải trông đợi cả những dịp chính các thành viên của nó tự lột mặt nạ lẫn nhau trong một cuộc tỉ thí tranh giành quyền bính nào đó, mà cuộc “lấy phiếu” này thực ra mang nhiều sắc thái đó.
HUY ĐỨC/basam.info
Tại sao đã có “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” mà nhiều đại biểu Quốc hội vẫn không chọn môt trong ba, để bày tỏ mức độ tín nhiệm của họ, với từng cá nhân trong số 47 vị được đưa ra “lấy phiếu tín nhiệm”?
Mình tin là vì những đại biểu Quốc hội đó cảm thấy “bất tín nhiệm” đối với một số vị. Bởi cảm thấy “bất tín nhiệm” mà phiếu lại không có mục này, thành ra mới có nhiều đại biểu Quốc hội, không chọn bất kỳ mức độ nào trong cả ba mức độ biểu lộ niềm tin (“tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”).
ĐỒNG PHỤNG VIỆT
P/s: Trong danh sách “thống kê ngược” của tác giả thì ông Sinh Hùng có tới 66 “phiếu trắng: không bày tỏ mức độ tín nhiệm” lọt vào top 5 cái tạm gọi là “bất tín nhiệm”
Nhà giáo Phạm Toàn: “Bỏ phiếu tín nhiệm cho người có tín nhiệm mới bỏ; chứ còn bỏ cho người không có tín nhiệm gì thì bỏ cái gì? Vớ vẩn, trò đùa, trò hề hệt như chuyện đưa trưng cầu về hiến pháp đó: vớ vẩn, toàn bịp!
BASAM/tin-thu-tu-12-06-2013

6 nhận xét:

  1. Báo chí VN vừa được phép công bố các con số về bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội với gần 50 vị quan chức chính phủ. Trong danh sách này không có các vị quan chức của ĐCS: hiện ở VN, ĐCS là “lực lượng lãnh đạo tối cao” nằm ngoài vòng kiểm soát của bất cứ cái gì, bởi vậy danh sách dưới đây mới chỉ là một phần các quan chức “tai to mặt lớn nhất” ở VN.

    Các quan chức được các đại biểu QH đánh giá ở 3 mức, gọi là: tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp. Tổng số phiếu của 3 mức cho mỗi quan chức là 491 (hoặc ít hơn vì phiếu trắng). Để lập ra một chỉ số tín nhiệm từ 3 con số này, có thể lấy một tổ hợp tuyến tính của chúng, kiểu như

    a x A + b x B + c x C

    trong đó a,b,c là 3 hệ số, còn A,B,C là số phiếu tín nhiệm ở 3 mức. Vì có ràng buộc tuyến tính A + B + C = 491, nên tổng trên có thể viết thành

    (a – b) x A + (c – b) x C + b x 491

    Vì phần b x 491 là hằng số (không phụ thuộc vào quan chức) nên không dùng để so sánh được và có thể loại đi khỏi tổng trên, và chỉ còn 2 hệ số a-b và c-b là quan trong. Để đơn giản, ta có thể đặt

    a-b = 1 và c-b = -1

    có nghĩa là: cứ 1 phiếu “tín nhiệm cao” thì tính 1 điểm dương, còn 1 phiếu “tín nhiệm thấp” thì tính 1 điểm âm. Điểm tín nhiệm = số phiếu “tín nhiệm cao” trừ đi số phiếu “tín nhiệm thấp”. Với cách tính này, ta được các chỉ số tín nhiệm sau
    (trên 491):

    -Click here

    Các con số trên khá thú vị. Nó cho thấy, tuy QH rất “dè dặt” nhưng cũng đã cho chỉ số tín nhiệm âm cho 7 vị bộ trưởng. Ghế của các vị này chắc đang lung lay nặng.

    Một số vị khác, tuy chỉ số dương nhưng rất thấp. Trong đó đặc biệt có TT Nguyễn Tấn Dũng (đ/c X). Đ/c này rất có “tài vận động” nhưng chỉ vớt vát được 50 điểm tín nhiệm, chứng tỏ ngay QH cũng đã rất ngán ngẩm với đ/c, nhưng lực lượng “đàn em” của đ/c còn đủ mạnh để giúp đ/c giữ cái ghế của mình ?!


    Một “ngôi sao đang nổi” là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, có chỉ số tín nhiệm cao nhất và lại vừa được vào BCT. Có thể bà Ngân sẽ còn lên cao thêm nữa.

    Với chỉ số tín nhiệm khá cao, cái ghế của chủ tịch nước Trương Tấn Sang có vẻ vững vàng, tuy gầy đây có nhiều trang web mọc ra bêu xấu ông Sang và mấy thân cận của ông.

    Với sự lạm phát điểm số và lợi ích nhóm của Việt Nam, thì cần hiểu 3 mức tín nhiệm như sau:

    “tín nhiệm cao” = OK đối với tôi hay với các quyền lợi của nhóm tôi.

    “tín nhiệm” = dở hơi, nhưng thay bằng người khác chưa chắc đã khá hơn.

    “tín nhiệm thấp” = củ chuối quá, thay được ngay thì tốt.

    Nếu hiểu như vậy, thì 1/3 quốc hội bỏ phiếu rằng thay ngay được đ/c X thì tốt, nhưng hơn 1/3 lại cho rằng đ/c X có lợi cho họ!
    ZETAMU

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin nói cho rõ, “phi chính thống” ở đây là unorthodoxy, là cách làm chẳng theo một qui tắc khoa học nào cả. Tôi đang nói về cái thang điểm lấy ý kiến tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Theo thang điểm này, mỗi đại biểu có thể đánh giá thành viên Chính phủ bằng cách chọn một trong 3 điểm như sau:

      • Tín nhiệm cao
      • Tín nhiệm
      • Tín nhiệm thấp

      Những ai am hiểu khoa học xã hội nhận ra ngay rằng đây là thang điểm Likert. Xin nhắc lại (vì có người hiểu lầm rằng Likert là lấy từ chữ Like!) rằng người phát kiến ra thang điểm này tên là Rensis Likert, một nhà tâm lí xã hội học. Likert đề xuất thang điểm này vào năm 1932 và sau đó hoàn thiện vào năm 1934. Thang điểm này dùng để đánh giá thái độ, hành vi, sở thích, v.v. của con người. Đây là những biến khó định lượng, nên phát kiến của Likert rất quan trọng, dù nó rất ư đơn giản.

      Nhưng thang điểm Likert là thang điểm hai chiều – bipolar scale. Nói cách khác, thang điểm này phản ảnh tất cả những thái độ đi từ tiêu cực đến tích cực. Chẳng hạn như trong trường hợp lấy ý kiến tín nhiệm, thì thang điểm Likert có thể là 4 điểm như:

      • Rất tín nhiệm (very trustworthy)
      • Tín nhiệm (trustworthy)
      • Không tín nhiệm (untrustworthy)
      • Rất không tín nhiệm (very untrustworthy)

      Còn đằng này, Quốc hội chỉ dùng thang điểm chẳng giống ai, vì chỉ có 1 chiều! Ngay cả cách soạn câu trả lời (“Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”) đã là bất bình thường. Cái điểm “Tín nhiệm” có nghĩa là gì? Tại sao không cho đại biểu bày tỏ sự “Không tín nhiệm”? Đúng là những kiểu lấy ý kiến như thế này chẳng có ý nghĩa gì và rất khó diễn giải kết quả. Chẳng có ý nghĩa là vì nó không phản ảnh được tâm tình và thái độ của đại biểu. Kết quả khó diễn giải là vì thang điểm chỉ có 1 chiều.

      Vậy thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm nên được hiểu như thế nào? Tôi nghĩ vì vấn đề phương pháp, nên chúng ta chỉ có thể mô tả mà thôi. Qua mô tả, chúng ta có thể so sánh giữa các thành viên trong Chính phủ. Để so sánh, chúng ta cần phải tổng hợp 3 giá trị “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, và “Tín nhiệm thấp” thành một điểm tổng hợp (điểm quân bình). Nhưng vấn đề là làm sao tính điểm trung bình cho từng cá nhân?
      ...
      Nhưng tất cả chỉ là vui thôi, chứ số liệu thu thập theo kiểu phi chính thống, bất chấp qui tắc khoa học, và 1 chiều thì rất khó diễn giải. Dù sao đi nữa, những số liệu này cũng nói lên một điều là các thành viên trong Chính phủ có độ tín nhiệm thấp. Người cao nhất cũng chỉ 0.61, tức chỉ hơn trung bình 0.11 điểm!
      NGUYỄN VĂN TUẤN
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
  2. Ông Sinh Hùng cho rằng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt và cho rằng ngay ở nước ngoài cũng không có. Ông nói cũng khá đúng. Ở nước ngoài không có nơi nào bỏ phiếu cho từng chức danh cụ thể như thế, làm mất thời gian và tiền bạc của người đóng thuế. Họ tìm cách đơn giản hơn. Đối với uy tín từng chức danh thì đã có các viện thăm dò độc lập thực hiện. Uy tín của từng vị trong đảng, trong bộ máy nhà nước được đưa lên hàng tuần, hàng tháng. Còn đối với chính phủ thì Quốc hội chỉ cần bỏ phiếu biểu quyết tín nhiệm hay bất tín nhiệm mà thôi. Qua số phiếu người đứng đầu chính phủ sẽ có quyết định tiếp tục làm hay tự cùng nội các từ chức.

    Tuy bản chất cuộc bỏ phiếu là tín nhiệm hay bất tín nhiệm nhưng có vẻ những người lập trình bỏ phiếu ở Quốc hội Việt Nam thích phức tạp. Họ dùng chữ „tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp“ cho lắt léo, tránh dùng chữ „bất tín nhiệm“. Nhưng dù cho sử dụng mỹ từ gì thì cũng không thay đổi được bản chất sự việc.

    Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa công bố nó như một liệu thuốc tinh thần cho ông Hùng, ông Trọng , ông Sang trước Quốc Hội và dư luận nhân dân. Một niềm vui nho nhỏ sau những thất bại trong các hội nghị Trung ương đảng.

    Đối với quan chức Chính phủ, đặc biệt là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì đây là một tổn hại uy tín nghiêm trọng mà ông bắt buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên kết quả trên cũng không thể nào thay đổi vị thế của ông đối với bộ máy nhà nước. Trước và sau cuộc bỏ phiếu ông vẫn là người có tầm ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam.
    DÂN CHOA

    Trả lờiXóa
  3. Chế độ Việt Nam hiện đang trong bối cảnh lòng dân ngao ngán vì nạn tham nhũng và sự sa sút của nền kinh tế. Việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc Hội đối với 47 chức danh chủ chốt là dấu hiệu tiến bộ dân chủ hay là sự đối phó xảo thuật?

    Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM nhận định:

    “Bản thân tôi không tin nó có hiệu quả gì, bởi vì trên hết là Đảng lãnh đạo thành ra Đảng sẽ quyết định mọi việc dù là tín nhiệm hay không tín nhiệm. Nhưng tôi nghĩ là đáng lẽ chỉ có 2 mức thôi, tín nhiệm hay không tín nhiệm, chứ còn ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp nghĩa là sao, nếu người ta không tín nhiệm thì bỏ vào đâu. Thành ra tôi nghĩ đây là cách đối phó với dư luận phê phán vấn đề dân chủ, vấn đề này nọ mà thôi.”

    “Tôi nghĩ, chẳng thà không bày ra việc bỏ phiếu tín nhiệm này, còn bày ra thì phải đúng với ý nghĩa bỏ phiếu bất tín nhiệm. Bởi vì thật ra theo Luật Bầu cử và Tổ chức Quốc hội cũng như Luật bầu cử và Tổ chức Hội đồng Nhân dân thì chỉ có hai mức tín nhiệm và bất tín nhiệm thôi, nếu không tín nhiệm thì người ta bãi miễn, còn tín nhiệm thì anh còn ở lại. Do đó tôi nghĩ là cái cách làm này không đi đến đâu cả.”

    “Bằng phương pháp này, anh muốn chứng tỏ cho dân anh cũng dân chủ, bằng cách bỏ phiếu để đo mức tín nhiệm này nọ. Nhưng cuối cùng là đâu vẫn hoàn đấy, không có ai bị bất tín nhiệm cả. Cái này mang tính hình thức là không ổn. Nhưng nó cũng có một điểm, với những vị giữ vị trí chủ chốt mà số phiếu tín nhiệm thấp lại quá cao thì nó cũng có ảnh hưởng nhất định tới uy tín, tuy không bị bất tín nhiệm bị mất ghế… Nó chỉ có phần đó thôi.”
    ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG TRẢ LỜI RFA
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, dư luận nói chung và bản thân các đại biểu nói riêng đều băn khoăn về thực trạng thiếu thông tin về những người được bỏ phiếu tín nhiệm. Dĩ nhiên, trước tình cảnh đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội tồi tệ nhất kể từ giữa thập niên 1980 đến nay thì mọi con mắt đều đổ dồn vào bộ máy hành pháp, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với thực tế diễn ra trước mắt, với những con số đáng báo động về tốc độ tăng trưởng, về tình hình nợ xấu, về số doanh nghiệp phá sản, về thực trạng các DNNN… được báo chí cập nhật gần như hàng ngày, các vị ĐBQH có thể thiếu thông tin về bất kỳ ai ngoại trừ… Thủ tướng.

    Ấy vậy nhưng, kết quả bỏ phiếu lại khiến người ta không khỏi phải băn khoăn: Tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao/tín nhiệm/tín nhiệm thấp của Thủ tướng Chính phủ là 210/122/160.

    210 (42,68%) vị đại biểu dứt khoát dành cho người đứng đầu chính phủ một sự tín nhiệm tuyệt đối, bất chấp tất cả những gì đã và đang diễn ra trước mắt họ: hoặc là họ không nhìn thấy gì cả, hoặc là họ cố tình làm ngơ trước sự thật và phớt lờ trách nhiệm của một vị “đại biểu nhân dân”;

    122 (24,8%) vị ngập ngừng dành cho Thủ tướng lá phiếu “tín nhiệm”, tuy không phải phản ảnh một niềm tin chắc chắn nhưng cũng là một tín hiệu cho phép Thủ tướng tiếp tục ngồi rung đùi và kéo dài tình trạng mà bản thân Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gần đây đã phải thốt lên là “Tôi thấy nguy cơ lắm rồi các đồng chí ạ”;

    160 (32,52%) vị dứt khoát dành cho Thủ tướng lá phiếu “tín nhiệm thấp”, mà thực chất ở đây là bất tín nhiệm. Một tỷ lệ tuy còn khiêm tốn nhưng cũng thể hiện một bước “đột phá” chưa từng thấy trong sinh hoạt nghị trường ở Việt Nam.

    Con số 210 (tín nhiệm cao) + 122 (tín nhiệm) = 332/492 (67,48%) báo hiệu rằng nhiều khả năng tình trạng u ám hiện nay của đất nước vẫn còn kéo dài, bởi những gì đáng gọi là “tinh tuý” của mình thì Thủ tướng đã “phát tiết” hết qua 8 năm làm Phó Thủ tướng Thường trực và 7 năm làm Thủ tướng rồi, thiết tưởng chẳng ai còn lý trí lại vẫn tiếp tục ngây thơ “kỳ vọng” ở đây cả;

    Con số 160/492 (32,52%) chính là mầm mống của dân chủ và trách nhiệm trong Quốc hội. Nếu như mọi sự thay đổi bao giờ cũng bắt đầu từ một nhóm cá thể thiểu số trong cộng đồng thì rõ ràng con số này thừa đủ để đem lại hy vọng cho chúng ta về một Quốc hội thực chất và thực quyền hơn trong tương lai.

    Cuối cùng, con số 160 (tín nhiệm thấp) + 122 (tín nhiệm) = 282/492 (57,32%) đủ cho Thủ tướng hiểu mỗi khi đứng trước diễn đàn Quốc hội rằng, hơn một nửa số đại biểu đang ngồi dưới kia hoặc là không tin tưởng ông hoặc chỉ dành cho ông một niềm tin đã bị sứt mẻ.

    Bất luận thế nào, ý nghĩa của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nói chung và Thủ tướng nói riêng cũng vượt lên trên kết quả còn đáng thất vọng của nó./.
    LÊ ANH HÙNG

    Trả lờiXóa
  5. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 11/4 về quy định xử lý trách nhiệm liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư công, ông Nguyễn Sinh Hùng có những phát biểu “cóc chết” chịu hổng nỗi. Ấn tượng nhất là câu: “Chủ tịch Quốc hội cũng không phải người đứng đầu Quốc hội”. Chưa đủ. Ông leo ra khỏi ghế đang ngồi và chui đầu vào quần chúng với lời nhấn mạnh: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.

    Sự việc là như vầy:

    Các đỉnh cao trí tuệ của đảng "ta", sau khi được đảng cử dân bị ép đi bầu, ngồi vào ghế quốc hội, tụm ba tụm bảy lại họp bàn chuyện: người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công sẽ chịu trách nhiệm và bị xử lý ra sao nếu dự án kém hiệu quả, thất thoát, làm sai...?

    Trước tiên, ông Nguyễn Sinh Hùng lý luận theo kiểu bán cái một nửa: “quyết chủ trương đầu tư là cơ quan dân cử, quyết dự án là thủ trưởng cơ quan hành pháp.”

    Sau khi tống một nữa “quyết” sang cho thủ Dũng, ông Hùng tiếp tục... cắt xén bớt phần của bộ phận do ông đứng đầu trách nhiệm: “Quốc hội chỉ quyết chủ trương các công trình đặc biệt quan trọng tác động đến toàn bộ nền kinh tế (chứ không phải tất cả công trình đều đưa ra Quốc hội và hội đồng nhân dân quyết.)”

    (Phiền là ông cũng không cho biết các công trình không đặc biệt, không quan trọng thì “đứa” nào quyết để có gì lôi đầu nó ra mà khiển nếu làm sai).

    Nhưng cũng... tạm được đi; các đồng chí lãnh đạo khi đã bán cái rồi thì dân đành phải... mua thôi. Vậy cái phần còn lại - phần công trình đặc biệt quan trọng tác động đến toàn bộ nền kinh tế - tức là những quả đấm thép, những siêu dự án do quốc hội "quyết" mà nếu thất bại, thất thoát... cả nước sẽ tiêu điều - thì sao?

    Dạ thưa bà con, ông chủ tịch quốc hội nhấn mạnh, nhấn mạnh và nhấn mạnh:

    Thứ nhất: “Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu quyết sai cũng phải nhận khuyết điểm chứ không phải kỷ luật.”

    Tức là (xin lỗi bà con - phiên dịch dân gian một chút): tao muốn nhận khuyết điểm thì tao nhận, nhận xong huề tiền, không có thằng nào vào đây kỷ luật tao cả!

    Thứ hai: “Chủ tịch Quốc hội cũng không phải người đứng đầu Quốc hội. Vì thế, không thể vì cả 500 đại biểu bỏ phiếu mà kỷ luật cả 500 vị hay kỷ luật ông Chủ tịch.”

    Tức là (lại xin lỗi bà con): tao là chủ tịch nhưng không phải là người đứng đầu (thằng nào đứng đầu? kệ cha nó!). Tụi bây 500 đứa bỏ phiếu chẳng lẽ kỷ luật hết tụi bây (thì lấy ai ngồi trên đầu đám dân mà làm việc). Và không lẽ tụi bây 500 đứa bỏ phiếu lại đem cái đầu hói (nhưng không phải là cái đầu... đứng đầu) của tao ra gõ!?

    Thứ ba: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai.”

    Tức là (thôi không phải xin lỗi bà con nữa): ai biểu chúng bây bầu chúng ông, chúng ông quyết tức là chúng bây quyết. Chúng bây ráng mà chịu!

    Dạ thưa bà con cô bác! Chuyện thường tình dưới huyện. Đến giờ này nếu ai còn ngạc nhiên với thái độ, phong cách cai trị thấp hơn lai quần của các lãnh đạo đảng "ta" thì xin mời lên sao hỏa mà định cư. Nhưng phải thú thật, chuyện sáng ngày 11/4/2014 và những lời phát biểu của Nguyễn Sinh Hùng thì đến cái lai quần nếu có mắt, nhìn xuống thấy cái đầu hói chủ tịch đang chui vào quần (chúng) cũng phải xấu hổ.

    Và chúng ta nghĩ sao khi cá nhân mình, vì lý do này hay lý do khác đã từng đánh dấu vào tên họ của những kẻ này trên phiếu bầu ĐBQH để bây giờ chúng vênh vang:

    Quốc hội tức là dân
    Dân quyết sai thì dân chịu...

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips