Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Hẽm hỉu?

Một quyết định về nhân sự bình thường, rõ ràng; dễ hiểu, cấp dưới cứ thế thi hành... Chuyện chẳng có gì ầm ĩ nếu không có sự Cục ta lăn mất hút... Công luận phản ứng dữ dội, ai đã "nhắm mắt" vo một thằng nghi phạm tày đình này thành cục?

Ma Ma tổng quản (nơi phát hành cái quyết định trên) đăng đàn sang sảng
Ma ma Dame nói cấm có sai vì khi nhận cái quyết định trên cùng kia... Từa tựa như có anh Đoàn cấp trên ra quyết định chuẩn y kết nạp cô cậu XYZ nào đó vào đoàn thì anh bí thư cấp dưới cứ thế mà mần... Thượng La không biết mần mới là chuyện lạ!
Chắc nghe thiên hạ nói rát tai quá cái anh ký quyết định trên cùng kia
(hay lại ví từa tựa như cái anh Đoàn cấp trên nọ), bỗng dưng hóa ngẩn, truyền lệnh cho cấp dưới: "Làm cho rõ việc bổ nhiệm?" "Làm rõ quy trình kết nạp?"
Thật hẽm hiểu nổi...
Đời sao lắm thằng khoái ngửa mặt lên trời mà nhổ thía này?

14 nhận xét:

  1. Trong vụ này, có một thứ logic đơn giản vô cùng. Đó là Dương Chí Dũng là một “chủ doanh nghiệp” dưới quyền quản lý trực tiếp của ông thủ tướng. Việc có một cơ quan đề nghị “xin” y, thì đương nhiên “ông chủ lớn” của “ông chủ con” này phải được giải trình rất kỹ lưỡng lý do, phải nắm rất rõ năng lực, tư cách đạo đức của hắn, thế rồi “ông chủ lớn” mới quyết chứ. Vậy mà giờ thì “ông chủ lớn” lại ra lệnh “báo cáo” việc thực hiện quy trình bổ nhiệm mà chính ông là mấu chốt quyết định hầu như toàn bộ trong cái quy trình đó, để tìm cho ra kẻ nào phải chịu trách nhiệm vụ này ư?

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện ông Dương Chí Dũng và Vinalines thiên hạ bàn tán xôn xao suốt mấy tuần này cũng xung quanh mỗi chữ tài, ấy là nói chữ tài liền với chữ tai, mầm mống của cái họa. Chữ tài loại này không hiếm ở nước nhà, khi tham nhũng là quốc nạn thì thì cái chữ tài ấy có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, đố ai chỉ ra được chỗ nào không có. Tuy vậy hiếm có chỗ nào lại có lắm cái chữ tài điêu đứng như Vinashin trước đây, bây giờ là Vinalines và ông Dương Chí Dũng.

    Trong ba năm (2003-2005) ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tổng Cty Xây dựng đường thủy (thuộc Bộ GTVT) để lại khoản lỗ gần 412 tỷ đồng. Chưa thấy ông bị xử lý kỉ luật gì thì tháng 8/2005 ông lại được điều về làm Tổng giám đốc Vinalines. Đó là một cái tài. Về Vinales ông mua 73 con tàu cũ, làm lỗ 3.800 tỉ. Chưa hết, công cuộc mua ụ nổi của ông chắc chắn sẽ nổi tiếng khắp thế giới. Bởi vì không một doanh nghiệp nào trên thế giới lại kiên quyết bới đống sắt cũ 22 năm của Nga, kiên quyết chi cho được 24,3 triệu đô la, kiên quyết kéo về nước nhà để duy tu bảo dưỡng mỗi năm mấy trăm ngàn đô. Tài quá là tài.

    Cứ tưởng tài đến thế là cùng, ông Dũng lập tức chấm dứt sự nghiệp ở đây, cánh cổng nhà tù đang chờ ông trước mặt, ai dè ông được “ thuyên chuyển công tác” tháng 1/2012 trước khi có kết luận của Thanh tra chính phủ vào 2/2012, tức chỉ một tháng. Đây là tháng thiên tài, bởi nhờ cái tháng này mà Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định “việc bổ nhiệm này là đúng thẩm quyền và đúng quy trình thủ tục theo các quy định về cán bộ của Đảng, Nhà nước”, vì : “không có quy định nào về việc không được điều động, bổ nhiệm cán bộ khi đơn vị đang có tranh tra.” Tài này bằng bố tài trước khiến thiên hạ lác mắt kinh hồn.

    Trả lờiXóa
  3. Hóa ra việc bổ nhiệm cán bộ chỉ cần đúng qui trình, không cần quan tâm ông cán bộ này làm ăn ra sao, bị thanh tra thế nào. Bỏ qua phẩm chất ông cán bộ được cân nhắc, chỉ cần làm đúng qui trình, làm thật nhanh, nhanh đến nỗi trong vòng một tháng mọi việc đã êm như nhíp. Tài này quả có một không hai. Nhà văn Thùy Linh nói rằng “quá trình bổ nhiệm không sai”, “Vậy thì sai từ đâu, ở chỗ nào? Liệu có thể hỏi: nếu qui trình đúng mà vẫn ra kết quả sai thì có nghĩa qui trình sai mà cứ khăng khăng là đúng?” Đây quyết không phải là câu hỏi nhỏ.

    Tài hơn nữa là tháng trước ông Dương Chí Dũng lên chức, tháng sau Thanh tra chính phủ thông báo con tàu Vinalines do thuyền trưởng Dương Chí Dũng sắp chìm ( thực tế là đã chìm), tháng sau nữa Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố Bộ GTVT sẽ rót 100 ngàn tỉ để cứu Vinalines. Tháng sau nữa công an thông báo bắt ông Dũng ngày trước, ngày sau lại thông báo ông Dũng trốn rồi. Lạy chúa, tài đến thế là cùng! Vì thế mà Bí thư thành ủy Thành phố Đà Nẵng đã cay đắng nói trước Quốc Hội: “Chủ tịch ( HĐQT) bỏ chạy, công an không bắt không được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra.”

    Bao giờ chấm dứt được những chuyện như đùa nói trên? Có lẽ không bao giờ, khi tham nhũng là môi trường đẻ ra những cái tài nói trên vẫn còn nguyên đấy. Sau mười năm cả nước sôi sục chống tham nhũng từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài, ai ai cũng giơ cao ngọn cờ chống tham nhũng, tóm lại càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng bền vững phát triển từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài. Đó là một cái tài, tài này bao trùm hết tất cả những cài tài kia, và có tên là TAI HỌA
    Nguyễn Quang Lập

    P/s: Lý do điều ông Dũng rời khỏi Vinalines được ông Đinh La Thăng giải thích là vì “Tập thể Vinalines khi đó mất đoàn kết, cần thay một vị trí chủ chốt”. Chuyển một cán bộ được coi là trung tâm gây mất đoàn kết lên nắm quyền lãnh đạo một cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo cái nơi ông cán bộ này vừa gây mất đoàn kết! Quả là phương pháp điều động cán bộ thiên tài, chỉ có Bộ trưởng Đinh La Thăng mới có

    Trả lờiXóa
  4. *Cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng được hoan nghênh, trao chức vụ cao nếu gia nhập hội.

    Theo một nguồn tin chưa đáng tin cậy, ngày 1.6, Hội doanh nhân Việt Nam trốn chạy truy nã ở nước ngoài (còn có tên gọi khác là Hội doanh nhân Cao chạy xa bay) đã được chính thức thành lập tại Hồng Kông. Hội doanh nhân này hiện mới có khoảng 10 thành viên do ông Hồ Ngọc Tùng, nguyên Giám đốc Công ty Tài chính Vinashin (VFC) làm Chủ tịch. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của hội là ông Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kế hoạch Công ty Vận tải Viễn Dương Vinashin cũng thuộc tập đoàn Vinashin. 2 ông này hiện đã bị truy nã theo lệnh truy nã quốc tế của cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an Việt Nam.

    Phát biểu tại lễ thành lập Hội, ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam trốn chạy truy nã ở nước ngoài cho biết: "Hiện nay, mặc dù số hội viên của hội chưa nhiều nhưng chúng tôi tin rằng, số lượng các thành viên của hội sẽ ngày một lớn trong thời gian tới".

    Lý giải về điều này, theo ông Hồ Ngọc Tùng, do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tình trạng kinh doanh thua lỗ, luật pháp lại chưa hoàn thiện, có nhiều điểm trồng chéo, mâu thuẫn khiến lãnh đạo doanh nghiệp dễ mắc sai phạm...dẫn đến số doanh nhân vi phạm pháp luật do những nguyên nhân khách quan và chủ quan ngày càng nhiều. Nhưng do đã quen sống trong điều kiện vật chất đầy đủ nên nhiều doanh nhân lo ngại không chịu đựng nổi hoàn cảnh sống khó khăn trong các trại giam nên họ sẽ tìm cách trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật".

    "Đây là những cơ sở thực tế để chúng tôi đặt niềm tin rằng, Hội của chúng tôi sẽ phát triển nhanh trong tương lai", ông Hồ Ngọc Tùng khẳng định.

    Tại cuộc họp báo được tổ chức cùng ngày, ông Tùng cho biết, sở dĩ trụ sở hội đặt tại Hồng Kông vì đây là địa điểm ăn chơi, nghỉ dưỡng khá tốt cho các thành viên của hiệp hội sau nhiều năm tháng làm việc vất vả trong nước. "Hơn nữa, Hồng Kông là vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên nếu phát hiện việc doanh nhân Việt Nam bỏ trốn, họ cũng không thực hiện việc bắt giữ, dẫn giải doanh nhân đó về Việt Nam. Thậm chí họ còn hoan nghênh các doanh nhân Việt Nam chẳng may bị truy nã đến đây để đóng góp, phát triển kinh tế, dịch vụ của Hồng Kông", ông Tùng vui vẻ tiết lộ.

    Trả lờiXóa
  5. Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Hội DNVNCTTN ở nước ngoài, ông Giang Kim Đạt cũng cho biết: "Để thu hút hội viên, chúng tôi mở rộng thành phần là tất cả các doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước. Các hội viên được ưu tiên nhập hội là chủ tịch, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, trưởng phó ban các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước. "Điều kiện duy nhất cho việc gia nhập hội là doanh nhân phải in sao được văn bản lệnh truy nã từ Việt Nam và có đóng góp kinh phí hàng năm từ 5000 USD trở lên. Với cấp lãnh đạo tập đoàn nhà nước là phải có từ 50.000 USD trở lên. Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là một phần không đáng kể trong số tiền mà nhiều doanh nhân đã lừa đảo, chiếm đoạt, tham nhũng…đuợc ở Việt Nam", ông Giang Kim Đạt nói thêm.

    Trả lời câu hỏi của các phóng viên là tại sao hội doanh nhân trên thu mức phí quá cao như vậy, ông Giang Kim Đạt cho biết, hội sẽ phải sử dụng số tiền này để chi trả các khoản phí thường xuyên rất cao cho sinh hoạt của các hội viên tại các tụ điểm ăn chơi và phát triển chi nhánh tại các nước sau này.

    "Chúng tôi cũng còn phải chi trả các khoản tiền lớn để giúp các hội viên thay hình đổi dạng để trốn tránh mạng lưới truy bắt gắt gao từ cơ quan bảo vệ pháp luật ở trong nước và Interpol quốc tế. Hàng năm, chúng tôi còn phải chi tiền để nuôi các cán bộ, nhân viên an ninh sân bay, nhân viên hải quan tham nhũng, biến chất tại các cửa khẩu... để tạo điều kiện cho các doanh nhân đến gia nhập hội hoặc các thành viên tro về Việt Nam thăm gia đình hoặc đón gia đình sang tụ họp ở Hồng Kông hoặc các chi nhánh", ông Đạt nói thêm.

    Đáng chú ý, cuối buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên tạp chí "Chó Săn": "Chúng tôi không biết hiện nay ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch tổng công ty Vinalines-người đã bị truy nã ở trong nước đã gia nhập hội của các ông chưa ?", ông Hồ Ngọc Tùng không trả lời thẳng vào câu hỏi mà úp mở nói rằng: "Chúng tôi đánh giá cao những thành tích anh Dũng đã tạo ra ở Vinalines. Do đó, anh Dũng được hoan nghênh và sẽ được giữ chức vụ cao nếu đồng ý gia nhập Hội Doanh nhân Việt Nam trốn chạy truy nã ở nước ngoài".

    Ông Tùng còn nói thêm: hiện nay chúng tôi chưa thành lập chi nhánh của hội ở trong nước do tình hình truy bắt doanh nhân vi phạm pháp luật trong nước khá gắt gao. Tôi được biết mới đây có thêm một số doanh nhân bị truy nã trong nước như ông Ngô Đình Năm -Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính xây dựng quốc tế Hội Nhập bị khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;

    Trả lờiXóa
  6. Đoàn Văn Hùng, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Anh 99 ở Quảng Ninh..."Chúng tôi chưa liên lạc được với các ông này nhưng rất mong qua các phương tiện thông tin đại chúng, xin gửi lời mời gia nhập hội tới các doanh nhân này. Gia nhập hội chúng tôi, các anh sẽ có được sự bình yên, an toàn tuyệt đối", ông Hồ Ngọc Tùng chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ tại cái quy trình!
    Tiếp nối câu chuyện mà Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gọi là “như chuyện đùa”, các quan chức của Bộ GTVT, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ liên tiếp đăng đàn giải thích về việc bổ nhiệm vị cục trưởng đang bỏ trốn.

    Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ. Việc bổ nhiệm ông Dũng là đúng quy trình, thẩm quyền. Các hồ sơ khi báo cáo lên chưa có thông tin về sai phạm của ông Dũng”. (VnExpress, 27-5)

    “Đúng quy trình”, “đúng pháp luật”, “đúng chỉ đạo”,… là những cách giải thích thường thấy của các quan chức khi đứng trước những nghi ngờ của dư luận, là tấm bình phong có vẻ hợp lý nhất để che chắn cho họ trước áp lực của chính trường.

    Đầu tháng 4, giải thích cho vụ bê bối liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng toàn bộ quy trình hiệp thương từ vòng 1 đến vòng 3 đều được tiến hành đúng luật. Kết quả là sau đó, Quốc hội đã phải biểu quyết miễn nhiệm bà Yến với lý do khai báo hồ sơ không trung thực.

    Vào thời kỳ trước Đổi mới, các quyết định điều hành nền kinh tế cũng đã được các nhà lãnh đạo thực hiện đúng quy trình, kết quả là chúng ta đã cán mốc lạm phát hơn 450% vào năm 1986 và đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn bộ nền kinh tế. Tại Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI, các chính sách kinh tế kế hoạch hóa tập trung đó đã bị phê phán và dần bị thay thế bởi cơ chế kinh tế thị trường.

    Trả lờiXóa
  8. Với quá nhiều bê bối từng diễn ra trong một quá khứ không xa, Việt Nam tỏ ra là một đất nước có nhiều kinh nghiệm đối với các loại quy trình gây ra thảm họa. Khi một quyết định được khẳng định là ban hành đúng quy trình nhưng cuối cùng lại gây ra thiệt hại, thì cách giải thích duy nhất là bản thân quy trình ấy và cơ chế ban hành ra quy trình ấy có vấn đề. Quy trình, pháp luật, hay chỉ đạo đều chỉ là công cụ chứ không phải là mục đích của quản lý xã hội. Đứng trước một thiệt hại đã xảy ra trên thực tế xuất phát từ một quy trình kém chất lượng, một quan chức có trách nhiệm là người đốc thúc cải tiến quy trình, đề xuất các giải pháp pháp lý để hoàn thiện quy trình, chứ không phải viện dẫn đến quy trình như một hành xử chính trị thuần túy.

    Trả lờiXóa
  9. Dù cố chọn những điểm Bộ trưởng GTVT trả lời có vẻ thỏa đáng nhất về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, các đại biểu Quốc hội vẫn thấy chưa chấp nhận được.

    Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng việc Bộ GTVT khẳng định bổ nhiệm đúng quy trình là có vấn đề gì đó chưa được sáng tỏ. Không thể nói ông Dũng được bầu làm Bí thư Đảng ủy, được cử đi dự Đại hội Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ… vì như thế, vô hình chung, một cán bộ chỉ để phụ trách Đảng ủy khối?

    Có vấn đề mất đoàn kết tại Vinalines như Bộ trưởng Thăng đã khẳng định thì việc rút người đứng đầu đi để đơn vị đỡ mất đoàn kết cũng là không ổn. Đã mất đoàn kết thì phải đề nghị xử lý kiểm điểm, xem nguyên nhân trách nhiệm thuộc về ai, do cấp dưới có chống đối gì với Chủ tịch Hội đồng thành viên hay do trách nhiệm người đứng đầu. Phải làm rõ việc này, chứ không phải thấy mất đoàn kết nên đưa ông này đi để… giải cứu.

    Cũng theo lời Bộ trưởng Thăng, việc mất đoàn kết nội bộ đã được biết từ tháng 9/2011. Như vậy là cán bộ có vấn đề rõ ràng nhưng lại đẩy về Cục Hàng hải. Như vậy, Cục này nơi chứa cán bộ kém hay sao, trong khi vai trò quản lý nhà nước của Cục không kém hơn doanh nghiệp, ông Minh nhấn mạnh.

    Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng không thể nói quy trình chuẩn khi điều động cán bộ để “gỡ” mất đoàn kết. Lý do đưa ông Dũng đi khỏi Vinalines vì nội bộ ở đó mất đoàn kết thì không thể chấp nhận được. Một người thủ trưởng mà để xảy ra mất đoàn kết ở cơ quan, sau đó lại được điều đi chỗ khác, về mặt quy trình không thể nói là chuẩn được. Lựa chọn một cán bộ trước hết phải bảo đảm người đó là hạt nhân của đoàn kết tại đơn vị.

    Ở một nơi đang mất đoàn kết nội bộ như Vinalines, có thể phải điều ông Dũng đi nhưng đúng ra là phải rút về một đơn vị nào đó để chờ giải quyết chứ không phải rút để đề bạt vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải.

    Trả lờiXóa
  10. Đúng là đối với các TCty 91 như Vinalines, Chủ tịch Hội đồng thành viên do Thủ tướng bổ nhiệm, chức vụ còn cao hơn Cục trưởng, Vụ trưởng. Nhưng ở trương hợp này, là người đứng đầu 1 doanh nghiệp mà vẫn để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, thì việc rút về làm Cục trưởng Cục Hàng hải càng không nên vì ở vị trí quản lý nhà nước, về điều hành vĩ mô, sức lan tỏa còn lớn hơn phạm vi một doanh nghiệp, càng phải xem xét uy tín cẩn thận hơn.

    Ông Dương Trung Quốc thì lại cho rằng lý giải của Bộ trưởng Thăng về việc bổ nhiệm này cũng có lý lẽ khi việc này rơi vào hoàn cảnh cụ thể như vậy. Ông vốn quen biết ông Dũng và cả ông Nguyễn Thanh Bình (Chủ tịch HĐQT Vinashin), tự thấy đấy đều là những cán bộ có năng lực nhưng chính cơ chế quản lý đang giết chết con người.

    Tất cả những lý lẽ, phân trần là của người trong cuộc nói ra. Bản thân Bộ trưởng Thăng cũng là người mới về địa bàn, không dễ nắm được ngay. Hơn nữa, có thể mục đích tốt nhưng việc cuối cùng lại không như mong muốn. Ở đây có thể nói là có sự quan liêu, không sát chăng?

    Ông Dương Trung Quốc cho rằng người khôn ngoan không ai điều động cán bộ trong thời điểm đang có thanh tra. Nhưng đôi khi cũng có những tình huống cụ thể, khó có thể phán xét. Ở đây có 2 nghi vấn đặt ra, có quan hệ riêng để nâng đỡ nhau, thậm chí cả việc “chạy tội” cho nhau nữa hay lại chỉ là một tình huống mà theo chủ quan người có trách nhiệm nghĩ đó là một giải pháp tốt. Mà như Bộ trưởng Thăng nói giải pháp điều chuyển ông Dũng không phải là của cá nhân Bộ trưởng mà còn có cả Đảng, các cấp lãnh đạo ở Bộ GTVT và cả Bộ Nội vụ. Thực tế, việc đó không hề đơn giản.

    Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rõ trên báo chí rằng nếu bổ nhiệm sai ông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Vậy nếu Bộ trưởng đúng thì trách nhiệm thuộc chỗ nào?

    Trả lờiXóa
  11. Trả lời chất vấn về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng, Bộ trưởng GTVT nói rõ: "Việc bổ nhiệm đã được bộ thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình, quy định về công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm cán bộ của Đảng và Nhà nước và đúng thẩm quyền. Các bước đều đảm bảo tính dân chủ, tập thể có đánh giá nhận xét của cấp ủy, chính quyền nơi ông Dũng công tác và có sự bàn bạc tập thể, sự thống nhất tuyệt đối của Ban Cán sự Đảng bộ GTVT"*.

    Tuy vậy, Bộ trưởng vẫn "xin được nghiêm túc nhận khuyết điểm sâu sắc về việc này" (tức là việc bổ nhiệm ông Dũng). Thái độ nghiêm túc này thật là đáng quý. Mà vì vậy, ở đây không thể chỉ là quy trách nhiệm cho người "nghiêm túc nhận khuyết điểm", bởi thế thì thật oan cho ông ta quá. Vì sao? Vì ở đây đã "có sự thống nhất của Ban Cán sự Đảng", mà là một sự thống nhất tuyệt đối cơ mà! Vậy là, nếu có kỷ luật thì phải kỷ luật những ai đã tuyệt đối thống nhất với việc bổ nhiệm chứ. Nhưng như thế lại oan cho cả một tập thể Ban Cán sự Đảng GTVT. Vì rằng, họ tuyệt đối chấp nhận chí ít cũng từ hai lẽ: một là về nguyên tắc thì ở đây đã "thực hiện đúng và đầy đủ quy trình quy tắc, lại đúng thẩm quyền", hai là về phương pháp thì "các bước đều đảm bảo tính dân chủ, tập thể"! Có "chẻ sợi tóc làm tư" cũng khó mà tìm ra một thiếu sót cá nhân nào!

    Thế là, vấn đề nghiêm túc đặt ra trong chuyện này, và cũng trong những nội dung trả lời của các vị bộ trưởng khác trong mấy ngày qua tại diễn đàn QH: cái quy chế, quy trình gì mà đẩy tới nhưng sai phạm khó hình dung nổi, các bước tiến hành đảm bảo tính dân chủ và tập thể gì mà rồi vẫn để phạm sai sót, vậy thì cái nội dung "dân chủ" và "bàn bạc tập thể" ở đây liệu có phải soát xét lại không? Đến ngay như chuyện tày đình là can phạm bỏ trốn, hoặc chuyện từng xảy ra ở Tiên Lãng, ở Văn Giang thì Bộ trưởng Bộ Công An đã đính chính: "công an không phải là lực lượng đi cưỡng chế" và giải thích rõ "công an chỉ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự"*. Thì ra, những búc xúc lâu nay của xã hội đều do nhận thức nông cạn cả.

    Trăm sự thì cứ như ông Bộ trưởng TNMT là ổn nhất: trả lời câu hỏi khi nào Bộ sẽ có kết luận về vụ Văn Giang, ông dõng dạc: "Không có kết luận gì cả... quá trình thực hiện, tỉnh đã làm theo quyết định của Thủ tướng, thực hiện chính sách đền bù cơ bản là tốt... do các thế lực bên ngoài lợi dụng kích động nên trở thành vấn đề chính trị chứ không phải sai phạm gì"*.

    Họa trung hữu phúc, trong cái rủi có cái may, nhờ những lùm xùm vừa qua mà từ trả lời của các vị bộ trưởng tại QH, ta hiểu ra được cái "quy trình" và những cái "quy định", mà cứ theo đó với những "dân chủ bàn bạc và thống nhất tuyệt đối" vẫn cứ dẫn đến những sai lầm tệ hại như vậy đã cho thấy đây là những lỗi hệ thống cần phải xem xét một cách tổng thể, có vậy mới đỡ cho các đồng chí của ta bị oan. Quả thật, đúng như C. Mác đã nói: “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó… Một khi cuộc sống đã vuợt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối". Tìm cho ra "những quy luật khác" này mới là mấu chốt của vấn đề.

    Tương Lai
    Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
    Bài đăng trên tạp chí Thế Giới Mới ngày 17.6.2012
    Chú thích:
    * Báo Lao Động ngày 15.6.20142, tr. 3
    ** C. Mác và Ph. Angghen toàn tập. NXB CTQG, Tập 23, 1993, tr. 34

    Trả lờiXóa
  12. Cơn khủng hoảng triền miên ở Vinalines và nhân vật Dương Chí Dũng (bài 4)
    Sinh ngày 5 tháng 5 năm 1957 tại Hải Dương trong một gia đình nền nếp rồi lớn lên trên đất Hải Phòng, ông anh cả Dương Chí Dũng (DCD) không theo nghiệp cha mà đòi sang Cộng hoà dân chủ Đức học nghề. Chẳng biết ở phía trời Tây xa ngái ông học hành đến đâu nhưng cũng ôm được bằng “Tiến sĩ” mang về nước…
    Cái mác học ở Đức cộng với nhiều khoản chi chác giúp ông mau mắn thăng đến chức Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tổng công ty xây dựng đường thủy để rồi 3 năm sau trở thành người đứng đầu ngành kinh tế biển VN.

    Việc ông từ đâu bay đến làm Tổng chỉ huy hàng triệu tấn tàu, nắm đầu các con sói biển quen ăn sóng nói gió, lang bạt khắp bốn biển năm châu đã gây bất ngờ đến sửng sốt. Đối với nhiều người gạo cội trong ngành đường biển, một nhân vật chưa từng biết ngành hàng hải là gì như ông đột ngột trở thành “thuyền trưởng” là sự nhục mạ niềm kiêu hãnh của nghề biển đầy gian nan thử thách. Mấy chục năm qua, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình tên tuổi những bậc tiền bối như Lê Văn Kỳ, Trần Xuân Nhơn, Đinh Ngọc Viện rồi tới thế hệ nối tiếp như Chu Quang Thứ, Vũ Ngọc Sơn… đều là những người khả kính, xây đắp và gìn giữ uy danh nghề biển, mang lá cờ đỏ sao vàng đi tới mọi bến bờ xa lạ.

    Ông DCD là người ngoại đạo; ông không hiểu hết lòng người trong cuộc, không đánh giá hết mọi thuận lợi khó khăn nên ông không thu phục được nhân tâm, không tập hợp được sức mạnh, mà trái lại làm cho sự ly tán lan rộng, chia rẽ bè phái trở nên nghiêm trọng. Đã vậy, khi ông chọn ông Mai Văn Phúc từ Quảng Ninh về làm TGĐ thì những mâu thuẫn nội bộ ngày càng tăng lên. Người ta dễ dàng nhận ra rằng, hai ông hợp sức với nhau, tỏ ra ăn ý với nhau không phải để chăm chút cho sự phát triển bền vững của ngành, càng không phải để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, vươn ra Biển Đông bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những việc làm khuất tất, mờ ám, tìm cách vơ vét cho đầy túi tham của các ông không qua nổi con mắt của nhiều người trong cuộc.

    Đợt thanh tra Vinalines của Thanh tra Chính phủ tiến hành từ tháng 9 tới tháng 12 – 2011 là cuộc thanh tra theo kế hoạch nhưng lại chọn thời điểm cực kì chính xác. Khi ấy mâu thuẫn nội bộ đã đi đến đỉnh điểm, chẳng còn gì phải giấu giếm nên vào ngày 19 - 10 – 2011, khi đến làm việc tại Vinalines lần đầu tiên kể từ ngày nhận chức Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng được nghe rõ mọi chuyện. Sau buổi làm việc này ông Đinh La Thăng quyết định cần phải mau chóng đưa ông DCD rời khỏi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines (ông DCD được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm lại ngày 18-7-2011).

    Tuy nhiên ông cũng hiểu rằng đây là “trường hợp đặc biệt” nên ông phải thận trọng vì ông DCD (và kể cả ông) là những nhà “hảo tâm” hiếm hoi giúp Chính phủ giải quyết vụ Vinashin. Ông đã công thành danh toại và còn có thể đi xa nữa. Dù chỉ mới làm việc với nhau nhưng hai ông đã biết nhau từ lâu do vậy ông DCD phải được đền bù xứng đáng với những việc ông đã làm từ giữa và cuối năm 2010.

    Trong khi đó ông DCD cũng thừa khôn ngoan để tận dụng cơ hội này đưa ra điều kiện có lợi cho mình nhất trước khi đồng ý rời khỏi chức Chủ tịch Vinalines. Phương án hoán đổi vị trí giữa ông và đương kim Cuc trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Ngọc Huệ là phương án phù hợp nhất, được các bên tham vấn và phản biện mau chóng thống nhất ý kiến.

    Được bật đèn xanh ông Đinh La Thăng triệu tập hội nghị Ban cán sự Đảng bộ GTVT và ra nghị quyết số 51 gửi tới Thủ tướng và các cơ quan liên quan đề nghị cho hoán đổi chức vụ. giữa ông DCD và ông Nguyễn Ngọc Huệ.

    Trên cơ sở đó, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương có văn bản số 492 đồng ý với phương án chuyển đổi của Bộ GTVT. Đến thời điểm này, Ban cán sự Đảng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Bí Thư ra nghị quyết chấp nhận đề nghị của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương và của Ban cán sự Đảng, Bộ GTVT cho ông DCD thôi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines đồng thời Bộ trưởng GTVT sẽ bổ nhiệm ông DCD làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN.

    Trả lờiXóa
  13. Sau khi nhận được các văn bản của các cấp ủy Đảng, ngày 9-1-2012, Bộ Nội vụ có văn bản số 07 trình Thủ tướng ra các quyết định liên quan tới ông DCD và ông Nguyễn Ngọc Huệ.

    Việc cho ông DCD thôi chức và bổ nhiệm giữ chức vụ mới đã được các cơ quan từ Chính phủ tới Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ GTVT thực hiện các bước rất bài bản, có sự thống nhất ý kiến của tất cả các bên liên quan.

    Cho tới lúc này cán bộ, viên chức ở Cục Hàng hải VN và Vinalines đều biết tường tận về việc hoán đổi vị trí và quyết định của Thủ tướng chỉ còn là vấn đề thời gian bởi Tết âm lịch đã cận kề. Hình như theo phong tục và tâm lý của các nhà tổ chức người ta muốn cho mọi người ăn Tết vui vẻ… Vì vậy ở ngôi nhà số 2 ngõ 26 đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa Hà Nội, gia đình ông DCD vẫn đông đúc người ra vào chúc Tết.

    Ngày 1-2-2012, Thủ tướng kí quyết định bãi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực VN của ông Đào Văn Hưng, ông ta phải kiểm điểm mới được Bộ Công thương giao việc khác. Tới ngày 6-2, đến lượt ông DCD nhận quyết định số 142 do Thủ tướng kí nhưng câu chữ mướt mát hơn nhiều lần ông Hưng. Đó là cho thôi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines để Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN. Trên cơ sở quyết định này, ông Đinh La Thăng kí ngay quyết định số 221 vào chiều 6-2 bổ nhiệm ông DCD theo lệnh của Thủ tướng.

    Như vậy việc bổ nhiệm ông DCD không chỉ là ý chí chủ quan của ông Đinh La Thăng hoặc nói cho đúng hơn, các cơ quan liên quan đã thống nhất ý chí trong việc hoán đổi.

    Vậy thì tại sao người ta lại không dám thừa nhận sự thật mà cứ quanh co đổ lỗi cho nhau???

    Trong vụ chuyển đổi này người hưởng lợi nhiều nhất là ông DCD. Cái chức Cục trưởng không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng ông vẫn giữ được vị thế của mình và trong tương lai không xa, khi Cục Hàng hải VN được nâng thành Tổng cục Hàng hải thì chắc chắn ông sẽ là Tổng cục trưởng đầu tiên. Con đường hoạn lộ tuy có bị ngáng trở chút ít nhưng về lâu dài, ông vẫn có thể thăng tiến!

    Ngày 8-2-2012, tại trụ sở Vinalines một buổi lễ đón và tiễn nguời mới người cũ được tổ chức khá long trọng. Ông Đinh La Thăng tươi cười trao tặng mỗi người một bó hoa… Để rồi tới ngày 16-2 cũng tại Hội trường này Thanh tra Chính phủ công bố dự thảo kết luận đợt thanh tra Vinalines. Những số liệu dẫn từ kết luận này cho thấy trong mấy năm qua Vinalines có chiều hướng suy thoái, nhiều dự án liên doanh và đầu tư không có hiệu quả, có nhiều dấu hiệu thất thoát, có nhiều hiện tựợng tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật… Không cần nói nhiều người ta cũng hiểu ông DCD phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm, thất thoát, thua lỗ. Tuy nhiên cách xử lý như thế nào mới là vấn đề quan trọng.

    Trả lờiXóa
  14. Tuy nhiên một điều bất ngờ đã xảy đến, TGĐ công ty TNHH sửa chữa tàu biển phía Nam do ông gây dựng nên đã bị công an khởi tố và bắt tạm giam với tội danh tham ô tài sản XHCN. Những lời khai của họ trong trại tạm giam và những chứng cứ cụ thể thu thập được đã làm hại ông DCD và một số người khác. Ông đã phải đối mặt với cơ quan điều tra Bộ Công an để trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới những việc ông và ông Mai Văn Phúc đã làm trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Những bằng chứng buộc tội ông đã khá rõ rang. Ông vẫn đầy hy vọng sẽ lật ngược thế cờ bởi xung quanh ông có nhiều người thân tín, đã chịu ơn ông, đã gắn bó với ông qua nhiều phi vụ… Sau nhiều lần đàm đạo, cầu cạnh, nài nỉ, ông cảm thấy bất yên vì nguoi ta không thể hy sinh quyền lợi và uy tín cuu một ngừời như ông lần nữa.

    Ba mươi sáu chước chuồn là hơn… Cái kế tẩu vi thượng sách đã được lựa chọn.

    Và trong một đêm tối trời của tháng 5 nóng bỏng, ông lặng lẽ ra đi, để lại sau lưng mọi điều ngổn ngang.

    Ông có thể đánh đổi tất cả gia đình, vợ con, tiền bạc, danh vọng để thân xác ông không bị giam cầm trong chốn lao tù!

    Lê Trung Thành
    Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
    GHI CHÚ: Ông Nguyễn Nhọc Huệ nguyên Cục trưởng Cục hàng hải VN, đã tốt nghiệp tại trường Đại học Hàng hải Odesa – Ukraina khoá 1973 – 1978 và trở lại trường làm nghiên cứu sinh tứ năm 1989 – 1991. Ông đã giữ chức GĐ công ty tư vấn thiết kế đuờng thủy thuộc Tồng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEĐI) sau đó giữ chức Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục hàng hải VN.

    Theo quyết định số 143 ngày 6-2-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều động và bổ nhiệm ông làm Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips