Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Kinh đô bích họa của Mỹ

Philadelphia đã từng đau đầu với nạn graffiti khi cả thành phố có lúc như sống trong sợ hãi khi đi đâu, bức tường nào cũng loang màu sơn. Nhưng nay đã khác, Philadelphia bây giờ được xem là thủ đô của mural (bích họa), những cao thủ graffiti khi xưa giờ là những họa sĩ nổi tiếng.
Anti-Graffti
Chương trình Nghệ thuật Bích họa (Mural Arts Program, MAP) ra đời vào năm 1984 ở Philadelphia, một nỗ lực của thị trưởng Wilson Goode để xóa bỏ sự xâm lấn thái quá của graffiti đang tràn lan khắp thành phố.
Những năm đầu 1980, khi phong trào phun sơn graffiti lấn lướt trên nhiều bức tường của thành phố với những khẩu hiệu tranh giành địa vị xã hội và nhiều nội dung lộn xộn không ai kiểm soát nổi, thị trưởng W.Wilson Goode đã phải thành lập mạng lưới chống sơn phun graffiti (Anti-Graffiti Network- PAGN).
PAGN truy tìm những thanh niên vẽ graffiti, bắt họ cọ rửa và xoá các hình sơn phun. Nhưng vấn đề này vẫn tồn tại kéo dài. Vì những thanh niên khi bị phạt xong, ngay lập tức ban đêm họ lại dùng các hộp sơn và trổ tài trở lại.
Lúc này ở New York, chính quyền thành phố không biết cách xóa bỏ graffiti
thế nào nên cuối cùng phải thuê một xí nghiệp cọ rửa thường xuyên, vừa mất thời gian và tiền bạc.
Philadelphia không giống New York, sau nhiều lần đắn đo cuối cùng thì thị trưởng Wilson Goode quyết định "lấy độc trị độc". Ông cử nữ họa sĩ Jane Golden (ảnh trên) thành lập một chương trình nghệ thuật cho thế hệ trẻ của thành phố (The Mural Arts Program-MAP).
Philadelphia cũng đánh giá lại vai trò của graffiti như một năng lượng nghệ thuật bị đặt chưa đúng chỗ và có thể hướng những nghệ sĩ trẻ tuổi kia sang làm nghệ thuật. Điều đó sẽ có ích cho xã hội hơn là việc làm của họ ngấm ngầm phá hoại cộng đồng. Đáp lại, giới trẻ đồng ý hai tay.
Cho đến hôm nay, thành phố lớn nhất bang Pensylvania và đông dân đứng hàng thứ sáu của nước Mỹ đã có tổng cộng khoảng hơn 3.000 tác phẩm bích họa khổ lớn được vẽ trên các bức tường nhà, và mặc nhiên được mệnh danh là kinh đô bích họa của Mỹ.
Ngành du lịch của thành phố đã không ngần ngại khai thác ưu thế này để kinh doanh và hiệu quả kinh tế không phải là nhỏ. Mỗi năm, xe điện nơi đây đưa được khoảng 10 ngàn du khách lần lượt tham quan trên dưới 3000 bức bích họa đặc biệt này.
Riêng người dân nơi đây, họ không ngần ngại tỏ ra hoan hỉ về Philadelphia, họ có suy nghĩ chung khá giống nhau khi bày tỏ: "Cuối cùng thì các khu phố của Philadelphia cũng đã nổi tiếng và được mọi người biết đến với một bộ mặt khác hơn là tình hình tội phạm tại đây".

Bích họa tại Philadelphia thuộc loại "fresco", là thể loại tranh nổi, nhìn từ xa như cảnh thật. Đây là một kỹ thuật tranh tường đặc biệt, mà họa sĩ buộc phải vẽ trên một lớp vữa làm nền còn ướt. Việc vẽ tranh lên một lớp vữa chưa khô sẽ giúp chất liệu sơn thấm sâu vào bên trong mảng vữa đó và màu sắc sẽ bền lâu hơn với thời gian so với khi vẽ trên nền cứng. Do đó, thao tác phải điêu luyện, không phạm sai sót và phải hoàn tất nhanh chóng trong khoảng thời gian từ sau khi trét vữa cho đến khi vữa khô đi.
Nữ họa sĩ Jane Golden cho rằng "Những bức bích họa đã mang lại màu sắc, vẻ đẹp và sức sống cho thành phố công nghiệp già nua đang vùng vẫy với khủng hoảng kinh tế và sụt giảm dân số thời đó. Kết quả của chương trình vượt qua những gì mong đợi ban đầu. Từ khi khởi xướng tôi đã chứng kiến việc vẽ tranh tường làm thay đổi đời sống của thành phố như thế nào và các bức bích họa đã thay đổi gương mặt thẩm mỹ của thành phố ra sao".
MAP ra đời và nhận được không ít lời ngợi khen vì đã khơi dậy "niềm tự hào" cho cả một "cộng đồng" dân cư đa dạng sống tại Philadelphia, hiểu theo nghĩa các khu phố ở, với nhiều màu da, thậm chí... giới tính! Bởi có cả những bức tranh tường dành cho những đối tượng đồng tính nữ, những người chuyển đổi giới tính và những người Mỹ gốc Đức.
Chân dung Edgar Allan Poe
Nghệ thuật
Nhìn chung, tranh tường có hai dạng thể hiện tiêu biểu, đó là phong cảnh đô thị hoặc phong cảnh trữ tình lãng mạn và hình vẽ người hoặc chân dung nhân vật, như lời nhìn nhận của phó thị trưởng Philadelphia, ông Frank DiCicco: "Chúng tôi muốn thể hiện hình ảnh các nhân vật anh hùng nhưng đại chúng, được cộng đồng biết đến nhiều". Đó là các vận động viên, ca sĩ, thậm chí các uỷ viên hội đồng thành phố.
Các đề tài được thể hiện theo lối phúng dụ, tức diễn đạt một ý tưởng qua một câu chuyện tưởng tượng nào đó, đồng thời vẫn có các thể hiện theo trường phái siêu hiện thực và xoay chung quanh các chủ để về chiến tranh và sự chuộc tội.
Và xét về bản chất, các tác phẩm tranh tường tại Philadelphia mang cốt cách hàn lâm chứ không rập y khuôn theo lối vẽ của các thể loại tranh tường nguyên thủy.
Bốn khu vực Đông, Tây, Nam, Bắc của Philadelphia ganh đua nhau vẽ nên những tác phẩm ngoài trời đẹp, gây ấn tượng và mang dấu ấn văn hoá riêng của mỗi khu vực.
Bình quân, một cộng đồng dành đến 2 tháng để thực hiện một tác phẩm. Người ta từng chứng kiến cảnh các cầu thủ triệu phú của đội bóng bầu dục Philadelphia Eagles cầm cọ vẽ cùng các chú bé.
Đặc biệt có những khu nhà của cư dân nghèo luôn bị xa lánh bởi cảnh nhếch nhác và tội phạm rình rập cũng đã được lột xác khi những bức bích họa với nội dung và màu sắc tươi sáng xuất hiện
Bức tường Hòa bình có độ cao bằng tòa nhà 3 tầng do chính nữ họa sĩ Jane GoldenPeter Pagast thể hiện trên phố Wharton ở phía nam Philadelphia...
4 tòa nhà với cảnh của 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông do họa sĩ David Guinn thể hiện ở trung tâm thành phố...
hay mặt sau một tòa nhà là cả cảnh trời đêm trên thành phố với cậu bé với tay níu lấy vì sao được đặt trên ống khói do hoạ sĩ Donald Gensler, Jane Golden và các sinh viên trường đại học Pennsylvania thể hiện...
Thành công của chương trình hoạt động MAP đã mang lại cho tổ chức này nhiều khoản tiền tài trợ quý giá kể từ năm 2001 và các tổ chức xã hội này hiện đang hỗ trợ 40% trong tổng kinh phí hoạt động của MAP là 8 triệu USD.
Và cũng đã có 20.000 đối tượng thanh niên đăng ký tham gia vào việc triển khai thực hiện các bức vẽ lớn, họ đến từ nhiều tổ chức hội đoàn của các khu phố, từ các trường học và cả từ các trại giam...
Chi phí trung bình cho một bức bích họa khoảng 30.000 USD, nhưng nếu bức nào hoành tráng "quá mức" thì số tiền bỏ ra sẽ vượt trội hơn nhiều.
Ví dụ, ngành du lịch Philadelphia rất ưng ý bức Common Threads (ảnh trên) của Meg Saligman không chỉ vì bức tranh này là "tiêu biểu cho phong cách thể hiện đặc sắc nhất của thể loại bích họa" mà "bởi vì bức này là đắt nhất và có kích thước lớn nhất, do được vẽ trải rộng trên 8 tầng lầu của một tòa nhà".
Có thể đây là một kiệt tác về thể loại tranh tường, bởi Common Threads là một bức bích họa có chiều sâu, nhìn như cảnh thật khi tác giả đã khéo léo khai thác các phần không gian nhô ra và thụt vào các ban công và các hốc mặt tiền nhà để trình bày tác phẩm. Phí cho bức bích họa này vào khoảng 250 nghìn USD.
Philadelphia cũng đã có được riêng cho mình một trường dạy vẽ bích họa hẳn hoi, quy tụ cả trăm họa sĩ, trong đó 99% là người địa phương. Chính họ đã thai nghén và làm nên vô số những bích họa giờ đã trở thành tài sản của thành phố.
Tường Nguyễn/TT&VH Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips