Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Xã hội học của sự cô đơn

Chủ nghĩa cộng sản là khối say mê của những con người đã bị tách rời khỏi nhau, với niềm say mê trong cái mâu thuẫn của chính nó, trong cái thực thể tập thể hóa tuyệt đối, hay đúng hơn trong cái ý thức tuyệt đối dâng hiến cá nhân muốn nhìn thấy khát vọng của nó được chứng thực…
Con người từ sự cô đơn “chạy trốn” vào thiên nhiên, cũng như vào sách vở, cũng như ném cả cuộc đời một cách trốn chạy vào một nhà nước cộng sản chủ nghĩa tưởng tượng "đánh mất cá nhân", nhưng, đây cũng là điều đáng ngạc nhiên nhất - không tạo một cộng đồng cùng bản thân mình mà vứt bỏ số phận mình vào một cái không có gì.
Nơi đâu có cô đơn, ở đó luôn có mối quan hệ bị tách rời khỏi cộng đồng, và sự còn lại một mình. Điều an ủi có vẻ là sau một giới hạn tạm thời của thời gian, con người sẽ lấy lại nghị lực sống và quay trở về với cộng đồng. Trong mọi trường hợp mối quan hệ bị đánh mất luôn luôn tiêu cực và đau đớn.
Sự thu mình, trạng thái cô đơn tự nguyện và cô đơn từng phần có thể mang đến sức mạnh, sự an toàn, sự yên tĩnh và sự cao quý: cô đơn từng phần mang đến sự tách biệt, nhưng các mối quan hệ vẫn còn nguyên. Còn trong trường hợp mối quan hệ bị đánh mất, trừ ngoại lệ, con người bao giờ cũng đau khổ. Đây là sự khác biệt giữa cô đơn cố ý, giữa sự biệt lập và sự từ bỏ.
Trong cô đơn con người còn lại với mình, biến thuần túy thành tâm hồn, mọi liên hệ khác đứt đoạn, nó đứng một mình, như một thực thể ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của nó tuôn chảy bên trong: nó chỉ sống một đời sống tâm lý mà thôi. Nhưng toàn bộ khuynh hướng của đời sống tâm lý này liên quan đến thế gian. Toàn bộ tâm hồn nó quay ra ngoài, và vấn đề của cô đơn chính là sự quay ra thế giới bên ngoài này vô hiệu quả.
Con người đứng bên ngoài cộng đồng, nhưng toàn bộ chủ ý của nó tập trung về hướng, tại sao lại ở ngoài cộng đồng, và toàn bộ nghị lực của nó mong ước đứng vào cộng đồng lần nữa. Trong cô đơn con người biết rõ cuộc sống rút vào trong là bế tắc: vì số phận của nó là ở thế gian. Bằng con đường tâm lý học không thể giải quyết cũng như không thể hiểu được sự cô đơn. Số phận của con người chính là thế gian, là môi trường sống, và trước hết là cộng đồng. Bởi vậy sự cô đơn là vấn đề Xã hội học.
Một con người không đáng tin, kiêu ngạo, bất thường, hẹp hòi, muốn lợi dụng của chung để thu lợi ích về cho mình nhưng lại tuyên bố đây là” quyền dành” cho hắn, kẻ lợi dụng hoàn cảnh, muốn đạt đến những lợi thế vô luật bằng sự mất dạy, trơ tráo, kẻ đó cần phải bị bỏ rơi. Thời nay mẫu người này có tên gọi thần đồng, kẻ tuyên bố mình đầy tài năng để đòi hỏi những hoàn cảnh ngoại lệ, vì thế hắn còn lại một mình. Xã hội ngầm hiểu mẫu người này là kẻ ăn bám: hành vi của hắn lập dị, trong sự kiêu ngạo của hắn ẩn náu những đòi hỏi thầm kín nhất, hắn xử sự bất thường, đòi sự ngưỡng mộ, chưa nói đến những đòi hỏi vật chất có lựa chọn và được khái niệm hóa rất tinh vi. Đây là một tình hình xã hội sai lầm thường xảy ra ở những kẻ có tên gọi ”Kẻ thích gây gổ”, kẻ ”Anh hùng ưa gây sự” và ở những người không có vị trí trong xã hội, vì cách đánh giá của họ thiên lệch. Loại người này cho rằng của chung có để phục vụ cho một ai nhất định nào đó. Xác định giữa chung và riêng cái nào cao cả hơn, trong mọi trường hợp đều dẫn đến sự mơ hồ. Ở đây ta không có quyền xác định sự khác biệt giá trị và vị trí. Cái này không thể để phục vụ cho cái kia, hoặc để thấp dưới cái kia. Đánh giá quá cao cá nhân cũng nhầm lẫn cơ bản như đánh giá quá cao cộng đồng. Điều, một cá nhân đòi hỏi lợi ích vô điều kiện cũng vô luật như một xã hội biến cá nhân thành nạn nhân.
Có thể hiểu, hình phạt bỏ tù, như một cách bảo toàn xã hội, nhưng trong hình phạt này ẩn náu cả hình phạt tâm lý. Nhà tù là trạng thái từ bỏ, nơi xã hội cắt đứt quan hệ với con người, xử phạt nó phải cô đơn. Tất cả những người tù đều là kẻ cô đơn, nếu có thể bàn đến xã hội của nhà tù, hoặc nói về xã hội học của nhà tù, nhưng chỉ có thể nói đến điều này, nếu đây là một xã hội, một cộng đồng dường như tồn tại. Bởi vì trong nhà tù không có những mối quan hệ thật sự mang tính chất tăng trưởng, những mối quan hệ con người hoạt động. Nhà tù là một hình thái nằm ngoài xã hội.
Hamvas Béla
(Trích: 33 tiểu luận triết học của H. Béla)
Người dịch: Nguyễn Hồng Nhung
Dịch từ nguyên bản tiếng Hung
(Budapest. 2011.04.25)
Đọc toàn bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips