Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel Hòa Bình sau 21 năm

Hôm qua 16/6 tại Thủ đô Oslo - Na Uy, nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện bà Aung San Suu Kyi đã nhận lại Giải Nobel Hòa Bình, lẽ ra đã được trao tặng bà từ 21 năm trước. Năm 1991.
Từ phải qua: Nữ hoàng Sonja, Vua Na Uy Harald V, bà Aung San Suu Kyi, ông Thorbjorn Jagland, bà Kaci Kullmann Five, bà Inger-Marie Ytterhorn
Vua và hoàng hậu Na Uy
Ông Thorbjorn Jagland, chủ tịch Ủy ban giải thưởng Nobel đã nói:
“Bà Aung San Suu Kyi thân mến, chúng tôi chờ đợi bà đã rất lâu. Tuy nhiên chúng tôi ý thức được rằng sự chờ đợi của bà hoàn toàn khác biệt về bản chất so với sự chờ đợi của chúng tôi. Trong hoàn cảnh bị cô lập bà đã trở thành tiếng nói của lương tâm cho toàn thể thế giới,”
Jagland mô tả bà Suu Kyi là "một món quà quý giá của cộng đồng quốc tế".
Nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi cho rằng việc bà được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1991 đã làm cho bà cảm thấy "tồn tại trở lại" và giúp bà tin rằng tình cảnh của Miến Điện không bị cộng đồng quốc tế lãng quên.
Phát biểu tại thủ đô Oslo của Na Uy trong buổi lễ nhận giải muộn, bà nói sự ủng hộ của các nước phương Tây đã góp phần vào những đổi thay tại Miến Điện.
Bà Suu Kyi được công bố thắng giải Nobel Hòa bình khi bà bị chế độ độc tài quân sự quản chế. Khi đó, bà đã không đi đến Na Uy để nhận giải vì lo sợ bà sẽ không thể trở về.
Chuyến đi châu Âu của bà lần này với Oslo là một điểm dừng cũng là lần đầu tiên bà trở lại châu lục này kể từ năm 1988.
Trong diễn văn nhận giải, bà Suu Kyi nói bà biết tin mình được giải Nobel qua radio và bà có cảm giác rằng đó không phải là sự thật.
Tuy nhiên đồng thời tin tức này cũng "mở một cánh cửa trong tim tôi".
Trong suốt những ngày tôi bị quản chế tại gia tôi nhiều lần có cảm giác rằng mình không còn là một phần của thế giới thực,” bà nói.
Đạt được giải Nobel khiến cho tôi tồn tại trở lại. Nó đã đưa tôi trở lại với cõi nhân sinh rộng lớn,” bà nói thêm.
Bà cũng nói rằng giải Nobel Hòa bình của bà đã khiến thế giới quan tâm đến cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền ở Miến Điện.
Chúng tôi sẽ không bị lãng quên," bà nói.
Bà mô tả những cải cách gần đây ở Miến Điện là tích cực nhưng cũng cảnh báo về "niềm tin mù quáng".
“Đảng của tôi, Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ, và bản thân tôi sẵn sàng đóng bất cứ vai trò gì trong tiến trình hòa giải dân tộc,” bà phát biểu.
Bà cũng kêu gọi thả tự do vô điều kiện các tù nhân chính trị và nói rằng "chỉ một tù nhân lương tâm cũng là quá nhiều".
Aung San Suu Kyi cũng đề cập đến cuộc xung đột sắc tộc hiện nay ở Miến Điện và kết thúc diễn văn rằng nhận giải Nobel Hòa bình đã củng cố niềm tin của bà để phấn đấu vì hòa bình.
Chuyến đi châu Âu kéo dài hai tuần của bà – được xem như là một cột mốc nữa trong tiến trình cải cách chính trị của Miến Điện – bao gồm các điểm dừng chân ở Anh, Thụy Sỹ, Ireland, Pháp và Na Uy.
Đây là lần xuất ngoại thứ hai của bà sau chuyến đi Thái Lan hồi cuối tháng Năm để dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á.
Nguồn: BBC
Chân dung bà Aung San Suu Kyi từ lâu đã được treo chung với những người đạt giải tại Viện Nobel. Trước bà là hình Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachev (1990) Đức Dalai Lama thứ 14 (Tenzin Gyatso)(1989)
Năm 2010, chủ tịch Giải Nobel Hòa Bình ngồi nhìn một chiếc ghế trống vì người được trao đã không có mặt.
Bìa ngoài bằng tưởng thưởng in hàng chữ LXB (Liu XiaoBo - Lưu Hiểu Ba) anh vắng mặt bởi bản án 11 năm tù do nhà cầm quyền Trung cộng tuyên ngày 25/12/2009.
Xem thêm:
Chiếc ghế trống cho Nobel Hòa Bình 2010
Nobel Hòa Bình 2010 gây tranh cãi

4 nhận xét:

  1. Diễn văn giải Nobel Hòa Bình 1991 đến muộn sau 21 năm

    Chiều hôm qua, 16/6/2012, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình đã tổ chức đón tiếp khôi nguyên giải 1991. Trong buỗi lễ đơn giản nhưng cảm động và trang trọng, với sự hiện diện của vua Harald, hoàng hậu Sonja, thái tử Haakon, thủ tướng Jens Stoltenberg, chủ tịch quốc hội Dag T. Andersen, và lãnh đạo các chính đảng.

    Sau màn trình tấy violon của nữ nghệ sĩ xinh đẹp Na Uy, chủ tịch Ủy Ban, ông Thorbjørn Jagland, bắt đầu đọc diễn văn. Diễn văn chào đón Aung San Suu Kyi, không quá ngắn (chừng 15 phút) nhưng đã nói đủ những gì cần phải nói qua biểu tượng Aung San Suu Kyi. Theo tôi, ông Jagland đã có bài diễn văn hay nhất từ khi là chủ tịch Ủy Ban năm 2009 và còn nguyên giá trị thuyết phục đối với những người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ.

    Thứ nhất, gương tranh đấu của Aung San Suu Kyi đã mang lại hi vọng cho thế giới. Chế độ quân phiệt càng quản chế và cô lập mạnh bao nhiêu, tiếng nói của bà càng rõ hơn. Lý tưởng và sự tranh đấu kiên trì của bà đã động viên được người dân Miến và chiến thắng được chế độ quân phiệt.

    Thứ hai, sự hiện diện của bà Aung San Suu Kyi tại đây hôm nay, chứng minh chứng việc trao giải năm 1991 là đúng với tinh thần Nobel. Và, chúng ta có quyền hi vọng một ngày không xa, được chào đón nhà tranh đấu dân chủ, người tù lương tâm cũng là khôi nguyên giải 2011, Lưu Hiểu Ba.

    Thứ ba, tự do và dân chủ không do nhà cầm quyền hay luật pháp ban phát. Những giá trị cao quý đó phải do tranh đấu bền bỉ mà có.

    Thứ tư, chấp nhận hi sinh tình cảm cá nhân cho giá trị cao hơn.

    Thứ năm, không khiếp nhược và sợ hãi trước bạo quyền. Thành quả tranh đấu của Aung San Suu mang một thông điệp: chế độ độc tài có tất cả mọi thứ trong tay nhưng họ rất sợ dân chủ và trước sau cũng sụp đổ.

    Thứ sáu, tranh đấu bất bạo động và không hận thù.

    Sau cùng, ông Thorbjørn Jagland kết thúc bài diễn văn với xác quyết ủng hộ tiến trình dân chủ Miến Điện và rất cảm động như sau “Chúng tôi không bao giờ quên Aung San Suu Kyi và hình ảnh bà luôn luôn có chổ đứng trong tim tất cả chúng tôi”.

    Trong diễn văn đáp đáp từ muộn 21 năm, bà Aung San Suu Kyi cám ơn đất nước Na Uy và Ủy Ban Giải Nobel Hoà bình, còn lại dành hầu hết thời gian nói về tiến trình dân chủ, hoài bão cho đất nước Miến Điện. Bà Suu Kyi nhấn mạnh hai sự kiện. Chính giải Hòa Bình Nobel 1991 đã giúp cho bà thoát khỏi sự cô lập với thế giới bên ngoải và qua đó, bà nghiệm ra rằng sự quản chế đó không còn tác dụng. Bà lạc quan cẩn thận về tiến trình dân chủ hiện nay vì vẫn còn những người tù lương tâm vô danh khác, chưa được trả tự do. Thủ tướng Jens Stoltenberg nhận xét, diễn văn của bà Aung San Suu mang một uy lực mạnh mẽ mà ông từng biết, từ một phụ nữ mảnh mai.

    Trả lờiXóa
  2. Sơ lược tiểu sử bà Aung San Suu Kyi

    Bà Aung San Suu Kyi sinh ra tại Rangoon, ngày 19 tháng 6 1945. Thân phụ là tướng Aung San, nhà tranh đấu dành độc lập dưới sự cai trị của Anh quốc. Tướng Aung San bị mưu sát chết năm 1947, khi bà mới 2 tuổi.

    Du học ở Ấn Độ và Anh quốc. Bà trở về nước năm 1988 và được bầu làm tổng thư ký Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

    Năm 1989, bà bị bắt và bị quản thúc vì tội ”có hành vi đe dọa đến an ninh quốc gia” (chú thích của người viết: tương tự điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam). Hết hạn quản chế, bà ra ứng cử và đảng NLD thắng cử với đa số áp đảo số ghế vào quốc hội năm 1990 nhưng chế độ quân phiệt khước từ chuyển giao quyền lực.

    Năm 1991, được trao giải Nobel Hòa Bình, nhưng bà quyết định không đến Na Uy nhận giải vì sợ chế độ quân phiệt không cho bà trở về, phải sống lưu vong.

    Năm 2010, Suu Kyi được trả tự do.

    Ngày 1/4/2012, bà và 42 đảng viên NLD được bầu vào quốc hội qua cuộc bầu cử bổ sung.

    Ngày 16/6/2012, tại Oslo, bà công bố thành lập Quỹ Hòa Bình Thế Giới (World Freedom Fund) mang tên Aung San Suu Kyi, mục đích tạo điều kiện tự do dân chủ cho người dân Miến Điện và các quốc gia khác. Chỉ sau một ngày, quỹ đã lên đến 1 triệu USD.

    Trả lờiXóa
  3. Vài dòng tản mạn

    Tôi nghe nói giải Nobel Hoà bình tuy là giải không nằm trong di chúc của ông Alfred Nobel, nhưng lại hay gây chú ý nhiều nhất. Tôi có một anh bạn người Thuỵ Điển, người từng tiêu ra 1 năm trong lab tôi (nay anh là trưởng khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình bệnh viện Malmo). Anh ấy nói ở Thuỵ Điển, người dân không mấy quan tâm đến giải Nobel về y sinh, vật lí, hay hoá học mấy; họ quan tâm đến hai giải Nobel về văn học và hoà bình. Hai giải này thú vị hơn và gần gũi hơn với “thường dân”, nên ai cũng ngóng chờ đến ngày để biết ai được trao giải. Bà Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel Hoà bình năm 1991. Lúc đó là cả một sự kiện / event, vì bà bị quản thúc tại gia, và bà cũng không đi nhận giải.

    Miến Điện là một nước tương đối lớn và có số phận đau khổ. Diện tích của Miến Điện lớn gấp 2 lần Việt Nam. Nhưng dân số thì mới ~60 triệu. Miến Điện bị thực dân Anh cai trị một thời gian khá dài, đến khi độc lập thì lại rơi vào nội chiến. Suốt gần 50 năm (1962 đến 2011) Miến Điện bị cai trị bởi chế độ quân phiệt. Cho đến năm 2011 chế độ quân phiệt mới chịu trao quyền cho dân sự. Đến nay, Miến Điện dù là một nước giàu tài nguyên nhưng là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

    Năm 1990, Đảng National League for Democracy (NLD) của bà Suu Kyi trúng cử. Nhưng chế độ quân phiệt không công nhận kết quả này, và tố cáo bà là tay sai của nước ngoài! Họ quản thúc bà tại gia suốt 15 năm trời. Người phụ nữ mảnh mai đó trở thành một biểu tượng của tù nhân lương tâm trên thế giới. Tháng 4 năm 2012, sau khi chế độ quan phiệt giải tán vào năm 2011, bà được đắc cử vào hạ nghị viện Miến Điện. Tuần vừa qua, bà được Na Uy mời thăm và nhận giải thưởng Nobel Hoà bình.

    Hai tù nhân lương tâm người nước ngoài tôi ngưỡng mộ nhất là Nelson Mendela và Aung San Suu Kyi. Trước đây khi ông Mendela được trả tự do, ông có cho ra mắt cuốn hồi kí Long Walk to Freedom, một cuốn sách rất rất hay. Có những câu nói trong cuốn đó làm tôi nhớ hoài. Chẳng hạn như “Education is the most powerful weapon which you can use to change the world” (Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới), “A good head and good heart are always a formidable combination. But when you add to that a literate tongue or pen, then you have something very special” (có thể hiểu như: một cái đầu tốt với một trái tim tốt luôn là một sự kết hợp hùng mạnh. Nhưng khi bạn thêm chữ nghĩa hoặc ngòi bút vào sự kết hợp đó, bạn sẽ có một cái gì đó rất đặc biệt). Đến bà Aung San Suu Kyi, nếu chỉ nhìn hình, thì trông ốm yếu và mảnh mai, nhưng là người phụ nữ can đảm phi thường và rất thông minh. Cũng như ông Mendela, bà có những câu nói bất hủ, như "The true measure of the justice of a system is the amount of protection it guarantees to the weakest" (tiêu chuẩn thật sự của một hệ thống công lí là mức độ mà hệ thống đó bảo vệ những người yếu đuối nhất), và nhất là câu"It is not power that corrupts but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it" (không phải quyền lực mà là sự sợ hãi làm cho người ta thối nát. Sợ mất quyền thế làm cho những kẻ đương quyền trở nên đồi bại, và sợ bị những kẻ quyền thế trừng phạt làm cho những người bị trị sai lạc). Phải đọc bài diễn văn bằng tiếng Anh của bà mới thấy bà rất giỏi tiếng Anh, dùng toàn những chữ đậm chất văn chương cao sang mà chưa chắc người bản xứ tiếng Anh có khả năng viết được như thế. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy Hội đổng giải Nobel Hoà bình đánh giá bài diễn văn của bà là hay nhất từ trước đến nay.
    Nhiều tín hiệu gần đây cho thấy Miến Điện càng ngày càng tiến đến một chế độ dân chủ. Cộng đồng người Miến Điện hải ngoại thậm chí còn có quyền ra báo ở trong nước. Nhiều chuyên gia tiên đoán rằng một khi được “cởi trói”, với nguồn tài nguyên phong phú và cộng đồng người Miến Điện ở hải ngoại, Miến Điện sẽ trở thành một ngôi sao mới ở Đông Nam Á. Chỉ biết hi vọng như thế.

    Trả lờiXóa
  4. Vào hôm qua, 03/03/2015, trong một quyết định rất bất ngờ, Ủy ban phụ trách việc trao giải Nobel Hòa bình tại Na Uy đã giáng chức chủ tịch mãn nhiệm. Quyết định này được cho là nhằm xoa dịu cơn giận của Trung Quốc, đã rất bất mãn trước việc nhà ly khai Lưu Hiểu ba được trao giải năm 2010. Tuy nhiên, trong phản ứng vào hôm nay, Trung Quốc bị cho là vẫn muốn « được đằng chân, lân đằng đầu ».

    Lần đầu tiên trong lịch sử 114 năm của Ủy ban Nobel Hòa bình, vào hôm qua, ông Thorbjørn Jagland, 64 tuổi, chủ tịch của Ủy ban từ năm 2009, đã không được duy trì chức vụ, cho dù bản thân ông đã công khai mong muốn ở lại chức vụ này. Ông chỉ còn là thành viên bình thường.

    Hãng tin Pháp AFP không ngần ngại gọi đây là một cuộc « đảo chánh », chưa từng thấy trong lịch sử của giải Nobel. Theo AFP, câu hỏi đặt ra là phải chăng ông Jagland đã bị truất phế do sức ép của Trung Quốc, đã nổi cơn thịnh nộ khi nhà ly khai Lưu Hiểu Ba được Ủy ban do ông Jagland lãnh đạo trao giải Nobel Hòa bình năm 2010.

    Để tỏ rõ lập trường, bất chấp việc Oslo xác định rằng họ không có quyền gì trên các quyết định của Ủy ban Nobel, Na Uy đã phải chịu nhiều biện pháp trả thù của Trung Quốc, và bang giao hai bên đã trở nên giá lạnh.

    Ví dụ rõ nhất là việc Trung Quốc ngăn chặn cá hồi nhập từ Na Uy, khiến cho thị phần cá hồi Na Uy tại Trung Quốc hầu như không còn gì. Các công dân Na Uy cũng bị loại ra khỏi danh sách được hưởng chế độ thị thực quá cảnh Trung Quốc 72 tiếng đồng hồ.

    Thế nhưng, việc Chủ tịch Ủy ban Nobel không được tái tục chức vụ đã không được Bắc Kinh tiếp nhận tích cực. Thậm chí vào hôm nay, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cảnh cáo Oslo rằng vụ đó không đủ để hàn gắn lại quan hệ song phương.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips