Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Fernado Botero: Sống phải có tình người

Hôm qua thứ ba 26-6-2012Ngày quốc tế chống nạn tra tấn. Ngày này do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1987, tức cách đây 25 năm, để gây ý thức cho người dân thế giới đối với một tệ nạn kinh khủng vẫn còn được duy trì tại nhiều nước, mặc dù đã có luật cấm. Mục đích của ngày này cũng là để tỏ tình liên đới với hàng chục triệu nạn nhân bị tra tấn, hay bị đối xử tàn ác vô nhân và hạ nhục phẩm giá con người. Ngoài ra, Ngày quốc tế chống nạn tra tấn đã được Liên Hiệp Quốc thành lập để tái khẳng định quyền bình đẳng và các quyền bất khả xâm phạm của con người, là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới.
Tra tấn là một tội phạm chống lại nhân loại và nền dân chủ, vì nó xúc phạm tới các quyền con người và tàn ác không tha ai, kể cả các trẻ em, như các biến cố xảy ra mới đây bên Siria đã minh chứng. Nó là một tội phạm xảy ra tại các nước đang bị xâu xé vì chiến tranh xung khắc, hay bị cai trị bởi các chế độ độc tài, và cả trong các nước viện cớ ”an ninh quốc gia” để duy trì hay dung thứ cho tội tra tấn.
An ninh quốc gia” là cớ được các chính quyền độc tài thường xuyên đưa ra để bắt bớ và bách hại các người bất đồng chính kiến, hay để tiêu diệt bất cứ ai mà họ coi là nguy hiểm cho quyền lực độc tài của họ. Tội danh rất mơ hồ của các nạn nhân luôn luôn là ”vi phạm luật lệ an ninh quốc gia, gây rối loạn và phá hoại tình đoàn kết dân tộc”.
Mơ hồ nhưng quá dư đủ để bị kết án và nhốt tù hàng chục năm, mặc dù họ chẳng có tội vạ gì. Điển hình như trong trường hợp của các nước còn đang bị chế độ cộng sản cai trị như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Trong các chế độc tài đảng trị này, nhà nước không chỉ tra tấn các tù nhân, mà ”tra tấn nhân dân toàn nước” với chính sách gian dối, lừa đảo ”nói một đàng làm một nẻo”, quanh năm ngày tháng từ trung ương tới địa phương; với chủ trương ngu dân, nhồi sọ, lèo lái độc quyền huy động toàn lực truyền thông bóp méo sự thật. Không chỉ bằng lòng với việc ”nô lệ hóa toàn dân” bằng cách tước đoạt hết mọi quyền tự do của họ, với các báo đài và truyền hình nô lệ một chiều nhà nước liên lỉ ”tra tấn tinh thần và tâm lý nhân dân toàn nước”, hết thập niên này sang thập niên khác.
Thống kê năm 2011 của tổ chức Ân xá quốc tế cho biết trên thế giới vẫn còn có 101 quốc gia thi hành tra tấn, và trong nhiều trường hợp là chống lại những ai tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền.
Điều 1 của Tuyên ngôn chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc công bố năm 1984 nhắc cho mọi người biết đây là ”một hành động, qua đó người ta cố ý gây ra đau đớn hay khổ sở mạnh mẽ thể lý hay tâm thần cho một người, nhằm lấy tin tức hay các lời khai thú để trừng phạt hay đe dọa họ”. Đã có 145 nước phê chuẩn tuyên ngôn này.
Linh Tiến Khải/Vietcatholic
Nhân 25 năm kỷ niệm Ngày Quốc tế chống nạn tra tấn, mời xem lại một số tranh đánh động lương tâm thế giới của danh họa Fernando Botero

Fernando Botero và những bức tranh đánh động thế giới
(TTO 08/6/2005) Gần 70 năm trước, Picasso đã vẽ bức Guernica để lên án vụ bỏ bom của người Đức trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha; ngày nay, danh họa nổi tiếng của vùng châu Mỹ Latin Fernando Botero (ảnh trên) đã bày tỏ bức xúc trước hành động lăng mạ dã man hồi năm ngoái của binh lính Mỹ đối với các tù nhân ở Abu Ghraib, Iraq.
Sự kiện binh lính Mỹ lăng mạ, sỉ nhục tù nhân Iraq có lẽ đã khép lại, song với Botero, việc ông gợi lại sự kiện tủi hổ trên còn nhắc nhở người đời hãy tuân thủ hành vi sống cơ bản: tôn trọng người với người.
Ông nói: “Báo chí ngày nay đã ngưng đưa tin về những hành vi tồi bại đó, người ta cũng thôi bàn tán về nó, chính vì thế những bức vẽ này là bằng chứng vĩnh cửu về tội ác lớn lao đã gây ra. Nó nhắc nhở ta sống phải có tình người.”
Cảm hứng cho những bức vẽ gây sốc này là trên một chuyến bay, khi ông đọc được những tin tức, xem được những hình ảnh đáng khinh bỉ trên báo. Liền sau đó, ông xin cô tiếp viên vài mảnh giấy và bao nhiên căm giận đã tuôn tràn từ đó.
Từ tháng 10 năm ngoái, ông đã cho ra đời 60 tác phẩm, trong đó có 20 bức tranh về những người đàn ông to béo không mảnh vải che thân, hoặc nếu có là mặc đồ lót phụ nữ, bị vùi đầu dưới gót giầy đằng sau song sắt, bị chó tấn công, bị trùm đầu, tiểu tiện lên người, hay xếp thành đống dưới sàn... Tất cả đều là những hình ảnh đã được báo chí lên án về việc lăng mạ ghê tởm của binh lính Mỹ.
Botero vốn nổi tiếng với những tranh tả cảnh đời sống yên bình miền thôn quê Colombia, đặc biệt là các hình ảnh khôi hài về các linh mục, chính trị gia, giới quí tộc tròn trịa. Ảnh chân dung nam và các tượng điêu khắc mập ù của ông xuất hiện tại nhiều bảo tàng khắp thế giới. Nhưng ông thật sự đánh động thế giới và chính trị gia qua loạt tranh về người tù Abu Ghraib này.
Các tác phẩm mang màu sắc u ám và đầy bức xúc cho những ai xem nó. Màu sắc chủ đạo là xám, nâu cùng những vệt tung tóe màu đỏ tươi, vàng nâu. Được hỏi vì sao những người tù Iraq lại béo tốt như thế, danh họa 71 tuổi (2005) đã trả lời: “Đây không chỉ là phong cách vẽ của tôi, tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh người đàn ông của những tù nhân này. Họ là những người đàn ông bị làm nhục.” 
Các tác phẩm làm đau nhói lòng người này được trưng bày lần đầu tiên tại Rome năm 2005 và đến nay đã liên tục được triển lãm nhiều nơi trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips