Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Đề thi văn về thói dối trá – làm bài như thế nào là tốt?

Khi “thói dối trá” được đưa vào đề thi môn Văn cho học sinh cả nước, có vẻ như xã hội, hay ít ra là một nhóm người nào đó có trách nhiệm với xã hội, đã nhìn ra thực trạng hiện nay? Và như vậy, có thể hy vọng rằng, một khi đã nhận diện được “kẻ thù giấu mặt”, xã hội sẽ từng bước loại trừ được nó?
Nhưng than ôi, sự Dối Trá ngày nay đã tinh vi đến mức nó có thể chỉ vào mặt kẻ thực thà mà nói: “Chính ngươi là đồ dối trá!”
Nó biến ảo khôn lường, đến mức khó mà nhận diện. Nó phình to, thu nhỏ, thoắt ẩn thoắt hiện. Nó có thể thôi miên người ta đến mức khi có hai con người đứng đó, một kẻ gian trá đến tột cùng, và kẻ kia chân thật đến ngây ngô, nhưng mọi người sẽ nhìn kẻ thứ hai với vẻ kinh tởm, coi hắn ta như loài rắn độc, và tỏ lòng biết ơn kẻ thứ nhất đã vạch mặt kẻ dối trá.
Dối Trá nói, rất to và dõng dạc: “Hãy coi chừng sự dối trá! Nó đang làm băng hoại đạo đức xã hội! Nó đang làm tha hóa một bộ phận không nhỏ những đầy tớ nhân dân.”
Và đến một ngày, nó khiến hàng triệu người nói và viết về nó. Đúng là nói và viết về nó nhưng mà phải giống như về kẻ nào đó không phải nó. “Hãy vạch mặt chỉ tên thói dối trá và những kẻ dối trá. Nó đang làm xã hội suy đồi, làm mọi người lầm đường lạc lối, làm nhân dân khốn khổ.”
Nó thừa biết cái trò đó chẳng thay đổi được gì. Nó vẫn độc quyền chân lý. Nó vẫn nghiễm nhiên được coi là người chống lại thói dối trá.
Tiên Lãng, ai là người thực sự có tội, và có tội đến mức nào? Dối Trá làm cho không minh định được, mọi việc cứ rối tinh, cứ mung lung như giữa chốn mây mù. Ở Văn Giang, Vụ Bản, những kẻ ác vẫn không bị phơi mặt ra trước công lý. Băng video quay cảnh đánh người như đánh két, ba bốn kẻ, không hiểu là những người đang “thi hành công vụ” hay những gã côn đồ, bẻ quặt tay một phụ nữ bé nhỏ gầy gò để cho một kẻ khác tung chân đá thẳng vào bụng cô, trong khi hàng chục tên khác nhâu nhâu chung quanh cũng sẵn sàng làm như vậy.
Trong khi đó, người ta vẫn nói về công lý, rằng phải xử cho nghiêm, rằng phải quan tâm đến quyền lợi của dân. Nói, và để đó. Ai mất đất cứ mất đất. Ai bị đánh đập hành hạ cứ thế mà chịu đau một cách âm thầm. Thậm chí, người ta còn lớn tiếng đòi cung cấp “băng gốc” mới cho rằng đó là sự thực, nếu không thì chỉ là băng do các thế lực thù địch dàn dựng. Cảnh quay mà ta xem bị cho là dối trá!
Cần Thơ, một người đàn ông bị mất đất phải uống thuốc sâu tự tử, còn vợ con trong cơn cùng quẫn phải lột hết áo quần để tỏ thái độ phẫn uất, vẫn bị những người “thi hành công vụ” đè lên người rồi lôi đi xềnh xệch.
Tại một cái sở gì đó ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, một cụ bà 80 đã từng có công trong những ngày chuẩn bị cho cái nhà nước này được dựng nên, đã từng dũng cảm đứng lên chống tham nhũng vì sự trường tồn của nó, tại đó, cụ đã bị trật khớp và chảy máu chân, mà còn bị người ta quy cho cái tội gây rối và hành hung.
Và người bị khép tội oan vừa hé răng định cãi đã bị kẻ ác dùng dùi cui đập gãy cổ. Chết vẫn mang tiếng “chống người thi hành công vụ”.
Và người lên tiếng vì chủ quyền đối với biển đảo quê hương bị đạp vào mặt, bị nhốt cùng đủ loại tội phạm…
Dối Trá đang chụp cái mũ mang tên nó lên đầu những con người lương thiện yếu đuối, những người đã lỡ một lần trao quyền lực vào tay nó. Và ngày nay, nó độc quyền về chân lý. Chỉ những điều nó nói mới được phép xem là sự thật.
Dối Trá bao trùm ngay cả những nơi lẽ ra nó không thể tới: những trường phổ thông, cao đẳng, đại học và cả những viện nghiên cứu. Dối Trá ngự trị trong bệnh viện. Thậm chí cả ở chốn cửa Thiền…
Vậy thì bài văn kia, phải viết thế nào mới là đúng, là hay? Phải làm thế nào mới được điểm cao và không bị quy kết, chụp mũ?
Liệu người ra đề có dám làm cái đáp án động đến những vấn đề gọi là “nhạy cảm” kia? Và liệu người chấm có dám cho điểm tốt đối với những bài thi nói đúng nhưng không giống như đáp án?
Và những cô chiêu, cậu ấm biết viết chi đây? Họ đã đủ từng trải để nhận diện Dối Trá chưa? Với ba tiếng đồng hồ trong phòng thi, ở tuổi 18, liệu có thể viết gì về nó?
Còn tôi, khi nghe nói đến cái đề thi Văn này, tôi nghĩ thầm: Dối trá!
NGUYỄN TRẦN SÂM

1 nhận xét:

  1. Cứ mỗi năm hè đến, được xem cảnh thi cử và chỉ đạo thi cử trên ti-vi lại thấy răng mà phục các đồng chí ở bộ giáo dục quá trời.

    Các đồng chí ấy ra cơ man là quy định, biết bao nhiêu văn bản hướng dẫn. Hàng năm lại bổ sung, sửa đổi. Thỉnh thoảng các đồng chí ấy lại lên ti-vi phổ biến cho cả nước biết cách mà thực hiện. Rồi khi ngày thi đến, các đồng chí lại từ bộ tỏa về các địa phương, chỉ đạo tại chỗ, giám sát tận nơi. Chỉ nhìn các đồng chí đi lại chốn trường thi cũng đủ thấy tính chất nghiêm minh của kỳ thi. Rồi điện thoại réo liên tục, từ bộ về các tỉnh, các trường, từ các điểm thi về bộ. Cứ như một chiến dịch lớn trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Mới biết việc chọn người tài quan trọng thật. Đúng quan điểm chỉ đạo “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Đảng.

    Thi tốt nghiệp phổ thông đã nghiêm, thi tuyển sinh càng nghiêm gấp bội. Trước kỳ thi hàng tháng, năm nào bộ cũng triệu tập các hiệu trưởng đại học về họp hành, tập huấn về tuyển sinh. Đến cung đoạn coi chấm thi thì khỏi nói. Tui có thằng em là giảng viên đại học, nói ngay cả cái bì đựng đề thi hay bài thi, bộ cũng quy định không cho cắt đứt hẳn một bên mép, mà phải để lại cái “râu” chi đó, lủng lẳng suốt cả kỳ thi, anh giám thị mô vô ý làm đứt “râu” là coi chừng bị khiển trách,… Chấm thi cũng nghiêm như rứa, chấm ba bốn vòng độc lập, không được ghi điểm vào bài thi mà phải ghi vô phiếu chấm, điểm của mỗi câu mỗi ý ghi đi ghi lại năm lần bảy lượt, chi tiết đến 0,25, bằng số rồi còn bằng chữ,… Nó biểu công ghi đi ghi lại còn nhiều hơn công chấm. Nghe mà thấy hãi. Chả trách cả xã hội bảo nước ta bây giờ chỉ còn mỗi thi tuyển sinh đại học chính quy là nghiêm, còn thì mọi chuyện khác, kể cả trong hay ngoài ngành giáo dục, toàn là trò đểu cả.

    Và nghe thằng em tui nói thì trong các trường, trò đểu bắt đầu ngay khi thi và chấm xong. Đến khâu xét tuyển là đã đểu rồi. Đủ các kiểu lách luật. Vì nước ta nhiều trường đại học quá, học sinh khá thực sự lại ít, nên các trường đành tìm mọi cách gọi thí sinh không đủ “điểm sàn”. Mà ngay cả những thí sinh đủ điểm sàn thì khi vô trường học hành cũng đã ra chi. Thằng em tui nói chất lượng giảng dạy học tập ngày càng thấp, nhưng luận văn hay đồ án tốt nghiệp đại học toàn loại xuất sắc cả. Thi hết môn, thi cuối kỳ cũng rứa, thầy nhận “phong bì” rồi thì ráng mà “gà” đề cho sinh viên. Mà không có phong bì thì cũng rứa, không gà đề thì chúng nó đếch mần được, để giấy trắng, đến khi chấm lại cho điểm khống à? Mà không cho khống, để hỏng bảy tám chục phần trăm thì lại mang tiếng dạy dốt, rứa là phải tìm cách sao cho qua hết hoặc gần hết, mà phải được bốn năm chục phần trăm điểm khá giỏi.

    Nó biểu không phải chỉ có cái trường lèng mèng như trường nó mới rứa mô. Ngay cả các trường to rầm to roành như trường chi đó thuộc đại học “cuốc ra” cũng rứa: giảng viên thì đến già nửa là con em các giáo sư đã về hưu hoặc sắp về hưu, cánh đó giảng dạy không cần sinh viên hiểu, thậm chí đúng sai chi cũng không răng. Hay cái anh đại học “tài chén” chi đó thì không dễ dãi với sinh viên, nhưng mà yêu cầu gắt không phải là học giỏi thật sự, mà căn cứ cái con số ghi trên cái tờ giấy pô-li-me đút trong phong bì.

    Tui ít học, hổng biết thằng em tui nói có đúng không. Nếu đúng như rứa thì thi tuyển sinh nghiêm để mần chi hè? Tốt nhất để ai có đủ tiền đóng học phí thì vô trường đại học mà học, còn muốn đỡ vất vả hơn nữa thì mở các đại lý bán bằng cho nó mau. Ngay cả bằng cấp cao hơn cũng rứa.

    Còn nếu không thì có lẽ phải nhờ bộ quản luôn cả cái sự thi cuối kỳ cuối môn cho nó nghiêm một thể. Bài thi từng môn cũng đem về bộ chấm luôn càng tốt.

    MICHAEL LANG

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips