Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

21/6 Ngày báo chí cách mạng

... Nó là câu chuyện của những nhà báo hễ xuất hiện ở điểm nóng nào là chỉ đi cùng “lực lượng chức năng”, áo nhiều túi, máy ảnh trước ngực, vẻ mặt nghiêm trọng. Cũng là câu chuyện của những phóng viên về Văn Giang lúc xế chiều để chứng kiến một cánh đồng tung tóe, cây cối đổ nát nghiêng ngửa.

Dân quê thấy người lạ vào, chẳng ai buồn ngẩng lên, vẫn cắm cúi đào bới, nhặt nhạnh, xúc, đổ đất… Nhưng đến khi thấy “người lạ” lúi húi lấy máy ghi âm, sổ và bút ra, thì họ vây lấy thẫn thờ: “Sao đến giờ nhà báo mới về? Mất rồi. Mất hết rồi!”.
Rồi họ nhất định kéo nhà báo vào nhà, để họ pha trà, mời nước, và nghe họ kể lể chuyện “mất hết rồi”.

Hàng xóm lục tục kéo đến, người nào cũng phải xán lại, nhìn, chạm tay vào áo khách một cái, khẩn khoản: “
Nếu nhà báo giúp được chúng tôi đòi lại được đất, thì chúng tôi mang ơn nhà báo suốt đời”.

Màn đêm buông xuống, trai tráng trong làng rầm rập đưa xe máy hộ tống nhà báo về. Người dân nông thôn bao giờ cũng là vậy, họ có thể khôn ngoan hay thực dụng, nhưng vẫn có cái hồn hậu chất phác – nên không để ý thấy nhà báo đang cúi gằm mặt, lủi thủi rời khỏi hiện trường.
Và từ ấy, ngày nào họ cũng ngong ngóng ra bưu điện huyện, chờ xem có báo nào đưa tin, viết bài “về xã mình” không. Những mảnh báo hiếm hoi nhắc đến vụ việc của làng họ được photocopy ra hàng chục bản, và truyền tay nhau nhiều quá, đã nát ra rồi…

Ai đó đã nói về “chiến dịch” đưa tin của báo chí trong và sau các vụ Tiên Lãng, Văn Giang như sau: “Một cuộc vật lộn để được nói sự thật”. Thực tế còn hơn thế nữa: Một cuộc vật lộn để được biết sự thật, để được viết sự thật, và để được khách quan (tất nhiên cũng chỉ dám mong ở mức độ tương đối). Thế mà, cho đến giờ, cái đích ấy vẫn chưa đạt được.


37 năm sau ngày thống nhất đất nước. Hơn nửa thế kỷ sau cải cách ruộng đất. 67 năm sau ngày thành lập nước. Sáu thế kỷ sau thời kỳ tích lũy tư bản nguyên thủy ở phương Tây. Bước vào thời đại toàn cầu hóa, hội nhập, ở Việt Nam, vẫn còn diễn ra những cuộc cưỡng chế đất đai nhốn nháo, tiếng la hét chửi bới của dân lẫn trong khói hơi cay và tiếng oàng oàng chói tai của “quả nổ nghiệp vụ”.

Tệ hơn nữa là chuyện ấy lại diễn ra cùng với đây đó những mệnh lệnh (miệng) yêu cầu báo chí “hạn chế đưa tin”, và những cuộc tranh cãi ầm ĩ, đầy ngụy biện, trên mạng, về quan tham, dân gian và bọn báo chí lề phải, blogger lề trái ngu dốt, phản động...
... Chưa khi nào báo chí hèn mạt như giai đoạn này. Nhớ vài năm trước, trong bữa nhậu nhân hội nghị tuyên giáo toàn quốc tại Đà Nẵng, một lão bá vai tôi buông câu rất hách “báo chí các cậu hèn bỏ mẹ!”
Tức. Một tay nó bóp dái, tay kia dán băng keo bịt miệng, thế mà vẫn lớn tiếng chê mình hèn. Định vung cho lão một đấm, nhưng nghĩ lại thấy lão nói đúng chứ đâu sai. Báo chí kiểu gì mà chỉ một cú điện thoại, một văn bản miệng đã răm rắp tự bịt miệng nhau.

Một cái lệnh miệng từ văn phòng UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng khiến tất cả hơn 700 tòa báo câm lặng, không dám cử phóng viên đến đưa tin. Khi hai phóng viên của đài tiếng nói Việt Nam (VOV) bị đánh đập, trấn áp dã man, bị còng tay bắt giữ như tội phạm, thu máy ảnh, thu thẻ nhà báo, thẻ đảng, thẻ luật gia... nhưng không một tòa báo nào dám lên tiếng, kể cả cơ quan chủ quản của họ. Và bản thân 2 nhà báo bị đánh cũng không dám công khai lên tiếng.

Phải đợi đúng nửa tháng sau, trước sức ép dữ dội từ dư luận và sự mắng chửi từ các trang mạng lề trái, VOV mới miễn cưỡng đăng vài mẩu tin lên tiếng bảo vệ phóng viên của mình. Nhưng được vài hôm rồi im bẵng đến nay. Không còn nghe bất cứ một tòa báo nào nhắc lại chuyện này nữa. Câu chửi “Đ.M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi” trong vụ trấn áp Văn Giang vẫn văng vẳng mãi như một nỗi ô nhục của nghề báo.

Chưa bao giờ báo chí lại sợ hãi đến vậy. Chưa bao giờ báo chí kỳ lạ như giai đoạn này, xa lánh, tránh né hầu hết các vấn đề nhạy cảm. Vì sao tránh, vì sao không đăng, vì sao không can dự? Vì đó là vấn đề “nhạy cảm” - Một lối chỉ đạo và bao biện phản tuyên truyền, thậm chí là... phản động! Nhạy cảm mới cần báo chí can dự. Không nhạy cảm thì viết để làm gì, tuyên truyền làm gì và can dự làm gì?...
... Có một sự thật là các nhà báo trẻ gặp rủi ro "bẻ cong ngòi bút" hoặc từ bỏ lý tưởng của nghề viết (sức mạnh ngòi bút vì cộng đồng) lại thường là những người tương đối khá trong nghề. Lý do: một sinh viên báo chí, nhà báo trẻ, anh (chị) ta có giỏi thì mới viết đến độ người ta nhớ được tên. Lúc ấy, ngòi bút anh ta mới có chút sức mạnh để làm vào việc tốt hoặc việc xấu, lúc ấy (ví dụ) các doanh nghiệp mới đem tiền rải đường dụ "nhà báo trẻ" vào làm "PR" (quan hệ công chúng, phụ trách truyền thông - thường là dùng và nghĩ "mánh" bảo vệ và lăng xê uy tín của doanh nghiệp), lúc ấy họ mới đủ "tài" để tìm mánh kiếm ăn không chân chính từ ngòi bút.
Và, khi đã "hoãn sự nghiệp viết lách" để kiếm tiền, để tìm cách mua nhà mua xe, thì hầu như người ta ít có điều kiện toàn vẹn để trở về một cách thật thà với con chữ. Duyên chữ nghĩa, như bát nước đầy đổ đi, như mối tình đã hơn một lần phụ bạc nhau ấy, đã "gác" lại thì khó mà "gọi nó ra" được nữa.
Cũng có người "tha hoá" nhẹ hơn, ấy là khi có cơ hội, họ từ bỏ cái thể loại báo chí cần công phu, cần sức chiến đấu, đối mặt với hiểm nguy để sang một thể loại nhàn thân hơn.
Thành thử, tôi vẫn thường thấy, những người bị rơi rụng sớm khi vào nghề, thường là người kha khá, có thể mọc mũi sủi tăm ngay từ đầu. Đây là một gờ rãnh khá đau buồn cho sự "lặn mất" của các cây bút trẻ.
Cuối cùng, rủi ro lớn nhất, cụ thể và đang gây sốc cho xã hội nhất đối với nghề báo, vẫn cần phải nhắc đến, đó là việc đe doạ, hành hung, mua chuộc, bằng nhiều cách khác nhau (!) làm nhụt nhuệ khí của các nhà báo đi tiên phong.
Biếm họa nghề báo

5 nhận xét:

  1. SGTT.VN - Hiểu theo chính danh, Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 là ngày của nghề báo chứ không phải của nhà báo. Cách hiểu này có vẻ ngày càng hợp lý, khi mà ranh giới giữa người làm báo chuyên nghiệp và những người có khả năng cung cấp thông tin cho công chúng đang mờ dần.
    Chỉ mới đây thôi, trong khi một số nhà báo chính quy chỉ chăm chăm hướng ống kính vào chỗ kín của nghệ sĩ, thì đã có những người dân thay họ làm chứng nhân của sự thật. Vì vậy, kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, mời bạn đọc thử so sánh quan niệm làm báo xưa với nay, báo chí “lề phải” với “lề trái”, cách tác nghiệp của nhà báo chính quy và của các công dân vô danh nhưng không vô cảm với thời cuộc, để từ đó có một cái nhìn chân thực về nghề báo hôm nay.

    Theo lệ, cứ đến 21.6 là những người làm trong các cơ quan báo chí nhận được rất nhiều chúc mừng, thăm hỏi, biểu dương... của các cơ quan, lãnh đạo các cấp và cả không ít chiêu đãi tiệc tùng của giới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những năm gần đây còn có rất nhiều “công dân làm báo” hay “nhà báo không xưng danh” nhưng đã đóng góp không nhỏ cho xã hội qua những thông tin phản ánh chân thực, kịp thời nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Họ đáng nhận được phần thưởng nào?

    Những “nhà báo công dân” – “nhà báo không xưng danh” kể trên thường không có được điều kiện, cơ hội hoạt động, thu thập thông tin dễ dàng như những nhà báo chính quy hưởng lương của các cơ quan báo chí. Thế nhưng, không ít thông tin mà họ âm thầm tự tìm kiếm, thu thập, cung cấp cho các báo, đài hay tự công bố lại rất đắt giá, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và thực sự đọng được trong lòng người đọc – trong lòng dân.

    Một trong những dẫn chứng còn nóng hổi tính thời sự, chính là thực trạng tiêu cực trong thi cử đã bị tố cáo, phơi bày qua các video clip mà một thí sinh cùng những người hỗ trợ tự tổ chức quay ngay trong phòng thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Tiêu cực trong thi cử ở nước ta vốn đã tồn tại trong rất nhiều kỳ thi, ở nhiều cấp, nhiều nơi. Bộ Giáo dục và đào tạo đã phát động thành phong trào “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”, triển khai thực hiện trong toàn ngành suốt mấy năm qua. Tình trạng đó cũng được dư luận xã hội và báo chí quan tâm, phản ánh rất nhiều. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận thì cho đến nay chưa có cơ quan chức năng hay nhà báo chuyên nghiệp nào thu thập, ghi nhận được thực trạng và bằng chứng tiêu cực trong thi cử một cách rõ ràng, đầy thuyết phục và không còn đường chối cãi như thí sinh ở trường THPT dân lập Đồi Ngô đã làm được. Về góc độ báo chí – truyền thông thì đó quả là một trong những sản phẩm báo chí xuất sắc.

    Trả lờiXóa
  2. Hoặc cách đây không lâu, phóng sự truyền hình do một đài truyền hình cấp tỉnh tổ chức, trang bị phương tiện hiện đại cho nhiều nhà báo chuyên nghiệp của đài ghi lại hành động đánh đập trẻ em của người giữ trẻ tại một nhà trẻ gia đình, đã được trao giải nhất báo chí quốc gia. Sau khi nhận giải hơn cả năm trời, các nhà báo đoạt giải vẫn còn kể lại khá nhiều câu chuyện về quá trình tác nghiệp, với không ít biện pháp nghiệp vụ “thông minh, mưu trí” để vượt qua khó khăn, nguy hiểm mà làm nên tác phẩm báo chí ấy. Còn gần đây, trong các vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hay Văn Giang (Hưng Yên), rất nhiều báo, đài trong và ngoài nước đã đăng tải hình ảnh, video clip ghi lại hiện trường nhưng đều không phải do những nhà báo chính quy của các báo, đài ấy thực hiện, mà là tác phẩm của những “nhà báo công dân” cung cấp. Cho đến nay, tác giả của những “tác phẩm báo chí” đó vẫn chưa tự xưng danh. Những “nhà báo không xưng danh” ấy cũng không kể gì về quá trình “tác nghiệp” để có được sản phẩm đã cung cấp cho các báo, đài sử dụng đăng tải. Thế nhưng, người đọc, người xem chắc chắn sẽ hiểu được là quá trình “tác nghiệp” ấy cũng không kém khó khăn, và cả nguy hiểm so với việc các nhà báo chuyên nghiệp đã gặp và đã kể trong quá trình thực hiện phóng sự truyền hình về người giữ trẻ, đánh trẻ đã được tặng thưởng giải nhất báo chí quốc gia.

    Còn rất nhiều trường hợp và “tác phẩm báo chí” do chính những công dân bình thường làm thay cho các nhà báo chính quy và được công bố, đăng tải trên báo đài, giống như các trường hợp kể trên. Những tác phẩm báo chí đó đã phản ánh được các góc cạnh chân thực của nhiều sự việc xảy ra. Trong đó, có cả việc góp phần minh định để bảo vệ sự thật cho cả nhà báo chính quy trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường, như trường hợp hai nhà báo VOV bị đánh trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang. Đó cũng là góp phần nhằm giúp lãnh đạo và cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo, xử lý kịp thời, công minh các vấn đề liên quan trong nhiều vụ việc. Những “tác phẩm báo chí” của các “nhà báo công dân” ấy chưa thể lọt vào danh sách xem xét trao giải thưởng báo chí chính quy các cấp. Thế nhưng, gây được ấn tượng và đọng sâu trong lòng người đọc, người xem – đó cũng chính là một giải thưởng – “giải thưởng trong lòng dân”, dành cho những người thực sự xứng danh là “nhà báo trong lòng dân”…
    Phan Sông Ngân

    Trả lờiXóa
  3. Tạ Duy Anh
    (Nhân dịp ngày 21-6 và lễ trao giải báo chí sắp diễn ra)

    Vài lời thưa trước:
    Cách nay vừa tròn 25 năm, khi đó tôi đang trong quân ngũ đóng ở Lào Cai thì ở nhà bố tôi gặp một tai hoạ do chính ông gây ra. Cụ thể là ông đã viết một lá đơn tố cáo cán bộ địa phương – mà báo chí lúc đó gọi là bọn cường hào mới – gửi lên các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hà Sơn Bình. Một đoàn cán bộ từ tỉnh, huyện, xã được thành lập để xác minh những tố cáo của bố theo tinh thần Những việc cần làm ngay. Sau một ngày làm việc, họ đưa ra kết luận bố tôi vu khống nhằm bôi xấu cán bộ của đảng ở địa phương! Nhà báo Bằng Giang được đề nghị chấp bút viết bài để đăng báo Hà Sơn Bình, căn cứ trên bản kết luận của đoàn điều tra.

    Bài báo sau đó được báo Nhân Dân đăng lại trong mục Điểm qua các báo trong nước (xem ảnh), được nhắc đến trên mấy chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Sơn Bình và đọc mỗi ngày ba lần trong suốt hàng chục ngày trên Đài Truyền thanh huyện Chương Mỹ. Huyện uỷ huyện Chương Mỹ chỉ chờ có thế để lập tức ra nghị quyết yêu cầu Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ khởi tố bố tôi tội vu khống theo điều 117 Bộ Luật Hình sự. Rất nhanh, công an huyện Chương Mỹ vào cuộc và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn tất hồ sơ để chuyển sang toà án tiến hành xét xử. Thậm chí thời gian mở phiên toà lưu động xét xử bố tôi cũng đã tạm thời được ấn hành. Bố tôi có thể sẽ vỡ tim chết ngay trên vành móng ngựa nếu như tôi không về kịp nhờ biết thông tin qua báo Nhân Dân. (Về chuyện này thì đúng là tôi phải cảm ơn báo Nhân Dân, vì ngày đó chỉ có ba tờ báo đến được tay những thằng lính biên như tôi, trong đó có báo Nhân Dân. Ví thử báo Nhân Dân không đăng lại thì tôi sẽ không bao giờ biết bố mình gặp đại nạn, do khi đi lính tôi không cho gia đình biết là tôi đóng quân ở đâu). Tôi chỉ khác bố là bình tĩnh làm rõ những vấn đề cứ bị bố tôi làm rối lên. Nhưng may mắn cho tôi được ông Bí thư tỉnh uỷ khi đó là Nguyễn Đình Sở lắng nghe qua một lá thư. Ông yêu cầu huyện Chương Mỹ điều tra lại trước sự có mặt và đối chất của tôi. Kết quả là ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Công an huyện Chương Mỹ, một người từng thề sẽ đưa bố tôi vào tù (căn cứ trên nội dung bài báo), đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Huyện uỷ Chương Mỹ về một phiên toà nhằm dằn mặt bố tôi, bất chấp mọi áp lực từ ông Bí thư huyện đồng thời từng là thủ trưởng trực tiếp của ông. Lý lẽ ông Bình đưa ra là mọi lẽ phải đang ở trong tay gia đình tôi và một khi ông biết rõ như vậy thì ông sẽ hành động ngược lại là bảo vệ chúng tôi đến cùng. (Ông Hoàng Thanh Bình đã mất sớm vì bạo bệnh và tôi không còn cơ hội nói với ông lời tri ân, điều đó luôn khiến tôi day dứt). Phiên toà xét xử bố tôi về tội vu khống đã không bao giờ xảy ra như nhiều quan chức huyện, xã và thôn mong muốn. Nhưng trước khi có được điều đó, tôi cũng đã phải chiến đấu thực sự với đủ mọi mưu mô và nhờ thế chứng kiến nhiều sự hèn hạ của báo chí. Một bài báo bịa tạc gần như hoàn toàn. Tôi nói gần như vì nó cũng có chút ít sự thật, chẳng hạn như sự công thần của bố tôi. Ông làm Chủ tịch xã từ năm 1950, sau đó kiêm chức Bí thư xã cho đến khi bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1970 vì lợi dụng chức quyền mua 20 viên ngói giá rẻ còn thừa lại sau khi xây xong trạm bơm nước, thịt một con lợn ốm mà không báo cáo tổ chức, thêm tội thứ ba là gây mất đoàn kết nội bộ... -Đúng là có thời Đảng cũng trong sạch thật!. Khi tôi đến báo Tiền Phong, nơi vừa phanh phui vụ án nổi tiếng ở Thanh Hoá sau khi 14 đoàn kiểm tra cùng một kết luận sai, đề nghị họ vào cuộc giúp tôi làm rõ trắng đen, không ai muốn tiếp tôi. Do tôi cứ lì lợm ngồi lại, khẩn khoản yêu cầu được gặp hai vị “thánh” đã dũng cảm lật tẩy vụ việc Thanh Hoá nên cuối cùng hai vị đó đành phải xuất hiện. Ngồi nghe tôi kể, khi biết báo Nhân Dân đã đăng lại, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát thì một trong hai người lấy cớ bận xin phép bỏ ra ngoài. Người ngồi lại hạ cố trao đổi với tôi vài câu và đây là cuộc đối thoại được tôi ghi lại trong tự truyện như sau (Click vào tiêu đề để xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Tường Thụy

    Ngày 21/6 là ngày gì, của ai?

    Có thể có người cho rằng câu hỏi quá ngây ngô. Câu trả lời thường gặp là: Ngày 21/6 là ngày nhà báo Việt Nam và của nhà báo Việt Nam chứ còn là ngày gì nữa.

    Tuy nhiên ở nhiều bài báo của báo chí Nhà nước vẫn có cách gọi khác nhau: ngày Nhà báo VN, ngày Báo chí VN, ngày Báo chí cách mạng VN.

    Để hiểu cho đúng, ta cần tìm hiểu kỹ ngọn nguồn.

    Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chủ trì, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam.

    Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam.

    Ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị BCHTW Đảng CSVN theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng ý gọi ngày 21/6 là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

    Căn cứ vào tên gọi chính thức của nó thì ngày 21/6 không phải của riêng các nhà báo mà là của những người làm báo (nhà nước) nói chung.

    Như vậy, nếu gọi ngày 21/6 là ngày Nhà báo VN hoặc ngày Báo chí VN là không chuẩn. Tuy nhiên, nếu gọi là ngày Báo chí VN cũng có thể được, đấy là cách gọi tắt nhưng phải ngầm hiểu phạm vi chỉ báo nhà nước thôi. Còn gọi là ngày Nhà báo VN thì không đúng vì những người làm báo đâu chỉ có nhà báo, mặc dù gọi là ngày Nhà báo VN có vẻ sang trọng hơn. Nhà báo là người được cấp thẻ nhà báo, tuy không phải nhà báo nào cũng biết viết báo. Ngược lại có người viết báo giỏi nhưng không có thẻ nhà báo. Có phóng viên viết báo nhưng phóng viên chưa chắc đã có thẻ nhà báo.

    Báo chí là tên gọi chung của các thể loại thông tin đại chúng. Báo chí có nhiều loại hình: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, trong đó báo viết là loại hình xuất hiện đầu tiên.
    (Click vào tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Ngày nhà báo, lời động viên có cánh và những quả bồ hòn!

    Nhân ngày nhà báo 21 tháng 6, bà con ta vừa được nghe những lời động viên có cánh và những ý răn đe của hai ông cựu và tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (4T).

    Ông cựu tuyên bố xanh rờn: “ Có vùng cấm đối với báo chí không , tôi xin khẳng định ngay là không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm”.

    Quả bóng đã được ông chuyển sang chân các nhà báo tội nghiệp để bắt họ tự sút vào lưới nhà. Thế chưa đủ, người giữ độc quyền tác giả của khái niệm “LỀ PHẢI của báo chí” ấy còn đi xa hơn, khi ông trách các nhà báo và thúc giục: “Những vấn đề nóng bỏng của xã hội, báo chí chưa khoan đến đáy, chưa xoáy đến gốc, chưa chọc sâu đến tận cùng”.

    Chỉ với hai câu ấy, ông Lê Doãn Hợp đã hàm ý giải thích tình trạng ”Việt Nam đứng gần chót bảng về tự do báo chí” là do tội của các nhà báo (vừa hèn, vừa bất tài, vừa thiếu trách nhiệm) chứ sự lãnh đạo của Đảng mà ông đại diện luôn mở cửa rất thoáng và luôn thúc giục những con ngựa báo chí cứ phi đến tận cùng kia mà?

    Chẳng cần lệnh nhốt mà tự nhốt. Nhục chưa, thưa các nhà báo “lề phải” của ta? Cúc cung nghe lệnh mà chẳng được câu khen lại bị trút hết tội lỗi lên đầu, nhục nhất là tội thiếu nhân cách nhà báo?

    Nói vậy thôi chứ nhân dân hiểu. Dân không lạ gì những cú điện thoại của thượng cấp để “ra lệnh miệng”, những cuộc họp giao ban báo chí nặng nề để kiểm điểm, răn đe. Dân cũng từng biết có những chính phủ chưa dám để cho “đệ tứ quyền” được tự do. Chính quyền miền Nam trước đây cũng nhiều lúc áp dụng chính sách “hốt, cắt, đục” với báo chí đối lập, nhưng những động tác KIỂM DUYỆT ấy thực hiện công khai, ai không đồng ý cứ việc phê phán, chính phủ phải đương đầu với dư luận.

    Sự lãnh đạo của ta “tài tình” ở chỗ tuyên bố không kiểm duyệt mà còn chặt hơn kiểm duyệt, bởi đã chuyển được sự kiểm duyệt của chính quyền thành sự TỰ KIỂM DUYỆT của từng nhà báo và từng tổng biên tập. Đó là “nghệ thuật” của người biết chuyển sự áp đặt bên ngoài thành tự nguyện bên trong, biến sự chiếm đoạt thành những cuộc tự dâng hiến. Đã tự dâng hiến thì còn kêu ca nỗi gì? Có đau như hoạn cũng phải ngậm bồ hòn. Chẳng thế mà có câu chuyện Humour rằng trong mọi cuộc thi đấu Olympic quốc tế thì Việt Nam luôn đoạt huy chương vàng về hai môn Ngậm miệng ăn tiền và Ném đá giấu tay! Thật đậm đà bản sắc.

    Chỉ tiếc rằng những lời tuyên bố xanh rờn “đẹp như chân lý sinh ra” của ông cựu Bộ trưởng 4T chỉ cho nhân dân được thưởng thức sau khi ngài đã hạ cánh an toàn, chứ khi còn tại nhiệm nếu ngài quyết biến lời vàng ngọc ấy thành hiện thực thì chắc người kế nhiệm ngài hôm nay đã chẳng phải là vị sĩ quan gốc trinh sát Nguyễn Bắc Son. Người chỉ huy mới của ngành báo chí hiện nay cũng là sĩ quan chỉ huy từ Bộ Tư lệnh Lăng Bác, nơi mà từng cái vung tay, từng cái nhấc chân cũng phải đúng lễ nghi, khuôn phép, nhân dịp ngày nhà báo đã tuyên bố những lời huấn thị sắt đanh.

    Nhân ngày nhà báo long trọng này, mong những lời động viên có cánh của ông Cựu Bộ trưởng sẽ khiến cho các nhà báo “lề phải” của ta có thêm nhuệ khí để… bay lên…

    Hà Sĩ Phu

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips