Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Biên Hòa có nhà thương điên

(Thư ngỏ gởi nhà thơ Đàm Chu Văn, Phó chủ tịch hội Văn Học – Nghệ Thuật Đồng Nai, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, Chuyên viên cao cấp Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai)
Mải miết bon chen, ganh đua kiếm sống, lâu quá tôi không về Biên Hòa thăm chốn cũ người xưa. Nay nghe anh bị tai nạn thơ, tôi có đôi lời thăm hỏi.
Anh Đàm Chu Văn mến.
Hẳn anh biết Việt Nam mình được thế giới công nhận là một “cường quốc về thơ”.
- Lãnh tụ kiêm nhà thơ.
- Giáo sư tiến sỹ khoa học kiêm nhà thơ.
- Chủ tiệm cháo lòng tiết canh kiêm nhà thơ.
- Trùm buôn lậu kiêm nhà thơ.
- Tù nhân kiêm nhà thơ.
- Mấy anh trồng cần sa, bán bạch phiến cũng làm thơ.
Nhà nhà làm thơ, người người bình thơ. Có thần đồng thơ. Có trạng thơ. Ra đến ngõ là gặp nhà thơ. Ai cũng ho ra thơ, thở ra phê bình. Bởi vậy, Đại biểu Quốc hội, Bác sỹ y khoa kiêm nhà thơ Nguyễn Minh Hồng, có phòng mạch tư tại thành phố Vinh, Nghệ An, chuyên trị chứng hôi nách và cắt bao quy đầu, đã đề nghị Quốc hội khóa XIII thông qua “
Luật nhà thơ”. Giá mà bộ luật này đã được Quốc hội duyệt, thì có lẽ anh đã tránh được rủi ro này.

UBND tỉnh Đồng Nai
Tội cho thân anh, nhưng lại may cho bài thơ “Lời Những Cây Dầu Cổ Thụ ở Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân”. Có vậy tôi mới tìm đọc nó. Bài thơ hay, không dài, anh đã dùng chín lần đại từ nhân xưng “Ta”, riêng ở khổ thơ đầu anh dùng nó đến bốn lần.
…ta nhiều hơn tuổi các uỷ ban
… nhà cao tầng có thể cao hơn ta, nhưng vẫn cần sự che chở của ta

Ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ.”
Người ta đồn ông Huỳnh Văn Tới, trưởng ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai, là một tiến sỹ văn chương. Dịp Đại hội Đảng XI vào năm ngoái ở Hà Nội tôi thấy tiến sỹ Tới rất hăng hái cổ súy cho chủ trương phát triển Đảng ra ngoài khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Tôi mừng thầm tự bảo ông Tới dân chủ quá, còn dân chủ hơn cả người Mỹ. Vậy là từ nay các bà bán rau, các ông chạy xe ôm, các cô gái làm tiền đều có cơ hội được dự phần vào công việc điều hành đất nước. Nay biết tin chính ông tiến sỹ văn chương này là người xử thơ anh, tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng quả là danh bất hư truyền, ông Tới là người phóng khoáng thiệt, nên ông chỉ dùng hình thức “đối thoại kín”. Nếu phải tay tôi, thì tôi đập bàn cái rầm mà quát rằng: “Ta là ai? Ai là ta? Anh định ẩn dụ cái gì? Anh nhân cách hóa cái gì? Tại sao cây dầu cổ thụ không ở đầu làng hay ngoài chợ, mà dám lai vãng vào chốn công đường Uỷ ban Nhân dân? Anh ám chỉ ai? Anh móc méo cái gì? Anh phạm tội khi quân.
Bưởi Tân Triều ở Biên Hòa ngon nổi tiếng bởi vị chua dịu, ngọt thanh, và mọng nước. Phụ nữ Biên Hòa cũng ngon lành như múi bưởi quê hương. Thảo nào nữ sĩ Biên Hòa Trần Thu Hằng rất tế nhị “phê bình tư tưởng và việc làm của đảng viên” Đàm Chu Văn là: “Bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện”.
Thiệt là hồng phúc cho nhà anh, anh Văn ạ. Anh gặp một nữ văn sỹ trẻ giàu lòng nhân văn, chỉ góp ý nhẹ nhàng. Nếu gặp tay bảo thủ quen chém đinh chặt sắt, thì họ sẽ thẳng tay kết tội bài thơ này là “âm mưu của các thế lực thù địch”, “tiếp tay cho bọn phản động”,“thách đố chính quyền nhân dân”. Vậy là sự nghiệp của anh coi như toi. Anh không vô nhà đá ngồi bóc lịch, thì cũng về nhà nấu cơm đuổi gà cho vợ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips