Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

"Xóa đói giảm nghèo" ở Mỹ

Cơ quan Second Harvest Food BankSHFB quận Cam hiện có chương trình “Groceries for Seniors” cung cấp thực phẩm cho cư dân trên 60 tuổi và có lợi tức dưới $1,350 (cho một người) và dưới $1,821 (hai người) tại 37 địa điểm trong quận, mỗi tháng hai lần. Chương trình phát thực phẩm lần này còn được gọi là “The Brown Bag Program” vì người thụ hưởng được cung cấp thực phẩm trong những túi đựng hàng màu nâu từ các chợ như Trader Joe's, Ralph, Von's...
Bà Susan Shaw, một thiện nguyện viên làm việc tại nhà thờ Mesa Verde United Methodist Church thuộc thành phố Costa Mesa, một trong 37 địa điểm cung cấp các túi thực phẩm này cho người già, trong một ngày phát quà, mà số người nhận khá thưa thớt, bà Shaw cho biết: “Thật sự thì những túi thực phẩm này cũng giúp ích cho những gia đình khó khăn, nhưng phần lớn người già không có phương tiện để đến lãnh thực phẩm, nên tuần nào, cũng có số thực phẩm dư thừa, mà chúng tôi khuyến khích những người đến sau, nhận lãnh thêm.” Bà cũng cho biết thêm, những địa điểm cấp phát khác như nhà thờ, các trung tâm cao niên, các khu apartments, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng chỉ là nơi cấp phát, không có nơi chứa hàng hay kho đông lạnh, nên rất khó tiếp nhận các loại thực phẩm như rau quả hay sữa tươi. Về thủ tục nhận túi thực phẩm, các nơi cấp phát thường chỉ cần ghi tên cho số điện thoại mà không cần phải cung cấp các chứng từ về lợi tức cá nhân.
Mặc dầu trong quận Cam hiện nay ước tính có gần 1/2 triệu người lâm cảnh đói, nhưng những người Việt lớn tuổi, mặc dù có lợi tức thấp, thường sống với con cái và tính dè sẻn nên chưa thể gọi là đói thật sự. Mặt khác, những thực phẩm gọi là “thực phẩm cho người già” này cũng chưa đáp ứng được việc thực hiện cho những người nghèo khó có một bữa cơm đơn giản có bánh mì, thịt hay cá, rau đậu hay sữa tươi mà những món do SHFB cung cấp là những công ty thực phẩm hay các super market cung ứng như bánh mì, nước trái cây, “nui” khô, không phù hợp với một bữa ăn Việt Nam.


Second Harvest Food Bank một tổ chức thiện nguyện tiếp nhận thực phẩm từ các nơi gửi đến để phân phát lại cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, già cả neo đơn… có chi nhánh tại nhiều bang trên toàn nước Mỹ. Tùy theo mùa và số thực phẩm được trao cho SHFB, các túi hàng gồm có các món khoai, hành, lê táo, cà chua, nước trái cây, rau quả đóng hộp, bánh mì lát, bơ đậu phụng... Nếu hai túi hàng này không đựng hết, tại những địa điểm phát loại thực phẩm này, người nhận có thể nhận thêm bánh mì hay rau quả bằng những túi đựng riêng của mình mang theo.

Solomon House một điểm phát túi thực phẩm ở New Iberia, Louisiana
Người Việt và “The Brown Bag Program”

Cộng đồng người Việt cao niên ở vùng Little Saigon ít người biết đến chương trình phát thực phẩm này hay có khi biết mà không muốn tham gia nhận lãnh. Một ít người Việt, không muốn nêu tên, mặc dù ở trong diện lợi tức thấp, thường không muốn xếp hàng nhận lãnh một món hàng được cấp phát “free” vì vấn đề sĩ diện. Ông Nguyễn T. ở Westminster thì lại cho rằng những món “cứu đói” của SHFB không hợp với khẩu vị người Việt, giá có thùng mì gói, chai nước mắm hay một lố trứng gà thì mới bỏ công đi lãnh hàng.
Mặt khác, người Việt nhỏ con, ăn ít nên không có nhu cầu nhiều. Văn hóa “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” cho chúng ta thấy người Việt không muốn sắp hàng lãnh thực phẩm “cứu trợ” như những sắc dân khác.
Theo Huy Phương/Người Việt
Ghi chú: Hình chỉ để minh họa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips