Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Innocence of Muslims - Bộ phim giết người

Cuốn phim có tên “The Innocence of Muslims” (Sự ngây thơ của tín đồ Hồi Giáo), với nội dung xúc phạm đến Muhammed, vị tiên tri của Hồi Giáo, được cho là nguyên nhân gây ra vụ tấn công vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya, giết chết Đại sứ Chris Stevens cùng với ba công dân Mỹ khác.
Thế nhưng nguồn gốc của cuốn phim này cho đến giờ vẫn còn nhiều bí ẩn. Không ai biết rõ ai là người tài trợ, chủ trương của người làm phim, ngay cả những tài tử và nhóm làm phim cũng rất bất ngờ.
“The Innocence of Muslims” thật ra đã được trình chiếu tại Hollywood trong nhiều tháng trời, nhưng không thu hút được sự chú ý của khán giả, ngay cả đoạn giới thiệu dài 14 phút được tải lên YouTube vào Tháng Bẩy, cũng vẫn chưa được ai quan tâm.
Hoàn toàn bị lừa
Ký giả Tom Watkins của đài CNN, trích lời nhà phê bình phim kiêm người dẫn chương trình phát thanh Michael Medved, mô tả rằng đây là một cuốn phim “rất xoàng” có chất lượng “còn kém hơn phim do học sinh trung học thực hiện,” và vì thế chẳng lọt vào tầm nhìn của bất kỳ ai.
Thế nhưng, vào tuần trước, sau khi đoạn giới thiệu được dịch ra tiếng Ả Rập thì số người vào YouTube để xem lên đến hàng ngàn, rồi chục ngàn. Rồi đùng một cái, bạo động xẩy ra, cuốn phim bị cho là nguyên nhân của những bi kịch chết người.
Nhà làm phim phải dùng đến 60 tài tử và nhóm sản xuất 45 người để thực hiện cuốn phim miêu tả Tiên Tri Mohammed của Hồi Giáo như là một người mê gái, một kẻ lạm dụng tình dục và sát hại trẻ em, chuyên bẻ cong triết lý sống để thỏa mãn dục vọng.
Cindy Lee Garcia (ảnh trên) cư dân California, một nữ tài tử của phim, nói với báo giới là bà “hoàn toàn bị lừa” và không hề biết cuốn phim mà bà thủ một vai, có dính dáng gì đến Tiên Tri Muhammad.
Trong khi đó, một bài báo của Reuters tường thuật lời kể của nữ tài tử Cindy Lee Garcia rằng năm ngoái khi thấy công ty Backstage.com quảng cáo cần tuyển tài tử, bà nộp đơn, được tuyển và nhận lời đóng trong bộ phim có tên “Desert Warrior” (Chiến Sĩ Sa Mạc). Bà Garcia kể tỉ mỉ là “Chiến Sĩ Sa Mạc” quay trong một thánh đường ở Los Angeles mùa Hè năm 2011, trong đó khoảng 50 tài tử đứng diễn trước phông màu xanh lá cây thường được dùng thay bối cảnh.
Phóng viên của Reuters lục các thông báo cũ của Backstage.com thì quả thực có tìm thấy một quảng cáo tuyển người cho phim “Desert Warrior,” mô tả rằng đây là một cuốn phim ngân quỹ thấp, có tính cách lịch sử, kể lại việc phiêu lưu trong sa mạc của Ả Rập, kể lại chuyện xẩy ra cách đây đã 2,000 năm.
Trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại, tài tử Garcia nói khi xem lại đoạn giới thiệu trên YouTube, bà thấy nó “hoàn toàn xa lạ” chẳng giống bộ phim mà bà đã diễn xuất tí nào.
Cũng vẫn theo CNN, một nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc sản xuất phim, muốn được giấu tên, hiện còn giữ bản sao kịch bản gốc của “Desert Warrior,” xác nhận lời tuyên bố của tài tử Garcia là đúng, và nói thêm rằng “cả cuộn phim không hề đề cập đến 'Muhammed' hay nhắc tới 'Hồi Giáo' gì cả.”
Sáng Thứ Tư, sau vụ tấn công vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Benghazi, không chỉ riêng tài tử Garcia, mà toàn thể các diễn viên và thành viên sản xuất của phim “Desert Warrior” cùng gửi một bản công bố chung đến đài CNN, bày tỏ sự đau buồn về bạo lực mà cuốn phim họ vô tình góp phần thực hiện gây ra. Mặt khác, họ cùng khẳng định là hoàn toàn “bị lừa dối.”
Một đoạn trong bản công bố viết: “Toàn bộ diễn viên và nhân viên sản xuất vô cùng phẫn uất và cảm thấy bị nhà sản xuất phim lợi dụng.”
Họ khẳng định: “Chúng tôi 100% không hề ủng hộ cuốn phim này và hiển nhiên đã bị lừa về mục đích cũng như ý định của người làm phim. Chúng tôi thực sự bị sốc vì toàn bộ kịch bản đã được viết lại, vì những lời dối trá của nhà sản xuất, và vô cùng đau buồn vì những thảm kịch đã xẩy ra.”

Không ân hận
Diễn viên và chuyên viên kỹ thuật thì tuyên bố là bị lừa. Còn người chủ trương sản xuất cuốn phim thì sao?
Ðể trả lời câu hỏi này, các cơ quan truyền thông lớn như CNN, Reuters, AP, và cả tờ Wall Street Journal đều đổ xô nhau cử ký giả đi điều tra.
Tờ Wall Street Journal cho biết họ đã tìm ra được người làm phim có tên Sam Bacile, một nhà thầu bất động sản người Mỹ gốc Israel, và tường trình là khi trả lời phỏng vấn của Wall Street, ông Bacile nói cuốn phim là một nỗ lực “lật mặt cái đạo đức giả của Hồi Giáo.”
Hồi Giáo là một chứng ung thư.” Tờ Wall Street Journal trích lời của ông Sam Bacile.
Theo AP, ông Sam Bacile kể cho phóng viên của họ là cuốn phim “The Innocence of Muslims” được thực hiện với ngân quỹ $5,000,000, số tiền mà ông đã quyên được của một số người Israel.
Ðài CNN cho biết không tiếp xúc được với ông Sam Bacile, nhưng tìm được ông Steve Klein (ảnh trên) một người bán bảo hiểm cư ngụ ở Hemet, California. Ông Klein cho CNN biết ông là người cố vấn cho cuốn phim, nhận rằng có làm việc chung với ông Sam Bacile, nhưng Sam Bacile không phải là tên thật, và hiện ông Sam Bacile đã trốn mất.
Trả lời câu hỏi là ông có ân hận không khi cuốn phim gây ra nhiều bạo động ở Cairo, ông Klein trả lời: “Không! Tôi không xúi giục họ. Bản chất của họ là như thế!
Ông Steve Klein còn nói là ông cũng chẳng lo lắng về hậu quả của việc mình làm.
“Có những lúc mình phải làm những gì mình cần phải làm.” Ông khẳng định.
Hà Giang/Người Việt
 Đại sứ Mỹ tại Yemen bị tấn công
 và tại Ai Cập

9 nhận xét:

  1. Một người nhận mình đã thực hiện bộ phim báng bổ Hồi giáo dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối ở nhiều nơi trên thế giới đã lên tiếng phê phán những ai phản đối.

    Trong buổi phỏng vấn với đài phát thanh Sawa, một đài do chính phủ Mỹ tài trợ, người nhận mình là đạo diễn của bộ phim nói những đồng bào A-rập của ông “cần phải học cách biểu thị ôn hòa chống lại những gì mình không đồng ý.” Ông nói những gợi ý cho rằng chính phủ Mỹ can dự vào việc làm ra bộ phim này là “buồn cười và kỳ quái” và “nước Mỹ chẳng ăn nhậu gì đến bộ phim.”

    Đài Sawa cho biết ông này không chịu nêu tên nhưng có nguồn tin nói rằng ông ta là Nakoula Basseley Nakoula.

    Có nhiều tờ báo xác định ông này là tác giả bộ phim có tựa “The Innocence of Muslims." Năm nay 55 tuổi, là một tín đồ Ky-tô Coptic của Ai Cập, ông Nakoula có địa chỉ thường trú ở California và mới đây đã thọ án tù về tội gian trá ngân hàng.

    Lúc đầu có tin nói rằng nhà sản xuất là Sam Bacile, một người Mỹ gốc Israel nhưng sau đó được biết đây chỉ là một tên giả.

    Trả lờiXóa
  2. Tiếp tục biểu tình chống bộ phim báng bổ Hồi giáo

    Hôm thứ Sáu, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới để phản đối bộ phim sản xuất tại Mỹ:

    Ai Cập: hàng trăm người biểu tình đụng độ với cảnh sát gần đại sứ quán Mỹ ở Cairo.

    Libăng: Hằng trăm người biểu tình đốt quán ăn nhanh KFC của Mỹ tại Tripoli.

    Yemen: Người biểu tình đốt xe sứ quán Mỹ tại Sana'a và xé cờ Mỹ.

    Maroc: Người biểu tình tập trung tại thành phố Casablanca.

    Sudan: Người biểu tình tụ tập tại thủ đô Khartoum, một số định xông vào sứ quán Đức, đốt phá một số đồ vật bên ngoài sứ quán. Một nhóm khác xông vào sứ quán Anh nhưng bị chận lại.

    Tunisia: Cảnh sát bắn đạn cay vào những người biểu tình ném đá sứ quán Mỹ, một số nhảy qua bức tường ở vòng ngoài sứ quán.

    Malaysia: Nhiều cuộc biểu tình nhỏ ở nhiều thành phố, kể cả Kuala Lumpur.

    Indonesia: Hơn 350 người biểu tình bên ngoài sứ quán Mỹ ở Jakarta.

    Bangladesh: Khoảng 10.000 người biểu tình ở Dhaka đốt cờ Mỹ và Israel.

    Pakistan: Biểu tình tại nhiều thành phố, riêng tại Islamabad có 400 người tụ tập bên ngoài một đền thờ.

    Afghanistan: Hàng trăm người biểu tình ở thành phố miền đông Jalalabad.

    Trả lờiXóa
  3. Media of Christ, một tổ chức Công giáo đứng đằng sau bộ phim mang tựa đề "Innocence of Muslims". cuộn phim này do một nhà đạo diễn chuyên về thể loại khiêu dâm dàn dựng. Theo tiết lộ của báo chí Hoa Kỳ, bộ phim này được quay vào năm 2011 tại thị trấn Duarte, cách Los Angeles 45 km về phía đông.

    Đại diện của Duarte xác nhận với hãng thông tấn Pháp AFP, Media of Christ đặt trụ sở tại thị trấn này từ năm 2006 nhưng thị trấn Duarte đã không cấp giấy phép cho việc thực hiện bộ phim với nội dung phỉ báng đạo Hồi « Innocence of Muslims ».

    Tham gia vào công trình này có ông Nakoula Basseley Nakoula, 55 tuổi, một người Ai Cập theo đạo Thiên chúa. Nakoula nhận là nhà xuất bản phim. Ông ta sống tại Cerritos, ở phía nam thành phố Los Angeles khoảng 40 cây số. Từ năm 2009 nhân vật này đang trong tầm ngắm của ngành tư pháp Hoa Kỳ trong một vụ bê bối tài chính, lừa đảo ngân hàng. Trả lời một đài phát thanh Mỹ hôm 14/09/2012 bằng tiếng Ả rập, Nakoula Basseley Nakoula tuyên bố : không hề hối hận thực vì bộ phim « Innocence of Muslims ».

    Giới truyền thông Hoa Kỳ cho biết thêm là bộ phim đang làm chấn động thế giới Hồi giáo đã do đạo diễn Mỹ, Alan Roberts, 65 tuổi thực hiện. Ông là tác giả của nhiều bộ phim mang tính khiêu dâm như « Young Lady Chatterley II » hay « Karate Cop ».

    Các diễn viên tham gia dự án cho biết họ đã bị lừa bởi vì ban đầu họ được chọn để thể hiện vai của những nhân vật mang tên là George, Condalisa và Hillary nhưng trong kịch bản cuối cùng thì họ lại vào vai của nhà tiên tri Mohamed và những nhân vật trong kinh thánh Coran.

    « Innocence of Muslims » đã được một số người Ai Cập theo đạo Thiên chúa sống tại Hoa Kỳ khuynh hướng bài đạo Hồi yểm trợ và đặc biệt là đã được mục sư của bang Florida Terry Jones tán đồng. Terry Jones là người đã từng đốt kinh thánh Coran, một hành động khiêu khích từng bị chính quyền Mỹ lên án.
    Thanh Hà

    Trả lờiXóa
  4. Vào lúc mà các cuộc biểu tình bạo động chống Mỹ lan rộng ở các nước Hồi giáo, Hoa Kỳ lại không thể truy tố những kẻ có những lời lẻ xúc phạm tôn giáo, như tác giả bộ phim báng bổ đạo Hồi, do Hiến pháp Mỹ bảo vệ rất chặt chẽ những quyền tự do căn bản của người dân.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Luis Lavin - thẩm phán Tòa án cấp cao Los Angeles - ngày 20-9 cho hay yêu cầu gỡ bỏ đoạn phim Innocence of Muslims (Sự ngây thơ của các tín đồ đạo Hồi) của Cindy Lee Garcia đã bị từ chối bởi nguyên đơn không đưa ra được lý do thuyết phục.

    Hơn nữa luật pháp liên bang bảo vệ bên thứ ba là YouTube (YouTube không trực tiếp sản xuất bộ phim) khỏi những trách nhiệm pháp lý về nội dung mà họ xử lý.

    Timothy Alger, luật sư đại diện cho Google - công ty mẹ của YouTube - nói thêm rằng quyền của diễn viên không bao gồm việc người đó được bảo vệ trước những phản ứng của khán giả xem phim.

    Ngày 19-9, diễn viên Garcia đến từ thành phố Bakersfield, bang California đã kiện YouTube và công ty mẹ Google về tội xâm phạm quyền riêng tư và gây nguy hiểm cho tính mạng của cô khi cho đăng trích đoạn 14 phút của phim Innocence of Muslims.

    Phim miêu tả nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi như là một kẻ dối trá, đàn bà và là một người đồng tính khiến cộng đồng Hồi giáo phẫn nộ và làm dấy lên làn sóng chống đối Mỹ trên khắp thế giới.

    Bản thân Garcia cho hay từ khi đoạn phim được đưa lên YouTube, cô và gia đình bị đe dọa ít nhất 8 lần. Garcia đã báo lại việc này cho Cục Điều tra liên bang Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi gì từ cơ quan này.

    Trong cùng ngày 19-9, Garcia cũng đồng thời cáo buộc nhà sản xuất bộ phim Nakoula Basseley Nakoula đã gian lận và vu khống.

    Nữ diễn viên cho hay cô được thông báo mình sẽ tham gia một bộ phim phiêu lưu thời Ai Cập cổ đại mang tên Desert Warriors (Chiến binh sa mạc). Kịch bản mà Garcia nhận được cũng không hề đề cập tới đấng tiên tri Mohammed, tôn giáo hay bất kỳ nội dung gợi dục nào khác.

    Thậm chí lời thoại của Garcia trong đoạn phim cũng đã được lồng tiếng khác đi.

    Hiện tại Nakoula Basseley Nakoula đã bị kết tội gian lận và đang bỏ trốn. Cris Armenta - luật sư của Garcia - cho hay nữ diễn viên này sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ để đưa vụ việc trở lại tòa trong ba tuần nữa.

    Trước Garcia, Nhà Trắng từng yêu cầu YouTube gỡ bỏ đoạn phim Innocence of Muslims nhưng bị Google từ chối với lý do phim không vi phạm những tiêu chuẩn nội dung của hãng.

    Trả lờiXóa
  6. Giáo sư Mỹ Steven Ekovich của trường Đại học Mỹ tại Paris (America University of Paris) nhận định về làn sóng bạo lực chống Mỹ xuất phát từ bộ phim báng bổ đạo Hồi.

    Hỏi: Ông theo dõi và nhìn nhận thế nào về các cuộc biểu tình bạo lực chống Mỹ thời gian qua?

    GS Steven Ekovich: Việc bùng phát những cuộc biểu tình chống Mỹ vì lí do bộ phim này phỉ báng đạo Hồi, theo nhìn nhận của tôi, giống như phản ứng tự động của một "cơ chế". Ý tôi là trong một vài nước Ả rập, luôn có các phong trào cực đoan và các phong trào này chỉ chờ có một cái cớ để nổi lên.

    Về mặt cảm tính, đúng là luôn tồn tại một sự thù ghét nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung và sự thù ghét này đôi khi có thể đoàn kết các lực lượng này thành một mặt trận chống đối. Nhưng động cơ sâu xa hơn mà tôi nhận thấy, đó là các cuộc biểu tình này chủ yếu nhằm mục đích gây bất ổn nội bộ tại các quốc gia, từ Lybia cho tới Ai Cập hay Tunisia.

    Cuộc tấn công vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Libya, như chúng ta đều thấy, là một cuộc tấn công có sự chuẩn bị và tổ chức chứ không phải là cơn nóng giận bộc phát của các tín đồ Hồi giáo.
    Xem tiếp

    Trả lờiXóa
  7. Một người Mỹ gốc Ai Cập vốn bị xem là đứng đằng sau cuốn phim “Innocence of Muslims” đã bị bắt hôm qua tại California vì đã vi phạm tội tha có điều kiện.

    Một quan tòa liên bang đã ra lệnh tống giam người này mà không có tại ngoại hầu tra. Nakoula Bassaley Nakoula, 55 tuổi, đã bị cảnh sát Hoa Kỳ đưa về một nhà giam không được tiết lộ địa điểm. Lần này đương sự bị còng tay dẫn ra xe, nhưng vẫn quấn khăn trùm kín mặt trước ống kính dày dặc của các phóng viên.

    Năm 2011 Nakoula được ra khỏi tù vì một tội man trá ngân hàng khi đang làm bộ phim, nhưng nhà chức trách cho biết họ sẽ không điều tra bản thân bộ phim.

    Quan tòa liên bang Suzanne Segal cho biết đã từ chối lời yêu cầu xin được tại ngoại hầu tra của Nakoula tại một phiên điều trần trước đó và nói: “Trong thời điểm này, tòa án không thấy tin tưởng bị cáo nữa”

    Nakoula đã làm bộ phim kéo dài chỉ có khoảng 13 phút tại California rồi mang phát tán trên Internet, dưới nhiều tên gọi, trong đó có cả tên “Innocence of Muslims” trong đó Đấng Tiên Tri Mahommed của Hồi giáo bị lăng nhục về tình dục.

    Khi được tha trước đó, Nakoula đã bị cấm không được sử dụng Internet hay dùng các biệt danh mà không có phép của một viên chức theo dõi luật probation. Giờ đây ông ta đối diện với 8 cáo trạng vi phạm luật tha có điều kiện.

    Trong suốt hai tuần qua, Nakoula đã lánh mặt công chúng, khi cơn phẫn nộ Hồi giáo đối với bộ phim dâng cao. Một Bộ Trưởng Pakistan đã hứa thưởng 100,000 đô la cho ai giết tác giả bộ phim, sau đó Thủ Tướng Pakistan ra thông báo không chấp nhận kiểu treo thưởng như thế.

    Trả lờiXóa
  8. Luật sư bào chữa cho tác giả bộ phim "Innocence of Muslims" ngày 10/10 đã bác bỏ các cáo buộc nói làn sóng bạo lực ở Trung Đông vừa rồi là do bộ phim của thân chủ ông gây ra.

    Luật sư Steven Seiden nói những phiên điều trần của quốc hội Mỹ ở Washington sẽ làm sáng tỏ thêm nguyên nhân của bạo lực, đã khiến nhiều người Mỹ, bao gồm đại sứ Mỹ tại Libya, thiệt mạng.

    “Thân chủ của tôi không phải là nguyên nhân gây ra bạo lực tại Trung Đông. Rõ ràng nó đã được sắp xếp trước và bộ phim chỉ là một cái cớ,” luật sư của Mark Basseley Youssef, 55 tuổi, nói. “Như các vị biết, phiên điều trần của quốc hội đang diễn ra và sẽ tìm ra nguồn gốc thực sự của bạo lực tại Trung Đông.”

    Khi bạo lực bùng phát “báo chí, ngài tổng thống, bộ trưởng ngoại giao cáo buộc thân chủ của tôi vì bạo lực tại Trung Đông, và rồi một tuần sau chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm luôn những cuộc tấn công trùng hợp với sự kiện 11/9”.

    Bộ phim xúc phạm Nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed đã làm dấy lên làn sóng chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo khiến một số người Mỹ và nhiều cơ sở ngoại giao, kinh doanh, trường học của phương tây bị tấn công.

    Ngày 11/9, đúng ngày kỷ niệm những vụ tấn công khủng bố ở New York và Washington, đại sứ Mỹ tại Libya, Chris Stevens, và ba người Mỹ khác đã bị sát hại trong một vụ tấn công nhắm vào lãnh sự Mỹ ở Benghazi.

    Youssef bị bắt tháng trước với tám cáo buộc vi phạm tình trạng quản chế và hôm 10/10 tham gia phiên điều trần trước xét xử về điều này trước thẩm phán Mỹ Christina Snyder. Youssef bị quản chế vì cáo buộc lừa đảo ngân hàng năm 2010.

    Tháng 2/2009, một phán quyết của tòa liên bang cáo buộc Youssef và những người khác đã ăn cắp nhân thân và số thẻ an sinh xã hội của một số khách hàng tại các chi nhánh của ngân hàng Wells Fargo ở California và rút ra từ đó số tiền 860 USD.

    Phiên điều trần ngày 10/10, được tổ chức trong tình trạng an ninh thắt chặt và không cho phép người ngoài tham dự. Báo chí chỉ có thể theo dõi sự kiện qua truyền hình trực tiếp từ một căn phòng biệt lập. Trước tòa, thẩm phán đã đọc tám cáo buộc vi phạm quản chế với bị cáo.

    Sau đó, tòa lệnh tạm giam Youssef và xác định phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra ngày 9/11. “Chúng tôi phủ nhận mọi cáo buộc,” luật sư của ông nói sau đó.

    Trả lờiXóa
  9. Nakoula Basseley Nakoula, người đứng đằng sau bộ phim ‘Innocence of Muslims’ có tính cách bài Hồi giáo, vốn gây làn sóng căm phẫn trên thế giới, đã được trả tự do hôm thứ năm 26/9.

    Năm nay 56 tuổi, Nakoula đã bị án tù 1 năm vào tháng 11 năm 2012 sau khi thú nhận đã vi phạm điều khoản được tự do tạm vào năm 2010 về tội sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng gian dối.

    Các giới chức Hoa Kỳ cho hay Nakoula đã vi phạm luật tha có điều kiện khi đứng ra thực hiện bộ phim. Tin tức về vụ bắt giữ và giam ông ta đã được lan tải rộng rãi trên thế giới.

    Trong lúc nhiều người đồng tình về chuyện chính phủ liên bang bắt giam ông Nakoula về tội danh nói trên thì cũng có người cho là chính hậu quả khốc liệt của bộ phim trên thế giới khiến Hoa Kỳ không còn lựa chọn là phải trừng phạt tác giả bộ phim.

    Nhưng các viên chức Mỹ vẫn bảo vệ lập trường khi cho là Nakoula phải vào tù trở lại hoàn toàn không phải do làm phim, mà do ông ta đã dùng tên khác khi làm phim và còn khai gian với các viên chức Mỹ.

    Bộ phim ‘Innocence of Muslims’ đã gây làn sóng giận dữ trong cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới vì trong phim Đấng Tiên Tri Muhammed được mô tả là “một kẻ quyến rũ phụ nữ và có hành động ấu dâm”

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips