Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Venezuela: Lịch sử sẽ sang trang sau ngày 14/4?

Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro có thể gặp nhiều trở ngại để duy trì các chính sách xã hội chủ nghĩa vào cuối thời Hugo Chavez nếu ông thắng trong cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật 14/4 tới đây.
Những khó khăn mà ông gặp phải chính là việc thiếu một bàn tay sắt thép của người tiền nhiệm áp đặt lên liên minh cầm quyền khác cùng với một chế độ tài chính nhà nước mạnh mẽ gắn với thời kỳ điều hành đất nước của ông Chavez.
Maduro hiện vẫn đang dẫn đầu với một khoảng cách khá xa so với đối thủ Henrique Capriles của mình trong các chương trình khảo sát trước bầu cử. Cuộc bầu cử được tổ chức sau 30 ngày kể từ khi Tổng thống Hugo Chavez mất vì ung thư vào hồi tháng trước.

Năm ngoái, ông Chavez đã đề cử phó Tổng thống Maduro sẽ là người kế nhiệm của mình trong trường hợp ông không thể qua khỏi lần điều trị thứ tư của mình.
Nếu như ông Maduro thắng trong cuộc bầu cử, ông sẽ kế thừa một nền tài chính nhà nước rất căng thẳng bởi những chi tiêu trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Chavez trong năm 2012, lạm phát cao nhất châu Mỹ và sự thiếu hụt dai dẳng hàng tiêu dùng cơ bản. Tuy thừa hưởng từ ông Chavez một lượng người ủng hộ khổng lồ, nhưng đó chưa hẳn là ưu thế tuyệt đối với ông Maduro. Ông sẽ phải vất vả để kiểm soát “Chavismo”, một phong trào được dựng lên bởi nhiều thành phần xã hội khác nhau ở Venezuela ủng hộ cho Hugo Chavez.
Môi trường kinh tế khó khăn ở Venezuela có thể sẽ buộc phải tổ chức lại chi tiêu nhà nước, khả năng sẽ phải sửa chữa lớn hệ thống kiểm soát chặt chẽ tiền tệ.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela vẫn cung cấp một nguồn thu tuyệt vời cho ngân sách. Tuy nhiên nước này phải chịu những khoản vay nặng nề để xây dựng nhà, trợ cấp lương hưu và thu nhập cho các bà mẹ nghèo.
Với một số lượng ngày càng tăng các khoản phải trả nợ cho Trung Quốc và hỗ trợ hào phóng cho các nước đồng minh bao gồm Cuba, Maduro có thể sẽ có ít nguồn thu hơn cho các chương trình xã hội hoặc nhiệm vụ nhà nước – điều đã củng cố sự nổi tiếng của ông Chavez.
Cesar Aristimuno, một nhà kinh tế, cho biết Venezuela có nguồn thu từ dầu phong phú như vậy trong những năm gần đây đã có thể thay thế hàng hóa sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu, nhưng mà đô la đang khan hiếm và khu vực tư nhân suy yếu đáng kể.
Nền kinh tế của Venezuela dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2013. Nó đã tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2012.
Trong khi các vấn đề hàng ngày như tội phạm bạo lực, cắt điện và cơ sở hạ tầng kém chất lượng có xu hướng không làm tổn thương tới những người dân dưới thời ông Chavez, do sự ảnh hưởng đến mức tôn thờ ông của những người ủng hộ thì Maduro có thể không làm được như vậy. Ông tuyên bố sẽ ưu tiên giảm tội phạm, điều mà các cử tri lo lắng, nhưng cũng cần phải thấy sự tiến bộ trên một loạt các dự án cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành và hứa hẹn khác.
Infonet

Ông Maduro biết tận dụng uy tín của người quá cố trong mọi hình thức quảng cáo tranh cử
Nào là cho truyền hình quốc gia dựng phim hoạt hình tả cảnh Hugo Chavez lên "thiên đàng" và gần đây là "hồn Hugo" nhập vào một chú chim hót cho ông ta nghe bằng tiếng Tây Ban Nha...
Ngày hôm qua 11/4, thời gian giành cho chiến dịch tranh cử đã kết thúc, đây là chiến dịch tranh cử ngắn nhất trong lịch sử Venezuela, chỉ kéo dài 10 ngày, quyền Tổng thống Nicolás Maduro và Thống đốc bang Miranda, Henrique Capriles, hai ứng cử viên duy nhất (trong số 7 ứng viên) có khả năng chiến thắng...
 Biển người ủng hộ ông Henrique Capriles
Những người ủng Capriles là các tầng lớp trung lưu và giàu có thuộc giới thị dân ở thủ đô Caracas và các thành phố lớn.
Những người này bất bình với những khoản chi mà họ cho là “bất công” vì chỉ nhắm phục vụ cho bộ phận người nghèo trong xã hội. Chẳng hạn, giá thực phẩm ở Venezuela bị kiểm soát ngặt nghèo, giá xăng dầu rẻ nhất thế giới – nhưng được như vậy hoàn toàn là do Chính phủ hỗ trợ bằng tiền lấy trong ngân sách Nhà nước. Các “thị dân nổi giận” đòi thi hành một chính sách kinh tế mới để tạo một xung lực mới cho đất nước phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất trong chiến dịch tranh cử lần này lại là cuộc đấu tranh chống tội phạm. Bởi lẽ Caracas là một trong những thủ đô có mức độ tội phạm cao nhất Mỹ La Tinh, còn Venezuela nói chung đứng đầu thế giới về số lượng tội phạm tính theo đầu người.
Ngay từ những ngày mở màn chiến dịch tranh cử, các ứng viên đã chọn đường phố làm trọng tâm, đặc biệt là ở thủ đô Caracas. Nếu hôm nay khắp Caracas chìm trong sắc đỏ của những người ủng hộ ứng viên Maduro thì hôm sau lại đến lượt những người ủng hộ ứng viên Capriles chiếm lĩnh các đường phố và quảng trường.
Các đám đông dù ủng hộ ai cũng vừa đi vừa ca hát và nhảy múa khiến chiến dịch tranh cử hiện nay ở Venezuela chẳng khác gì một ngày hội lớn cực kỳ náo nhiệt/Tiền Phong

11 nhận xét:

  1. Với biệt tài hùng biện hệt như một nhà truyền giáo, ông Chavez đã lãnh đạo một phong trào dân tộc chủ nghĩa, điên cuồng bài Mỹ, dùng tiền bán dầu lấy lòng dân chúng và các nước lân bang, đánh bại mọi đối thủ chính trị và củng cố chế độ độc tài kiểu mới.

    Trong vai trò chính khách, nhà độc tài mạnh mẽ Hugo Chavez có cả người mê lẫn kẻ ghét. Nhưng trong vai trò lãnh đạo kinh tế, hình ảnh của ông kém hào nhoáng hơn, và thậm chí bị chê là “nhà quản lý tồi”. Sau khi đắc cử tổng thống vào năm 1999, ông đã phung phí cơ hội đưa đất nước đi lên.

    Công bằng mà nói, thời kỳ cầm quyền của Chavez không phải là thất bại về mọi mặt. Chính quyền của ông đã tiến những bước dài trong việc xóa đói nghèo và bất bình đẳng thông qua chương trình tái phân phối lợi tức. Nhưng chủ yếu thành tựu đó nhờ vào một thập niên tận hưởng lợi nhuận dễ dàng từ dầu hỏa, rồi mạnh tay chi tiền cho nhiều công cuộc vô bổ ở nội địa lẫn ngoại quốc, trong khi ngành dầu mỏ của đất nước mục rữa từ bên trong.

    Như Daniel Yergin, nhà phân tích năng lượng và tác giả đoạt giải thưởng Pulitzer, nhận xét hôm 5/3, toàn bộ con đường sự nghiệp của Chavez được dọn sẵn bằng thị trường dầu hỏa. Venezuela có trữ lượng dầu đã khẳng định lớn nhất thế giới. Và cuối thập niên 1990, ảnh hưởng trầm trọng của giá dầu sụt giảm thê thảm đã giúp người từng là lính nhảy dù và từng đi tù vì cầm đầu đảo chính bất thành nhanh chóng trở thành lãnh tụ phản kháng nổi tiếng và lên làm tổng thống qua bầu cử dân chủ. Khi giá dầu tăng vọt trở lại trong những năm 2000, Venezuela giàu lên, và quyền lực của Chavez càng vững vàng.

    Ngay từ lúc mới lên cầm quyền, ngẫu hứng và tùy tiện là đặc trưng phong cách lãnh đạo của Chavez. Rất nhiều lần, ông đưa ra những quyết định hệ trọng theo kiểu “ứng khẩu”, thường là khi đang huyên thuyên trong những chương trình truyền hình “Aló Presidente” (Xin chào Tổng thống) hàng tuần trên đài truyền hình quốc gia.

    Về chính sách kinh tế, ông đặc biệt có xu hướng áp dụng những giải pháp ăn xổi như thường xuyên phá giá đồng tiền, tịch thu sung công những công ty tư nhân, và tăng lương cho công chức để đối phó với lạm phát, thay vì giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế. Phong cách “chữa lửa” này vẫn tiếp tục ngay cả khi ông đang nằm chữa bệnh ở Cuba: hồi tháng Hai, phó tổng thống Nicolas Maduro phá giá 32% đồng bolivar.

    Vì vậy, Venezuela thừa hưởng từ Chavez một di sản đáng buồn với cơ sở hạ tầng rệu rã, chi tiêu chính phủ không bền vững và công nghiệp kém hiệu quả. Nhờ những chương trình xã hội của ông, người nghèo Venezuela chắc chắn đã được hưởng lợi từ nguồn thu do dầu mang lại cho đất nước, nhiều hơn so với dưới thời của chính phủ trước kia mà theo cách gọi của Chavez là giới chóp bu thối nát. Nhưng còn nhiều nghi ngờ về việc phần lớn nguồn lợi dầu hỏa đó đã bị phung phí – không chỉ do tham nhũng, mà còn vì bất tài.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  2. Chủ nhật này cử tri Venezuela sẽ đi bầu chọn người thay thế cố Tổng Thống Hugo Chavez và đường phố thủ đô Caracas đã tràn ngập màu cờ ủng hộ ứng cử viên Nicolas Maduro, người được ông Chavez chọn thay thế mình.

    Hiện nay thăm dò cho thấy ông Maduro đã không còn dẫn trước ông Henrique Capriles bao nhiêu nữa. Chính nạn tội ác trong xã hội, thiếu thốn thực phẩm, tỉ lệ lạm phát hai số và nạn cúp điện triền miên đã khiến cử tri Venezuela phần nào muốn tìm người lãnh đạo mới.

    Ông Capriles cũng xuống đường cùng với những người ủng hộ mình ở các bang phía tây là Apure và Lara. Các cố vấn của ông tố cáo chính phủ Venezuela đã cho đóng cửa công sở để nhân viên đi biểu tình ủng hộ ông Maduro.

    Quả thật đường phố thủ đô Caracas đã trở thành một party khổng lồ khi có rất nhiều người chơi nhạc cụ và nhảy múa trên đường phố. Vua bóng tròn Diego Maradona của Argentina cũng tham gia, ký tên lên các quả bóng và tung xuống cho đám đông cuồng nhiệt.

    Rõ ràng ông Maduro đã lợi dụng lòng thương tiếc còn “nóng hổi”của dân chúng dành cho ông Chavez để kiếm phiếu khi ông tuyên bố: “Tôi không có tham vọng riêng cho mình và không có ngày nào mà tôi lại không làm việc cho Chavez”

    Tuy nhiên bên dưới bề mặt đoàn kết là cả một đại dương bất mãn. Venezuela là quốc gia có tỉ lệ tội sát nhân cao thuộc hàng nhất thế giới, sản xuất đình đốn, quản lý kinh tế kém cõi.

    Hiện nay có 55% cử tri tỏ ra ủng hộ ông Maduro và 45% đã ngã sang ông Capriles, cho thấy ông Capriles đã “gậm nhấm” ưu thế của ông Maduro, nhưng thắng được Maduro thì chỉ có phép màu!

    Trả lờiXóa
  3. Hôm nay 14/04/2013 là ngày bầu cử trọng đại đối với cử tri Venezuela. Cánh tả với ứng cử viên Nicolas Maduro muốn tiếp nối sự nghiệp bênh vực dân nghèo của cố tổng thống Hugo Chavez. Đối lập cánh trung hữu, lần đầu tiên đoàn kết với một đại diện duy nhất Henrique Capriles, hy vọng lật qua trang sử 14 năm của một chế độ xã hội thiếu vắng một chiến lược phát triển kinh tế.

    Chính quyền Venezuela đặt quân đội trong tình trạng báo động, đóng cửa biên giới với các quốc gia láng giềng tại Nam Mỹ và tố cáo có «âm mưu khuynh đảo từ nước ngoài».

    Từ Caracas, thông tín viên Pierre-Philippe Berson tường thuật:
    «Tôi báo động với đất nước là một cuộc chiến tranh dơ bẩn đang được tiến hành từ Bogota (Colombia) chống nền hòa bình của Venezuela và cá nhân tôi. Mọi người hãy cảnh giác». Trên đây là lời tuyên bố của ứng cử viên cánh tả Nicolas Maduro trên mạng thông tin điện tử. Quyền tổng thống Venezuela, ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử hôm nay 14/04/2013, một lần nữa cảnh báo dân chúng. Không khí ngày bầu cử lại càng căng thẳng thêm.

    Từ đầu tuần, chính phủ Venezuela khẳng định là phe đối lập đang chuẩn bị khủng bố. Một toán võ trang ở Trung Mỹ tìm cách ám sát ứng cử viên cánh tả Nicolas Maduro, người đã được cố tổng thống Hugo Chavez chỉ định nối nghiệp. Nhiều người đã bị bắt, nhưng không có chi tiết về âm mưu khuynh đảo này.

    Venezuela cảnh giác cao độ. 150 ngàn quân được huy động bố trí canh chừng trên khắp lãnh thổ. Biên giới với Colombia đã bị đóng cho đến hết thứ hai tuần sau. Theo chính phủ Venezuela, thì các biện pháp này nhằm bảo đảm an ninh cho dân chúng đi bầu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phe đối lập Venezuela chính thức khiếu nại sau khi có cáo buộc chính quyền phạm luật khi vẫn tiếp tục vận động tranh cử trên truyền hình nhà nước.

      Cụ thể là vào đêm trước bầu cử, đài truyền hình nhà nước đã phát hình ảnh quyền Tổng thống Nicolas Maduro, ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền, viếng mộ cố Tổng thống Hugo Chavez.
      Ứng viên đối lập Henrique Capriles lên án đối thủ của ông đã ‘vi phạm tất cả các chuẩn mực bầu cử’.

      Hôm thứ Bảy ngày 13/4, Maduro còn cho ra mắt một kênh truyền hình trên Internet để phát sóng chiến dịch vận động của ông.

      ‘Lạm dụng quyền lực’
      Mặc dù vậy, Capriles nói rằng ông luôn ‘tôn trọng luật bầu cử’ trong khi ‘những kẻ nắm quyền không biết làm gì khác ngoài việc lạm dụng quyền lực’.

      Khoảng 19 triệu cử tri Venezuela có quyền bỏ phiếu vào Chủ nhật ngày 14/4 để bầu ra người kế nhiệm Hugo Chavez.

      Các cử tri sẽ bỏ phiếu điện tử – một thiết bị sẽ nhận diện vân tay trong khi một chiếc máy khác sẽ đọc mã số chứng minh thư để đăng ký cử tri mà không cần lưu danh tính.

      Các phòng phiếu sẽ mở cửa vào lúc 6h30 sáng giờ địa phương, tức 4h30 chiều giờ Việt Nam và sẽ đóng cửa 10 tiếng sau đó mặc dù vẫn chờ cho đến khi các cử tri còn xếp hàng đã bỏ phiếu xong.
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
    2. Ông Nicolas Maduro, người thân cận với Hugo Chavez, giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela.
      Ông Maduro, người được Chavez đề cử, đã chiến thắng đối thủ của mình là Henrique Capriles, thống đốc bang Miranda, với tỷ lệ phiếu 50,7% - 49,1%.
      Ủy ban bầu cử nói kết quả là "không thay đổi được".
      Ông Capriles đã từng thua ông Chavez trong cuộc tranh cử hồi tháng Mười. Tuy nhiên, lần thua này sít sao hơn nhiều so với ông Chavez.
      Ông Maduro nói ông sẵn sàng cho phép kiểm tra kết quả bầu cử.
      Hiện chưa có bình luận nào từ phía ông Capriles.
      Thống kê cho thấy 80% cử tri có quyền bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu lần này.
      Trước đó, trong một tin nhắn trên Twitter lúc phòng phiếu bắt đầu đóng cửa, ông Capriles đã cáo buộc phe đối lập đang tìm cách làm sai lệch kết quả bỏ phiếu.
      "Chúng tôi báo động cả nước và thế giới về mưu đồ thay đổi sự bày tỏ nguyện vọng của người dân," ông này viết.
      Cơ quan giám sát bầu cử nói quá trình bỏ phiếu đã diễn ra suôn sẻ. An ninh những ngày qua cũng đã được thắt chặt, Will Grant, phóng viên BBC tại Caracas nói.
      Bất thường
      Chính phủ nói đã có một số thông tin về 'những sự bất thường nhỏ', một số được chỉ ra bởi đảng đối lập.
      Trong buổi tối trước thềm tuyển cử, ông Capriles cũng đã cáo buộc ông Maduro đã phá vỡ luật bầu cử vì vận động tranh cử trên truyền hình quốc gia.
      Ông Maduro, 50 tuổi, đã lấy mối quan hệ thân thiết với cố Tổng thống Chavez làm thế mạnh của mình trong cuộc tranh cử.
      Việc đài truyền hình quốc gia quay cảnh ông này viếng thăm mộ của vị cố tổng thống bị ông Capriles cho là "vi phạm các điều khoản của luật bầu cử."
      Cả hai ứng viên đều ở một khía cạnh nào đó, đã phá vỡ sự im lặng trước báo chí mà lẽ ra họ phải giữ kể từ lúc cuộc vận động tranh cử chính thức chấm dứt hôm thứ Năm, phóng viên BBC tại Caracas bình luận.
      Có khoảng 19 triệu cử tri trong tổng số 28,8 triệu dân của Venezuela có quyền đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.
      Ông Maduro đã bỏ lá phiếu của mình tại vùng Catia thuộc thủ đô Caracas, tháp tùng bởi hai con gái của cố Tổng thống Chavez. Ông Capriles thì bỏ phiếu tại quận Las Mercedes, cũng trực thuộc thủ đô.
      Vào cuối ngày Chủ Nhật, tài khoản Twitter và trang web vận động tranh cử của ông Maduro đã bị hack bởi một nhóm tự xưng là Lulz Security Peru.
      Chính phủ nước này sau đó nói đã tạm thời đóng cửa mạng Internet trên cả nước để ngăn chặn khả năng các tà khoản Twitter của những quan chức khác bị hack.
      'Cơn ác mộng Chavez'
      Tổng thống Venezuela Hugo Chavez mất hôm ngày 5 tháng Ba, sau hai năm trời vật lộn với bệnh ung thư, vốn không được nêu rõ chi tiết.
      Cái chết của ông là nguyên nhân dẫn đến cuộc vận động tranh cử ngắn ngủi diễn ra trước tổng tuyển cử hôm Chủ Nhật.
      Người đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 19 tháng Tư và giữ chức tổng thống đến tháng Một năm 2019 để hoàn thành nhiệm kỳ sáu năm mà Tổng thống Chavez lẽ ra phải bắt đầu từ tháng Một năm nay.
      Ông Chavez là một lãnh đạo gây nhiều chia rẽ. Đối với những người ủng hộ ông, Chavez là một vị tổng thống sử dụng chủ nghĩa xã hội nhằm đánh đổ những thế lực chính trị và đem lại hy vọng cho tầng lớp người nghèo ở Venezuela.
      Ông này đã sử dụng nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ của nước mình để tăng cường vị thế của Venezuela trên trường quốc tế, đồng thời quan điểm thù địch của ông này với Hoa Kỳ cũng giúp ông có được nhiều đồng minh ở Mỹ Latin.
      Tuy nhiên, phe đối lập coi ông này là một nhà độc tài, người muốn xây dựng một thể chế độc đảng.
      Ông Chavez bị cho là đã đẩy đất nước vào tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, những đầu tư công và ngành công nghiệp thiếu hiệu quả.
      Người được ông Chavez đề cử, ông Nicolas Maduro, được cho là đang thắng thế, tuy nhiên kết quả phiếu gần đây nhất cho thấy khoảng cách giữa ông này và đối thủ của mình là rất sít sao.

      Xóa
    3. Hội đồng tuyển cử quốc gia hôm Thứ Hai đã xác nhận quyền tổng thống Nicolas Maduro đắc cử tổng thống Venezuela và không chấp thuận đòi hỏi đếm lại phiếu của ứng cử viên đối lập Henrique Capriles.

      Trong tổng số gần 15 triệu phiếu bầu, Maduro chỉ hơn Capriles 273,000 phiếu, tỷ lệ 50.8% trên 49%. Chênh lệch quá nhỏ ấy khiến cho không thể tránh khỏi những nghi ngờ và tố cáo gian lận bầu cử.

      Tại thủ đô Caracas, dân chúng ủng hộ Capriles đứng trên bao lơn các tòa nhà, hô khẩu hiệu và khua soong chảo phản đối. Ngược lại những ‘chavistas’, nghĩa là người ủng hộ phong trào cách mạng xã hội của cố lãnh đạo Hugo Chavez, tập trung trên đường phố đốt pháo mừng chiến thắng. Tình hình căng thẳng suốt ngày Thứ Hai và có một lúc cảnh sát đã phải dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên.

      Sự phản đối kết quả bầu cử cũng xảy ở nhiều thành phố khác. Phe ‘chavistas’ nói phía đối lập muốn gây loạn, và Maduro cho biết đã thành lập bộ chỉ huy chống âm mưu chính biến.

      Tổng thống tân cử Maduro xuất thân là một tài xế xe bus, có sự nghiệp chính trị khởi đầu từ hoạt động công đoàn ủng hộ Hugo Chavez. Ông được cử làm bộ trưởng ngoại giao và trong kỳ bầu cử tháng 10 năm ngoái được Chavez chọn làm ứng cử viên Phó Tổng Thống. Trước khi phải đi Cuba chữa trị bệnh ung thư, Chavez đã chỉ định Madura làm quyền Tổng Thống. Sau khi Chavez chết hồi đầu tháng 3, Madura tuyên thệ nhiệm chức quyền Tổng Thống trong một tháng cho đến cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật vừa qua.

      Thế mạnh của Maduro hoàn toàn dựa vào thành phần ủng hộ đường lối xã hội chủ nghĩa của Chavez trong đó đa số là dân nghèo cùng với lực lượng quân sự. Tuy nhiên chênh lệch xít xao trong kết quả bầu cử cho thấy sự ủng hộ và tin tưởng của dân chúng đã sút giảm nhiều trong tình trạng đất nước có rất nhiều khó khăn.

      Mặc dầu là quốc gia nhiều tài nguyên dầu lửa, nền kinh tế Venezuela đang sa sút, lạm phát cao, giá sinh hoạt đắt đỏ, thiếu lương thực, thuốc men, hệ thống hạ tầng cơ sở thiếu thốn và tình trạng cúp điện xảy ra thường xuyên. Venezuela cũng là nước có mức độ tội phạm cao vào bậc nhất thế giới,

      Để duy trì được sự ủng hộ như Chavez, Tổng Thống Maduro buộc phải tiếp tục các chương trình xã hội nhưng việc này không dễ dàng vì công ty quốc doanh dầu lửa đã là nguồn cung cấp hàng tỷ dollars trước kia, hiện nay đang thiếu nợ vì thu nhâp sút kém và công cuộc sản xuất không được cải tiến.

      Mặt khác, Maduro cũng sẽ gặp khó khăn về chính trị, ngay trong nội bộ PSUV, đảng Liên minh Xã hội Chủ nghĩa Venezuela, đã có nhiều phân hóa và nhiều lãnh tụ then chốt mất tin tưởng với kết quả ủng hộ của dân chúng trong cuộc bầu cử.

      Tuy nhiên, theo nhận định của những chính khách và nhà ngoại giao đã từng có dịp tiếp xúc với Maruro thì vị Tổng Thống tân cử của Venezuela này không phải là người thiếu khả năng. Cựu Dân Biểu Bill Delahunt đảng Dân Chủ tiểu bang Massachusetts, người đại diện Hoa Kỳ trong tang lễ Hugo Chavez, nói rằng Maduro trong tình thế phải chịu nhiều áp lực sẽ đương đầu được bằng đường lối thực dụng của ông. Theo lời Delahunt: “Maduro là nhà thương thuyết mềm mỏng và kết nối được với dân chúng. Đừng nhìn vào quá trình để đánh giá ông ta vì sẽ là lầm lẫn lớn. Ông ta không thiếu chuẩn bị và là một chính trị gia có đủ tài năng”.

      Xóa
    4. Ngày 16/4, ít nhất 7 người chết và 61 người bị thương trong cuộc bạo động diễn ra sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela kết thúc với một kết quả vẫn bao trùm cái bóng Hugo Chavez.

      CNN ngày 16/4 dẫn lại nguồn tin từ hãng tin AVN của Venezuela cho biết cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 135 người liên quan đến các vụ bạo động sau bầu cử. Cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra sau khi ông Nicolas Maduro – người tự nhận là “con trai” của Hugo Chavez giành chiến thắng sát nút trước đối thủ từ đảng đối lập là ông Henrique Capriles khiến ông này lên tiếng yêu cầu kiểm lại phiếu.

      Trong khi đó, các cử tri ủng hộ ông Capriles đã tràn xuống đường biểu tình phản đối. Tại một số khu phố, họ còn quá khích chắn đường, đốt vỏ xe và ẩu đả với lực lượng an ninh. Theo tin tức từ Đài truyền hình Venezuela, có ít nhất 7 người chết và 61 người bị thương trong cuộc bạo động này. 2 người trong số đó bị bắn chết bởi những người ủng hộ phe đối lập khi đang ăn mừng chiến thắng của ông Maduro tại Caracas. Trong khi đó, tại một bang miền trung nước này, vụ tấn công nhằm vào một trạm y tế nhà nước đã khiến 1 người khác tử vong. Ngoài ra còn có hai người, bao gồm một sĩ quan cảnh sát, bị sát hại ở một bang tại vùng Andean.

      Sau khi cuộc bạo động xảy ra, Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ giải quyết theo đường lối dân chủ. Những ai cố đoạt lấy thứ họ không giành được đều là những người không theo chế độ dân chủ.” Về phía đảng đối lập và ông Capriles, họ vẫn giữ quan điểm kêu gọi hòa bình và chưa đưa ra bình luận gì thêm. Trong khi đó, trong một loạt bài viết trên Twitter vào hôm qua (16/4), các quan chức trong đảng Xã hội thống nhất đã chỉ trích ông Capriles theo chủ nghĩa phát xít. “Cá nhân tôi thấy ông phải trả giá cho tất cả những thiệt hại đã gây ra cho quê hương”, Diosdado Cabello, Chủ tịch Quốc hội Venezuela viết. “Chính quyền nên bắt giữ ông Capriles”, Pedro Carreno - một đại biểu quốc hội tức giận nói.

      Xóa
  4. Trải qua 100 ngày cầm quyền đầu tiên trên cương vị Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro đã bước đầu thành công trong việc “giữ lửa” chủ nghĩa Chavez. Tuy nhiên, chính phủ mới của ông cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, báo hiệu chặng đường không êm ả phía trước.

    Ngay từ những ngày đầu, ông Maduro đã cam kết tiếp tục sự nghiệp của cố Tổng thống Hugo Chávez xây dựng Venezuela thành một đất nước xã hội chủ nghĩa đem lại hạnh phúc, độc lập, tự do và thịnh vượng cho tất cả người dân.

    Trên phương diện quốc tế, vị tân Tổng thống Venezuela về cơ bản vẫn đi theo đường lối đối ngoại của nhà lãnh đạo Chavez. Ông tiếp tục nỗ lực thắt chặt quan hệ, xây dựng hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh thông qua các tổ chức đa phương như PetroCaribe, Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) hay Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Hiện tại, ông Maduro đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Mercosur.

    Dù vậy, chính sách đối ngoại ban đầu của ông Maduro vẫn có nét “mềm mỏng” hơn so với người tiền nhiệm. Trong thời gian đầu cầm quyền, vị Tổng thống mới đã thực hiện một số chuyến công du châu Âu và lần đầu tiên trong 3 năm khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ. Đáng tiếc là giai đoạn ngoại giao thân mật này đã sớm kết thúc sau sự kiện bốn quốc gia Tây Âu - gồm Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha - đóng cửa không phận đối với chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia Evo Morales do tình nghi trên máy bay chở theo người tiết lộ chương trình do thám Mỹ Edward Snowden. Ông Maduro đã chọn cách đứng về phía các quốc gia trong khu vực để bảo vệ lẽ phải, thay vì nhượng bộ với hành động của Mỹ và phương Tây. Triệu hồi đại sứ tại 4 nước châu Âu, thậm chí tuyên bố sẽ cung cấp quy chế tị nạn chính trị cho Snowden là những bước đi cứng rắn của tân lãnh đạo Venezuela, điều mà có lẽ người tiền nhiệm của ông cũng sẽ làm nếu còn sống.

    Trong công tác đối nội, Tổng thống Maduro đã cố gắng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khủng hoảng trong nước. Nhiều biện pháp đã được đưa ra ngõ hầu có thể kéo giảm tỷ lệ lạm phát đang ở mức ngất ngưởng 25%, giảm tỷ lệ nợ công xuống mức thấp hơn 70% GDP, khắc phục tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu và ngăn chặn tội phạm gia tăng.

    Ngoài ra, để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, ông Maduro đã đưa ra sáng kiến chính trị quan trọng mang tên “Chính phủ đường phố”. Theo đó, ông và một số quan chức chính phủ trực tiếp “vi hành” xuống các bang để gặp gỡ lãnh đạo và người dân địa phương với quyết tâm phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm.

    Một điểm nổi bật khác là chính quyền Maduro đã dám đương đầu với hai vấn đề mà trước đó cố Tổng thống Chavez vẫn luôn né tránh: tham nhũng và tội phạm.

    Ngay khi mới nhậm chức, Tổng thống Maduro đã tuyên bố chống tham nhũng là một trong những ưu tiên của mình. Trong thời gian 3 tháng tại vị, ông Maduro đã cho bắt giữ nhiều quan chức có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ hoặc chèp ép người dân. Phát biểu trên truyền hình trung ương, Tổng thống Maduro nêu rõ các vụ bắt giữ này là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng đang được Caracas triển khai mạnh mẽ.

    Bên cạnh chống tham nhũng, nội dung trấn áp tội phạm và lập lại kỷ cương xã hội cũng được ông Maduro ưu tiên chú trọng. Thông qua việc ban hành Kế hoạch An ninh Nội địa, chính phủ Maduro đã cho triển khai quân đội giúp bảo vệ trị an tại các địa phương có tỷ lệ tội phạm cao. Khởi đầu từ thủ đô Caracas, đến nay kế hoạch này đã được mở rộng tới 79 thành phố đông dân nhất và được bổ sung thêm nội dung chống giết người thuê và giáo dục giới tính trong học đường.

    Một báo cáo công bố mới đây cho biết Kế hoạch An ninh Nội địa đã giúp giảm 30% số vụ phạm tội. Các số liệu thăm dò dư luận cũng cho thấy hơn 70% người dân Vênêxuêla tán thành việc quân đội tham gia trấn áp tội phạm và các chiến dịch đảm bảo an ninh trong nước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ông Maduro đến nay là vấn đề kinh tế. 100 ngày cầm quyền của tân Tổng thống Maduro bị bao trùm bởi tình trạng thiếu thực phẩm, điện, thuốc men và nhiều hàng hóa cơ bản khác.

      Các nhà phân tích dự đoán Venezuela sẽ tăng trưởng dưới 1% trong năm nay và lạm phát có thể lên đến 40% nếu chính phủ không áp dụng ngay các biện pháp quản lý hiệu quả. Tình hình cấp thiết này đã buộc ông Maduro phải rẽ sang một ngả khác, thực tiễn hơn so với người tiền nhiệm của mình.

      Cụ thể, ông Maduro đã thay thế Bộ trưởng Kinh tế Jorge Giordani dưới thời Chavez bằng gương mặt mới Nelson Merentes, một nhân vật được đánh giá theo đường lối thực tiễn. Ngay sau khi nhậm chức, ông Merentes đã nỗ lực xây dựng cầu nối với khu vực tư nhân, mà bằng chứng là cuộc họp gần đây của chính phủ với lãnh đạo Tập đoàn Empresas Polar -nhà sản xuất bia và thực phẩm lớn nhất nước- về vấn đề tăng cường sản xuất một số nhu yếu phẩm. Bộ Tài chính cũng đã lần đầu tiên trong nhiều năm tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân để lắng nghe đề xuất của họ về việc nới lỏng hệ thống kiểm soát tiền tệ, giá cả.

      Trong lĩnh vực tiền tệ, chính phủ Venezuela nỗ lực cải tổ cơ chế vận hành của Hệ thống Quản lý Ngoại tệ Bổ sung (SICAD) nhằm ngăn đồng Bolivar giảm giá trên thị trường chợ đen.

      Tuy nhiên, những nỗ lực trên không đồng nghĩa với việc Venezuela dưới sự điều hành của Maduro đã có thể mang đến ngay môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh. Rủi ro hoạt động kinh doanh vẫn ở mức cao do các gánh nặng quy định vẫn còn khắc nghiệt.

      Theo những số liệu công bố mới nhất, dù đã cố gắng nhưng tỷ lệ lạm phát ở Venezuela đã tăng vọt lên 39,6% trong tháng 6; tình trạng thiếu hụt thực phẩm vẫn tiếp diễn nghiêm trọng; tỷ lệ tội phạm tăng lên 55,2% trên mỗi 100.000 người dân, thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Tất cả những điều này khiến cho một số chuyên gia nhìn nhận rằng người dân Venezuela đang chứng kiến chất lượng cuộc sống suy giảm kể từ khi ông Maduro nhận nhiệm sở. Một số thành viên phe đối lập còn đổ lỗi sự suy giảm chất lượng sống hiện nay là do chính phủ Venezuela vẫn duy trì chương trình trợ cấp hào phóng cho các nước cánh tả Mỹ Latinh như Cuba, Ecuador, Bolivia và Nicaragua.

      Tuy nhiên, bất chấp những chỉ trích trên, bất chấp thực trạng kinh tế còn yếu kém và nạn thiếu hụt thực phẩm, tân Tổng thống Maduro vẫn là một hình tượng được yêu mến trong tầng lớp lao động, những người đang được hưởng lợi trực tiếp từ một chính phủ gần dân hơn.

      Theo cuộc điều tra mới nhất do hãng ICS tiến hành tại 20 bang và được công bố hôm 4/8, có 65% số người được hỏi đánh giá cao công tác điều hành chính phủ hiện nay; 61% hài lòng về những điều chỉnh ban đầu trong lĩnh vực kinh tế.

      Có thể nói, nhiệm kỳ đầy khó khăn của ông Maduro dường như đã được báo trước, khi ông lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống đầy khó khăn vào tháng Tư với tỷ lệ phiếu bầu chỉ hơn đối thủ 1,5%. Nhưng vượt lên tất cả, ông Maduro vẫn giữ vững mục tiêu phấn đấu trên con đường lựa chọn đã định. Đó là việc tiếp tục kế tục sự nghiệp của Hugo Chavez, “giữ lửa” cho chủ nghĩa cách mạng Bolivar, ổn định đồng nội tệ, ăng xuất khẩu dầu lửa, ngăn chặn thiếu hụt hàng hóa và chống tham nhũng.

      Vì thế, những kết quả và khó khăn của chính phủ Maduro thời gian qua chỉ là sự khởi đầu cho cuộc chiến dài ngày khác của tân Tổng thống Maduro. Trong đó “đối thủ” mà ông phải đương đầu không chỉ là những gương mặt đối lập, mà còn là tất cả những vấn đề nổi cộm về chính trị, xã hội, kinh tế nghiêm trọng của Venezuela.
      THANH NGUYÊN

      Xóa
  5. Kinh tế Venezuela là nạn nhân của chính sách vô trách nhiệm của một lãnh tụ độc tài và mị dân.
    Người ta cứ lầm rằng một chế độ mị dân thì cũng có chút ít dân chủ và trước tiên là có bầu cử. Nhận thức hời hợt này rất sai vì chế độ Ðức quốc xã của Adolf Hitler cũng xuất phát từ bầu cử và có hình thức dân chủ. Sau đó, tinh thần mị dân, và thực chất là khinh dân, mới dẫn tới độc tài.
    Sự chuyển hóa chầm chậm, như một vòng đai siết lại từng nấc, khiến người dân quen dần với cái ách độc tài. Ðến khi muốn tháo gỡ thì đã quá trễ vì xã hội không còn tổ chức nào có thể vùng lên để thay thế. Các đảng phái đối lập thì bị tê liệt hóa hoặc bị phân hóa vì hai gọng kìm song hành là đàn áp và mua chuộc. Ngả theo chế độ thì còn có quyền lợi, chứ chống đối thì bị truyền thông của chế độ kết án, và vào tù.
    Tuy nhiên, kinh tế lại xoay chuyển theo quy luật khác. Chính sách vô trách nhiệm của lãnh đạo Venezuela dẫn tới các tai họa sau đây:
    Khi sản lượng kinh tế không tăng mà nhà nước tiếp tục tung tiền mua chuộc các thành phần dân chúng có thể ủng hộ mình nhờ quyền lợi được ban phát thì nhà nước phải đi vay. Bội chi ngân sách làm rách túi bạc và trở thành gánh nợ công trái - trái là nợ và công là của công quyền. Về kinh tế thì điều ấy có nghĩa là công chi - các mục chi của khu vực công quyền - gia tăng, được tài trợ bằng trái phiếu hay giấy nợ, với hậu quả là gây ra lạm phát.
    Venezuela có thể thi hành chính sách kinh tế tai hại này trong cả chục năm vì là một nước sản xuất và xuất cảng dầu hỏa. Chavez khích động tinh thần dân tộc theo lối mị dân bằng biện pháp quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu hỏa của ngoại quốc. Nhưng hậu quả là đánh sụt đầu tư và làm khu vực năng lượng bị tụt hậu. Trong khi đó, nhờ có dầu, ông ta áp dụng biện pháp trợ giá để thị trường nội địa mua được xăng dầu và hàng hóa rất rẻ, dưới giá thị trường.
    Hậu quả là nhà nước bị lỗ và khu vực năng lượng càng thêm lụn bại.
    Chế độ trông cậy vào Trung Quốc để vượt qua những trở ngại này và càng lệ thuộc vào thiện chí của Bắc Kinh. Mỗi ngày, xứ này cung cấp 500 ngàn thùng dầu thô cho Trung Quốc để được vay tiền tài trợ ngân sách bị lủng và Bắc Kinh lấy dầu theo kiểu mua lúa non, nắm dầu trước, trả tiền sau.
    Khía cạnh khác của chính sách kinh tế tai hại này là sự phình nở của khu vực kinh tế nhà nước, các tập đoàn quốc doanh về năng lượng, công nghiệp và đất đai.
    Hai hậu quả kế tiếp của tình trạng này là quốc doanh lụn bại và mắc nợ trong khi tư doanh hết đất sống, bị bóp nghẹt và thậm chí đàn áp. Venezuela không chỉ gặp hiện tượng dễ hiểu là thiếu tổ chức hay giải pháp chính trị thay thế một chế độ độc tài, mà kinh tế cũng chưa tìm ra tiềm lực thay thế hệ thống quốc doanh trên bờ phá sản.
    Khu vực năng lượng và tổng công ty quốc doanh PDVSA là con gà đẻ trứng vàng cho chế độ đã hết trứng và đang thành gà toi. Nếu dầu thô lại không lên giá mà còn giảm thì chế độ “Hậu Chavez” của Maduro sẽ không có tương lai...
    HÙNG TÂM
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  6. Sự ngạo mạn thái quá, có phần điên rồ, của một cá nhân có thể dẫn đến tai họa cho cả một đất nước. Không bài học nào rõ ràng bằng trường hợp Venezuela. 10 năm sau khi Hugo Chávez đưa ra học thuyết “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”, Venezuela đang trên bờ vực sụp đổ toàn diện. Ngay cả giấy vệ sinh giờ cũng trở thành mặt hàng khan hiếm!

    David Boaz thuộc Viện nghiên cứu Cato mỉa mai: “Venezuela đã đến chặng cuối của con đường XHCN: không có giấy vệ sinh” (Business Insider 5-4-2015). Một phần vấn đề ở chỗ Hugo Chávez đã xây dựng nền kinh tế XHCN bằng “định hướng” công nghiệp dầu. Thay vì phát triển tư nhân hóa công nghiệp, Hugo Chávez chỉ dựa vào dầu. Doanh thu dầu được chi mạnh cho các chương trình phúc lợi xã hội, như “nguyên lý căn bản” của lý thuyết “CHXH”, tạo ra một xã hội làng nhàng mọi người đều vui vẻ cùng có cái ăn và không ai quá giàu hơn ai. Lý thuyết này, trong một thời điểm, đã giúp Venezuela tương đối ổn định và mang lại uy tín chính trị cho cá nhân Hugo Chávez. Tuy nhiên, dầu từng chiếm 95% doanh thu xuất khẩu Venezuela; cùng với khí đốt, chiếm 25% GDP; nay bị mất giá. Theo đó, “CNXH” cũng mất giá. Chính xác hơn, đó là hậu quả của thứ lý luận phi khoa học và phản kinh tế, được cổ súy từ những lãnh đạo bất chấp sự vận động tất yếu của khoa học và không màng qui luật kinh tế.

    Lạm phát Venezuela hiện 70% (cao nhất thế giới) – Wall Street Journal (13-3-2015) cho biết. Cái giá phải trả cho nền kinh tế phi sản xuất là sự thiếu hụt nghiêm trọng gần như mọi mặt hàng, từ phụ tùng xe đến giấy vệ sinh (nhiều khách sạn Venezuela ra thông báo yêu cầu khách phải mang theo giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng…). Bị ảnh hưởng nặng nhất là các dịch vụ xã hội vốn sống bằng ngân sách bao cấp. Trong 45.000 giường tại các bệnh viện công, hiện chỉ có 16.300 giường còn hoạt động. Bệnh viện tư, với 8.000 giường, cũng bị ảnh hưởng mạnh. Venezuela cần khoảng 1 tỉ USD/năm để nhập thiết bị y tế nhưng họ được cấp không đến 200 triệu USD năm 2014; giảm mạnh so với 807 triệu USD năm 2010. Khoảng 70% các loại dược phẩm đang thiếu trầm trọng. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Nicholás Maduro hiện chỉ 22%, thấp nhất kể từ khi kế nhiệm Hugo Chávez cách đây hai năm (The Guardian 22-3-2015). Maduro không đủ sức và không thể đổ “đống vỏ ốc” Hugo Chávez để lại.

    Venezuela bây giờ cần gì? Không hẳn là việc (trông chờ) xóa cấm vận của Mỹ. Điều họ cần là một gương mặt đủ mạnh để xóa cái di sản “XHCN” của Hugo Chávez, đủ dũng cảm để đứng lên nói với quốc dân rằng từ bây giờ họ phải làm lại từ đầu, phải đi trên một con đường mà gần như mọi quốc gia trên thế giới này đang đi.
    MẠNH KIM

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips