Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Cầu thủ nữ Bắc Hàn: Xin đừng biến mất

Thông thường chỉ một hay 2 ngày sau khi đến địa điểm tranh tài, lực sĩ, cầu thủ các nước rủ nhau đi chơi phố, sẵn sàng gặp gỡ, nói chuyện với dân chúng địa phương và tươi cười chụp hình kỷ niệm.

Đằng này các nữ cầu thủ Bắc Hàn đến dự Olympic đã hơn 1 tuần lễ nhưng thế giới chỉ trông thấy họ khi họ ra sân tranh tài. Ngay cả những buổi tập dượt cũng khép thật kín: không ai được xem, không một nhà báo ảnh nào được phép vào sân để chụp hình.
Trong cuộc họp báo đầu tuần rồi chỉ có ông huấn luyện viên Sin Ui Gun và ông trưởng đoàn Choe Nam Hyok ngồi trên bàn chờ trả lời câu hỏi, đại diện cầu thủ không xuất hiện.

Chuyện không tìm đâu thấy bóng dáng các người đẹp đá banh đại diện cho Bình Nhưỡng là điều khiến mọi người phải đặt dấu hỏi.

Sợ mưa to sét đánh?
Trước thắc mắc của cánh nhà báo hiếu kỳ, ông huấn luyện viên Sin Ui Gun ngập ngừng trả lời rằng các cầu thủ rất bận rộn, không có thì giờ tiếp xúc với báo chí. “Ngày nào chúng tôi có những buổi tập dượt vào buổi sáng và buổi trưa, thời giờ còn lại được dành để các cầu thủ nghỉ ngơi, thư giãn”. Ông bảo thêm trong khách sạn có khu “đặt games điện tử và bàn đánh bóng bàn, các cầu thủ thích ở trong nhà vì tại Glasgow, như các bạn đã biết, mưa to lắm. Điều đó có nghĩa là đừng mong nhìn thấy các cô thiếu nữ của đội tuyển bóng tròn đại diện cho nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Bình Nhưỡng xuất hiện trên đường phố, muốn nhìn các cô thì chỉ có cách mua vé vào xem các trận tranh tài.

Chuyện mưa to khiến các nữ cầu thủ Bắc Hàn phải ở trong khách sạn bắn “games” và chơi bóng bàn, thay vì ra ngoài phố tham quan, mua sắm, như cầu thủ các đội tuyển khác khiến mọi người nhớ lại chuyện mới xảy ra hồi năm ngoái ở Giải Vô Địch Bóng Đá Nữ Thế Giới (Women World Cup 2011) khi 5 nữ cầu thủ đội tuyển quốc gia Bắc Hàn bị phát giác sử dụng thuốc trợ lực (steroid). Những cầu thủ phạm lỗi bị FIFA treo giò (từ 14 tháng cho đến 18 tháng), Liên Đoàn Bóng Tròn Bắc Hàn bị phạt tới 400,000 dollars và không được dự World Cup 2015.

Đến bây giờ các viên chức đặc trách thể thao của Bình Nhưỡng vẫn nhất định kêu oan, bảo rằng cầu thủ của họ không hề dùng thuốc trợ lực mà bị phạt một cách oan uổng chỉ vì uống chế biến bằng nhung nai. Tại sao lại uống thuốc này? Câu trả lời từ Bình Nhưỡng: cầu thủ đang tập dượt thì trời đổ cơn mưa, bị sét đánh, phải uống thuốc nhung nai để mau lành bệnh. Chính vì thế nên khi nghe ông huấn luyện viên Sin Ui Gun than thở chuyện trời mưa, cánh nhà báo nhìn nhau thầm bảo có lẽ vì trời Glasgow đổ cơn mưa và sợ bị… sét đánh lần nữa, nên các nữ cầu thủ Bắc Hàn không dám đi ra ngoài đường!!!

Để lãnh tụ hài lòng
Thông thường và trên nguyên tắc, nếu đã bị FIFA treo giò, bắt nộp tiền phạt, thì quốc gia đó không được phép dự các cuộc tranh tài môn bóng đá ở các cuộc thi cấp quốc tế khác, đằng này bị FIFA cấm cửa nhưng các nữ cầu thủ Bắc Hàn lại được Liên Đoàn Olympic Quốc Tế (IOC) hân hoan chào đón sau khi họ lấy được vé dự Thế Vận Hội London.

Trong trận cuối cùng để lấy vé đại diện Châu Á, đoàn nữ tuyển thủ của quốc gia “khép kín” nhất thế giới đã thắng Australia và đến bây giờ các viên chức thể thao xứ Kanguroo vẫn còn hậm hực. Tháng trước khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP, ông huấn luyện viên Úc Tom Sermanni bực dọc cho rằng chẳng hiểu tại sao IOC “nổi tiếng với những quy luật gắt gao mà không có phản ứng gì đối với Bắc Hàn”, để yên cho “các nữ cầu thủ Bắc Hàn tranh vé đi dự Olympic và có mặt ở cuộc tranh tài chiếm huy chương vàng”.
Riêng về chuyện này, ông huấn luyện viên (ảnh bên) của hội tuyển nữ Bắc Hàn có ngay câu trả lời. Ông đưa ra cả thảy 3 lý do: thứ nhất, ông không liên quan gì với hội tuyển dự World Cup tai tiếng đó cả; thứ nhì, trong số cầu thủ được ông chọn đưa sang London “không có những cầu thủ bị FIFA phạt” và thứ ba, “quyết định cuối cùng vẫn là quyết định của IOC và của FIFA”, chẳng liên quan gì đến ông và những cô cầu thủ thế giới đốt đuốc đi tìm nhưng chưa ai thấy.
Đoàn nữ tướng bóng đá Bắc Hàn nổi tiếng từ năm 2008 sau khi đoạt Giải Vô Địch Châu Á nhờ vào dàn hậu vệ và lối đá thủ nhiều hơn công.

Lần này ở London, ông huấn luyện viên Gun báo trước sẽ ra quân với đấu pháp 4-3-3, tức sẽ mở những cuộc tấn công, đưa banh thật sâu vào lòng đất địch.

Nhưng đấu pháp vẫn không thú vị cho bằng chuyện ông huấn luyện viên Bắc Hàn Sin Ui Gun không bỏ qua cơ hội pha lẫn chính trị vào thể thao, cho giới truyền thông thế giới biết dàn quân của ông “sẽ làm tất cả những gì có thể làm” để tân lãnh tụ Kim Jong-Un hài lòng.

Nguyên văn lời ông nói như sau: thật là vinh dự, đại vinh dự cho đất nước chúng tôi khi có tân lãnh tụ. Đây cũng là vinh dự của cả nước, của mọi người Hàn Quốc, và mọi người đều hy vọng sẽ thành công thật lớn trong mọi công việc, kể cả thành công ở Olympic. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi bây giờ là chiến thắng, thắng càng nhiều càng tốt, đoạt vô địch như ước muốn của lãnh tụ, để lãnh tụ và mọi người đều hài lòng”.

Nghe lời phát biểu này, cánh nhà báo lại nhìn nhau nhớ lại những lời phát biểu rập khuôn được huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Bắc Hàn nói ở Johannesburg trước ngày khai mạc World Cup Nam Phi 2010, nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ tên lãnh tụ: lúc đó lãnh tụ Bình Nhưỡng là ông Kim Jong-il, thân phụ của lãnh tụ đương thời Kim Jong-Un.


Xin đừng biến mất

Không biết ở London 2012 các nữ cầu thủ Bắc Hàn tiến xa tới đâu chứ còn ở Nam Phi, các nam cầu thủ phải xách valise về nước ngay sau vòng bảng vì đá 3 trận thua cả 3, để lọt lưới hơn chục quả. Cánh nhà báo thích trêu chọc người khác từng kháo với nhau: chuyến bay từ Johannesburg về lại Bình Nhưỡng có chở theo 1 cái thúng thật to, trong đó đựng hơn chục trái banh đã làm thủng lưới Bắc Hàn.

Một chuyện bên lề để kết thúc bài này: ngay sau World Cup Nam Phi, cả dàn huấn luyện viên lẫn dàn cầu thủ của Bắc Hàn đều… biến mất, đến nay gia đình của họ vẫn chưa biết thân nhân của mình đang ở nơi đâu. Tin này buộc đích thân ông Chủ Tịch Sepp Blatter của FIFA phải sang tận Bình Nhưỡng “để tìm hiểu sự thật”, kết quả thế nào thì không nghe nói tới.

Chuyện cũ được kể lại với hai lời ước. Một: ước mong các cô thành công ở cuộc tranh tài Olympic London 2012 “để tân lãnh tụ hài lòng”. Hai: nếu điều ước số một không thành, thì ước gì các cô… đừng biến mất sau khi từ London về lại quê nhà. Khán giả và anh em nhà báo chúng tôi không có cơ hội nhìn thấy các cô trên đường phố London, chỉ mong có ngày gặp các cô ở ngay Bình Nhưỡng.
Nguyễn Văn Khanh
/rfa

Bài cũ:
Hậu World-cup-2010 số phận HLV Bắc Hàn
Tuyển nữ Olympic Bắc Hàn 2012 không có những ngôi sao
Thi đấu và thắng Columbia
Ban huấn luyện
Đội tuyển tham gia Cúp bóng đá nữ Thế giới 2011

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

OK tản mạn

Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ của nước nào lại có một từ thông dụng như chữ OK của Mỹ.
Bạn không thể nào nói rằng, bạn là một người Việt Nam thuần túy, bạn muốn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ nước nhà, bạn không dùng loại ngôn ngữ lai căng, nghĩa là pha thêm ngoại ngữ vào, khi bạn phát biểu.
Tôi tin sự bảo tồn ngôn ngữ của bạn. Thế nhưng, tôi đố bạn tránh được từ OK đấy. Một ngày ít nhất, bất cứ một con người, có khả năng nói, bất cứ một ngôn ngữ nào - mà có thể không xài đến chữ OK.
Không ai có thể ngờ, một từ xuất phát từ một trò đùa, đã trở thành một sản phẩm vĩ đại nhất của nước Mỹ vì nó phản ảnh văn hóa, tư duy của dân Mỹ, và trên thế giới, không một dân tộc nào là không dùng tới nó. (nói hoặc ra dấu...)
Nhưng tôi cam đoan với bạn, chúng ta dùng từ ngữ OK một cách không thắc mắc, và cũng không hề quan tâm tìm kiếm xuất xứ, cùng ý nghĩa thâm sâu cũng như nội dung của nó. Chúng ta chỉ hiểu đại khái OK là… OK. Là được, đường được, không xấu mà cũng không tốt lắm. Vầy vậy thôi. Theo kiểu đại khái chủ nghĩa.
Có nhiều giai thoại về xuất xứ của OK. Ở đây chỉ xin kể ba giai thoại. Từ này xuất phát do một trò đùa. Ngày 23 tháng 3 năm 1839, một tờ báo ở Boston dùng từ này đầu tiên và giải thích rằng OK là chữ viết tắt của “all correct” - mọi sự đều chính xác. Nhưng tại sao lại chính xác khi “O” không phải là chữ đầu của all và "K" cũng không phải là chữ đầu của correct? Do đó, ngay từ đầu, những gì gọi là chính xác cũng chưa hẳn là chính xác mà chỉ tương đối, chỉ OK.

Một năm sau đó, năm 1840, ông Martin Van Buren ra tranh cử tổng thống một lần nữa. Ông này vốn xuất thân từ khu Kinderhood của New York. Những người ủng hộ ông tái tranh cử gọi ông là Lão già ở Kinderhood - Old Kinderhood. Và nhiều nơi ở trên đất Mỹ lập ra những nhóm ủng hộ ông lấy tên là OK Club. Thế là cái từ này gây ồn ào trở lại.

Người ta đồn rằng Tổng Thống Andrew Jackson, lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1829 - 1837 hay phê “OK” vào các văn thư trình lên ông để tỏ ý chấp thuận. Trong vòng 20 năm sau đó, các vị lãnh đạo trong cách ngành nghề khác cũng bắt chước lối phê này để ra cái điều mình cũng làm giống tổng thống.
Ông Allan Metcalf nói, sự thực thì Tổng Thống Jackson không hề phê OK vào các văn thư, nhưng tin đồn đó đã tạo ra một phong trào và giúp biến từ này thành một từ thông dụng.

Allan Metcalf viết nguyên một cuốn sách nói về OK.
Ông nói
OK không chỉ là một từ ngữ vĩ đại, nó còn là một từ ngữ quan trọng, một sản phẩm thành công nhất mà người Mỹ xuất cảng đi khắp thế giới. Nó còn bao gồm triết lý sống và cách suy nghĩ của người Mỹ. Cái hay của nó là chỉ vỏn vẹn hai mẫu tự mà vừa đẹp lại vừa đơn giản, vừa tiết kiệm.
Nó mang tính thực dụng của người Mỹ. Nó không hàm ý mọi chuyện đều hoàn hảo vượt mức mong đợi, mà chỉ mang tính cách chung chung. Có người còn gọi là ba phải.
Khi có ai hỏi bạn có khỏe không? Bạn trả lời OK. Như vậy không có nghĩa là bạn khỏe như voi, mà như vậy cũng không có nghĩa là bạn đang ốm liệt giường.

Tác giả Metcalf vẫn còn dạy môn Anh ngữ tại trường cao đẳng MacMurray ở thành phố Jacksonville ở Illinois. Ông còn là Tổng Thư Ký của Hội Các Nhà Phương Ngữ Hoa Kỳ. Ông vẫn cố gắng vận động để cả nước Mỹ xem ngày 23 tháng 3 là ngày
OK Day, để kỷ niệm ngày từ này xuất hiện đầu tiên.

Metcalf nói ngoài ông ra, còn có một tác giả nữa, Thomas Harris cũng viết một cuốn sách có đề tựa là “Im OK, You're OK”. Theo ông, sách này phản ảnh tâm lý yêu chuộng tự do của người Mỹ. Im OK có nghĩa là tôi có thể làm những gì tôi muốn. You're OK có nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn muốn. Có thể là chúng ta không làm giống nhau. Nhưng như thế cũng OK.
Theo như định nghĩa này thì hình như đồng bào ta không nghĩ như thế. Đối với chúng ta, Im OK có nghĩa là tôi có quyền làm những gì tôi muốn. Nhưng nếu You muốn OK thì You phải làm giống như tôi.
Phải chăng vì văn hóa của mình là văn hóa No OK?

Lý do Bắc Hàn công khai chuyện chú Ủn có vợ

SEOUL (AFP) - Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Vân (Kim Jong-Un) lấy vợ từ năm 2009 và vợ ông ta đã có lần sang Nam Hàn, một dân biểu Nam Hàn cho hay hôm Thứ Năm, một ngày sau khi chính phủ Bắc Hàn tiết lộ việc lãnh đạo lập gia đình.
Ông Kim Chính Vân được sự theo dõi chăm chú của thế giới kể từ khi lên nắm quyền ở quốc gia nghèo đói nhưng lại có võ khí nguyên tử này, sau khi cha ông là Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il) bất ngờ qua đời hồi Tháng Mười Hai năm ngoái.
Tuy nhiên ngay cả tuổi thật của Kim Chính Vân cũng không được xác định, dù rằng có tin nói rằng ông ta hiện ở vào khoảng gần 30 tuổi. Việc lập gia đình với Ri Sol-Ju cũng là một bí mật được giữ kín.
Dân Biểu Jung Chung-Rai cho hay cơ quan tình báo Nam Hàn nói rằng Ri sinh năm 1989 và từng học hát ở Trung Quốc.
Jung cho hay Ri trước đây có đến Incheon, nằm về phía Tây thủ đô Seoul, vào Tháng Chín năm 2005, khi đi theo đoàn văn nghệ hỗ trợ cho các lực sĩ Bắc Hàn tham dự cuộc tranh tài Á Châu.

Mục tiêu của việc công bố sự kiện Kim Chính Vân lập gia đình một phần cũng để cho thấy “ông ta không phải là đứa trẻ” theo lời Chang Yong-Suk, thuộc viện nghiên cứu Institute for Peace and Unification Studies tại đại học Seoul National University.
Tờ báo JoongAng Ilbo ở Nam Hàn và các cơ quan truyền thông khác nói rằng Ri được Kim Chính Vân để ý tới khi trình diễn cho ông ta và Kim Chính Nhật xem.
Tờ JoongAng nói rằng chính Kim Chính Nhật có quyết định lấy vợ cho con mình nhằm chuẩn bị cho việc Kim Chính Vân nắm quyền. Các tin tức khác cho hay cha của Ri là một giáo sư và mẹ là bác sĩ.

Tại sao độc tài thích côn đồ?

Hồi còn mồ ma nhà độc tài Haiti Papa Doc Duvalier, ông có một nhóm côn đồ mà ông gọi là dân quân tự nguyện cho an ninh quốc gia, nhưng dân chúng thì gọi đám đó là Tonton Macoutes, dựa trên tiếng Creole chỉ một kẻ “bogyman”, một tên ngáo ộp.
Cái tên Tonton Macoutes ở vùng Caribbean quả thật đã trở thành đồng nghĩa với côn đồ của chính quyền.
Nhưng nào phải ông Duvalier là người duy nhất. Hiện nay chẳng hạn là trường hợp ông Bashar al-Assad. Ông có thiếu gì cách để giết dân mình. Ông đã cho phép trực thăng vũ trang và xe tăng bắn vào lực lượng nổi dậy ngay trong thủ đô của mình.

Tòa Bạch Ốc còn khuyến cáo Syria đừng sử dụng vũ khí hóa học. Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã tuyên bố cuộc chiến ở Syria là một cuộc “nội chiến”.
Nhưng ngay cả khi bạo động đang ngày càng gia tăng ở Syria, vũ khí tệ hại nhất trong kho súng của ông Assad rất thô sơ, rõ ràng là low-tech. Có quá nhiều lần rồi tiến trình diễn tiến giống hệt nhau: Ðầu tiên quân đội chính quy pháo kích, bỏ bom vào các làng xóm theo phe nổi dậy cho đến lúc họ không còn sức kháng cự nữa. Lúc đó chính quyền tung vào đám dân quân Alawite, một đám chiến binh chẳng có đồng phục, chẳng có chỉ huy, nhưng rất có tài giết người.
Ðược gọi là “Shabiha”, tiếng Ả Rập có nghĩa là “ma”, họ đã trở thành tiêu biểu cho sự tàn bạo của chế độ Assad. Sở dĩ họ được gọi như vậy là vì nơi nào có những vụ thảm sát thì thường nơi đó có sự xuất hiện của những Shabiha. Cách đây vài tuần, ở làng Tremseh, các Shabiha được nói đã tham gia trận chiến và để lại nhiều trăm người thiệt mạng. Các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc họ trực tiếp dính đến vụ thảm sát 108 người ở Houla hôm tháng 5, khoảng nửa trong số đó là trẻ em. Toán dân quân này của ông Assad cũng đã bị tố cáo nhúng tay vào một vụ đổ máu kinh hồn ở Mazrat al-Quber, gần Hama, không lâu sau đó.
Theo những người biết về Syria, đây là một lực lượng được tổ chức lỏng lẻo tùy theo nơi sinh, lực lượng Shabiha đứng ngoài hệ thống chỉ huy của quân đội. Người ta nghĩ là họ chịu trách nhiệm trực tiếp với gia đình Assad.
Nhưng tuy những gì chúng ta biết được về Shabiha, hầu hết qua các video được post lên Internet, thật là kinh hồn, và sự tàn bạo của họ đến mức có lẽ phải nói là trở thành thú tính, nhưng họ không phải là toán duy nhất.
Trên toàn miền Trung Ðông và ở nhiều quốc gia độc tài khác, những tên côn đồ của chính quyền, không phải là quân đội, đang đàn áp, sát hại và hành hạ dân chúng.
Sudan, không được mấy ai biết đến, họ có cái tên là Rabattah. Những toán dân sự được tung ra trên đường phố Khartoum hay Omdurman để đàn áp những ai chống lại chính quyền Sudan cũng tàn nhẫn không kém.

Chính phủ Iran thường xuyên sử dụng một lực lượng khổng lồ những tình nguyện viên Basij chống lại những người chống đối. Chúng ta hẳn vẫn còn chưa quên được hình ảnh của những Basij dùng “ống nước, dùi cui, thanh sắt và đôi khi súng để đánh đập hành hạ sinh viên biểu tình”.

Yemen, đám côn đồ của ông Ali Abdullah Saleh trước khi ông bị lật đổ tên là Baltajiya.

Ai Cập dưới thời ông Hosni Mubarak thì họ là Baltageya. Tên tuổi của họ có thể khác nhưng chiến lược chính trị của việc sử dụng những đám côn đồ có tổ chức để đàn áp đối lập thật hết sức giống nhau.
Hiện tượng này phổ biến quá ở vùng Trung Ðông khiến tạp chí Foreign Policy đặt câu hỏi:
“Các nhà độc tài Trung Ðông, vốn chi ra không biết bao nhiêu tiền để mua võ khí, lập quân đội tối tân, họ cũng có một đạo quân lớn và nhiều tổ chức an ninh, vậy tại sao họ lại ‘outsource’ việc đàn áp cho một đám mà thực ra chỉ là du côn đạo tặc hay băng đảng đường phố.”
Giáo Sư Adel Iskandar của viện Ðại Học Georgetown giải thích “Họ được thuê làm những việc bẩn thỉu mà cảnh sát không làm nổi.” Khi đàn áp chống đối, các định chế chính thức có giới hạn của nó. Một nhà độc làm sao, chẳng hạn khi cảnh sát và quân đội của ông ta cũng phát xuất từ cùng một sắc tộc hay một giáo phái như những người đang chống lại ông ta? Câu trả lời là đi thuê thêm tay chân từ thế giới tội phạm.

Những nhà tranh đấu ở Sudan chẳng hạn nói là những cảnh sát thường, lương ít, ngần ngại đàn áp người biểu tình. Thành ra bạo hành đối với người biểu tình đã được trao cho lũ côn đồ, và dĩ nhiên sau đó họ sẽ đòi tiền mãi lộ của nhà nước.

Ở Syria chẳng hạn, Shabiha phát xuất từ các băng đảng ở thành phố Latakia, vốn là thành trì của nhóm giáo phái thiểu số Alawite vốn đã cai trị quốc gia này từ nhiều năm nay. Thành phố này là sào huyệt của một băng đảng do ông chú của ông Bashar tên là Jamil cầm đầu. Ông Jamil kiếm tiền bằng cách buôn lậu và bán dâm. Ở Syria đám Shabiha sống tương đối vương giả nhờ chính quyền làm ngơ cho làm ăn. Ðiều kết hợp họ chính là sự sợ hãi vì họ là một thiểu số nhỏ xíu trong một quốc gia mà đại đa số không cùng giáo phái.

Ở Iran, đám Basij thường được tuyển từ các xóm nghèo, các ổ chuột quanh thành phố hay từ các vùng quê nghèo khổ. Hoàn cảnh này khiến họ vốn có thành kiến với các nhà chống đối, những người biểu tình. Ông Ali Alfoneh, một chuyên gia về Iran của viện nghiên cứu American Enterprise giải thích “Những thành viên Basij không có liên hệ xã hội với dân đô thị, trong khi họ lại vốn âm thầm thù ghét, thành ra họ có khả năng đàn áp dã man cuộc nổi dậy mà đa số là từ giai cấp trung lưu.”

Ở Ai Cập, đám Baltageya được tuyển từ khu xóm nghèo khổng lồ của Cairo và các thành phố lớn khác. Trong những khu này, sự kết hợp của nghèo đói lâu năm và trộm cắp lặt vặt đã tạo nên một tinh thần địa phương thách đố và hận thù, rất dễ để chính quyền chuyển sang chống lại kẻ sống bên ngoài thế giới đó.

Hơn thế, côn đồ không thích mặc đồng phục, một việc cũng tiện cho nhà nước có thể chối không nhận những bạo động mà đám này tạo nên.
Và có vẻ như chính quyền độc tài ở Hà Nội và Bắc Kinh cũng đã học được bài học đó. Ở Bắc Kinh thì họ là những tên gọi là thành quản. Ðây là những tên du côn được chính quyền địa phương thuê để đánh đập hành hạ quấy phá gia đình nhà tranh đấu Trần Quang Thành. Họ là đám đã được thuê để bắt những người dân quê lên Bắc Kinh khiếu kiện đất đai, đem nhốt họ ở những nhà tù bất hợp pháp một thời gian rồi bắt cóc họ đưa về nguyên quán.

Và ở Việt Nam đó là đám dân phòng hay “nhân dân tự nguyện”, hay ngay cả “thương phế binh” đã được chính quyền mang ra để uy hiếp, đàn áp và nếu cần hành hung các nhà tranh đấu mà đa số là trí thức và sinh viên học sinh. Họ quả là sẵn sàng làm những việc mà ngay chính công an cũng hổ thẹn không dám làm như ném mắm tôm vào nhà đối lập chẳng hạn.

Thế ra độc tài nào cũng chỉ có một sách.

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Buồn vui chuyện Vinh - Nhục

VĐV Kim Bùi (Bùi Kim Ngân) - sinh năm 1989
VUI: 2 VĐV người Việt tham gia Olympic Luân Đôn 2012 trong đội tuyển quốc gia Đức.

 Marcel Nguyễn (Marcel Van Minh Phuc Long Nguyen ) sinh năm 1987
Xem tiếp:

BUỒN: “Vietnam để mặc nhân viên ngoại giao của họ chết?”
Đó là tựa đề trên các báo Đức, nội dung:
Một nhân viên ngoại giao Vietnam, đã từng giữ chức vụ cao cấp tại đại sứ quán Vietnam, lâm bệnh ung thư máu, đang nẳm tại bệnh viện Vivantes ở Bá Linh. Cả nhà nước Vietnam lẫn hãng bảo hiểm sức khỏe Vietnam không ai trả cho ông ta phí tổn hóa học trị liệu. Bệnh viên Vivantes cho biết, trong hai lần trị liệu trước, mọi phí tổn một phần do chính bệnh nhân tự xuất ra trả và một phàn do bệnh viện ứng trước. Nhưng lần trị liệu tuần này thì không có ai trả. Phát ngôn bệnh viện, bà Mischa Moriceau nói "Chúng tôi đang nói chuyện với bộ ngoại giao Đức và đại sứ Vietnam".
Bệnh viện đã hỏi một vài cơ sở và xin quyên tiền, nhưng không ai muốn giúp quyên cho một nhà ngoại giao lâm bệnh. Vì thế bệnh viện Vivantes đành phải viết mails cho các hội đoàn và tư nhân xin giúp đỡ.
Mỗi làn hóa học trị liệu tốn 15.000 tới 17.000€. Ngoài ra họ còn xin quyên 1000€ tiền vé máy bay cho chị người bệnh từ Vietnam bay qua. Bà này có thể để mổ ghép tủy xương nhường cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế, bà Regina Kneiding ngỏ ý về luật pháp: "Đối với nhân viên ngoại giao thì các nước liên hệ hoặc hãng bảo hiểm y tế phải trả phí tổn cho việc điều trị tại Đức“ Nhà nước Đức không được phép trả tiền trị bệnh cho nhân viên ngoại giao nước ngoài.
Bà Thúy Nonnemann, nhân viên người Việt trong ủy ban "Các trường hợp nan giải“ cũa thành phố Bá Linh nói: "Dĩ nhiên tôi chúc cho bệnh nhân nhận được nhiều tiền quyên tặng. Nhưng nhà nước Vietnam không thể trốn tránh trách nhiệm phải bảo vệ an toàn và sức khỏe cho các nhân viên họ gủi ra nước ngoài.“. Một người Việt khác trả lời mail xin quyên tiền quyết liệt hơn: "Có phải là nhà nước Vietnam tin rằng Đức Quốc rồi sẽ trả tiền nhà thương điều trị? Hay là nhà nước Vietnam đế mặc cho nhân viên cao cấp của họ chết hơn là trả tiền điều trị?" Anh viết thêm, Vietnam không phải là nước nghèo và phải có bổn phận thi hành các nhiệm vụ quốc tế.
Trần Thị Hương dịch từ Neues-deutschland

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

10 nữ VĐV bỏng nhất Olympic 2012

1/ Alex Morgan nổi tiếng với tư cách là tuyển thủ của đội tuyển Mỹ đã vào đến trận chung kết World Cup 2011 tại Đức với 2 bàn thắng lập công cho đội nhà. Cô là một tiền đạo xuất sắc, không chỉ giỏi ghi bàn với cảm giác bóng tốt, mà còn giỏi chạy chỗ và có những đường chuyền sáng tạo cho các đồng đội.
Với gương mặt đẹp cùng vóc dáng chuẩn nhờ tập luyện thể thao, Morgan đã nhận được khá nhiều hợp đồng làm người mẫu ảnh. Hồi tháng 2/2012, nữ vận động viên này đã gây chú ý khi nhận lời chụp ảnh cho ấn phẩm Swimsuit Issuecủa tạp chí Sports Illustrated với bộ ảnh body - painting được tung ra đúng vào dịp Lễ Tình nhân 14/2 năm vừa rồi.
2/ Jessica Ennis là nữ vận động viên điền kinh xinh đẹp của Anh, chuyên về nội dung chạy vượt rào 100m, đã giành chức vô địch thế giới ở nội dung năm môn phối hợp nữ tại giải điền kinh trong nhà.
Cô hiện đang giữ kỷ lục quốc gia cả về hai nội dung: bảy môn phối hợp và năm môn phối hợp trong nhà.
3/ Victoria Pendleton chính là nhà vô địch nội dung đua xe đạp lòng chảo của Olympic Bắc Kinh 2008. Cua-rơ nữ xinh đẹp này từng đoạt HC vàng Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung 2006, 3 HC vàng tại giải vô địch thế giới 2007.
Không chỉ có tài năng, Victoria còn xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng dành cho phái đẹp nhờ sở hữu một thể hình cân đối, gương mặt xinh đẹp và những đường cong khỏe khoắn đầy chất thể thao. Cô cũng đã lọt vào danh sách 10 nữ vận động viên quyến rũ nhất thế giới năm 2009.
4/ Luciana Aymar hiện đang nắm giữ kỷ lục 7 lần giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” do Liên đoàn hockey quốc tế bình chọn. Aymar được biết đến với khả năng đánh bại các cầu thủ đối phương bằng cách sử dụng kỹ năng lừa bóng. Chính vì vậy, cô đã được so sánh với huyền thoại bóng đá Argentina Diego Maradona với các biệt danh như "La Maga", "El Diego" hay "La Maradona del hockey".
Không chỉ là một ngôi sao của môn khúc côn cầu, người đẹp sinh năm 1977 còn được coi là một hoa hậu trong làng thể thao bởi thân hình sexy của mình.
5/ Sophie Horn được mệnh danh là đóa hồng trong làng golf xứ sở sương mù. Người đẹp sinh ở vùng Midlands từng 3 năm liền vô địch golf lứa tuổi thiếu niên nhi đồng của hạt Norfolk. Năm 15 tuổi, Horn giành chức quán quân giải golf Norfolk lứa tuổi U21 và sau đó vô địch tiếp ở giải Midlands trước khi đăng quang ở giải Champion of Champions năm 2001.
Ngoài chuyên môn chính là thi đấu golf, Sophie tự nhận mình là một người mẫu và chuyên gia trình diễn. Năm 2005, cô phụ trách một trang trên tờ Golf Punk Magazine. Song song với việc viết báo, cô còn đảm nhiệm cả vai trò người mẫu ảnh và tham gia vào nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm ăn theo của tạp chí này.
6/ Melanie Adams là một trong những ứng viên vô địch nội dung nhảy sào nữ. Cô bắt đầu làm quen với bộ môn này từ hồi 7 tuổi và giành được 2 huy chương.
Người đẹp xứ sở chuột túi lọt vào top 10 nữ VĐV sexy nhất nước Úc. Ngoài ra, Melaine cũng từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi Miss Teen Australia năm 2006, và sẽ là ứng cử viên nặng ký trong cuộc thi Hoa Hậu hoàn vũ trong tương lai gần.
7/ Stephanie Rice là một vận động viên bơi lội người Australia. Nữ kình ngư này đã từng đoạt 3 HC vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008 (200 và 400 mét cá nhân hỗn hợp, 4x200 mét tiếp sức tự do)
Không chỉ tài năng, Rice còn sở hữu nhan sắc và những đường cong tuyệt vời, vì thế cô đã nhận được rất nhiều lời mời chụp hình từ các tạp chí, trong đó có FHM.
8/ Sara Galimberti là một vận động viên điền kinh có hạng của đất nước hình chiếc ủng. Cô đã từng hoàn tất cự ly chạy 800 mét và 1.500 mét với thành tích lần lượt là 2 phút 15 giây và 4 phút 37 giây.
Hiện tại, Sara Galimberti đang là sinh viên khoa ngôn ngữ của một trường đại học tại Milan. Ngoài thời gian dành cho học tập, Sara còn tự kiếm tiền bằng công việc người mẫu thời trang. Hồi năm 2009, Sara là đại diện cho xứ Lombardia tham dự cuộc thi hoa hậu Italia năm 2009.
9/ Darya Klishina là nữ vận động viên nhảy xà của Nga. Cô hiện đang giữ kỷ lục cấp quốc gia ở nội dung này với mức xà 7,03 mét.
Cô từng giành chức vô địch World Youth Championships hồi năm 2007, vô địch giải trẻ Châu Âu European Junior Championship và giành ngôi vị quán quân giải European U23 Championships hồi năm ngoái ở mức xà 7,05 mét.
10/ Ana Ivanovic là một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp của Serbia. Năm 2008 là năm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp thi đấu thể thao của Ana khi đánh bại Dinara Safina với tỉ số 2-0 trong trận chung kết giải Pháp mở rộng. Cô trở thành người phụ nữ Serbia đầu tiên và là người Nam Tư thứ 3 giành được danh hiệu Grand Slam ở nội dung đơn nữ (sau Mima Jausovec và Seles).
Người đẹp cao 1m83 từng được bầu chọn là tay vợt nữ gợi cảm nhất năm 2005 này luôn gây được sự chú ý của khán giả nhờ vẻ đẹp đằm thắm, đầy đặn, nữ tính của mình.
Thanh Thanh/tapchihuongviet
Best Blogger TipsBest Blogger Tips