Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Sau Chávez điều gì sẽ xảy ra?

Và sau Fidel, điều gì sẽ xảy ra?” vấn đề tương lai của cuộc cách mạng Cuba từ lâu chỉ là câu hỏi này. Fidel Castro, sau khi lên nắm quyền ngày 1/1/1959, đã độc quyền giữ nó đến mức khiến tất cả mọi người, những người ở Cuba cũng như ở nước ngoài đều nghĩ rằng chế độ mà ông đã lãnh đạo trong suốt gần một nửa thế kỷ sẽ không thể tồn tại khi không có ông. Thế rồi, ngày 31/7/2006, Líder máximo (lãnh tụ tối cao) ốm nặng. Ông đã rút lui khỏi sân khấu, bàn giao lại chính quyền cho người em trai út trong một sự kế tiếp hoàn hảo. Kể từ đó, câu hỏi trên đã thay đổi một chút: và sau Raul điều gì sẽ xảy ra? Bởi lẽ ông này năm nay đã 81 tuổi và người ta không thấy bóng dáng một vị thế tử nào xuất hiện trong hàng ngũ cầm quyền.
Nhưng, những tháng gần đây, có một ẩn số khác nổi lên trên chính trường Cuba: “Và sau Chávez, điều gì sẽ xảy ra?”. Câu hỏi này thoạt đầu bất ngờ, thực tế nhấn mạnh kết quả của một thập kỷ xích lại gần về kinh tế và hệ tư tưởng giữa Cuba và Vênêxuêla – gần gũi đến mức mà có một thời, thậm chí một liên minh giữa hai nước đã được gợi ra vào năm 2007.
Kể từ tháng 6/2011 và từ khi ông nhận được thông báo về căn bệnh ung thư của mình, Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chávez, 57 tuổi, đã phải 3 lần phẫu thuật liên tiếp ở Cuba. Tại đó, ông cũng trải qua một loạt những lần điều trị bằng hóa chất và tia phóng xạ, rời khỏi Caracát cả hàng tuần lễ nhưng không vì thế mà giao quyền lãnh đạo cho người khác. Thực chất bệnh ung thư của ông vẫn còn là một điều bí ẩn: tình trạng sức khỏe của ông là một bí mật quốc gia. Nhưng những triển vọng về sự hồi phục của ông là không chắc chắn sau lần thứ ba bị đột quỵ và phẫu thuật lại hồi tháng 3/2012.
Sự nghi ngại về tương lai của đồng minh Vênêxuêla còn khiến các nhà cầm quyền ở La Habana lo lắng hơn điều mà người ta giả định trong khi các phương tiện thông tin đại chúng Cuba im lặng gần như tuyệt đối về chủ đề này. Vả lại, không phải ngẫu nhiên mà Hugo Chávez lại được chạy chữa tại chính Cuba: dù Cuba hoàn toàn không nói ra, người ta vẫn biết rằng việc ông này tiếp tục nắm quyền ở Caracát, đối với nhà cầm quyền theo tư tưởng Castro là một thách thức mang tính sống còn của chính họ. Vì một lý do đơn giản: từ năm 1998, nền kinh tế Cuba phần lớn dựa vào sự giúp đỡ của Vênêxuêla và vào chức tổng thống của Hugo Chávez. Mối quan hệ gần như cha, con giữa ông và Fidel Castro không phải là điều xa lạ.
Chương trình đổi dầu hỏa lấy các bác sĩ
Trong một vài năm, Vênêxuêla đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Cuba và bỏ xa các đối tác đứng sau: năm 2010, lượng hàng hóa và dịch vụ trao đối giữa hai nước về của cải và dịch vụ, chiếm gần 40% toàn bộ khối lượng trao đổi của Cuba, với những điều kiện đặc biệt thuận lợi dành cho La Habana. Theo những điều khoản của hiệp định song phương
được ký năm 2000, Caracát giao hơn 100.000 thùng dầu/ngày (đáp ứng hơn hai phần ba nhu cầu của Cuba) với giá ưu đãi, và được thanh toán một phần thông qua hình thức vay tín dụng với thời hạn 15 năm – một ân huệ đối với nền kinh tế Cuba, đang thiếu tiền mặt và chỉ có khả năng vay ở mức tối thiểu.
Đổi lại, Cuba giúp đỡ các chương trình-xã hội của Vênêxuêla bằng việc đưa tới nước này 40.000 chuyên gia (y tế, giáo dục, thể thao, kỹ thuật) trong thời hạn 2 năm. Chính họ là những người thực thi một phần các chính sách xã hội của Caracát...
Những năm gần đây, việc xuất khẩu các hoạt động dịch vụ theo một dạng mới đã trở thành nguồn thu nhập lớn nhất của Cuba: được Caracát trả 6 tỷ USD mỗi năm, kể từ giờ, nó kiếm tiền cho hòn đảo này hơn rất nhiều so với ngành du lịch (2,4 tỷ USD năm 2010), xuất khẩu niken (800 triệu USD năm 2011) hay còn nữa là kiều hối, của những người sống lưu vong (ước chừng 1 tỷ USD, chủ yếu là từ Mỹ). Dù sao hoạt động này, với giá trị gia tăng lớn nhưng tác động còn yếu đối với phần còn lại của nền kinh tế quốc gia, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Vênêxuêla.
Ngoài ra, hai nước đã hợp tác cùng đầu tư trong nhiều dự án chiến lược đối với sự phát triển của Cuba như: xây dựng hoặc mở rộng 3 nhà máy lọc dầu (ở Cienfuegos, Santiago và Matanzas); xây dựng các nhà máy (sản xuất amôniac và PVC); cũng như cải tạo nhũng mỏ khai thác niken ở phía Đông hòn đảo này. Đó là những dự án có qui mô lớn và sẽ được triển khai từ nay cho đến tận cuối thập kỷ.
Mối đe dọa về một “thời kỳ đặc biệt” mới
Pavel Vidai, nhà kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Cuba, cho rằng trong trường hợp Vênêxuêla ngừng trợ cấp thì hòn đảo này có thể sẽ phải chịu tác động của một sự suy thoái kéo dài “trong một, hai hoặc thậm chí là 3 năm”, cùng với việc GDP giảm 9%. Nhà nghiên cứu này cho rằng: “Cuba không có nhiều phạm vi hoạt động, cho nên điều quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình mở rộng tự do hóa kinh tế và những chính sách cải cách”. Đó là những cải cách đã được Raul Castro cam kết từ khi ông làm chủ tịch (tạm quyền vào mùa Hè năm 2006, sau đó được bầu chính thức từ tháng 2/2008). Với một giọng điệu mới, trái với thói quen dương dương tự đắc, ông đã đưa ra nhiều nhận xét đôi khi tàn nhẫn về sự tàn tạ của nền kinh tế quốc gia, và như vậy có lúc xé toạc bức màn che đậy của cơ quan tuyên truyền.
Bởi vì bất chấp những tỷ lệ tăng trưởng được công bố ở mức hai con số (mà các cơ quan quốc tế nghi ngờ cách tính toán), mô hình Cuba vẫn thể hiện những sự trục trặc về cơ cấu, đã dẫn tới một sự thâm hụt rất lớn trong cán cân thương mại năm 2008. Đến mức để đối phó với sự khủng hoảng trong thanh toán ngoại tệ, các nhà cầm quyền đã quyết định đóng băng, mà không báo trước, những tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp nước ngoài ở Cuba, vào khoảng một tỷ USD, khiến cho những hoạt động của họ trở nên đặc biệt bấp bênh trong vòng hơn một năm – và do đó việc họ tiếp tục những đầu tư ở hòn đảo này trở thành mạo hểm.
Lĩnh vực nông nghiệp phải chịu một sự quản lý tập trung quá mức (80% ruộng đất bị quốc hữu hóa và cơ quan duy nhất đứng ra thu mua và phân phối, Acopio, đặc biệt không hiệu quả) đã khiến các vùng nông thôn kiệt quệ. Kết quả: đất nước trở lại với tình trạng hơn một nửa diện tích đất trồng trọt bị bỏ hoang. Một thất bại phải trả giá đắt và đặt ra vấn đề về an ninh lương thực – Cuba phải nhập khẩu 80% lượng lương thực mà họ tiêu thụ. Thêm vào đó, họ đang trong quá trình phi công nghiệp hóa: phần của khu vực hai (khu vực kinh tế kém phát triển hơn) rõ ràng đã thụt lùi kể từ khoảng 25 năm, chuyển từ 28% năm 1989 xuống 13,4% năm 2009. Còn về các dịch vụ, đã phát triển quá mức (năm 2009, chiếm“77% GDP), những dịch vụ này không dựa vào bất kỳ việc sản xuất của cải nào.
Đặc biệt là phần ít ỏi của các khoản đầu tư (dưới 10% GDP) và sự hư hỏng nói chung của các cơ sở hạ tầng bảo đảm cho sự tăng trưởng. Người ta cho rằng 40% bất động sản đang trong tình trạng tồi tệ cùng với việc thiếu gần nửa triệu nhà ở. Mạng lưới đường sắt và đường bộ ở trong một tình trạng thảm hại, không đủ các phương tiện vận tải để chuyên chở hàng hóa và hành khách: ở các tỉnh lẻ, việc vận chuyển phần lớn được đảm bảo bằng những phương tiện được gọi là “thay thế” – những chiếc xe thô sơ do ngựa kéo với một chiếc đèn dầu thay cho đèn pha. Sự tương phản có thể thấy rõ giữa các dịch vụ xã hội đặc biệt phát triển (nhất là giáo dục và y tế) và các dịch vụ cơ bản bị bỏ mặc.
Người ta tính rằng cứ 10 người dân mới có gần một người có điện thoại cố định và phải đến 2008, dân chúng mới được phép sử dụng điện thoại di động cũng như máy tính. 60% lượng nước sạch đã bị thất thoát trước khi tới được các vòi nước do các hệ thống đường ống dẫn nước của mạng lưới phân phối hư hỏng. Việc cắt điện, tạm chấm dứt trong cố gắng “cách mạng năng lượng” hồi năm 2005 (hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện bằng một mạng lưới máy phát điện dùng diesel), đã quay trở lại mạnh mẽ, làm tê liệt cả lĩnh vực nhà ở cũng như công nghiệp.
Trong hoàn cảnh nguy kịch này, lệnh cấm vận do Oasinhtơn áp đặt lên Cuba, có hiệu lực từ năm 1962, và được tăng cường . vào năm 1992 và 1996, đang đè nặng lên nền kinh tế của hòn đảo này và đặc biệt tới sự hội nhập quốc tế của họ: giá các giao dịch cao hơn từ 5 đến 10% so với giá mà những trao đổi trực tiếp với nước láng giềng liền kề này cho phép, những sức ép đối với các ngân hàng quốc tế và nhất là sự vắng mặt của các hãng du lịch Mỹ, cơ hội để kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm. Nhưng lệnh cấm vận của Mỹ – được gọi là sự phong tỏa chống Cuba – không ngăn cản hòn đảo này buôn bán hoàn toàn hợp pháp với 176 nước… cũng như với chính Mỹ: tiếp theo một văn bản pháp lý sửa đổi bổ sung được Oasinhtơn bỏ phiếu thông qua năm 2000 cho phép bán (nhưng không mua) thực phẩm và thuốc men, chính Mỹ đã trở thành nước cung cấp lớn nhất các thực phẩm nông nghiệp cho Cuba! Nhất là, lệnh cấm vận này không phải là nguyên nhân gây ra những trục trặc mang tính cơ cấu gắn với mô hình kinh tế tập trung và nhà nước hóa mà Raúl Castro hiện đang tìm cách hợp lý hóa...

 Giờ thì chẳng có cái gì chia lìa được đôi ta
Không còn nhiều thời gian nữa, xin trân trọng giới thiệu Đại ân nhân của Cuba - Đồng chí Hugo Chavez...
Bài cũ:
Hugo Chavez đã khỏe?
Chính phủ Venezuela hôm 15-2 đã lần đầu tiên công bố 4 bức ảnh chính thức về Tổng thống Hugo Chavez dù nằm trên giường bệnh nhưng vẫn tươi cười bên 2 cô con gái...
Hugo Chavez: Những hạt cát cuối cùng...
Các bác sĩ chăm sóc cho Hugo Chavez tại Havana đã thông báo cho gia đình của ông Chavez, hai anh em nhà Castro, và chính quyền Caracas rằng ông Chavez không thể trở lại để thực hiện nhiệm kỳ tổng thống...
Điềm báo Hugo sắp đi thăm cụ Mác cụ Lê?
Có lẽ vấn đề sức khỏe tồi tệ của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã không còn là những lời đồn đoán và tình thế này buộc người ta phải tính đến chuyện: Ai sẽ thay ông ngồi vào chiếc ghế Tổng thống của quốc gia…
Hugo Chavez tái đắc cử, ai mừng?
Việc Hugo tái đắc cử mừng nhất có lẽ là cụ Ra-ủn Chủ tịch Cuba vì hàng năm, Venezuela viện trợ Cuba từ 5 tỉ đến 15 tỉ USD – chiếm gần một phần tư trong số 63 tỉ USD GDP của Cuba, khoản này sẽ bị cắt nếu...

2 nhận xét:

  1. Tổng thống Hugo Chavez không điều trị trong đất nước, bởi vì ông không tin tưởng các bác sĩ bản địa. Ông cũng từ chối giải phẫu tại Brazil, nơi hai năm trước đây Tổng thống Inacio Lula da Silva đã có lời đề nghị. Chavez chỉ tin cậy người thầy tư tưởng của mình - nhà độc tài Cuba kể từ năm 1959, Fidel Castro, người mà bản thân đã trải qua phẫu thuật lớn sáu năm trước đây và từ đó ông rút lui vào bóng tối của chính trị Cuba, nhường lại quyền cho em trai Raul của mình.

    Trong hai năm, Tổng thống Hugo Chavez đi lại liên tục giữa Cuba, nơi ông được sự chăm sóc của các bác sĩ và chuyên gia từ Tây Ban Nha và Nga, và Caracas, nơi ông trở lại bằng trị liệu qua bức xạ và phương pháp hóa học, để thuyết phục đồng bào rằng, ông vẫn còn cai trị và cảm nhận cuộc cách mạng dân túy của ông. Ông xác định nó là chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI và "Cách mạng Bolivarian" từ tên thần tượng của ông, Simon Bolivar, người giải phóng Mỹ Latinh ra khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha.

    Vài lần ông tuyên bố cuối cùng thì ông cũng đã chiến thắng bệnh tật, và khiển trách kẻ thù đã làm rối cuộc sống của mình.

    "Hugo Chavez tái đắc cử Tổng thống của Venezuela là một thảm họa cho đất nước và một dự đoán nghèo nàn cho cánh tả toàn cầu....

    Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là Chavez thuyết phục nhân dân và những người thuộc cánh tả bị lạc lối từ khắp nơi trên thế giới về sự dối trá đôi. Đầu tiên, Venezuela đó là một quốc gia giàu có. Thứ hai, đây là sự lựa chọn kinh tế và xã hội trước mô hình ăn cướp và tân tự do của chủ nghĩa tư bản.

    Venezuela là nước nghèo hơn bao giờ hết, bởi vì hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ. Ngoài dầu ra sản xuất không có gì và không xuất khẩu. Gần như không biết sản xuất cái gì, bởi vì các kỹ năng cần thiết trong nền kinh tế hiện đại đã bị cạn kiệt và doanh nghiệp tư nhân bị lên án. Nếu đột nhiên dầu hết hoặc giá giảm, dân Venezuela chỉ còn mặc một chiếc áo sơ mi, không hiểu rằng họ không có gì và không biết gì.

    Chavez là một biểu tượng của chủ nghĩa dân túy cánh tả ở Mỹ Latinh. Ông lên án các đầu sỏ bản địa, chủ nghĩa tư bản, và Hoa Kỳ trở nên một sức mạnh đáng ngại và là nguyên nhân của tất cả những điều bất hạnh của đất nước ông và toàn bộ lục địa. Hùng biện chống Mỹ và chống tư bản, ông đã giành được các đồng minh và khách hàng của mình trong đó có nhiều nhà lãnh đạo của các nước nghèo trên châu lục.

    Lời nói, tuy nhiên, được hỗ trợ bằng tiền. Từ dầu mỏ, của cải chính của Venezuela, ông thực thi sử dụng gần như nguồn doanh thu duy nhất của nhà nước, nhưng cũng là công cụ mạnh mẽ trong chính sách đối nội và đối ngoại. Hàng triệu đốla từ dầu được ông tài trợ cho các chương trình trợ cấp xã hội của người nghèo, cung cấp cho Cuba cộng sản, Nicaragua và một số nước khác ở Trung Mỹ. Cuba đã thay thế vai trò của Liên Xô sụp đổ. Ông là bạn của các nhà lãnh đạo Iran, Nga, Trung Quốc và Belarus, còn các nền dân chủ tự do của phương Tây đã lỗi thời và xứng đáng bị lịch sử hủy diệt.

    Tại quốc gia ông thiêt lập chính phủ độc quyền và chuyên chế, dẹp bỏ phe đối lập. Ông phá hủy hầu như tất cả các phương tiện truyền thông điện tử độc lập và tạo ra một đế chế truyền thông nhà nước.

    Trong năm 2002, ông đã trải qua cuộc đảo chính 48-giờ, mà sau đó ông trở lại nắm quyền với sự giúp đỡ của các viên tướng trung thành, trong đó người quan trọng nhất bị ông đẩy ra khỏi quyền lực và sau đó bỏ tù.

    Ông để lại sau mình một sự trống trải và sợ hãi của những người ủng hộ, trong số đó không ai có thể có niềm đam mê và phổ biến như ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể nói là sự thành công của Tổng thống Chavez trong các kỳ tranh cử (ông chỉ thua trên toàn quốc có một lần) không phải là nhờ vào chính sách đối ngoại của ông.

      Điều này thể hiện rất rõ trong kỳ tranh cử tổng thống hồi tháng 10/2012, là khi ông thắng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập.

      Ông thắng nhờ các chính sách xã hội, điều giúp ông giành được sự trung thành từ lớp người nghèo nhất cũng như từ tầng lớp trung lưu.

      Nhưng các chính sách của chính phủ ông đã không xử lý được một số các vấn đề đang ngày càng gây nhiều quan ngại cho toàn bộ các thành phần trong xã hội.

      Đầu tiên là mức độ tội phạm chung tăng cao, thể hiện rõ nét nhất ở tỷ lệ các vụ giết người cực cao.

      Thứ nhì là mức độ lạm phát, vốn đã bị trầm trọng thêm do sự mất giá của đông nội tệ dẫu cho giá dầu thế giới tăng cao.

      Thứ ba là tình trạng tham nhũng trong chính quyền vẫn tiếp diễn, trong đó có cả các cáo buộc về nạn con ông cháu cha mà gia đình ông Chavez áp dụng, điều luôn bị bác bỏ.

      Và cuối cùng là vấn đề quản lý yếu kém các nguồn tài nguyên của đất nước do tình trạng chính trị hóa các công sở, hệ thống tư pháp và các doanh nghiệp quốc doanh.

      Bất kỳ ai lên thay thế ông Hugo Chavez, dầu là người từ chính đảng phái của ông hay từ phe đối lập, sẽ đều cần phải xử lý các vấn đề này. Nhưng họ sẽ làm mà không có được tính cách vốn đã giúp ông Chavez được yêu mến trong nhiều năm qua. Khi điều đó xảy ra, Venezuela sẽ bước sang một chương mới của nền lịch sử 200 năm của nước này.

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips