Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Ngày 12 tháng 3 sẽ bắt đầu bầu Giáo Hoàng

Ngày 07/3 Đức Hồng y Gioan-Baotixita Phạm Minh Mẫn (bên trái) Tổng Giám mục Saigon, vị Hồng y cuối cùng trong số 115 vị Hồng y được quyền bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng, đã có mặt tại Vatican...
Ngày 08/3 Hồng y đoàn đã quyết định ngày Mật Nghị bầu Giáo Hoàng sẽ là ngày thứ ba 12/3/2013

Vào sáng thứ Ba, 12.3.2013 tất cả các Hồng y (145 vị) sẽ cùng nhau dâng thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô và ban chiều chỉ có 115 Hồng y cử tri bước vào nhà nguyện nổi tiếng Sixtine để bắt đầu bầu cử Giáo Hoàng. Từ lúc này 115 Hồng Y sẽ bị tách ra khỏi thế giới bên ngoài: không điện thoại cầm tay, không Internet, không báo chí lẫn truyền thanh truyền hình.
Cuộc mật nghị kéo dài bao lâu là còn tùy thuộc vào số phiếu cần thiết. Tân Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội được đắc cử phải cần đến 2 phần 3 số phiếu được bầu – nghĩa là 77 phiếu.
Cuộc bầu cử được kéo dài qua nhiều vòng, không có thủ tục theo quy định nhưng trong một ngày có thể có đến 4 vòng bầu cử: buổi sáng 2 vòng và buổi chiều 2 vòng. Cuộc bầu cử có thể kéo dài trong nhiều ngày cho đến khi người đắc cử đạt được 2 phần 3 số phiếu.
Bên trong nhà nguyện Sistina - nơi Mật nghị bầu Giáo hoàng thứ 266
Mặc dù phỏng đoán đến đại lễ Phục Sinh 2013 sẽ có một Giáo Hoàng mới, nhưng về mặt lý thuyết có thể mất một thời gian dài hơn trong cuộc họp kín bầu Giáo Hoàng.
Theo thống kê được biết chưa có một mật nghị Hồng Y nào đã kéo dài hơn 5 ngày trong 100 năm qua. Năm 2005 mật nghị Hồng Y chỉ mất có 2 ngày để bầu cử cho Hồng Y Josef Ratzinger với tước hiệu Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.
Các hồng y bỏ phiếu trong khi xin Chúa Kitô làm chứng cho sự ngay thng của lương tâm của họ. Họ bầu phiếu dưới bức họa Ngày Cánh Chung do họa sĩ Michael-Angelo thực hiện.
Ngày 08/3 các Hồng Y cũng đã rút thăm để lấy phòng tại Nhà trọ thánh Marta trong nội thành Vatican, nơi các vị cư ngụ trong thời gian mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các Hồng y có thể dọn vào nhà này từ lúc 7 giờ sáng thứ ba, 12-3-2013. Thời khóa biểu của mật nghị:
- 15g45 chiều ngày thứ ba, 12-3-2013, các HY sẽ rời nhà trọ thánh Marta tới dinh Tông Tòa.
- 16g30 các vị sẽ đi rước từ nhà nguyện Paolina đến nhà nguyện Sistina. Tại đây, lúc 16g45, có nghị thức tuyên thệ, vị trưởng nghi sẽ tuyên bố ”Extra omnes!” Tất cả những người không phải HY cử tri phải ra ngoài!
- Các HY sẽ nghe bài suy niệm do ĐHY Prospero Grech, 88 người Malta, trình bày và sẽ bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng.
- Tiếp đến, các HY đọc Kinh chiều và 19g30 sẽ trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 8 giờ.
Trong những ngày mật nghị bầu Giáo Hoàng:
- Tại nhà trọ thánh Marta, các HY có thể dùng bữa sáng từ 6g30. Rồi 7g45 đi tới dinh Tông Tòa để đồng tế thánh lễ lúc 8g15 tại Nhà nguyện Paolina.
- 9g30 các HY đi vào nhà nguyện Sistina, nguyện kinh và bắt đầu bỏ phiếu. Có hai lần bỏ phiếu ban sáng.
- 12g30 các HY trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa trưa lúc 13 giờ.
- Lúc 16g00 các HY trở lại nhà nguyện Sistina để bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 16g50. Có hai lần bỏ phiếu ban chiều.
- 19g15 các HY nguyện kinh chiều tại nhà nguyện Sistina rồi 19g30 trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 20 giờ.
Việc đốt phiếu để có khói báo cho dân chúng được thực hiện sau lần bỏ phiếu chót ban sáng (khoảng 12g00) và ban chiều (khoảng 19 giờ). Nếu có kết quả sau lần bỏ phiếu thứ I ban sáng thì khoảng 10g30 và sau lần bỏ phiếu thứ I ban chiều thì khoảng 17g30.
Việc thiết trí ống khói nổi danh trên mái nhà nguyện Sixtine đã được thực hiện và được trực tiếp truyền hình hôm 09/3. Ống dẫn kéo dài từ mái nhà nguyện Sixtine vào bên trong bằng một ống đồng nối với hai lò đốt: từ đó sẽ xuất phát khói đen (chưa có kết quả bầu cử) hay khói trắng (việc bầu cử đã hoàn tất).
Người ta cho thêm những chất làm cho có mầu vào một chiếc lò thứ hai và cũng nối liền với ống đồng để không có sự nghi ngờ gì về mầu của làn khói.
Hệ thống ống khói này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1939, đến nay nó đã trải qua 6 lần "truyền tin" cho toàn thế giới biết "đã có Tân Giáo hoàng" (1939/1958/1963/1978 hai lần/2005)
Tham khảo thêm:
Các đời Giáo hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips