Hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi, người từ lâu là biểu tượng ở trong và ngoài nước của cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Miến Điện, đã bắt đầu bị xói mòn. Nguyên do có lẽ bắt nguồn từ lập trường của bà về các xung đột sắc tộc và thái độ gần gũi của bà với giới quân đội.
Ngày 14/03/2013, Aung San Suu Kyi đã bị dân làng ở miền trung Miến Điện la ó khi bà đến nơi để giới thiệu một bản báo cáo của Quốc hội, ủng hộ việc tiếp tục đề án đầu tư gây tranh cãi của Trung Quốc vào một mỏ đồng gần thị trấn Monywa.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus phụ trách khu vực đã nêu bật một số yếu tố đã dẫn đến những lời chỉ trích gần đây nhắm vào lãnh tụ đối lập Miến Điện:
Arnaud Dubus: Yếu tố đã bắt đầu làm tổn hại hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi là sự im lặng của bà trên vấn đề người Rohingya. Sắc dân theo Hồi giáo này cư ngụ tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện. Họ là nạn nhân của tình trạng bạo lực sắc tộc bùng lên hồi tháng Sáu năm 2012. Hơn 100.000 người Rohingya đã phải bỏ làng mạc của mình để đến tỵ nạn trong các trại tạm cư hết sức thiếu vệ sinh.
Hàng trăm ngôi làng đã bị đốt cháy, hàng ngàn người Rohingya đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện trên những chiếc thuyền mong manh (ảnh trên) để qua Malaysia lánh nạn, thế nhưng bà Aung San Suu Kyi chỉ nói duy nhất một điều: Vấn đề phải được giải quyết bằng việc áp dụng các quy định của pháp luật. Do vậy, nhiều người trong giới trí thức Miến Điện đã phê phán bà là đã không có khả năng, trong tư cách một chính khách, trình bày rõ quan điểm chính trị của mình về một vấn đề quan trọng như vậy đối với đất nước.
Aung San Suu Kyi sử dụng ống nhòm để quan sát mỏ đồng Letpadaung tại Monywa, cách Yangon 760 km hôn Thứ Năm 14/3/2013 |
Sự cố hôm 14/03/2013 gần mỏ đồng Monywa cho thấy là thái độ bất mãn đối với bà Aung San Suu Kyi cũng đã lan xuống các tầng lớp bình dân. Hình ảnh của vụ trực diện giữa lãnh tụ đối lập với người dân rất đáng kinh ngạc. Người ta thấy dân làng la ó và giơ nắm đấm về phía một Aung San Suu Kyi có dấu hiệu rất hoang mang, không biết phải làm gì.
Sau cùng, các dân tộc thiểu số tại Miến Điện dường như cũng đã mất niềm tin vào bà Aung San Suu Kyi. Một ví dụ cụ thể : Lực lượng Kachin, sắc dân thiểu số cuối cùng còn tiếp tục đấu tranh chống chính quyền, đã cho biết họ không muốn bà Aung San Suu Kyi can dự vào các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình.
Dân làng đã bất bình khi bà khuyên họ hãy chấp nhận dự án vì lợi ích của quốc gia |
RFI: Phải chăng có thể nói là trong một chừng mực nào đó, Aung San Suu Kyi là nạn nhân của danh tiếng biểu tượng đấu tranh ủng hộ dân chủ của bà?
Arnaud Dubus: Vâng, quả đúng là như vậy. Khi Aung San Suu Kyi, con gái của anh hùng dân tộc Miến Điện Aung San, được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1991, bà đã được người ta tô điểm bằng mọi đức tính: Làm việc có hiệu quả, biết nhìn xa trông rộng, thông minh tài trí… Bà đã được tôn lên thành một vị thánh sống, và cộng đồng quốc tế cùng với các phương tiện truyền thông nước ngoài đã góp phần đặt bà lên bệ thần tượng.
Từ khi được bầu vào Quốc hội, người ta đã ngạc nhiên khi thấy rằng cũng như mọi người bình thường khác, Aung San Suu Kyi cũng có những điểm yếu và điểm mạnh. Nhưng quan trọng hơn cả là người ta đã thấy rõ một điều đã từng bộc lộ trước đó: Lãnh tụ đối lập Miến Điện không có kinh nghiệm chính trị trong hệ thống Miến Điện.
Bà đã can đảm đối đầu với chế độ quân sự, bị giam giữ trong gần hai mươi năm, nhưng lại không có kinh nghiệm chính trị thực tế. Aung San Suu Kyi xuất thân từ một tầng lớp được ưu đãi ở Miến Điện vốn không thực sự gần gụi với những người dân thấp cổ bé miệng bên dưới.
Ngoài ra còn có vấn đề cá tính mỗi người. Aung San Suu Kyi không hề tha thứ cho các đảng đối lập khác đã tham gia vào cuộc bầu cử hồi tháng 11/2010 mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà đã tẩy chay. Bà đã có thái độ coi khinh lãnh đạo các đảng đối lập khác, cho dù đảng của bà rốt cuộc cũng đã đồng ý tham gia cuộc bầu cử vào đầu năm 2012.
RFI: Anh có cho rằng lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên giữ vai trò của một lãnh tụ đoàn kết dân tộc thay vì dấn thân vào nghị trường Miến Điện như vậy hay không?
Arnaud Dubus: Đúng vậy. Lẽ ra bà có thể trở thành một lãnh tụ dân tộc vĩ đại, tương tự như ông Nelson Mandela ở Nam Phi hoặc Xanana Gusmao ở Đông Timor. Khi trở thành một dân biểu và việc tham gia vào các hoạt động chính trị đảng, bà đã làm mất hình ảnh của một con người có thể đoàn kết mọi thành phần. Bà đã trở thành một bộ phận của hệ thống, và đó là lý do tại sao dân làng ở Monywa không còn muốn nghe bà nữa.
Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, rất có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015. Thế nhưng, nghịch lý là điều đó có thể dẫn đến sự hình thành của một chính phủ yếu kém, đứng đầu là một lãnh đạo mà không ai trong chính phủ dám phản đối.
Trên nguyên tắc, đại hội gần đây của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ phải cho phép khởi động tiến trình cải tổ sao cho đảng này có được tầm cỡ đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Nhưng nếu căn cứ vào diễn tiến của đại hội đó, ta hoàn toàn có thể nghi ngờ về việc tiến trình chuyển đổi đã thực sự bắt đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét