Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Hài vãi...

Thêm một vở hài không lạ ở một đất nước có quá nhiều tên khùng đang ngồi ghế lãnh đạo
Lời bình trên basam:
- Việt Nam sẽ không còn người khùng nữa, vì mấy quan chức ở Bộ GDĐT giành hết phần khùng rồi. Không tin hả? Xem thông tư này sẽ rõ: Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy (MOET). Thông tư này bổ sung đối tượng ưu tiên thi đại học là: “Bà mẹ VN anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945“.
Cứ cho là 10 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng đi, thì những người này trẻ nhất cũng phải sinh năm 1935, nghĩa là ít nhất cũng đã 78 tuổi. Giả sử thi đại học đậu ngay, học tiếp 4 năm (cứ cho là sức học của họ như thanh niên, học đúng 4 năm ra trường, không bị lưu ban), thì học xong ĐH cũng đã 82 tuổi. Tốt nghiệp xong, mang bằng đi xin việc dưới diêm vương? Hay là các cụ học để lấy kiến thức, biết đâu xuống dưới đó được diêm vương ưu tiên (thêm 1 lần nữa), người uyên bác sẽ cho đi đầu thai sớm hơn? – Thi đại học: Ưu tiên …Bà mẹ Việt Nam anh hùng! (TP). “Thông tư do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký cho biết, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/ 8 /2013“. – Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng… thi đại học (TT).

3 nhận xét:

  1. - Đố ông bà chú bác anh chị nam phụ lão ấu nào của nước Nam ta không phì cười trước cái tin các bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được cộng điểm khi đi thi đại học!!!
    - Cái sự cộng điểm tri thức làm chính sách lâu nay đã buồn cười rồi (nó là nguyên nhân ban đầu sinh ra hệ tại chức mà bây giờ đang bị tẩy chay đấy), nhưng đến cái cách mà tuyên bố cộng điểm cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng để đi thi đại học thì nó trời ơi đất hỡi đến mức không thể tả được. Đành rằng qua đó khoe được với thế giới là nhân dân VN ham học, nhưng đến mức 70, 80 tuổi vẫn đi thi đại học thì cả nền bi hài kịch của Anh và Pháp cộng lại cũng vẫn thua Bộ Giáo dục Việt Nam thôi...
    - Cứ đà này các "bố" có khi còn ra văn bản cộng thêm 3 điểm ưu tiên cho liệt sỹ đi thi đại học mất.
    VĂN CÔNG HÙNG

    Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng chưa phải vấn đề quan trọng nhất
    Mọi người cười cái quy định cộng thêm điểm ưu tiên cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng khi đi thi đại học dữ quá, chắc Bộ Giáo dục & Đào tạo và người soạn cái thông tư này ắt phải có đôi chút xấu hổ.
    Nhưng mọi người bỏ qua điểm quan trọng nhất: cho đến bây giờ mà Bộ Giáo dục & Đào tạo còn chủ trương cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng khi tổ chức thi tuyển vào đại học là điều hết sức lạc hậu, phi lý, nguy hiểm và có hại về lâu về dài.
    Bộ hoàn toàn có thể đề nghị Chính phủ cấp ngân sách để ưu tiên cho các đối tượng này (như con liệt sĩ, thương binh, người có công…) trong việc nhận học bổng, được ở nội trú, được cấp phương tiện học hành… Nhưng cộng thêm điểm thì Bộ không có quyền bởi điểm đâu phải của Bộ đâu mà tự tiện cho mình cái quyền cộng thêm điểm cho bất kỳ ai.
    Điểm là công sức làm bài thi của thí sinh, điểm là của thí sinh tạo ra, không ai có quyền trao điểm khống cho bất kỳ ai.
    Các trường sẽ đào tạo phải có quyền tuyển được sinh viên giỏi nhất, vì sao Bộ ép họ phải nhận người học kém hơn bạn bè đồng lứa đến cả 2 điểm? Giả thử một kỹ sư hay một bác sĩ được ưu tiên như thế này ra trường và vì kiến thức còn kém hơn bạn bè đồng môn (do điểm thấp hơn nhưng nhờ được ưu tiên nên vẫn được tuyển vào) rồi gây ra sai sót chuyên môn thì ai chịu trách nhiệm. Một người được ưu tiên, vào đại học, cũng xoay xở ra trường, được ưu tiên cho vào điều hành nhà máy điện nguyên tử sau này – thôi không dám tưởng tượng tiếp nữa.
    Tại sao một điều ai cũng thấy, lại dễ tìm được sự đồng thuận như thế mà vẫn kéo dài hàng mấy chục năm vẫn không sửa đổi. Nay lại bổ sung thêm bà mẹ anh hùng nữa!
    NGUYỄN VẠN PHÚ

    A-zít-nê-xin chết sặc vì ...cười
    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã ký Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ban hành ngày 4-7, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19-8-2013. Không khó để thấy được chất hài trong Thông tư này: Ít nhất có 2 đối tượng dự thi đại học (hi hữu thuộc hàng kỷ lục thế giới) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước 01-01-1945 sẽ thuộc đối tiện ưu tiên. Có lẽ các nhà soạn thảo Thông tư đã cẩn thận để khép kín các khả năng thi đại học nên mới bổ sung 2 đối tượng này. Cứ cho là về ý chí, các mẹ thừa sức muốn đi thi cùng cháu con; nhưng, thử nhìn vào các điều kiện thực tế thì có mẹ nào có thể dự thi (tuổi tác, sức khỏe, điều kiện học vấn…).
    Người soạn thảo, người ký Thông tư và cả những người đã để cho Thông tư này ban hành, hãy sờ trán xem có nóng không? Không phải chỉ “hâm”, “hấp” mà đã là “điên”, nên tự nguyện rời khỏi vị trí làm việc mà về nghỉ, vừa che được mặt lại dưỡng được thân.
    TRẦN NHƯƠNG

    Trả lờiXóa
  2. Mới đọc những tiêu đề: Bà mẹ Anh hùng được cộng điểm thi đại học, tưởng đâu chỉ là lỗi cấu trúc ngữ pháp của các biên tập viên, ai ngờ đó là nội dung thật.

    Câu chuyện tưởng đùa, đã được đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, giải thích rõ ràng: 'Cộng điểm cho bà mẹ anh hùng là phù hợp'.

    Ông Khôi cũng giải thích rõ ràng hơn: Bà mẹ Anh hùng giờ không chỉ là những bà mẹ 80 tuổi, 90 tuổi mà bây giờ theo quy định mới người mẹ có con duy nhất đi bộ đội hy sinh thì cũng được Nhà nước xem xét phong là Bà mẹ Anh hùng, nghĩa là những bà mẹ thời nay có con hy sinh cũng thuộc diện ưu tiên. Mặt khác, các quy chế tuyển sinh không có quy định hạn chế tuổi để mọi người được học suốt đời.

    Nếu đề xuất mới đầu gây shock, thì giải thích của ông Khôi càng gây choáng hơn. "Thời nay" là thời nào? Cứ cho là thời nay chúng ta vẫn có những người hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và xây dựng - sản xuất. (Cứ cho là) đó là một đề xuất thể hiện sự nhân văn, biết ơn, thì thử nhẩm tính: tuổi thấp nhất để đi bộ đội là 18, (cứ cho là) anh bộ đội (con duy nhất) đó hy sinh năm đầu tiên (18) và được phong liệt sỹ, mẹ của anh thành bà mẹ anh hùng ngay trong năm. Lại (cứ cho là) mẹ anh sinh con ngay ở tuổi pháp luật cho phép (18), tức là tuổi tối thiểu một Bà mẹ anh hùng (thời nay) phải là 36.

    Theo ông Khôi nói rõ: các quy chế tuyển sinh không có quy định hạn chế tuổi để mọi người được học suốt đời, nghĩa là Bà mẹ anh hùng hoàn toàn có điều kiện đi học đại học, và việc cộng điểm là hợp lý.

    Có thực sự vậy không? Sau khi kết thúc chương trình học phổ thông khi (gần) 18 tuổi, các thí sinh đều phải thi đại học ngay, nếu không được thì trong cả năm tiếp theo phải tiếp tục ôn luyện để thi lại. Nếu không, những kiến thức sẽ mai một, và khi ra trường thời gian làm việc cống hiến sẽ bị chậm lại. Trên thực tế, có ai chờ đến khi 38 tuổi để thi đại học không? Ngay cả khi được cộng hai điểm, thì họ có đáp ứng được không?

    (Cứ cho là) họ thi được, cầm bằng tốt nghiệp ra trường, người tuyển dụng sẽ chấp nhận một sinh viên tốt nghiệp tuổi già và chưa có kinh nghiệm làm việc như họ không...vv..

    Những yếu tố được coi là "nhân văn" đó, càng phân tích càng thấy không thực tế. Đến mức phi lý..

    Trong khi đối tượng chính của chủ trương này không phải những nhân vật (giả định) ở trên, mà hầu hết là những con người có thật. Họ là ai? Là những người:

    - Có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; Có hai con mà cả hai con là liệt sĩ, hoặc chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ; Có ba con trở lên là liệt sĩ; Có một con là liệt sĩ, chồng và bản thân là liệt sĩ.

    Nghĩa là những đối tượng hầu hết là cô đơn, vì chồng/con các mẹ đã hy sinh. Nếu tính chính xác, chiến tranh chống Mỹ kết thúc năm 1975 đến 2013 = 38 năm + 36 tuổi = 74, là tuổi Bà mẹ anh hùng trẻ nhất của thời chống Mỹ, thời chống Pháp thì nhiều hơn, nhiều cụ đã mất. Vậy đây có phải đối tượng Bộ giáo dục muốn nhắm đến không?

    Một khía cạnh khác: khi đề cập đến chuyện "nhân văn" "mọi người được đi học suốt đời", những người soạn thảo có nhớ rằng trong thời chiến tranh, có những ai được đi học? Trong khi các Bà mẹ anh hùng hầu hết xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, hầu hết họ chưa bao giờ có cơ hội đến trường, không còn cơ hội sống hạnh phúc bên chồng con. Đặt vấn đề "thi đại học" với các cụ, có phải tàn nhẫn?

    Tôi vẫn cho rằng, chắc chắn không ai nỡ trêu chọc các Bà mẹ anh hùng, nhưng đây hẳn là một "lỗi đánh máy" vô cùng nghiêm trọng...

    Theo quan điểm riêng của người viết, đề xuất này chính xác phải là; cộng điểm thi đại học cho người trực tiếp phụng dưỡng Bà mẹ anh hùng. Vì trên thực tế, con của các Bà mẹ anh hùng (nếu còn) cũng cỡ 60 - 70 tuổi, nếu là cháu thì cháu thế nào? mấy đời? Phải là người trực tiếp phụng dưỡng các mẹ, bất luận người đó có phải con cháu họ hay không. Tôi cho là vậy.

    Chỉ mong rằng, khi những việc ồn ào này đến tai các mẹ, các mẹ không ngạc nhiên choáng váng như dư luận, chỉ hỏi: các con đùa phải không?
    HOÀNG HƯỜNG

    Trả lờiXóa
  3. Thêm một thông tư được ban hành với những quy định mà dư luận không hiểu những người biên soạn có để tâm đến công việc, hay chỉ là những cái máy. Nói là máy móc bởi vì những quy định của thông tư này căn cứ vào quy định của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Người ta đã “bê” nguyên xi, “rập khuôn” các quy định, nhưng không suy nghĩ đến khả năng thụ hưởng chính sách của đối tượng.

    Với bà mẹ Việt Nam anh hùng hay những người tham gia cách mạng trước năm 1945 cho đến tháng 8.1945 có nhiều nhu cầu được hỗ trợ trong đời sống, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhưng chắc chắn không ai có nhu cầu thi đại học.

    Bà mẹ Việt Nam anh hùng phần lớn tuổi đã quá cao, già yếu, bệnh tật, làm sao có thể đi thi đại học. Trước khi ban hành thông tư này, Bộ GDĐT chỉ cần làm một động tác nhỏ, đó là tìm hiểu xem hiện nay có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tuổi thấp nhất là bao nhiêu và xem có bà mẹ nào học hết cấp 3, các mẹ có nhu cầu đi thi đại học hay không.

    Tương tự như vậy, có thể kiểm tra thông tin để biết có bao nhiêu người hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 đến tháng 8.1945 còn sống, tuổi thấp nhất là bao nhiêu, có nhu cầu và khả năng thi đại học hay không. Nếu tính nhẩm thôi, sớm nhất cũng 15-17 tuổi họ mới đi làm cách mạng, thì tính tới mùa thi năm 2014- khi quy định ưu tiên của thông tư được áp dụng, thì người còn sống cũng khoảng 90 tuổi trở lên. Với tuổi tác này, đi đứng còn khó nhọc, nói chi đi thi đại học.

    Các quy định vừa phân tích trên mặc dù phù hợp với Nghị định số 31, nhưng bất hợp lý khi áp dụng vào đời sống, không khoa học vì thiếu tính thực tiễn, thậm chí có phần không nghiêm túc trong một quy định tỏ ra rất nghiêm túc. Đưa bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người làm cách mạng tuổi đến khoảng 100 vào đối tượng đi thi đại học để cộng 2 điểm ưu tiên thì quả thực rất không nghiêm túc.
    LAO ĐỘNG

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips