Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Quản giáo nhà tù Cộng sản Rumani sẽ bị xét xử

Những nạn nhân và tranh vẽ cảnh tra tấn trong các nhà tù cộng sản ở Rumani
Hơn 20 năm sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ tại Rumani, các quản giáo nhà tù giam giữ tù chính trị có thể sẽ bị đem ra xét xử về những tội ác mà họ đã gây ra trước đây. Theo hãng tin AP, vào tuần tới, danh sách 35 viên quản giáo thời Cộng sản (nay ở độ tuổi 80 và 90) sẽ được trao cho nhà chức trách Rumani và những người này có thể sẽ bị truy tố bởi một cơ quan của chính phủ đặc trách điều tra về những tội ác thời Cộng sản.

Ảnh những nạn nhân trong ngục tù cộng sản được trưng bày ở Bucharest, Romania, ngày 09 Tháng 5 năm 2013, trong một buổi lễ tưởng niệm cho các nạn nhân của chế độ cộng sản
Theo thống kê, trong tổng số 617 ngàn tù chính trị ở Rumani thời Cộng sản, đã có đến 120 ngàn người chết trong các trại giam. Các tù nhân bao gồm những chính khách, linh mục, nông dân, nhà văn, nhà ngoại giao và cả những trẻ em 11 tuổi. Đa số những người sống sót từ ngục tù trở về nay đều đã chết mà không nhìn thấy công lý được thực thi.
Nhưng nay những cựu tù còn sống (tổng cộng khoảng 2800 người) có chút hy vọng, bởi vì Viện Điều tra về Tội ác Cộng sản và Tưởng niệm người Rumani lưu đày vừa bắt đầu điều tra những tố cáo liên quan đến 35 viên quản giáo nói trên và những tội ác khác thời Cộng sản ở Rumani.
Cựu tù chính trị Emilian Mihailescu, về thăm lại nơi giam giữ mình tại nhà tù Jilava, Romania, ngày 23 tháng tư năm 2013
Viện điều tra này do thủ tướng thuộc đảng Tự do Calin Popescu Tariceanu lập ra vào năm 2006. Nhưng chỉ khi đảng Tự do trở lại nắm quyền trong một chính phủ liên minh vào năm ngoái, viện này mới bắt đầu thật sự điều tra về những tội ác vào thời thập niên 1950-1960, thời kỳ đen tối nhất của Rumani dưới chế độ Cộng sản, cùng với việc Bộ Nội vụ (do đảng Tự do nắm giữ) cung cấp tên tuổi và địa chỉ của những tội phạm Cộng sản.
Giống như những nước khác trong khối Hiệp ước Vacxava, Rumani đã gạt bỏ các lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ Cộng sản trong cuộc cách mạng năm 1989. Nhưng ngoài nhà cựu độc tài Nicolae Ceausescu và vợ là Elena đã bị hành quyết ngay lúc đó, rất ít cựu lãnh đạo cao cấp nào của Rumani bị trừng trị.
Sau nhiều thập niên chối bỏ, các chi tiết về những tên quản giáo man rợ hành hạ tù chính trị bắt đầu được công bố. Trong các trại giam tù chính trị thời Cộng sản, nhiều tù nhân đã bị bỏ đói cho đến chết, hoặc chết vì thiếu chăm sóc y tế. Các quản giáo thường phạt tù nhân bằng cách bắt họ ăn phân người, biệt giam họ trong nhiều ngày và buộc họ mang những vật rất nặng đến mức kiệt sức ngã xuống. Chưa kể đến những màn dập cửa vào ngón tay hay dí thuốc lá vào người tù nhân.
Ông Caius Mutiu (ảnh trên), một cựu tù chính trị 79 tuổi, bị giam tổng cộng 8 năm tù vì đã tham gia cuộc biểu tình ủng hộ nhân dân Hungary nổi dậy chống Liên Xô năm 1956. Ông kể lại là có lần một viên quản giáo đã dọa bắn chết ông, vì làm việc quá nặng đến ngã xuống. Ông bị biệt giam trong hai tuần, phải ngủ ngay trên nền nhà, chỉ được ăn toàn rau với khoai.
Ra điều trần trước Viện Điều tra về Tội ác Cộng sản, ông Mutiu nói rằng, «đưa những người còn sống ra tòa là đúng, bởi vì như vậy lịch sử sẽ ghi họ là những tên tội phạm». Đối với giám đốc điều hành Viện Điều tra Tội ác Cộng sản, Andrei Muraru, những kẻ đã gây quá nhiều tội ác nay phải trả nợ, cho dù họ đã 80 hay 90 tuổi, bởi vì không thể xóa bỏ trách nhiệm của họ.
Theo giải thích của ông Marius Oprea, giám đốc đầu tiên của Viện Điều tra Tội ác Cộng sản, sở dĩ cho tới nay Rumani ngần ngại trong việc thanh toán quá khứ là vì nhiều cựu lãnh đạo chế độ cũ vẫn còn tại chức sau năm 1989. Đảng Cộng sản không còn nữa, nhưng ở Rumani vẫn còn những người Cộng sản. Securitate không còn nữa, nhưng các cựu nhân viên cơ quan mật vụ khét tiếng này vẫn còn đó. (RFI)
Vợ chồng tên độc tài Ceausescu bị hành quyết
Bài cũ:
- (Hungary triệt tận gốc tàn dư cộng sản)
- (Cựu mật vụ Tiệp Khắc 22 năm vẫn bị truy tố)

Vở kịch "Những giờ cuối cùng của Elena Nicolae Ceausescu" được dàn dựng nhân kỷ niệm 20 năm cuộc nổi dậy chống lại chế độ Ceauşescu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips